Vì sao ăn dứa giúp tiêu hóa tốt?
Không chỉ giàu vitamin và khoáng chất mà quả dứa còn chứa một loại enzyme đặc biệt. Loại enzyme này có tác dụng gì? Vì sao khi bị đầy bụng, khó tiêu bạn nên ăn dứa?
1. Lợi ích sức khỏe khi ăn dứa
Dứa là loại trái cây mùa hè thơm ngọt và có giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt là các vitamin và khoáng chất như: vitamin A, B6, C, K, mangan, thiamine, choline, canxi, phốt pho, kẽm…
Về thành phần dinh dưỡng, trong một cốc dứa (khoảng 165g) chứa khoảng:
82,5 calo 21,6g carbohydrate 0,9g protein 2,3g chất xơ 0,2g chất béo 78,9 mg vitamin C 0,2 mg vitamin B6 29,7 microgam folate 19,8 mg magie 180 mg kali 0,1 mg thiamine 0,2 mg đồng 1,5 mg mangan
Hàm lượng vitamin C cao trong dứa có vai trò duy trì sức khỏe của các mô liên kết và tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Nước ép dứa cũng là nguồn cung cấp beta-carotene và vitamin A tuyệt vời. Những chất chống oxy hóa này thúc đẩy làn da khỏe mạnh, giúp chữa lành vết thương và hỗ trợ ngăn ngừa lão hóa da sớm.
2. Dứa hỗ trợ tiêu hóa như thế nào?
Không chỉ giàu vitamin và khoáng chất, trong quả dứa còn chứa một loại enzyme đặc biệt có lợi cho sức khỏe tiêu hóa, đó là bromelain. Bromelain là một loại enzyme đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ để điều trị nhiều loại bệnh. Trong lịch sử, người bản địa ở Trung và Nam Mỹ đã sử dụng dứa để chữa bệnh như rối loạn tiêu hóa. Nghiên cứu hiện đại cũng đã nghiên cứu tác dụng của bromelain trong dứa đối với sức khỏe con người.
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, bromelain là một loại enzyme được gọi là enzyme phân giải protein. Nó được tìm thấy trong nước ép dứa và trong thân dứa.
Bromelain khiến cơ thể tạo ra các chất chống đau và sưng tấy. Bromelain cũng chứa các hóa chất dường như can thiệp vào tế bào khối u và làm chậm quá trình đông máu. Người ta sử dụng bromelain để điều trị đau nhức cơ, bỏng, sỏi thận và một số tình trạng sức khỏe khác.
Do enzyme bromelain trong dứa giúp phân hủy protein trong ruột nên nó có thể giúp giảm táo bón, đầy hơi và khó tiêu. Bromelain cũng có đặc tính kháng khuẩn giúp bảo vệ đường ruột khỏi vi khuẩn gây tiêu chảy như như E.coli và giảm viêm ruột.
Hơn nữa, bromelain có tác dụng phá vỡ các protein cứng của thịt. Đó là lý do tại sao nó thường được sử dụng làm chất làm mềm thịt trong các sản phẩm thương mại.
Khi nấu ăn, nhiều người cũng thường kết hợp dứa nấu với thịt, hoặc ướp dứa với thịt trước khi chế biến, sẽ làm cho thịt mềm, nấu ngon hơn và ăn dễ tiêu hơn. Dùng dứa tráng miệng sau bữa ăn cũng mang lại cảm giác tiêu hóa dễ chịu.
3. Cách ăn dứa an toàn tốt cho tiêu hóa
Bạn nên ăn dứa chín, chọn quả tươi còn nguyên vẹn, gọt bỏ sạch vỏ và mắt. Không nên ăn quá nhiều hoặc uống quá nhiều nước ép dứa để tránh tiêu thụ nhiều đường. Chỉ nên uống một ly nước ép dứa mỗi ngày là vừa đủ và không thêm đường.
Cần lưu ý, ngoài các phản ứng dị ứng, bromelain có thể gây ra tác dụng phụ về đường tiêu hóa ở một số người như tiêu chảy và đau bụng. Những tác dụng phụ này là do không dung nạp thực phẩm chứ không phải dị ứng thực phẩm.
Một số tác dụng phụ của bromelain đã được báo cáo trong các nghiên cứu. Các tác dụng phụ được báo cáo phổ biến nhất là khó chịu ở dạ dày và tiêu chảy. Phản ứng dị ứng có thể xảy ra ở những người nhạy cảm hoặc dị ứng với dứa hoặc những người bị dị ứng khác. Ngoài ra, bromelain có thể tương tác với một số loại thuốc như thuốc kháng sinh amoxicillin.
Không nên ăn dứa khi đói vì các acid hữu cơ của dứa và bromelain tác động mạnh vào dạ dày, ruột, gây nôn nao khó chịu.
Đối với người có vấn đề về dạ dày, tiêu thụ nhiều dứa có thể gây buồn nôn, tiêu chảy hoặc ợ chua. Tính acid của dứa cũng có thể làm tăng triệu chứng ợ nóng ở những người mắc bệnh trào ngược dạ dày - thực quản.