Nghệ An: Gia tăng áp lực trường lớp vì tăng học sinh trong năm học mới

Mỹ Hà 08/05/2024 11:03

(Baonghean.vn) - Thời điểm này, các địa phương và các nhà trường vừa hoàn thành việc xây dựng kế hoạch năm học 2024 – 2025 và chuẩn bị các phương án về cơ sở vật chất, bố trí đội ngũ giáo viên. Năm tới, số học sinh tăng và số lớp tăng cũng ảnh hưởng khá nhiều đến việc triển khai thực hiện.

Áp lực tăng lớp

Trường THPT Hoàng Mai 2 là một trong 2 trường công lập đóng trên địa bàn thị xã Hoàng Mai. Năm nay, trường bước sang tuổi thứ 8 và cũng từng ấy năm nhà trường phải thuê mượn nên điều kiện cơ sở vật chất của trường còn nhiều khó khăn. Những năm qua, quy mô của trường là 30 lớp nhưng thực chất trường chỉ có 25 phòng. 3 năm trở lại đây, học sinh của trường đã học 2 ca gồm sáng và chiều.

Năm học này, theo kế hoạch của trường vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, số lớp 10 sẽ tăng từ 8 lớp lên 10 lớp. Chỉ tiêu ở mỗi lớp cũng sẽ tăng 3 em. Việc tăng lớp 10 ở thị xã Hoàng Mai là điều cấp thiết, bởi năm học này thị xã có hơn 2.000 học sinh lớp 9. Tuy nhiên, chỉ tiêu vào các trường công lập ở thị xã chỉ khoảng 1.000 em.

Giờ học của học sinh Trường THPT Hoàng Mai 2.JPG
Giờ học của học sinh Trường THPT Hoàng Mai 2. Ảnh: Mỹ Hà

Thị xã Hoàng Mai là địa phương duy nhất không có trường ngoài công lập, không có trung tâm giáo dục thường xuyên. Với việc tăng lớp này, trong bối cảnh hiện nay, việc bố trí cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên ở Trường THPT Hoàng Mai 2 sẽ có thêm những khó khăn nhất định.

Nói thêm về điều này, thầy giáo Nguyễn Xuân Bài – Phó Hiệu trưởng cho biết: Chúng tôi có ít nhất 3 khó khăn, thứ nhất là về cơ sở vật chất. Những năm trước, nếu học 2 ca, trường chúng tôi chỉ dư mỗi buổi học 5 phòng và dù có sắp xếp khoa học thì cố gắng mỗi tuần mỗi lớp chỉ học thêm được 3 buổi. Trong khi đó, còn nhiều hoạt động khác như bồi dưỡng học sinh giỏi, các hoạt động ngoài giờ. Ngoài ra, do học cả ngày nên các hoạt động họp chuyên môn của trường đều phải diễn ra vào buổi tối hoặc Chủ nhật. Đội ngũ giáo viên của chúng tôi hiện cũng thiếu trầm trọng với 9 giáo viên, vừa thiếu theo quy định, vừa thiếu ở một số môn đặc thù.

Học sinh Trường THPT Hoàng Mai 2.JPG
Học sinh Trường THPT Hoàng Mai 2. Ảnh: Mỹ Hà

Đặc biệt như ở trường chúng tôi, do đầu vào học sinh không cao nên đa phần các em đều lựa chọn môn tự chọn là môn Khoa học xã hội. Vì thế, các giáo viên ở bộ môn này dạy kín lịch, thừa tiết. Trong khi đó, giáo viên bộ môn Khoa học tự nhiên lại phải bố trí thêm các môn học khác để đảm bảo dạy đủ số tiết. Nhà trường còn lo ngại, với vùng tuyển sinh thấp, nếu tăng lớp, chất lượng tuyển sinh sẽ giảm.

Năm học tới, 3 trường công lập trên địa bàn thành phố Vinh là THPT Hà Huy Tập, THPT Lê Viết Thuật và THPT Huỳnh Thúc Kháng, mỗi trường cũng sẽ tăng thêm 3 lớp. Trong điều kiện chưa kịp bổ sung biên chế giáo viên, việc tăng lớp cũng sẽ dẫn đến rất nhiều khó khăn.

Việc tăng học sinh trên địa bàn thành phố Vinh không chỉ gây khó khăn cho học sinh mà cho cả các nhà trường. Theo quy hoạch phát triển, trước đây nhà trường xây dựng ổn định với 45 lớp. Tuy nhiên từ năm học 2022 – 2023, trường đã phát triển lên 47 lớp (trong đó gồm các lớp tiên tiến).

Ngoài áp lực cơ sở vật chất, điều khó khăn nhất của nhà trường đó là thiếu giáo viên. Hiện trường chúng tôi đang thiếu 8 giáo viên nhưng chưa được bổ sung. Theo tôi, với đà tăng hiện nay thì số phòng học của trường sẽ không đảm bảo, nhất là các phòng chức năng để đáp ứng việc dạy học theo chương trình mới. Nhà trường cũng cần bổ sung đội ngũ giáo viên và ngân sách để đáp ứng được yêu cầu giảng dạy.

Thầy giáo Cao Thanh Bảo – Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh)

Khó sắp xếp bố trí

Chưa năm nào Trường THCS Nghi Kim - thành phố Vinh gặp khó khăn như năm học 2023 – 2024, nhất là trong việc bố trí giáo viên. Trước đó, thời điểm đầu năm học mới, dù thiếu giáo viên trầm trọng nhưng sát ngày tựu trường, việc tuyển giáo viên hợp đồng của trường vẫn rất vất vả, nhiều môn học không tuyển đủ.

Thực tế hiện nay, nhà trường có 21 lớp với 884 học sinh. Tuy nhiên, hiện nhà trường chỉ có 27 giáo viên. Tỷ lệ giáo viên hiện có chỉ 1,38 giáo viên/1 lớp, thấp hơn chỉ tiêu được giao (1,57 giáo viên/1 lớp) và thấp hơn tỷ lệ quy định (1,726 giáo viên/1 lớp). Với số giáo viên hợp đồng hiện có, nhà trường đang phải trích một phần kinh phí từ học phí và một phần do thành phố hỗ trợ.

Giờ học thể dục của học sinh Trường THCS Nghi Kim - TPV (2).JPG
Giờ học của học sinh lớp 9 - Trường THCS Nghi Kim (thành phố Vinh). Ảnh: Mỹ Hà

Với những bất cập thực tại này, năm học tới, khi nhà trường dự kiến tăng thêm 3 lớp thì “khó khăn lại càng khó khăn”.
Qua trao đổi, cô giáo Lương Thị An Thanh – Hiệu trưởng chia sẻ: Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra trầm trọng bởi học sinh tăng nhanh trong những năm qua. Trong khi đó, số giáo viên bổ sung cho nhà trường rất chậm. Việc tuyển giáo viên hợp đồng ở trường cũng khó khăn hơn các trường ở trung tâm, bởi mức chi trả lương theo số tiết thấp hơn, điều kiện đi lại xa xôi.

Thời điểm này, Trường THCS Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai) đang khẩn trương xây dựng để đưa vào sử dụng thêm 8 phòng học cho năm học tới. Đây là giải pháp cấp thiết của thị xã khi theo kế hoạch, số lớp, số học sinh trên địa bàn sẽ tăng, đồng nghĩa nhiều áp lực trong việc bố trí cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

Trường chúng tôi không chỉ thiếu giáo viên theo tỷ lệ quy định mà còn thiếu giáo viên theo cơ cấu của từng bộ môn. Thế nên, hầu hết giáo viên đều phải kiêm nhiệm mỗi người 2 – 3 môn và phải dạy vượt tiết theo quy định. Việc tuyển giáo viên hợp đồng với một trường xa trung tâm như chúng tôi là không khả thi vì không có hồ sơ ứng tuyển. Chúng tôi chỉ hợp đồng được 1 giáo viên về hưu dạy môn Giáo dục công dân.

Thầy giáo Nguyễn Văn Nam – Hiệu trưởng trường thcs quỳnh vinh

Trên toàn địa bàn thị xã Hoàng Mai, năm học tới có 10.042 học sinh, tăng 1.249 học sinh so với năm học này. Mặc dù số học sinh tăng tương đương với 27 lớp, qua duyệt kế hoạch thị xã chỉ được tăng 6 lớp. Thực tế này buộc thị xã phải thực hiện sáp nhập lại nhiều lớp trên địa bàn, đảm bảo mỗi lớp sẽ có khoảng 44 học sinh.

Theo quy định mới, số lớp sẽ được phân bổ trên quy mô học sinh. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế ở cơ sở sẽ có tình trạng, có nơi lớp quá đông, có nơi lớp lại chưa đủ theo sĩ số quy định. Vì thế, khi cân đối lại trên toàn thị xã sẽ có những khó khăn, bất cập để vừa đảm bảo theo cơ cấu giáo viên, vừa đảm bảo theo quy mô cơ cấu trường lớp hiện có.

Trong khi đó, trên toàn thị xã hiện nay vẫn còn đang thiếu nhiều giáo viên, điều kiện dạy học ở một số trường chưa đảm bảo, vẫn còn một số trường phải học 2 ca như Trường THCS Quỳnh Phương, Trường THCS Quỳnh Vinh…

Ông Cao Tiến Thành – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Hoàng MAI

bna_Giờ học của học sinh Trường THCS Quỳnh Vinh - TX Hoàng Mai.jpg
Giờ học của học sinh Trường THCS Quỳnh Vinh - Thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Mỹ Hà

Tại huyện Yên Thành, qua trao đổi, ông Trần Xuân Tĩnh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chia sẻ: Năm học tới toàn huyện Yên Thành sẽ tăng trên 30 lớp và chúng tôi đã cố gắng sắp xếp để không có quá nhiều sự xáo trộn trong các nhà trường. Khó khăn nhất hiện nay đó là UBND tỉnh giao chỉ tiêu giáo viên cho các năm học thấp hơn nhiều so với hướng dẫn tại các Thông tư.

Vì thế, trong năm học tới, chúng tôi mong muốn được bổ sung giáo viên mầm non, ít nhất đảm bảo tỷ lệ 2 giáo viên/lớp (hiện tại mới 1,56 giáo viên/lớp), bổ sung giáo viên tiểu học để đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 1,3 giáo viên/lớp, ưu tiên giáo viên dạy văn hoá (vào đầu năm học thiếu 40 giáo viên văn hoá). Hiện tỷ lệ giáo viên THCS trong năm học tới mới đạt 1,75 giáo viên /lớp và hiện tại đang thừa thiếu cục bộ giữa các môn dẫn tới rất khó để bố trí hợp lý đội ngũ giáo viên ở các nhà trường.

bna_Giờ học thể dục của học sinh Trường THCS Nghi Kim - TPV.jpg
Học sinh Trường THCS Nghi Kim trong giờ học thể dục. Ảnh: Mỹ Hà

Những khó khăn trên hiện cũng đang là thực trạng tại nhiều địa phương. Việc tháo gỡ những vướng mắc không chỉ trong ngày một ngày hai, mà cần sớm có kế hoạch để triển khai và có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều ban, ngành nhằm giúp các nhà trường có sự chuẩn bị và tâm thế tốt nhất trước khi bước vào năm học mới./.

Mỹ Hà