Chiêm ngưỡng những bức tượng Phật đản sinh cổ ở Nghệ An Huy Thư• 21/05/2024 20:36 (Baonghean.vn) - Hiện nay, nhiều chùa ở Nghệ An còn lưu giữ được những pho tượng Phật đản sinh cổ mang ý nghĩa tâm linh, tôn giáo sâu sắc. Trong hệ thống tượng Phật ở các chùa nói chung, tượng Phật đản sinh có kích thước nhỏ và được thờ ở giữa, hàng dưới, hàng trước của bàn thờ. Trong ảnh: Tượng Phật đản sinh được thờ tại chùa Bảo Lâm, xã Hoa Thành (Yên Thành). Ảnh: Huy Thư Tượng Phật đản sinh thể hiện hình ảnh đức Phật sơ sinh đứng thẳng trên đài sen, khuôn mặt tròn, đôi tai dài, 1 tay chỉ lên trời, 1 tay chỉ xuống đất. Trong ảnh: Tượng Phật đản sinh tại chùa Thuần Hậu, xã Bắc Thành (Yên Thành). Ảnh: Huy Thư Tượng Phật đản sinh cổ ở các chùa trong tỉnh tuy không nhiều, nhưng khá đặc sắc. Giữa các pho tượng có sự khác biệt về thần thái, nét mặt, y phục, tư thế… Tượng Phật đản sinh ở chùa Thuần Hậu (Yên Thành) được xem là tượng có đầy đủ các bộ phận: hình đức Phật, đài sen, vòng cửu long, bệ đỡ. Trong ảnh: Một bệ đỡ được điêu khắc chạm trổ công phu. Ảnh: Huy Thư Ngoài ra, phù điêu khắc trên gỗ tại chùa Thuần Hậu (Yên Thành) còn thể hiện hình ảnh Phật đản sinh độc đáo, khác lạ với đôi chân chùng xuống, cùng 2 bàn chân xòe ra hai bên. Ảnh: Huy Thư Tượng Phật đản sinh ở chùa Bà Bụt, xã Lam Sơn (Đô Lương) được xem là pho tượng đẹp với vòng cửu long chạm 9 con rồng sắc nét, đức Phật sơ sinh mặc quần ngắn, có phần ngực và bụng nổi rõ, còn nguyên nước sơn xưa. Ảnh: Huy Thư Với tượng Phật đản sinh ở chùa Giai xã Thanh Khai (Thanh Chương) có phần bụng to, đôi chân phủ kín các lớp quần và được tạo tác liền một khối. Ảnh: Huy Thư Theo truyền thuyết, lúc Thích Ca ra đời, có 9 con rồng phun nước tắm. Vì thế, tượng Thích Ca sơ sinh ở Việt Nam thường đặt dưới một vòm chạm hình 9 con rồng bay xung quanh, xen lẫn mây... được gọi là vòng cửu long. Trong ảnh: Vòng cửu long cổ tại chùa Giai (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư Tượng Phật đản sinh cổ ở các chùa trong tỉnh chủ yếu được tạo tác bằng chất liệu gỗ, sơn son thếp vàng. Trong quá trình trùng tu, tôn tạo chùa, một số pho tượng đã được sơn lại. Trong ảnh: Tượng Phật đản sinh chùa Sơn Hải, xã Nghi Yên (Nghi Lộc) mang vẻ đẹp thanh thoát, biểu cảm. Ảnh: Huy Thư So với nhiều pho tượng khác, tượng Phật đản sinh tại chùa Đức Sơn, thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn) có cấu trúc lạ với hình ảnh lá sen buông xuống che đầu và chiếc quần cách điệu hình đám mây xếp nhiều tầng. Ảnh: Huy Thư Tuy chưa xác định được niên đại cụ thể, nhưng các pho tượng Phật đản sinh còn lưu giữ tại các chùa trong tỉnh đã có từ lâu đời. Nhiều pho tượng nhuốm màu thời gian, bong tróc lớp sơn ngoài đã tồn tại qua hàng trăm năm. Ảnh: Huy Thư Tượng Phật đản sinh cổ chứa đựng nhiều giá trị tâm linh, tôn giáo, mỹ thuật sâu sắc. Qua những pho tượng này, mọi người có thể hiểu thêm về sự ra đời của đức Phật, hình ảnh đức Phật sơ sinh, quan niệm của người xưa về Phật đản, nghề điêu khắc gỗ... Trong ảnh: Tượng Phật đản sinh chùa Cần Linh (TP. Vinh) với vòng cửu long có 9 con rồng và hình ảnh thiên thần độc đáo. Ảnh: Huy Thư Huy Thư