Hiểu rõ giá trị, ý nghĩa ngày 30/4/1975 để tránh lặp lại sai lầm

Lê Mật 30/04/2024 06:29

(Baonghean.vn) - Hiện nay, trên mạng xã hội thường xuất hiện các luận điệu xuyên tạc, đó là: Đòi “định danh lại tên gọi ngày 30/4/1975 là ngày gì cho phù hợp”, với sự ngụy biện hết sức ngây ngô...

1. Chân lý khắc sâu vào lịch sử

Đại thắng mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc thắng lợi ngày 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là khúc ca khải hoàn, bản anh hùng ca kỳ diệu có một không hai của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, đây là bản anh hùng ca vĩ đại của các lực lượng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc, của cả loài người tiến bộ trên thế giới; được nhiều sử gia chọn làm mốc mở đầu một thời kỳ lịch sử thế giới - “thời kỳ sau Việt Nam” và suốt nửa thế kỷ nay tìm lời giải cho câu hỏi “tại sao Việt Nam thắng Mỹ?”. Sự kiện này cũng cáo chung thất bại thảm hại nhất, nặng nề nhất, nhục nhã nhất của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai phản quốc cùng bọn chư hầu “lấy súng đạn đổi đô la”.

11-giờ-30-phút-ngày-30-4-1975-xe-tăng-của-quân-giải-phóng-húc-đổ-cánh-cổng-dinh-tổng-thống-ngụy-nay-là-Dinh-Thống-Nhất.jpg
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Ngày 30/4/1975 ghi vào lịch sử thế giới là “một biểu tượng cho sức sống của chủ nghĩa quốc tế vô sản, tình đoàn kết chống đế quốc xâm lược”. Do đó, ngay khi nhân dân Việt Nam vừa làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, nhân loại tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ ở Mỹ hướng đến Việt Nam với tấm lòng kính phục, chia sẻ niềm vui, giành nhiều lời hay, ý đẹp ca ngợi chiến thắng vĩ đại đó. Tính đến cuối năm 1975, có hàng trăm bức điện, diễn văn, bài phát biểu của trên 100 quốc gia, đảng cộng sản, tổ chức quốc tế, các nhà hoạt động chính trị nổi tiếng chúc mừng, ca ngợi chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam.

Từ đó đến nay, mỗi dịp kỷ niệm ngày 30/4, trên thế giới lại xuất hiện những tác phẩm có giá trị, ca ngợi chiến thắng huy hoàng của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, tờ Nhân dân nhật báo (Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc) số ra ngày 30/4/2005 có bài khẳng định: “Thắng lợi của nhân dân Việt Nam là thắng lợi mãi mãi ghi vào sử sách, còn ngày 30/4 là ngày lễ lớn của đất nước Việt Nam cũng là ngày đáng được những người yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa trên toàn thế giới kỷ niệm”.

Nhiều nước trên thế giới đánh giá thắng lợi của nhân dân Việt Nam mang ý nghĩa thời đại sâu sắc, cổ vũ và thúc đẩy quá trình đấu tranh vì độc lập, tự do của nhân loại tiến bộ; mãi mãi ghi vào lịch sử đấu tranh giải phóng loài người như một trang sử huy hoàng nhất, cống hiến quan trọng vào củng cố vị trí các lực lượng hòa bình, dân chủ, độc lập dân tộc và CNXH, xứng đáng với niềm tin yêu và lòng cảm phục của loài người tiến bộ trên thế giới[1].

Nhân dân chào đón quân giải phóng tiến vào Sài Gòn -Ảnh tư liệu.jpg
Nhân dân chào đón quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu

2. Sự xuyên tạc - tự phơi bày bản chất

Giá trị, ý nghĩa thắng lợi ngày 30/4/1975 rất sáng rõ, trường tồn, khắc sâu vào bức tường thành của sức mạnh, ý chí, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam; minh chứng về sự thất bại của kẻ xâm lược và kẻ “bán nước cầu vinh”; cho thấy tính tất yếu thắng lợi của chính nghĩa và thất bại của hành động đi ngược truyền thống, lợi ích thống nhất Tổ quốc. Song, suốt 49 năm nay, có những cá nhân và tổ chức, vì động cơ nham hiểm khác nhau mà có thủ đoạn hòng phủ nhận, hạ thấp, xuyên tạc giá trị, ý nghĩa ngày 30/4/1975. Thế nhưng, một sự thật là càng xuyên tạc, càng phơi bày bản chất, tự vạch mặt chính kẻ xuyên tạc.

Hiện nay, trên mạng xã hội thường xuất hiện các luận điệu xuyên tạc, đó là:

1) Đòi “định danh lại tên gọi ngày 30/4/1975 là ngày gì cho phù hợp”, với sự ngụy biện hết sức ngây ngô, rằng: “Gọi ngày giải phóng thì mơ hồ vì có không thể có miền Bắc đi giải phóng cho miền Nam”; “gọi là ngày thống nhất thì rất khiên cưỡng vì Việt Nam dân chủ cộng hòa và VNCH là hai nước khác nhau”; “gọi là ngày hòa bình sao được vì đất nước đến nay vẫn chưa có hòa bình”; “gọi là ngày hữu nghị cũng không đúng vì đánh nhau với Campuchia và Trung Quốc”; “gọi là ngày hòa giải thì gợn những hạt sạn”; “gọi là ngày hòa hợp, ngày nô lệ, ngày quốc hận, ngày đen tối đều không chuẩn”...(?!)

các thế lực thù địch, những phần tử phản động, cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bôi nhọ chiến thắng vĩ đại này của dân tộc Việt Nam.jpg
Các thế lực thù địch, những phần tử phản động, cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bôi nhọ chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Ảnh chụp màn hình

2) Xuyên tạc, vu khống “nhân dân miền Bắc thôn tính miền Nam, nên đây thực chất chỉ là nội chiến, là chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh ý thức hệ nên không có gì đáng tự hào”, rồi chúng đề xuất “gọi ngày 30/4 là tưởng niệm ngày quốc hận”, “kỷ niệm tháng Tư đen”…

3) Phủ nhận giá trị độc lập, tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ mà nhân dân Việt Nam gây dựng, bảo vệ qua mấy nghìn năm lịch sử, cho rằng: “nếu không có ngày 30/4/1975 thì miền Nam Việt Nam ngày nay phát triển không kém gì Hàn Quốc, vượt xa Thái Lan…”(?!).

4) Đưa ra luận điệu đòi “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập” mới có thể thực hiện việc hòa hợp, hòa giải dân tộc.

Những luận điệu tuyên truyền, kêu gọi đòi đa nguyên, đa đảng của các thế lực thù địch.jpg
Nhận diện luận điệu tuyên truyền, kêu gọi đòi “đa nguyên, đa đảng” của các thế lực thù địch. Ảnh chụp màn hình

Bản chất sự kiện ngày 30/4/1975 cho thấy chỉ có một đáp án đúng là: “Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, vì:

Một là, gọi “giải phóng” vì ngày 30/4/1975 đánh dấu đất nước Việt Nam nói chung, miền Nam Việt Nam nói riêng thoát khỏi ách thống trị của kẻ thù xâm lược (gồm kẻ ngoại xâm và nội phản). Đồng nghĩa với điều đó là sự thất bại hoàn toàn của kẻ xâm lược và bọn tay sai phản quốc; cũng chính là thất bại của mưu đồ chia cắt đất nước cùng với hệ thống tổ chức, bộ máy, quân đội… được tạo ra để nuôi dưỡng nó.

Hai là, gọi “thống nhất” vì ngày 30/4/1975 đánh dấu đất nước Việt Nam được trả lại đúng nghĩa với truyền thống dựng nước và giữ nước, với nguyện vọng ngàn đời của thế hệ nối tiếp thế hệ người Việt Nam yêu nước, thương dân. Nó kết thúc thời kỳ chia cắt một cơ thể đất nước Việt Nam làm hai nửa với hai lối nghĩ và hai cách làm hầu như trái ngược nhau. Một bên thực hiện độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, còn bên kia thực hiện mưu đồ chia cắt làm hai quốc gia riêng biệt, đổi sự lệ thuộc để lấy đô la, dựa vào kẻ ngoại xâm để phản hại tổ tiên, nòi giống, rước bom đạn của đế quốc Mỹ về cày xới đất nước, giết hại nhân dân.

Ba là, đối với người đi theo đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, kiên cường chiến đấu chống giặc ngoại xâm và nội phản, bảo vệ lợi ích Tổ quốc, truyền thống dân tộc, danh dự của một đất nước thống nhất, đó là hành động chính nghĩa cần được phát huy, nhân rộng. Đối với thế hệ sinh sau ngày 30/4/1975, nếu là người được giáo dục tử tế đều biết trân trọng giá trị, ý nghĩa ngày 30/4 như một phần máu thịt tạo nên cơ thể và cuộc sống của chính mình. Người nước ngoài yêu chuộng hòa bình, yêu quý đất nước Việt Nam đều ngưỡng mộ, khâm phục sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam và trí tuệ, bản lĩnh, anh hùng của con người Việt Nam.

Những trang sử hào hùng của dân tộc luôn được thế hệ trẻ khắc ghi, tự hào.jpg
Chiến thắng hào hùng 30/4/1975 của dân tộc luôn được thế hệ trẻ khắc ghi, tự hào. Ảnh minh họa

Đối với đế quốc Mỹ, dù quá khứ có lùi xa, sự phát triển khoa học công nghệ, sự giàu có về đô la thì vẫn không bao giờ xóa mờ thất bại thảm hại nhất, nặng nề nhất, nhục nhã nhất trong lịch sử của họ. Đối với lực lượng “dựa vào ngoại bang để phá hoại thống nhất đất nước”, dù ở đâu, lưu lại trên đất Việt hay nương thân nơi đất khách, vẫn không thể nào che được vết nhơ về một thời lầm lỡ, nỡ tâm theo giặc cầm súng bắn vào nhân dân của mình. Đối với kẻ đánh thuê, có thể thu lại một khoản đô la về góp phần làm giàu cho đất nước họ thì đến nay vẫn không nguôi ngoai được những dấu vết chiến trường xưa mỗi khi trở lại đất nước Việt Nam thời kỳ đổi mới.

3. Hiểu rõ để tránh lặp lại sai lầm trong quá khứ

Khắc ghi chiến thắng ngày 30/4, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết bảo vệ độc lập, tự do, thống nhất đất nước trong mọi hoàn cảnh; tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận, xuyên tạc giá trị, ý nghĩa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ thành quả cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Kẻ thất bại cần khắc ghi nỗi đau để biết tỉnh ngộ, day dứt về hành động sai lầm trong quá khứ, tránh lặp lại thất bại; từ bỏ hận thù, chấm dứt sự chống phá bấy lâu từng gây ra. Nhân dân tiến bộ thế giới thức tỉnh lương tri, biết trân quý, bảo vệ hòa bình, nhân lên tình yêu cao quý giữa người với người, cùng nhau tạo dựng hành tinh hòa bình, hạnh phúc.

Nhân dân các nước trên thế giới biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam Ảnh tư liệu.jpg
Nhân dân các nước trên thế giới biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Trong tâm trí các thế hệ người Việt Nam yêu nước chân chính, độc lập - tự do - hạnh phúc không chỉ là khát vọng luôn cần phải gìn giữ, bảo vệ, bồi đắp, trao truyền mà còn là kết quả đấu tranh kiên cường, bất khuất để được thụ hưởng và biết trả ơn tiền bối hy sinh cho Tổ quốc. Độc lập, tự do, hạnh phúc luôn gắn với trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ giống nòi Việt Nam; bảo vệ vùng trời, vùng biển đảo, đường biên giới thiêng liêng được vạch định bởi công sức, máu xương của lớp lớp tiền nhân.

Cũng xuất phát từ mục tiêu độc lập, tự do cho Tổ quốc và mưu cầu hạnh phúc, ấm no cho đồng bào mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh bôn ba khắp năm châu, bốn biển, khảo cứu nhiều phương cách cứu nước, cuối cùng lựa chọn, đi theo con đường cách mạng vô sản, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm ngọn đuốc soi đường cho dân tộc Việt Nam đi theo, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, giải phóng giai cấp với giải phóng con người. Từ năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”[2].

Độc lập để có tự do, hạnh phúc và muốn có tự do, hạnh phúc, trước hết phải có độc lập, nên tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập, tự do” và “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành kỳ được độc lập cho dân tộc” là chân lý không bao giờ thay đổi. Đó chính là sợi chỉ xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam và lý giải tại sao phải kiên cường vượt qua mọi gian khó, hy sinh, quyết tâm đánh thắng thực dân Pháp xâm lược và giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Muốn có độc lập thực sự, phải gắn với chủ nghĩa xã hội và đi theo chủ nghĩa xã hội để có độc lập, vì “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”. Đó cũng là câu trả lời cho những ai có tư tưởng dao động, hoài nghi mà tự hỏi: “Tại sao Việt Nam đi theo chủ nghĩa xã hội”!

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.png
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 26/1 đến ngày 1/2/2021.

Vũ khí hiện đại, nhiều đô la, quân lính thân xác to cao và đông nhưng không thể thắng nổi ý chí độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc và văn hóa của người Việt Nam. Sự kiện 30/4/1975 ở Việt Nam chứng minh cho nhân loại nhận rõ hơn về điều đó. Đừng bao giờ đem ý chí bảo vệ độc lập, thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam đi so sánh với sự chia cắt Triều Tiên - Hàn Quốc. Bởi lẽ, là người có trách nhiệm với tiền nhân và biết yêu quý đất nước mình, không ai muốn chia cắt đất nước, chỉ khi không đủ sức giữ nổi thì mới chấp nhận chia cắt mà thôi.

Hãy nhìn vào hậu quả một nước Triều Tiên sau chiến tranh 1951-1953 bị phân xẻ làm đôi: Hàn Quốc phía Nam, Triều Tiên phía Bắc. Cũng từ đó, một cơ thể đất nước Triều Tiên có lịch sử lâu đời bị phân xẻ làm đôi, người từ một nước coi nhau như kẻ thù không đội trời chung, diễn ra tình cảnh ngăn sông cấm chợ, đến nỗi có những gia đình phải chia lìa biền biệt, kẻ Nam người Bắc hơn nửa thế kỷ nay vẫn chưa một lần gặp mặt! Có thể ngồi trên đống tiền, nhưng họ luôn khát khao đoàn tụ, bày tỏ qua những nút dây vải màu thắt chặt lên hàng rào thép gai - nơi biên giới Triều - Hàn với hy vọng mong manh, thậm chí là vô vọng.

Còn ở Hàn Quốc, tuy kinh tế khá lên, nhưng không thoát khỏi sự lệ thuộc vào Mỹ và nếu đứng trước một tình huống hoặc là bảo vệ Triều Tiên, hoặc là bảo vệ Mỹ, không thể nào khác là phải đứng về phía Mỹ, tiêu diệt Triều Tiên. Đó chả phải là hành động “nồi da xáo thịt”, “rước voi về giày mả tổ” chăng? Rồi có mấy người nghĩ tới, để làm giàu cho Hàn Quốc giàu lên như hôm nay, có một phần tiền bạc nhờ đánh thuê cho Mỹ tại chiến trường Việt Nam và lính Hàn đã gây ra nhiều vụ thảm sát đồng bào Việt Nam rất thương tâm?

Đã gần nửa thế kỷ kể từ ngày 30/4/1975 – ngày định mệnh, chấm dứt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Xin đừng bàn chuyện thắng - thua nữa, mà hãy nghĩ đến mục tiêu xây dựng, phát triển một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, phồn vinh, hạnh phúc. Bởi lẽ, lịch sử đã trả lời: ý chí độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc tất thắng; hành động phản ngược, cắt xẻ đất nước, “rước voi về giày mả tổ” tất yếu tiêu tan!

Đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ và cũng không bao giờ muốn đem vũ khí đọ sức với bất kỳ lực lượng nào để đổi lấy chết chóc, tang thương. Nhân dân Việt Nam càng không muốn chiến tranh, hy sinh đổ máu. Nhưng vì không thể dùng phương pháp hòa bình, bất đắc dĩ nhân dân Việt Nam phải cầm súng đứng lên chiến đấu để bảo vệ cho kỳ được nền độc lập, thống nhất ấy, âu cũng là bảo vệ chân lý ngàn đời mà tổ tiên Việt Nam tạo dựng, bồi đắp, tô thắm, trao truyền và cũng là giá trị phổ quát của nhân loại tiến bộ hướng đến văn minh.

Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay.jpg
Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: Tư liệu

[1] Thế giới ca ngợi thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, Nxb sự thật, Hà Nội, 1977, các tr.149, 283, 344, 392.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr.496

Lê Mật