Thủ tướng Chính phủ định hướng xây dựng thành phố Vinh là trung tâm kinh tế, văn hóa của tiểu vùng Bắc Trung Bộ

Thành Duy 07/05/2024 10:54

(Baonghean.vn) - Tiểu vùng Bắc Trung Bộ gồm 5 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Quyết định 376/QĐ-TTg, ngày 4/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

bna_1 góc trung tâm thành phố Vinh. Ảnh Thành Duy.JPG
Một góc trung tâm thành phố Vinh. Ảnh: Thành Duy

Phạm vi ranh giới Quy hoạch vùng bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính và vùng biển ven bờ của của thành phố Đà Nẵng và 13 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Theo Quy hoạch, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được chia thành 3 tiểu vùng: Tiểu vùng Bắc Trung Bộ gồm 5 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị. Tiểu vùng Trung Trung bộ gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Tiểu vùng Nam Trung Bộ gồm 4 tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Trong đó, tiểu vùng Bắc Trung Bộ được định hướng phát triển thành khu vực tăng trưởng quan trọng về công nghiệp, dịch vụ, đô thị biển của vùng và cả nước, trong đó, thành phố Vinh là trung tâm kinh tế, văn hóa của tiểu vùng; Thanh Hóa là một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc.

Quy hoạch xác định, tại tiểu vùng Bắc Trung Bộ, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa dầu, công nghiệp điện, năng lượng tái tạo; công nghiệp cơ khí, ô tô, sản xuất vật liệu xây dựng, da giày, dệt may, sản xuất đường; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm, đồ uống. Khai thác hiệu quả các thế mạnh về tài nguyên khoáng sản. Phát triển khu vực ven biển Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của vùng và cả nước.

Đồng thời, phát triển cây công nghiệp, cây lương thực theo mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến; chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại. Khuyến khích đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản xa bờ. Phát triển lâm nghiệp gắn với nâng cao giá trị kinh tế rừng sản xuất và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng lớn của vùng.

Đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ cảng biển, hàng không, ngân hàng, tài chính, bưu chính viễn thông, y tế, giáo dục, đào tạo. Xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ; trung tâm khoa học và công nghệ, đào tạo của tiểu vùng Bắc Trung Bộ. Đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch biển, du lịch khám phá, mạo hiểm, du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và tham quan các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa.

Thành Duy