Nghệ An hướng tới xây dựng vùng chuyên canh nông nghiệp ứng dụng công nghệ số

Thanh Phúc 14/05/2024 16:55

(Baonghean.vn) - Hội nghị thảo luận, đưa ra những giải pháp toàn diện nhằm tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, ứng dụng số hóa nhanh và hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp.

bna_2.jpg
Toàn cảnh tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: T.P

Chiều 14/5, tại Hà Nội, Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành Nông nghiệp” dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến điểm cầu trụ sở UBND thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng chí Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng chủ trì. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Điểm cầu Nghệ An do đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về số hoá

bna_a Đệ.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: T.P

Phát biểu đề dẫn hội nghị, đồng chí Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Nông nghiệp luôn là nền tảng vững chắc, trụ cột kinh tế đóng vai trò không thể thiếu trong việc đảm bảo an ninh lương thực và là nguồn cung cấp các sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp đã chủ động triển khai chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Từ đó, giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

bna_3.JPG
Hội nghị tập trung bàn bạc, tháo gỡ các điểm nghẽn về chuyển đổi số trong nông nghiệp. Ảnh: T.P

Tuy nhiên, công cuộc số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp từ trung ương đến địa phương cũng đang đối mặt với không ít rào cản và thách thức. Vì vậy, Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận thấy rất rõ tính cấp thiết phải có những giải pháp toàn diện nhằm tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, ứng dụng số hóa nhanh và hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tại Hội nghị, các đại biểu, chuyên gia đã đánh giá thực trạng, các điểm nghẽn về tình hình số hóa, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực tiễn và đề xuất giải pháp về số hóa nông nghiệp, chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

bna_2.JPG
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: T.P

Theo đó, có 6 nhóm giải pháp được đề xuất. Cụ thể, một là, tập trung nghiên cứu và nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ngành nông nghiệp. Tập trung xoay quanh 3 trụ cột chính là nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Hai là, cần tập trung nghiên cứu và xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn và ứng dụng công nghệ số giúp doanh nghiệp, người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng nông sản.

Ba là, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Năm là, tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ đưa sản phẩm từ các trường, viện, doanh nghiệp công nghệ ra thị trường, ứng dụng vào thực tiễn giúp kết nối cung cầu thị trường khoa học công nghệ, ứng dụng vào phát triển kinh tế số ngành nông nghiệp. Sáu là, Nhà nước cần đồng hành cùng nông dân, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ số quy mô vùng chuyên canh

bna_CNC.jpg
Mô hình trồng nho công nghệ cao ở Đô Lương. Ảnh: T.P

Tại Nghệ An, trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động tham mưu các cấp trên từng bước đầu tư hạ tầng số ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin; từng bước xây dựng dữ liệu số trên các nền tảng số, đào tạo nguồn nhân lực số thực hiện đảm bảo an toàn thông tin nhằm thúc đẩy số hoá trong ngành nông nghiệp.

Theo đó, hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số, nhân lực số, chính phủ số… dần được hoàn thiện và đưa vào vận hành, ứng dụng. Đặc biệt, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, đến nay đã có gần 300.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ sản xuất nông nghiệp Nghệ An đưa gần 9.000 sản phẩm được đưa lên các sàn thương mại điện tử, xếp thứ 5 cả nước về số sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn.

bna_lv.JPG
100% các sản phẩm OCOP 3 sao trở lên được đưa lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: T.P

Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được mở rộng, thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn vào đầu tư, tạo việc làm, nâng cao thu nhập; Xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả có múi sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt; Hình thành các cơ sở chăn nuôi theo hướng tập trung với quy mô công nghiệp, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; Nhiều công nghệ mới được áp dụng trong nuôi trồng thuỷ sản; Ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác quản lý nhà nước trong điều tra, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, phòng chống cháy rừng, kiểm soát dịch bệnh, chi trả dịch vụ môi trường rừng... cho kết quả chính xác hơn, tiết kiệm thời gian và hiệu quả cao hơn.

Thời gian tới, Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh triển khai xây dựng, phát triển chính quyền điện tử Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng và phát triển Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng bộ; Xây dựng, phát triển chính quyền điện tử ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đảm bảo 100% hồ sơ thủ tục hành chính được phép thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

bna_tôm.jpg
Dữ liệu về giống, thức ăn thủy sản, về quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản đang được ứng dụng và đồng bộ. Ảnh: T.P

Xây dựng đề án các vùng chuyên thâm canh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và kêu gọi đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp công nghệ cao; các mô hình sản xuất, kết nối nông nghiệp thông minh, sản xuất lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ số trên từng lĩnh vực có quy mô vùng chuyên canh; mô hình công nghệ cao trong chăn nuôi; kết nối cung cầu nông sản trên sàn thương mại điện tử.

Hoàn thành việc xây dựng phần mềm giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh trên cơ sở dữ liệu đầu vào từ khâu sản xuất, thu hoạch, đến khâu chế biến, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm, truyền thông nâng cao giá trị sản phẩm.

Thanh Phúc