Nghệ An thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Đức Dũng 05/05/2024 11:50

(Baonghean.vn) - UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành văn bản về việc thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước.

Untitled-1.jpg
Phiên họp thường kỳ UBND tỉnh Nghệ An tháng 4/2024. Ảnh: Phạm Bằng

Theo đó, thực hiện Công văn số 2595-CV/TU ngày 4/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Thông báo số 209-TB/BNCTW của Ban Nội chính Trung ương về kết quả kiểm tra công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An yêu cầu:

1. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã:

- Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Công văn số 2595-CV/TU ngày 4/4/2024 về thực hiện Thông báo số 209-TB/BNCTW của Ban Nội chính Trung ương. Xây dựng văn bản, kế hoạch và thực hiện khắc phục hiệu quả, kịp thời những hạn chế đã được phát hiện qua công tác tự kiểm tra của cơ quan, đơn vị và tại Báo cáo số 381-BC/TU ngày 23/11/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

- Thường xuyên rà soát, xác định những chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần được thể chế hoá, cụ thể hoá thành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện nhằm hạn chế bất cập, sơ hở, mâu thuẫn, chồng chéo (nhất là trên các lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đấu thầu...).

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc thế chế hoá thành pháp luật để góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTN, TC. Định kỳ sơ kết, tổng kết, rà soát để đánh giá việc thực hiện để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sơ hở, bất cập trong việc thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng về PCTN, TC (nhất là trên các lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đấu thầu, đấu giá tài sản, giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng...).

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường và xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và trong việc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện.

- Đổi mới tổ chức bộ máy, đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật; có cơ chế thu hút người tài, nhà khoa học, chuyên gia giỏi tham gia xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có năng lực, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật, có kiến thức chuyên môn sâu và kỹ năng soạn thảo văn bản, biết cách vận dụng các chủ trương, đường lối của Đảng trong việc xây dựng và cụ thể hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật.

- Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý, trình các dự án, dự thảo văn bản, nhất là trong các khâu lấy ý kiến góp ý, thẩm định, thẩm tra nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản. Tranh thủ ý kiến của các bộ, ngành có liên quan trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và việc thực hiện, khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

2. Sở Tư pháp:

- Góp ý, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành, không để lồng ghép lợi ích nhóm, cục bộ trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm. Thực hiện việc kiểm tra văn bản QPPL sau khi ban hành để phát hiện những sai sót, các quy định trái pháp luật, ảnh hưởng đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, từ đó tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan rà soát các văn bản QPPL để kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với những văn bản có nội dung không phù hợp quy định của pháp luật, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: tổ chức cán bộ; quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công, quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đấu giá; đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tín dụng, ngân hàng; thuế, hải quan và các lĩnh vực khác liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp...

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh có kiến thức chuyên môn sâu và kỹ năng soạn thảo văn bản, biết cách vận dụng các chủ trương, đường lối của Đảng trong việc xây dựng và cụ thế hóa thành các quy phạm pháp luật.

- Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Luật Đấu giá và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.

3. Sở Xây dựng: Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá thực trạng, đồng thời rà soát, khắc phục sơ hở trong các quy định của pháp luật liên quan đến việc hoạt động chuyển nhượng các căn biệt thự, nhà liền kề tại khu du lịch, dịch vụ thương mại, lẩn tránh dưới hình thức góp vốn hoặc hợp tác kinh doanh, làm thất thu cho ngân sách nhà nước.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác đấu thầu theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của ngành; thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong đấu thầu; thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.

- Tham mưu tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác đấu thầu. Tổng kết, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu hàng năm trên địa bàn tỉnh theo quy định.

6. Sở Tài chính:

- Tham mưu bố trí kinh phí thuộc nhiệm vụ ngân sách tỉnh, bảo đảm chế độ, chính sách cho người làm công tác xây dựng pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật, thi hành án dân sự, giám định tư pháp. Tăng cường công tác giám sát để kịp thời phát hiện, tham mưu theo thẩm quyền chấn chỉnh sơ hở, bất cập trong việc thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật, nhất là trong lĩnh vực quản lý tài sản công, quản lý tài chính đối với đất đai, đấu giá tài sản, giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, định giá tài sản trong tố tụng hình sự.

- Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành theo thẩm quyền, nhất là những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.

7. Thanh tra tỉnh: Chủ trì theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện; tổng hợp, báo cáo kết quả với UBND tỉnh để báo cáo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo tỉnh về tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh tăng cường giám sát, kiểm tra công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sơ hở, bất cập, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; đấu thầu; đấu giá tài sản; giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự; thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng.

9. Yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện nghiêm túc; báo cáo đột xuất khi có yêu cầu và báo cáo định kỳ về tiến độ, kết quả thực hiện gửi về Thanh tra tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh vào ngày 15 hàng tháng.

Đức Dũng