Thiếu nhi Nghệ An làm theo lời Bác dạy

Thanh Quỳnh 15/05/2024 08:48

(Baonghean.vn) - Để hiểu hơn về những nỗ lực của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trong việc đồng hành với các em thiếu nhi làm theo lời Bác dạy, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Trần Linh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Nghệ An.

1. Anh Trần Linh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh và đại diện Huyện ủy Anh Sơn trao quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong ngày hội 'Thiếu nhi vui khỏe' năm 2024.jpg
Đồng chí Trần Linh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh trao quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh

P.V:Đồng chí có thể chia sẻ về đặc điểm, tình hình cũng như các hoạt động tiêu biểu nhằm khẳng định vai trò của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An trong giai đoạn hiện nay?

Đồng chí Trần Linh: Đội TNTP Hồ Chí Minh là tổ chức của thiếu nhi Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập, được Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phụ trách. Đội TNTP Hồ Chí Minh được thành lập vào ngày 15/5/1941 tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Đội TNTP Hồ Chí Minh ra đời nhằm tập hợp thiếu nhi vào một tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương dưới sự hướng dẫn, phụ trách của Đoàn Thanh niên nhằm đồng hành, giáo dục các em theo tinh thần cách mạng và coi các em là một lực lượng cách mạng. Đội luôn là tổ chức nòng cốt trong các phong trào thiếu nhi, là lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, là lực lượng dự bị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Hiện Nghệ An có gần 500.000 đội viên, thiếu niên, nhi đồng sinh hoạt tại 887 liên đội trên toàn tỉnh. Những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng luôn được các cấp bộ Đoàn, Đội trong toàn tỉnh quan tâm, tổ chức theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của các em, góp phần tạo điều kiện cho thiếu niên, nhi đồng được rèn luyện, phát triển toàn diện.

Tiếp bước 83 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Đội TNTP Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An luôn tích cực rèn luyện, phấn đấu không ngừng trong công tác chăm lo bồi dưỡng, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.

bna_măng non.jpg
Đại diện Hội đồng Đội tỉnh và huyện Diễn Châu cùng với các em nhỏ tại Liên hoan Các đội tuyên truyền măng non 2024. Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh

Trong thời gian qua, Hội đồng Đội tỉnh đã phát động nhiều cuộc vận động và phong trào như “Vì đàn em thân yêu”; “Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”; “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam”... Thông qua đó tổ chức các chương trình ý nghĩa như “Tết ấm cho em”, “Đêm hội trăng Rằm”, “Ngày hội Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn”, “Tuyên dương thanh thiếu nhi dân tộc thiểu số”. Đồng thời, tổ chức các sân chơi, cuộc thi nhằm nâng cao kỹ năng thực hành xã hội cho thiếu nhi, quan tâm, xây dựng nhiều công trình, khu vui chơi hướng tới đối tượng này.

bna_ảnh 5.jpg
Các em thiếu niên, nhi đồng ngày càng năng động, tự tin trong tham gia các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng mềm. Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh


Đặc biệt, phong trào “Thiếu nhi Nghệ An thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy” đã động viên, cổ vũ thiếu niên, nhi đồng phấn đấu học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội để trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ngày càng vững mạnh.

P.V:Phong trào “Thiếu nhi Nghệ An thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy” của tỉnh ta được Hội đồng Đội Trung ương đánh giá rất cao. Vậy đồng chí có thể chia sẻ cụ thể hơn về phong trào này?

Đồng chí Trần Linh: Phong trào “Thiếu nhi Nghệ An thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy” thời gian qua đã được các cấp Hội đồng Đội trên địa bàn tỉnh lan tỏa sâu rộng. Mỗi liên đội các trường học đều tìm cho mình những cách làm sáng tạo nhằm tạo môi trường để thiếu nhi học tập, rèn luyện và phát triển.
Tại thư viện của trường, không khó để bắt gặp hình ảnh các em học sinh chuyền tay nhau, say sưa đọc những quyển sách viết về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như: “Chuyện ngày thường của Bác Hồ”, “Thời niên thiếu của Bác Hồ”, “Búp sen xanh”... Có thể thấy, đối với các em, hình ảnh của Bác luôn thiêng liêng, cao cả. Từ đó, việc bồi đắp quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác cũng vì thế mà trở nên rõ nét trong lòng các em.

bna_nghi lộc.jpg
Các em thiếu nhi hào hứng đọc sách về Bác trong các trường học. Ảnh: Huyện đoàn Nghi Lộc


Nhiều tấm gương người tốt, việc tốt thể hiện tấm lòng yêu thương, nhân hậu của các em học sinh dù tuổi đời còn rất nhỏ đã khiến nhiều người xúc động. Đó là hành động nhặt được của rơi, tìm người trả lại của 3 em học sinh Trường THCS Hưng – Thái - Nghĩa (xã Nam Thái, huyện Nam Đàn) gồm: Lê Đình Thái Bảo (lớp 8B), Lê Đình Hiếu (lớp 8C), Phan Văn Khải (lớp 8C). Đó là việc cứu bé gái 2 tuổi bị đuối nước của 2 em Nguyễn Thị Bảo Thi và Nguyễn Thị Phương Trâm - Trường THCS Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc.

Hay hành động đẹp của em Lô Khánh Ngọc - Trường Tiểu học Châu Cường, huyện Quỳ Hợp cõng bạn đến lớp; nhóm bạn Cao Khánh Linh - Trường Tiểu học Bến Thủy, thành phố Vinh nuôi tóc dài hiến tặng cho các bệnh nhân ung thư…
Nhiều thiếu nhi Nghệ An đã được tuyên dương trong các cuộc thi như Liên hoan Chỉ huy Đội giỏi cấp tỉnh và cấp Trung ương; nhiều cá nhân đã đạt danh hiệu “Dũng sĩ nghìn việc tốt” các cấp.

huyện đoàn Nam Đàn.jpg
Nhiều em học sinh trên địa bàn huyện Nam Đàn nhặt được của rơi trả lại người đánh mất. Ảnh tư liệu: Huyện đoàn Nam Đàn

Việc thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy đã giúp các em phát triển toàn diện mọi mặt; phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ. Trong thời gian qua, 887 liên đội tổ chức với gần 800 hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, chăm sóc các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn.

Các em cũng đã cùng nhau thực hiện hàng trăm công trình măng non, tiêu biểu như tại huyện Diễn Châu, các liên đội trên địa bàn huyện đã tổ chức thu gom được 100,2 tấn phế liệu, số tiền sau khi bán phế liệu là hơn 315,8 triệu đồng.

Từ nguồn kinh phí kế hoạch nhỏ, toàn huyện Diễn Châu đã triển khai 120 công trình, phần việc măng non trị giá hơn 250 triệu đồng, trao tặng 400 suất quà trị giá 50 triệu đồng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Hoặc tiêu biểu như tại huyện Hưng Nguyên, từ nguồn kinh phí kế hoạch nhỏ cũng đã xây dựng được 2 ngôi nhà kế hoạch nhỏ, quyên góp được hơn 45 triệu đồng tặng cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn bằng các hình thức như học bổng, đàn gà “Khăn quàng đỏ” và xe đạp.

4.nhiều ngôi nhà nhân ái hướng về gia đình các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được các cấp Đoàn - Hội - Đội trên địa bàn tỉnh triển khai trong thờ gian qua..jpg
Nhiều ngôi nhà nhân ái hướng về gia đình các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được các cấp Đoàn - Hội - Đội trên địa bàn tỉnh triển khai trong thời gian qua. Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh

Có thể khẳng định, dù Bác đã đi xa nhưng đối với các em học sinh trên mảnh đất Nghệ An, Bác vẫn rất gần gũi, thân thuộc. Niềm kính yêu vô vàn đó được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực, ý nghĩa, từ đó lan tỏa nhiều tấm gương sáng về học tập và rèn luyện trong lứa tuổi thiếu nhi.

P.V:Nghệ An là tỉnh có diện tích miền núi khá lớn, vậy tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đã có sự đồng hành ý nghĩa nào tới các em thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số?

Đồng chí Trần Linh: Nghệ An có hơn 400 liên đội thuộc 11 huyện, thị miền núi của tỉnh. Thời gian qua, cùng với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội, các cấp Đội trong tỉnh đã có nhiều chương trình, hoạt động nhằm đồng hành, chia sẻ với các em thiếu nhi nơi đây. Trong đó, hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa các liên đội ở vùng đồng bằng với các liên đội vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới hải đảo được đẩy mạnh triển khai.
Hằng năm, Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh luôn tổ chức tuyên dương, gặp mặt hàng trăm em thanh thiếu nhi dân tộc thiểu số tiêu biểu, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Các chương trình “Kết nối tri thức” – Hỗ trợ máy vi tính, trang bị phòng Tin học cho thiếu nhi vùng cao luôn được quan tâm triển khai. Năm vừa qua, đã có hơn 70 máy vi tính hỗ trợ trang bị phòng Tin học cho các em học sinh các huyện Con Cuông, Kỳ Sơn, Quế Phong trị giá hàng trăm triệu đồng.

bna-anh-2-8210-6301.jpg
Các phòng tin học cho em được các cấp Đoàn - Hội - Đội cùng các đơn vị đồng hành hỗ trợ cho các em thiếu nhi vùng khó. Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh

Đồng thời, các cấp Đoàn – Hội – Đội đã phối hợp với các đơn vị Trung ương và địa phương tổ chức Chương trình “Xuân biên giới - Tết thắm tình quân dân”; trao tặng hàng nghìn suất quà cho đồng bào và thanh thiếu nhi dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, khởi công xây dựng gần 10 “Ngôi nhà hạnh phúc” và các công trình “Sân tập thể dục, thể thao cho thanh thiếu nhi” nhằm đồng hành với các em nhỏ.
Đặc biệt, 100% liên đội đều nhận hỗ trợ từ 10 - 15 học sinh khó khăn tại đơn vị, với nhiều hình thức giúp đỡ như trao tặng học bổng, hỗ trợ con giống, vật nuôi cho gia đình các em…

Những hoạt động này đã góp phần quan trọng để từng bước đồng hành, hỗ trợ các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Nghệ An trong thời gian qua.

bna_ảnh 5.jpg
Đồng chí Trần Linh cùng các đơn vị đồng hành trao học bổng cho các em thiếu nhi tại chương trình Phụ trách sao giỏi năm 2024. Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh

P.V:Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh cần phải hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động ra sao để có thể đáp ứng nhu cầu giáo dục và rèn luyện cho các em trong giai đoạn mới?

Đồng chí Trần Linh: Trong giai đoạn hiện nay, thiếu nhi cả nước nói chung, thiếu nhi Nghệ An đã và đang trải qua nhiều đổi thay đáng kể. Các em được tạo điều kiện để học tập trong môi trường tốt hơn nhằm rèn luyện và phát huy những thế mạnh của mình.
Tuy nhiên, cũng có nhiều điều đáng phải suy nghĩ. Đầu tiên, đó là dưới sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, các em có thể dễ dàng tiếp cận một lượng lớn thông tin đa dạng và phong phú. Điều này tác động không nhỏ đến nhận thức, cách suy nghĩ và hành vi của các em. Trong gia đình, mối quan hệ giữa các thành viên cũng có lúc, có khi chưa thực sự gắn kết.

Nếu như ở thành phố, bố mẹ của các em phải đối mặt với sự bận rộn, hối hả của công việc thì tại các vùng nông thôn, miền núi, ngày càng nhiều em nhỏ thiếu thốn tình cảm, sự quan tâm của bố, mẹ khi họ phải đi làm ăn xa tại các khu công nghiệp, xưởng sản xuất ngoại tỉnh. Nhiều em cũng đang phải đối mặt với áp lực căng thẳng, lo lắng trong học tập, không ít em bị trầm cảm do áp lực từ xã hội, gia đình và bạo lực học đường.

huyện đoàn Tân Kỳ.jpg
Đoàn - Hội - Đội các cấp đã có nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về các em thiếu nhi vùng cao. Ảnh: Huyện đoàn Tân Kỳ

Trước những thành tựu và thách thức của thời kỳ đổi mới, tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh không đứng ngoài cuộc mà đã, đang và sẽ có những hành động cụ thể. Điều đầu tiên đó là xây dựng một mạng lưới hỗ trợ vững chắc, bao gồm gia đình, trường học, tổ chức Đoàn – Đội – Hội để đảm bảo rằng các em nhận được sự hỗ trợ và đồng hành hiệu quả. Việc tổ chức các hoạt động nhằm thu hút, tập hợp thiếu nhi bên ngoài nhà trường sao cho mềm hóa nhưng vẫn đảm bảo tính chính trị, tính giáo dục của tổ chức.
Bên cạnh đó, công tác tạo nguồn cán bộ phụ trách Đội đảm bảo yêu cầu phẩm chất và năng lực để làm tốt nhiệm vụ, giáo dục các em đội viên theo tôn chỉ mục đích của tổ chức Đội.

thiếu nhi nghệ an..jpg
Nhiều hoạt động do các cấp bộ Đội triển khai thu hút sự tham gia rất hào hứng của các em thiếu nhi trên địa bàn tỉnh. Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh

Cuối cùng, cần thực hiện tốt các phong trào của Đội nhằm giúp thiếu nhi rèn luyện, phấn đấu, tạo môi trường và động lực để các em xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ, thực hiện xuất sắc 5 điều Bác Hồ dạy, gắn liền với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Đó là những tiền đề quan trọng để thiếu nhi Nghệ An có thể phát triển toàn diện nhất trong tình hình mới.

P.V: Cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện!

Thanh Quỳnh