Bác Hồ với quê hương Nghệ An

Lửa rèn trên quê hương Bác

Diệp Thanh 19/05/2024 07:23

Ở xóm Liên Sơn, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn – nơi nghề rèn từng rất phát triển, nay chỉ còn vài nhà còn gắn bó với nghề. Sự gắn bó đó như một sợi dây kết nối những giá trị xưa và nay và ngọn lửa lò rèn cũng giống như tình yêu lao động, bập bùng bao năm.

bna_lửa rèn Nam Đàn Ảnh Diệp Thanh00016.jpg

Ở xóm Liên Sơn, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn – nơi nghề rèn từng rất phát triển, nay chỉ còn vài nhà còn gắn bó với nghề. Sự gắn bó đó như một sợi dây kết nối những giá trị xưa và nay và ngọn lửa lò rèn cũng giống như tình yêu lao động, bập bùng bao năm.

“NHIỆT” NGHỀ

Tôi đến thăm lò rèn của anh Võ Văn Hiếu (sinh năm 1979) vào một chiều tháng 5 nắng bỏng. Dù lưng áo ướt đẫm mồ hôi vì cái nóng mùa hè, tôi vẫn cảm thấy nhiệt độ đó rất “mát mẻ” so với nhiệt độ bên trong không gian xưởng rèn của anh Hiếu. Gần như ở góc nào của xưởng cũng toả nhiệt, không từ than thì từ điện, không từ máy hàn thì từ máy mài. Để chịu đựng được sức nóng của lò rèn quanh năm, chắc chắn nhiệt huyết làm nghề của anh Hiếu phải cao hơn tất thảy.

Anh Võ Văn Hiếu trong xưởng rèn của mình. Clip: Diệp Thanh

Xưởng rèn của anh Hiếu chủ yếu sản xuất đồ nông cụ như liềm, dao, cuốc, cày, dao thái rau chăn nuôi… Đang là mùa gặt, bà con có nhu cầu sử dụng liềm nhiều nên trong xưởng rất nhiều mặt hàng này. Để hoàn thành một chiếc liềm, trung bình anh mất từ 1,5 đến 2 tiếng đồng hồ với nhiều công đoạn.

Đầu tiên là phải chọn chất liệu để làm, cắt thành miếng theo hình dạng phù hợp. Sau đó nung đỏ để làm mềm liềm, dùng búa căn chỉnh lại dáng cho đúng độ nghiêng, độ vát. Tiếp theo, mài liềm để có được độ sắc như ý và cắt chấu cho liềm. Cuối cùng là tôi liềm bằng cách nung đủ độ trong lò than, nhúng vào nước và mài trơn 1 lần nữa. Một chiếc liềm hoàn chỉnh có giá bán ra là 25.000 đồng”.

Anh Võ Văn Hiếu

bna_Công đoạn tôi thép đòi hỏi phải có kinh nghiệm.JPG
Vào mùa hè, không gian làm việc của những thợ rèn càng trở nên ngột ngạt. Ảnh: Diệp Thanh

Trong tất cả những công đoạn anh Hiếu liệt kê, công đoạn cắt chấu và tôi liềm có lẽ là công đoạn đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn cả. Chỉ sau ít phút bật lò than để nung đỏ chiếc liềm cần tôi, mồ hôi anh Hiếu đã chảy thành vệt trên mặt, làn da bánh mật lại càng sẫm màu. Không chỉ nóng, bụi than từ lò thổi tung lên cũng rất ngột ngạt.

Những xưởng rèn ở Kim Liên nay không còn bóng dáng của những chiếc lò bễ, lò quay, thay vào đó là những chiếc lò thổi và rất nhiều máy móc hiện đại. Những người thợ rèn xưa cũng đã và đang chuyển giao thế hệ. Nhưng vẫn còn một số người cao tuổi tâm huyết, gắn bó với nghề.

Cách nhà anh Hiếu khoảng 400m là xưởng rèn của cụ Trần Đình Thức (sinh năm 1941). Ở cái tuổi xưa nay hiếm, lò rèn của cụ Thức vẫn nổi lửa mỗi ngày và là địa chỉ uy tín của bà con nhân dân trong vùng. Tay nghề và tâm nghề của cụ Thức đủ cao để khách gần xa chủ động tìm đến tận nhà đặt hàng mà không cần phải ra chợ hay bỏ mối cho cửa hàng nào.

Làm nghề rèn, ngoài yêu cầu về sức khoẻ và kỹ năng ra thì còn phải có tâm lý vững nữa. Với tôi, mỗi công đoạn đều cần thời gian, có thời gian mới căn được nhiệt chuẩn, mới mài được bén dao, mới tôi được đúng độ… Khách cứ đứng cạnh giục giã là tôi sẽ không nhận làm”.

Cụ Trần Đình Thức

bna_nghề rèn Nam Đàn Ảnh Diệp Thanh00015.JPG
Cụ Trần Đình Thức biết làm rèn từ khi mới 12 tuổi. Ảnh: Diệp Thanh

Không khó để xác nhận cái sự vững tâm lý của cụ. Gương mặt cụ thản nhiên như không giữa những âm thanh chát chúa, inh tai nhức óc của cái đe máy 30kg, giữa cái nóng hầm hập và ngọn lửa đang muốn bùng lên trong lò. Cái uy tín của cụ Thức còn được thể hiện trong sự kỹ tính, cẩn thận khi chọn vật liệu để làm và kỹ năng tôi thép tuyệt vời bằng cách nhìn màu nung thép. Những sản phẩm của cụ Thức thường có độ bền từ 10-20 năm, thậm chí hơn. Cũng chính vì thế mà mỗi một sản phẩm cụ bán ra cũng đắt hơn nhiều lần so với giá thị trường.

Trong môi trường làm việc đặc thù của một xưởng rèn, dù khéo léo, cẩn thận đến đâu, những người thợ cũng sẽ có xác suất gặp phải những tình huống tai nạn nghề nghiệp. Với họ, chuyện đứt tay, chảy máu, bỏng da là điều hết sức bình thường. Những đôi tay vì thế chai sạn, nứt nẻ theo tháng năm, da bàn tay dày lên như một đặc điểm nhận dạng đặc biệt.

bna_ren nam dan Thanh.png
Nghề rèn đòi hỏi phải có sức khoẻ, kiên trì, chịu khó. Ảnh: Diệp Thanh

Bằng sức khoẻ, bằng kinh nghiệm, bằng những đôi tay khéo léo, cặp mắt tinh tường và sự kiên trì, bền bỉ, xưởng rèn của cụ Thức và anh Hiếu đã cung cấp nông cụ sắt thép cho bà con nhân dân quanh vùng nhiều năm nay. Dẫu lấm lem, vất vả, họ vẫn yêu và muốn gắn bó lâu dài với nghề.

TIẾP NỐI GIÁ TRỊ XƯA

Xã Kim Liên xưa có nhiều người làm nghề thợ rèn đến mức thành lập được cả một hợp tác xã. Hầu hết họ là những người học trò của cố Điền, cố Tiễng - những nhân vật gắn liền với tuổi thơ của Bác Hồ. Theo sự phát triển của xã hội, số nhà làm rèn thưa dần. Lửa lò rèn liệu có còn cháy mãi?

bna_ren Nam dan 2 Thanh.png
Xưởng rèn của cụ Thức nằm trong ngõ hẹp, xa trung tâm, nhưng dân quanh vùng vẫn tìm đến vì tin tưởng tay nghề, tâm nghề của cụ. Ảnh: Diệp Thanh

Theo cha làm rèn từ năm 12 tuổi, đến tuổi đi bộ đội, cụ Thức tham gia kháng chiến. Đến năm 1977, trở về quê hương, cụ lại quay về với lò rèn của ông, của cha.

Ông nội tôi là thợ học nghề từ cố Điền. Ông truyền cho bố rồi bố lại truyền cho tôi. Tôi yêu nghề của mình lắm, sẽ tiếp tục làm đến khi không thể làm nữa. Chỉ tiếc là mấy người con trai của tôi, không ai theo nghề rèn…

Cụ Trần Đình Thức

Không người con nào theo nghề rèn, ông Thức quyết định truyền cho những người có thiện chí học hỏi. Nhiều năm nay, ông đã nhận đào tạo cho rất nhiều thợ đến xin học nghề, mỗi người 3 tháng để thành thạo tất cả các kỹ năng. Trước lúc chia tay, ông luôn tặng cho học trò một bộ đồ nghề để chúc may mắn. Người học trò thành công nhất của ông nay đã là chủ một xưởng rèn có tiếng ở ngã 3 Thọ Sơn (Tân Kỳ).

bna_nghề rèn Nam Đàn Ảnh Diệp Thanh00013.JPG
Sản phẩm khuôn thái rau chăn nuôi của anh Hiếu được nhiều khách đặt hàng. Ảnh: Diệp Thanh

Cũng mang tâm tư giữ nghề rèn, anh Hiếu trải lòng: “Tôi không nhớ chính xác mình đã gắn bó với nghề làm rèn từ bao giờ. Chỉ biết suốt những năm tháng tuổi thơ quẩn quanh bên lò rèn. Rồi cứ thế, tôi phụ cha rèn và lớn lên trở thành một người thợ rèn như cha của mình. Nghề rèn với tôi vừa để mưu sinh, vừa để tiếp nối, giữ gìn”.

Cái giá trị tiếp nối mà anh Hiếu nhắc đến là những sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu khách hàng, bên cạnh những sản phẩm truyền thống. Đó là những chiếc cào lúa, cào rơm, khuôn cắt rau chăn nuôi… Những sản phẩm này được anh sản xuất với tính hoàn thiện cao, giá cả hợp lý, bán sỉ cho nhiều cửa hàng ở chợ đầu mối.

bna_nghề rèn Nam Đàn Ảnh Diệp Thanh00016.JPG
83 tuổi, cụ Thức vẫn miệt mài nổi lửa rèn hàng ngày. Ảnh: Diệp Thanh

Diệp Thanh