Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp
(Baonghean.vn) - Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết thực hiện Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.
Luật Giám định tư pháp được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được Quốc hội XV thông qua ngày 10/6/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.
Thực hiện Luật Giám định tư pháp, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường bổ nhiệm giám định viên tư pháp. Đến nay, đội ngũ giám định viên tư pháp ở các lĩnh vực trong toàn quốc là 7.135 người. Bên cạnh đó, có 2.621 người giám định tư pháp theo vụ việc. Từ năm 2018 đến 30/6/2023, hệ thống tổ chức, người giám định tư pháp ở các lĩnh vực đã thực hiện 1.039.615 vụ việc.
Nhìn chung, việc tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định được các tổ chức giám định thực hiện nhanh gọn, nhất là đối với lĩnh vực có tổ chức chuyên trách như pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, hầu hết đáp ứng kịp thời yêu cầu. Việc tiếp nhận và thực hiện giám định trong những lĩnh vực không có tổ chức chuyên trách cũng từng bước được các bộ, cơ quan ngang bộ, sở, ngành chuyên môn, tổ chức được trưng cầu quan tâm tiếp nhận, thực hiện và cũng có nhiều thay đổi, cơ bản đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng.
Kết luận giám định là chứng cứ mang tính chuyên môn đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết nhanh chóng các vụ án, vụ việc được chính xác, khách quan và đúng pháp luật cũng như công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, kinh tế nói riêng.
Đặc biệt, thông qua công tác giám định, lực lượng kỹ thuật hình sự cũng như đội ngũ giám định về công nghệ cao đã phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm, kịp thời thông báo cho các đơn vị chức năng đề ra phương án đấu tranh phù hợp; từ đó, nghiên cứu tìm ra các giải pháp nghiệp vụ, phục vụ hiệu quả công tác giám định và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương phát biểu, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, cũng như đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp cho rằng, trong thời gian tới, công tác giám định tư pháp cần được các ngành, các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện với các giải pháp đồng bộ. Trong đó, tăng cường trách nhiệm, phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp, nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định và bảo đảm kinh phí hoạt động cho các tổ chức giám định tư pháp công lập, đồng thời, bảo đảm kinh phí, điều kiện giám định cho các cơ quan, đơn vị Nhà nước và công chức, viên chức ở lĩnh vực kiêm nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ giám định.
Cùng với đó, tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp lý và nghiệp vụ giám định cho đội ngũ làm giám định, bảo đảm mỗi người giám định đều được trang bị đầy đủ kiến thức pháp lý và kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ giám định; chú trọng và thường xuyên tổ chức tập huấn cập nhật quy định pháp lý mới và kiến thức, phương pháp nghiệp vụ, chuyên môn mới; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ người giám định tư pháp ở các lĩnh vực…