Quốc tế

Putin cảnh báo 'hậu quả nghiêm trọng' nếu Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công Nga

Lan Hạ 29/05/2024 10:35

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28/5 cảnh báo sẽ có "hậu quả nghiêm trọng" nếu các nước phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ để tấn công các mục tiêu ở Nga, như Kiev mong muốn.

anh-1.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP

Cảnh báo của ông Putin được đưa ra nhằm đáp lại lời kêu gọi của một số thành viên NATO cũng như người đứng đầu liên minh Jens Stoltenberg cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của mình để đẩy mạnh các cuộc tấn công trên đất Nga, nhằm chấm dứt hơn 2 năm chiến tranh.

“Sự leo thang liên tục này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng”, ông Putin nói trong chuyến thăm Uzbekistan. Theo Tổng thống Putin, "ở châu Âu, đặc biệt là ở các nước nhỏ, họ nên nhận thức được họ đang chơi trò gì”, đồng thời lưu ý rằng, nhiều nước châu Âu có “lãnh thổ nhỏ” và “dân số đông”. Ông nhấn mạnh: “Và yếu tố này mà họ nên lưu ý trước khi bàn về việc tiến sâu vào lãnh thổ Nga, là một điều nghiêm trọng”. Tổng thống Putin nói thêm rằng, ngay cả khi lực lượng Ukraine thực hiện các cuộc tấn công, trách nhiệm vẫn sẽ thuộc về các nhà cung cấp vũ khí phương Tây. “Họ muốn một cuộc xung đột toàn cầu,” ông Putin chỉ trích. Các nước phương Tây từ lâu đã cảnh giác với việc bị coi là bên tham chiến trong cuộc xung đột Ukraine khi họ hỗ trợ Kiev.

Tổng thống Putin cho hay mặc dù ông tin các huấn luyện viên quân sự phương Tây đã đến Ukraine hoạt động bí mật với tư cách là lính đánh thuê, nhưng mọi động thái của các quốc gia gửi các huấn luyện viên này một cách chính thức sẽ là một "sự leo thang" nữa.
Tư lệnh cấp cao của Ukraine hôm thứ Hai thông báo rằng, các cuộc đàm phán đang được tổ chức với Pháp về việc cử các giảng viên quân sự tới Ukraine. “Đây là một bước nữa hướng tới một cuộc xung đột nghiêm trọng ở châu Âu, hướng tới một cuộc xung đột toàn cầu”, ông Putin nói. “Có những chuyên gia ở đó dưới vỏ bọc lính đánh thuê”, và nói thêm rằng, “điều này không có gì mới”. Tổng thống Putin tuyên bố họ sẽ bị quân đội Nga "đánh bại" vì "chúng tôi sẽ làm những gì chúng tôi cho là cần thiết bất kể ai đang có mặt trên lãnh thổ Ukraine".

Quan chức phụ trách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, sau cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng EU tại Brussels rằng, các nước châu Âu đã bất đồng về việc cử giảng viên quân sự tới Ukraine. Các quốc gia bao gồm Đức phản đối việc thực hiện một bước đi mà họ lo ngại có thể kéo họ đến gần hơn với cuộc xung đột trực tiếp với một nước Nga sở hữu vũ khí hạt nhân.
Các nước EU đã huấn luyện 50.000 quân Ukraine bên ngoài quốc gia bị chiến tranh tàn phá này theo một sứ mệnh toàn khối được thiết lập vào năm 2022./.

Lan Hạ