Bác Hồ với quê hương Nghệ An

Nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khu di tích Kim Liên 30/05/2024 08:40

Theo con đường liên hương, chúng ta tới một làng quê ngát hương sen. Đó là làng Sen, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống trong thời niên thiếu (1901 - 1906).

nha-ong-pho-bang-nguyen-sinh-sac-anh-nen-0a6822e33138a2be28240e9f2161dc47.jpg

Khoa thi hội Tân Sửu (1901), ông Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng, ông được Vua Thành Thái ban thưởng biển "Ân tứ ninh gia" (Ơn Vua ban cho gia đình tốt) và cờ "Phó bảng phát khoa", cho hưởng lễ vinh quy bái tổ. Tổng đốc An Tĩnh lúc đó là Đào Tấn đã tổ chức đón tiếp trọng thị và sức cho nhân dân Làng Sen - Hoàng Trù chuẩn bị nghi thức xuống Vinh đón rước quan Phó bảng. Với bản tính khiêm nhường, ông đã nói với bà con: "Tôi đậu chẳng có ích gì cho bà con làng xóm mà bà con phải đón rước", rồi ông cùng bà con đi bộ về nhà ở Hoàng Trù.

Trước vinh dự lớn lao, lần đầu tiên làng có người đậu đại khoa, Chính quyền và nhân dân Làng Sen đã góp công, góp của mua một ngôi nhà gỗ lợp tranh năm gian về dựng trên mảnh vườn rộng 4 sào 14 thước rồi kéo nhau xuống Hoàng Trù mời ông Phó bảng về ở. Người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Sinh Thuyết cũng dỡ lẫm thóc ba gian đưa sang làm nhà ngang để mừng em công thành danh toại.

Cảm kích trước tấm lòng vàng của bà con và theo phong tục truyền thống lâu đời, ông Nguyễn Sinh Sắc cùng ba con tạm biệt bà ngoại, tạm biệt Hoàng Trù thân thuộc trở về sinh sống tại làng Sen quê cha. Năm 1957, sau hơn 50 xa cách, lần đầu trở về thăm quê, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với bà con: "Đây là nhà ông Phó bảng".

Bác Hồ trò chuyện với mọi người trong căn nhà xưa của gia đình. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ trò chuyện với mọi người trong căn nhà xưa của gia đình. Ảnh: Tư liệu

Trong ngôi nhà đơn sơ, giản dị này, gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những năm tháng đầm ấm hạnh phúc. Vẫn còn đây, những hiện vật thiêng liêng đang còn hơi ấm của Người và những người thân.

Không gian ở đây tĩnh lặng, yên lành và rợp bóng mát cây xanh. Đồ đạc trong nhà được bài trí đẹp mắt, tiện lợi. Hai gian nhà ngoài được dùng để thờ tự và tiếp khách. Ở đây kê một bộ phản ba tấm bằng gỗ đa, trên trải chiếu mộc. Hai phía Tây và Nam đều có trổ cửa sổ, phía trước có rèm che. Trong không gian tĩnh lặng này, biết bao cuộc tao ngộ, bao lần đàm luận của các nhà yêu nước đầu thế kỷ đã diễn ra sôi nổi nhiệt thành.

Lối vào nhà ông Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh: Tư liệu
Lối vào nhà ông Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh: Tư liệu

Ngày ấy, Nguyễn Sinh Cung được thân sinh sai lấy nước, tiếp thuốc cho khách và thỉnh thoảng làm nhiệm vụ liên lạc. Biết bao lần cậu được chứng kiến nỗi day dứt và trăn trở của các bậc cha chú trước vận mệnh nước nhà. Hình ảnh ông Phan Bội Châu với vầng trán rộng, giọng nói âm vang, Vương Thúc Quý với đôi mắt sáng rực lửa căm thù bọn thực dân, Đặng Thái Thân, Đặng Nguyên Cẩn với lòng hăng say nhiệt huyết, sự thâm trầm suy tư của Nguyễn Sinh Sắc... tất cả đã in đậm vào tâm trí của cậu thiếu niên Nguyễn Sinh Cung.

Lắng tai nghe những lời bàn luận của các cụ, bằng sự mẫn cảm tuyệt vời, Nguyễn Sinh Cung đã sớm nhận thức được những vấn đề đặt ra của thời đại. Đó là cơ sở ban đầu cho việc hình thành tư tưởng yêu nước thương dân ý chí giải phóng dân tộc và nhen nhóm bao ước mơ cao đẹp của Người. Ký ức về những cuộc tranh luận gay gắt về đường lối giải phóng dân tộc là tiền đề để sau này Nguyễn Tất Thành suy ngẫm, lựa chọn con đường làm cách mạng của mình.

Khoảng sân nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Làng Sen (Nam Đàn). Ảnh: Tư liệu
Khoảng sân nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Làng Sen (Nam Đàn). Ảnh: Tư liệu

Gian thứ hai là nơi thờ người vợ, người mẹ thân yêu đã quá cố. Đồ thờ được bài trí giản dị như cuộc sống trước đây của bà, cạnh bàn thờ , ông phó bảng dựng tấm biển "Ân tứ ninh gia" và cờ "Phó bảng phát khoa", những chứng chỉ về sự thành đạt trên con đường khoa cử, ngỏ ý dâng lên hương hồn người vợ hiền - người đã đóng góp phần nửa công lao trong sự gặt hái thành quả của mình. Ngày ngày, Nguyễn Sinh Cung thường đến trước bàn thờ thắp hương tưởng nhớ người mẹ thân yêu, bồi hồi nhớ lại những tháng ngày được sống trong vòng tay yêu thương của mẹ. Ngày về thăm quê, Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng xúc động, dâng nén hương thơm tỏ lòng biết ơn vô hạn người mẹ kính yêu của mình. Người nói với bà con "Xưa nhà Bác nghèo, bàn thờ chỉ làm bằng tre, không có chân mà chỉ dùng hai miếng gỗ đóng gá vào hai bên cột đỡ bàn thờ lên, liếp bằng nứa, trên trải chiếu mộc".

Gian thứ ba là buồng nghỉ của cô Nguyễn Thị Thanh, chị cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gian buồng hẹp, kín đáo, tại đây có một chiếc giường nhỏ làm bằng gỗ vườn, liếp nứa. Không như những cô chiêu cậu ấm khác, những người con ông Phó bảng có nếp sinh hoạt như con cái những nhà thường dân trong xóm nghèo lam lũ. Nhưng hơn mọi người, họ hăng hái tham gia các hoạt động yêu nước đương thời. Không cam phận gái, thuở nhỏ cô Nguyễn Thị Thanh đã tiếp thu được một lượng kiến thức hán học khá phong phú. Lớn lên sống ở Làng Sen, cô tích cực tham gia phong trào cứu nước của cụ Phan Bội Châu, hoạt động trong phái bạo động cùng Đội Quyên, ấm Võ.

fec09321b23813664a29.jpg
Nhà ông Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh: Đình Tuyên

Hai gian còn lại được dùng làm nơi nghỉ ngơi, học tập và sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Ở đây, có kê hai bộ phản kích thước vừa phải làm bằng gỗ đa. Bộ phản ở gian thứ tư là nơi ông Nguyễn Sinh Sắc nghỉ ngơi và đọc sách. Ông thường kê đầu lên bậu cửa sổ đón ánh sáng trời để đọc sách thánh hiền và các tài liệu khác. Khi đọc xong, ông thường cất sách lên một gác nhỏ rất ngăn nắp. Tại đây, ông đã giảng giải cho con nghĩa của các từ khó, các điển tích Trung Hoa và Việt Nam, giúp các con học tập tốt. Sát cạnh bộ phản là chiếc án thư dùng làm nơi học tập cho Nguyễn Sinh Cung và Nguyễn Sinh Khiêm. Trên án thư có bộ ấm chén thời Nguyễn dùng để uống nước. Những buổi trưa nóng nực hay những buổi tối trăng thanh, cô Nguyễn Thị Thanh thường nấu nước chè xanh mời bà con xóm giềng đến uống nước, hút thuốc và nói chuyện vui vẻ. Tình làng nghĩa xóm giữa nhà ông phó bảng với bà con nông dân thật gần gũi, chẳng có sự khác biệt nào. Ông thường dạy các con: "Vật dĩ quan gia, vi ngô phong dạng", nghĩa là "Đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình". Chính vì vậy, các con ông, tuy là con quan nhưng rất thấu hiểu tầng lớp nhân dân lao động nghèo khổ, thông cảm, quý trọng và luôn luôn giúp đỡ họ.

Bộ phản ở gian thứ 5 là nơi nghỉ ngơi của hai anh em Nguyễn Sinh Cung và Nguyễn Sinh Khiêm. Hai người hơn nhau chỉ vài tuổi, lại học cùng một lớp nên ngoài tình cảm anh em, họ còn coi nhau như những người bạn. Anh Khiêm rất quý trọng và em Cung rất kính nể anh. Việc học, việc chơi, việc ăn, việc ngủ, hai anh em gắn bó với nhau như hình với bóng, luôn thương yêu, giúp đỡ nhau làm ấm lòng thân sinh và chị cả.

Vật dụng sinh hoạt trong gia đình hết sức đơn sơ, giản dị: một chiếc rương gỗ nhỏ đựng ấm chén, bát đĩa; một đĩa đèn dầu lạc và duy nhất có chiếc mâm gỗ sơn son, gia đình thường dùng để tiếp khách quý. Ngoài ra còn có chiếc võng gai để dùng vào mùa hè. Mỗi khi dùng xong, võng và chiếu được gác lên một chiếc giá kín đáo gắn trên xà dọc hết sức ngăn nắp và sạch sẽ.

Quê nội Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Đình Tuyên
Du khách về thăm quê Bác. Ảnh: Đình Tuyên

Ba gian nhà ngang được sử dụng làm nơi sinh hoạt, ăn uống của gia đình. Ở đây có một chiếc chum sành đựng nước, một chiếc gáo dừa để múc nước. Hàng ngày Nguyễn Sinh Cung thường gánh nước từ giếng Cốc đổ vào chum giúp chị Thanh. Bên cạnh là chiếc bếp nhỏ, trong bếp có chiếc kiềng sắt ba chân thông dụng. Tất cả dụng cụ nấu ăn như nồi đất, niêu đất, bát đũa được xếp gọn trong chiếc cũi tre đặt sát vách. Cũng như bao gia đình nông dân khác, trong ngôi nhà này còn có cối xay lúa, cối giã gạo. Dù là nhà bếp lại lợp tranh, nhưng với cách sắp xếp gọn gàng, nên không khí ở đây thông thoáng mát mẻ, dễ chịu.

Thuở thiếu thời sống ở Làng Sen, Nguyễn Sinh Cung được cha gửi theo học với cử nhân Vương Thúc Quý, thầy đồ Trần Thân. Ngoài những kiến thức Hán học, cậu còn được các thầy thổi vào tâm hồn tình cảm yêu nước, thương dân. Để mở mang trí tuệ và tầm nhìn cho con cái, ông Nguyễn Sinh Sắc còn tạo điều kiện cho Tất Thành và Tất Đạt theo học lớp dự bị (preparatoire) trường Tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh. Chính nơi đây, Người đã tiếp xúc với văn minh phương tây và nảy sinh những suy nghĩ mới mẻ:

"Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Pháp "Tự do - Bình đẳng - Bác ái", thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy".

Ngoài việc học tập trên lớp, Nguyễn Tất Thành còn được tham dự nhiều cuộc luận bàn việc nước của các sĩ phu yêu nước, các nhà tư tưởng tiến bộ nhất lúc bấy giờ. Cậu còn được theo cha đi dạy học và giao du đến nhiều nơi trên đất Nghệ An, Hà Tĩnh và có lần ra tận Thái Bình. Những chuyến đi thực tế ấy đã làm cho cậu tiếp xúc rất nhiều với các nhân vật nổi tiếng, các di tích lịch sử, văn hóa có ý nghĩa, được chứng kiến biết bao cảnh lầm than đói khổ của đồng bào, sự áp bức hà khắc của bọn thống trị. Những điều đó tác động mạnh mẽ vào tư tưởng, tình cảm của cậu, hun đúc những hoài bão lớn lao, củng cố ý chí nghị lực, bồi đắp những hiểu biết cần thiết của cậu. Sau này khi nhớ lại quãng đời thơ ấu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:

"Nhân dân Việt Nam - trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi - lúc này thường tự hỏi nhau rằng ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người khác nữa nghĩ là Mỹ. Tôi thì thấy cần phải đi ra nước ngoài để xem cho rõ".

b239a407851e24407d0f.jpg
Mùa sen ở Kim Liên quê Bác. Ảnh: Đình Tuyên

Và thực tế trong thời gian ở đây Nguyễn Tất Thành đã bước đầu có những hoạt động yêu nước, điều đó được Trần Dân Tiên viết trong tác phẩm Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch: Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người thiếu niên mười lăm tuổi, người thiếu niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Anh đã tham gia công tác bí mật, nhận công việc liên lạc".

Tháng 5-1906, lần thứ hai triều đình Huế vời ông Nguyễn Sinh Sắc ra làm quan. Không có lý do trì hoãn ông đành phải rời quê hương vào Huế nhận chức thừa biện Bộ lễ. Hai anh em Tất Đạt, Tất Thành đi theo cha, còn chị cả Nguyễn Thị Thanh ở lại trông nom nhà cửa. Hai năm sau, Tất Đạt trở về quê nhà sống với chị gái. Cả hai chị em đều tích cực tham gia phong trào chống Pháp dưới ngọn cờ cứu nước của Phan Bội Châu, hoạt động trong phái bạo động của Đội Quyên, Đội Phấn. Họ lần lượt bị thực dân Pháp bắt và đày ải nhiều lần, ngôi nhà bị bán đi qua tay nhiều chủ, hòa bình lập lại mới được chuộc về dựng trên nền đất cũ làm di tích lưu niệm.

Sáng ngày 16/6/1957, nhân dân xã Kim Liên và huyện Nam Đàn rạo rực, hân hoan đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau nửa thế kỷ ra đi tìm đường cứu nước, lần đầu tiên trở về thăm quê nhà. Khi xuống xe mọi người mời Chủ tịch vào nhà khách. Người nói: "Nhà khách là để đón khách, còn tôi là chủ để tôi về thăm nhà". Và theo lối cũ ngày xưa, Người vào thăm lại từng kỷ vật rất đỗi thiêng liêng, gắn bó thời niên thiếu của mình và cuộc đời của những người thân.

Với gương mặt xúc động, sau khi thăm từng kỷ vật, Người ra sân nhìn quang cảnh xung quanh, Người bồi hồi nói: "Ngày trước ở ngay cổng ra vào có cây ổi đào nhiều quả và rất ngọt, trước sân là cây bưởi, bên hồi nhà là cây cam và sau nhà có hàng cau đẹp".

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm ngôi nhà của gia đình tại làng Sen năm 1957. Ảnh: BQL Khu di tích Kim Liên
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm ngôi nhà của gia đình tại làng Sen trong lần Người về thăm quê năm 1957. Ảnh: BQL Khu di tích Kim Liên

Khi đi ra cổng có đồng chí cán bộ tỉnh xin Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phép trồng hoa trong vườn cho đẹp, Người chỉ vào những bông hoa khoai tím ngắt rồi nói: "Hoa khoai vẫn đẹp". Mọi người đều cảm động và hiểu rõ ý nghĩa thiết thực trong câu nói của Người. Trên đường ra sân vận động để nói chuyện với đồng bào, Người ân cần hỏi thăm bà con về giếng Cốc, lò rèn Cố Điền, về gia đình cố Phương - một cố nông nghèo nhất làng hồi Người còn sống ở Làng Sen... Hơn 50 năm xa quê, biết bao nhiêu việc phải nghĩ phải làm, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nhớ, vẫn quan tâm đến từng người dân.

Ngày 9-12-1961, nhân dân quê hương lại được vinh dự đón Người về thăm quê lần thứ hai trong niềm vui sướng nghẹn ngào tột độ. Nhưng có ai trong số đó biết được rằng đó là lần cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có điều kiện về thăm. Dù vậy, hình ảnh, dấu chân, tư tưởng, tình cảm của Người đã in đậm trong lòng người và lòng đất quê hương.

Khu di tích Kim Liên