Quốc tế

Vẫn còn thời gian để ngăn chiến tranh NATO-Nga?

Hoàng Bách 01/06/2024 11:16

Một số nước phương Tây đã cho phép Kiev sử dụng vũ khí tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga bất chấp cảnh báo từ Moskva.

Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto. Ảnh: Getty
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto. Ảnh: Getty

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết, tại cuộc họp cấp bộ trưởng của khối quân sự ở Praha hôm 31/5 rằng, NATO đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh kéo dài với Nga nhưng vẫn có cơ hội ngăn điều đó xảy ra.

Các nước thành viên NATO đã chấp thuận cho Kiev sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga. Trước đó cùng ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Ukraine có quyền tự vệ, trong đó bao gồm quyền tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp bên trong lãnh thổ Nga.

Báo Magyar Nemzet của Hungary dẫn lời ông Szijjarto cho biết, những bước đi này đang được thực hiện để chuẩn bị “cho một cuộc chiến tranh kéo lâu dài, trong nhiều năm”.

Ông nói thêm: “Chuyến tàu tốc hành chiến tranh đã khởi hành từ ga áp chót”, và câu hỏi đặt ra là liệu còn cơ hội ngăn chặn nó hay không.

Ngoại trưởng Hungary cho biết, “chỉ còn một phanh khẩn cấp”, ám chỉ các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6. Ông Szijjarto nói thêm, người dân châu Âu “có thể bày tỏ rõ với chính phủ của họ rằng họ không muốn sống trong cảnh chiến tranh ở châu Âu trong thời gian dài”.

Hungary trước đó đã kêu gọi ngừng bắn và đàm phán hòa bình để giải quyết xung đột Ukraine. Budapest đã từ chối gửi viện trợ quân sự cho Kiev và nhiều lần trì hoãn các biện pháp trừng phạt của EU đối với Moskva.

Ngoại trưởng Hungary là người chỉ trích mạnh mẽ quan điểm của NATO về cuộc xung đột hiện nay. Trước cuộc gặp ở Praha, ông nói rằng “cơn cuồng chiến” chống Nga đang khiến các nhà lãnh đạo phương Tây ngày càng áp dụng “những ý tưởng điên rồ” và có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Tuần trước, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cảnh báo Brussels và Washington có thể đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Nga. Orban cho biết, Budapest đang nỗ lực “định nghĩa lại” tư cách thành viên NATO của mình để nước này có thể lựa chọn từ chối tham gia “các hoạt động bên ngoài lãnh thổ của khối” của liên minh quân sự này.

Một số quốc gia thành viên NATO khác như Na Uy, Phần Lan, Latvia, Ba Lan và có thông tin cả Đức đã lên tiếng ủng hộ Kiev sử dụng tên lửa tầm xa tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.

Hôm 30/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã bí mật bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu ở khu vực của Nga giáp với Vùng Kharkov.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 30/5 nói rằng, các quốc gia thành viên NATO, đặc biệt là Mỹ, đã “cố tình” phát động một đợt leo thang mới xung quanh Ukraine để kéo dài “cuộc chiến vô nghĩa”.

Ông cũng cảnh báo rằng những hành động như vậy sẽ gây ra hậu quả và làm tổn hại đến lợi ích của các quốc gia lựa chọn leo thang căng thẳng.

Hoàng Bách