Bà Hoàng Thị Loan - Người mẹ vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đã từ lâu Cụ bà Hoàng Thị Loan - Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân Việt Nam tôn vinh là người mẹ vĩ đại, người có công sinh thành người con vĩ đại Hồ Chí Minh.
Cụ bà Hoàng Thị Loan sinh năm Mậu Thìn (1868) tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn (nay là xóm Trù 3, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn), trong một gia đình nhà nho hiếu học. Từ thuở nhỏ bà đã được chăm sóc, dạy dỗ ân cần của thân sinh Hoàng Xuân Đường và thân mẫu Nguyễn Thị Kép. Cụ ảnh hưởng sâu sắc những đặc tính: Thương người, giàu lòng nhân ái, trọng nghĩa thủy chung; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của hai dòng họ, hai gia đình nội ngoại. Cụ là người chịu khó học hỏi, tự trang bị cho mình vốn văn hóa sâu sắc. Cụ thông thuộc truyện Kiều, nhớ nhiều điển tích, thuộc nhiều làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh.
Cụ bà Hoàng Thị Loan khi ở tuổi trăng tròn là cô gái thôn dã, siêng năng, cần cù, chịu khó, rất mực đảm đang. Giọng hát đối phường vải của cụ để lại nhiều ấn tượng sâu sắc làm xao xuyến trái tim chàng nho sĩ Nguyễn Sinh Sắc. Tình yêu thầm kín, trái tim yêu thương cùng chung một nhịp đập gắn kết hai người thành một cặp uyên ương.
Trước mối tình nồng thắm của hai con, thầy Hoàng Xuân Đường, một người có tư tưởng tiến bộ, vượt lên lễ giáo phong kiến, đã chọn ngày lành tháng tốt tổ chức lễ kết hôn cho hai người.
Thương con, quý rể, cụ Hoàng Đường đã cắt đất làm nhà, tạo dựng cho hai con một cuộc sống tươi vui hạnh phúc.
Dưới mái nhà tranh đơn sơ nhỏ bé, bà Hoàng Thị Loan sinh ra 3 người con yêu nước:
- Nguyễn Thị Thanh - 1884
- Nguyễn Sinh Khiêm - 1888
- Nguyễn Sinh Cung - 1890 (tên gọi thuở nhỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Năm 1893, ông Hoàng Xuân Đường qua đời, một tổn thất vô cùng to lớn, một nỗi đau thương vô hạn đối với bà Hoàng Thị Loan. Gạt buồn làm vui, bà động viên chồng rèn luyện văn chương để thành đạt trong sự nghiệp, thỏa nguyện lòng mong ước của thân sinh và năm 1894 cụ Nguyễn Sinh Sắc đậu cử nhân, đây là kỳ thi báo hiếu cho nhạc phụ và là kết quả 10 năm tận tụy nuôi chồng ăn học của cụ bà Hoàng Thị Loan.
Để giúp chồng ăn học, năm 1895, bà gồng gánh cùng chồng và hai con vượt chặng đường thiên lý vào Kinh đô Huế.
Ở Huế, Cụ bà Hoàng Thị Loan phải bươn chải với cuộc sống đời thường, lấy nghề dệt vải làm kế sinh nhai, xây dựng tổ ấm gia đình hạnh phúc.
Năm Canh Tý (1900), Cụ bà Hoàng Thị Loan sinh thêm cậu Nguyễn Sinh Xin trong hoàn cảnh thiếu thốn vất vả và trong lúc chồng đi coi kỳ thi hương ở tỉnh Thanh Hóa. Cụ lâm bệnh nặng, mặc dù được cậu Nguyễn Sinh Cung cùng bà con lối xóm tận tình thuốc thang, nhưng do căn bệnh hiểm nghèo, sức khỏe quá yếu, cụ trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (10-2-1901).
Cuộc đời Cụ bà Hoàng Thị Loan là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, sự hy sinh to lớn, lòng nhân ái bao dung của người phụ nữ Việt Nam. Cụ bà Hoàng Thị Loan hội tụ những đức tính công, dung, ngôn, hạnh, là người con hiếu thảo, người vợ đảm đang, chung thủy, người mẹ hiền từ, người nặng tình nặng nghĩa với bà con lối xóm, sống giản dị chân thật. Đức tính của cụ đã tác động sâu sắc đến sự hình thành nhân cách cao thượng, tình yêu quê hương đất nước, tình cảm thương dân sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.