Xã hội

Về nơi 'ra ngõ gặp... di tích' bên bờ sông Lam

Tiến Đông 05/06/2024 08:19

Nằm phía Nam của huyện Nam Đàn, thuộc mạn hữu ngạn sông Lam, Trung Phúc Cường (gồm 3 xã: Nam Trung, Nam Phúc, Nam Cường trước đây) thực sự là một vùng đất khoa bảng và giàu truyền thống cách mạng. Ngày nay, về Trung Phúc Cường, một đặc điểm rất dễ nhận biết là có nhiều tấm bảng di tích được cắm dọc đê sông Lam. Trong đó có đến 4 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và 12 di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Có người còn nói vui, đây là vùng đất hiếm hoi trong tỉnh mà… ra ngõ gặp di tích.

Làng khoa bảng

Theo các tư liệu lịch sử, Trung Phúc Cường từ năm 1825 về trước thuộc tổng Nam Kim, huyện Thanh Chương, phủ Đức Thọ (bao gồm các xã phía hữu ngạn sông Lam của Nam Đàn). Đến thời Vua Minh Mạng (1826), Thanh Chương được tách khỏi Đức Thọ để sáp nhập vào phủ Anh Sơn. Đến thời Vua Thành Thái (1889-1907), giữa hai huyện Thanh Chương và Nam Đàn đã có sự thay đổi về địa giới hành chính, khi tổng Nam Kim ở phía cuối của Thanh Chương được sáp nhập vào huyện Nam Đàn. Dù thay đổi địa giới cấp huyện, nhưng tên gọi các làng như: Dương Liễu, Trung Cần, Đông Châu, Xuân Trạch (Nam Trung cũ), hay Xuân Phúc, Đông Viên, Quảng Xá (Nam Phúc cũ)…

Ngày nay, sau khi sáp nhập cả 3 xã Nam Trung, Nam Phúc, Nam Cường thành Trung Phúc Cường, địa giới hành chính, các xóm làng cũng đã được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện quản lý. Nhưng với vùng đất này, Trung Cần vẫn là một làng khoa bảng nức tiếng trong vùng. Trong đó, địa danh Trung Cần được lấy từ câu "Sĩ quý trung cần, nữ quý trinh thuận" (con trai quý ở tính trung thực cần cù, con gái quý ở trinh tiết, thuận thảo).

bna_nhung-tam-bien-dan-tich-nam-day-dac-tren-con-de-huu-ngan-song-lam-c0a40fcd89f69aeb7c5431a57b19c3df.jpg
Những tấm bia dẫn tích trên đường ven đê thuộc xã Trung Phúc Cường. Ảnh: Tiến Đông

Người con đầu tiên của làng Trung Cần là danh nhân Tống Tất Thắng thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu (1505) đời Vua Lê Uy Mục. Lúc đó, ông vừa 18 tuổi. Ông làm quan đến Lại bộ thượng thư Nhập nội hành khiển, tước Nghĩa quận công. Là người khai quan của làng, sau này Tống Tất Thắng đã được người dân làng Trung Cần tôn thành hoàng làng.

Đặc biệt, ở làng Trung Cần, câu chuyện về 3 đời “kế thế đăng khoa”, 5 lần đi sứ nước ngoài của ba cha con, ông cháu họ Nguyễn Trọng là một trong những trường hợp hiếm hoi trong lịch sử phong kiến nước nhà. Trong đó, đời cha là cụ Nguyễn Trọng Thường (1681 - 1737), 32 tuổi đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Vĩnh Thịnh 8 (1712) đời Lê Dụ Tông. Nguyễn Trọng Thường làm đến chức Lại bộ hữu thị lang, và được triều đình cử đi sứ sang nhà Thanh. Khi hết hạn, trên đường về nước không may lâm bệnh đột ngột qua đời.

bna_nha-tho-dai-ton-ho-nguyen-trong.jpeg
Nhà thờ đại tôn họ Nguyễn Trọng tại xã Trung Phúc Cường. Ảnh: Thành Duy

Con trai của cụ Nguyễn Trọng Thường là Nguyễn Trọng Đương (còn gọi là Đang, sinh năm 1724, mất năm 1786), vào năm 1769 dưới thời Vua Lê Hiến Tông đã đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Kỷ Sửu. Ông làm quan đến chức Hàn lâm hiệu lý, được cử đi sứ nhà Thanh vào năm 1761. Sau khi trở về nước, ông được bổ chức Đốc trấn Lạng Sơn, tước Lạp Sơn bá. Thời gian làm quan ở xứ Lạng, ông là người đứng ra xây dựng đài Ngưỡng Đức và tự tay soạn bài văn bia đánh dấu mốc biên giới Việt - Trung.

bna_ben-trong-khong-gian-thoang-mat-cua-dinh-trung-can.jpg
Bên trong đình Trung Cần. Ảnh: Tiến Đông

Đến đời cháu là ông Nguyễn Trọng Đường, là cháu đích tôn của cụ Nguyễn Trọng Thường và gọi ông Nguyễn Trọng Đương là chú. Vào năm 1779, Nguyễn Trọng Đường đã đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng 40, đời Lê Hiển Tông. Ông làm quan đến chức Hàn lâm hiệu thảo, vâng lệnh triều đình làm Phó sứ sang nhà Thanh. Mãn hạn về nước, ông được thăng Thị chế, bổ Đốc trấn Lạng Sơn và tại vị đến đầu đời Vua Gia Long thì mất.

bna_cac-dai-bieu-tham-khao-tu-lieu-ve-dong-ho-nguyen-trong-trung-can.-anh-cong-kien.jpeg
Vào năm 2023, Sở Khoa học và Công Nghệ phối hợp với UBND huyện Nam Đàn đã tổ chức Hội thảo khoa học “Dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần với sự nghiệp bang giao, xây dựng và bảo vệ đất nước”. Trong ảnh, các đại biểu tham quan các tư liệu lịch sử về dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần tại buổi hội thảo. Ảnh: Công Kiên

Đến đời Vua Minh Mạng triều Nguyễn, con trai của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đường là Nguyễn Trọng Võ cũng đã đỗ Hương cống, làm quan đến Hàn lâm viện Thị độc Học sĩ, vinh dự được triều đình cử hai lần đi sứ sang Trung Quốc. Ngày nay, trong nhà thờ họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần có treo đôi câu đối: “Quốc thể ngũ hoa trùng cống phỉ/ Thư hương tam thế ngũ hoàng hoa” (tạm dịch: Năm lần đi sứ Tàu vinh danh quốc thể/Ba đời dành hoa vàng rạng rỡ thư hương). Tương truyền mỗi lần đi sứ, triều đình nhà Thanh đều ban cho một bông hoa vàng để cài lên mũ vị sứ thần, là một sự trân trọng đối với những người học rộng, tài cao của triều đình nhà Thanh.

bna_nha-tuong-niem-co-bo-truong-tran-quoc-hoan.jpg
Nhà tưởng niệm cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Ảnh: Tiến Đông

Đặc biệt, sau khi đỗ đạt và được bổ làm quan, các thế hệ trong dòng họ Nguyễn Trọng còn có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước. Trong đó, cha con Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đường đã có công đứng ra xây dựng đình Trung Cần từ năm 1781, đến năm 1782 thì hoàn thành. Đây là 1 trong 4 ngôi đình có quy mô lớn, kiến trúc đẹp nức tiếng trong vùng. Đến năm 1996, di tích đình Trung Cần và lăng mộ Tống Tất Thắng đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.

Ra ngõ gặp di tích

Những cách trở “đò giang” trước đây khiến cho mảnh đất Trung Phúc Cường nói riêng và các xã thuộc hữu ngạn sông Lam của huyện Nam Đàn gần như bị biệt lập so với các xã còn lại ở phía tả ngạn. Ngày nay, cây cầu Yên Xuân bắc qua sông Lam đi qua địa bàn xã Trung Phúc Cường đã khiến cho việc đi lại trở nên thuận tiện. Không khác gì nhiều so với các làng quê nằm dọc sông Lam, nhưng việc nơi đây thường xuất hiện các bậc đại khoa trong lịch sử là điều chưa ai lý giải được một cách kỹ càng. Có chăng là sự nối tiếp truyền thống của gia đình, dòng họ, là khát khao vươn lên để vượt qua nỗi vất vả, khó khăn của một vùng đất thường được xem là rốn lũ của miền hạ nguồn sông Lam.

bna_dinh-trung-can-mot-trong-4-di-tich-cap-quoc-gia-tai-xa-trung-phuc-cuong-f567db36bb2ddc909151b53c596b699c.jpg
Đình Trung Cần là 1 trong 4 di tích cấp Quốc gia tại xã Trung Phúc Cường. Ảnh: Tiến Đông

Khi vượt qua cây cầu Yên Xuân, trong không gian thanh bình của một vùng quê văn hiến, những cơn gió đông ùa về mang theo hơi mát của dòng sông Lam lại khiến cho chúng tôi có một cảm giác thư thái đến lạ. Dọc triền đê hữu ngạn sông Lam, cứ cách một quãng lại có một tấm biển dẫn tích dẫn vào di tích lịch sử cấp Quốc gia, cấp tỉnh, để du khách gần xa có thể tham quan, tìm hiểu. Đây cũng chính là điều tạo nên sự khác biệt đối với xã Trung Phúc Cường.

Tại vùng đất này, dòng họ nào cũng có thể tự hào về lịch sử của mình. Nếu họ Nguyễn Trọng tự hào về “Tam thế ngũ hoàng hoa”, thì họ Nguyễn Văn lại tự hào về “Tam thế kế đại khoa” và “Song nguyệt Tiến sĩ”. Trong đó có cụ Nguyễn Văn Giao đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ tam danh, nhị danh (Thám hoa thứ hai); cháu họ của cụ Nguyễn Văn Giao là Nguyễn Hữu Lập đỗ Đình nguyên - Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp). Trong họ còn có Nguyễn Tư Tái đỗ Phó bảng.

bna_nha-cach-mang-tran-dinh-san-voi-chu-tich-ho-chi-minh.jpg
Nhà cách mạng Trần Đình San với Bác Hồ. Ảnh: Gia đình cung cấp

Hay dòng họ Nguyễn Hữu với Nguyễn Hữu Dực hiệu Tô Lâm (1799 - 1858), có vợ thứ là Nguyễn Thị Đạm, con gái út của Đại thi hào Nguyễn Du. Ông Nguyễn Hữu Dực đỗ cử nhân năm 26 tuổi, được triều đình bổ Tri huyện Yên Thế (Bắc Giang), sau đó là Tri phủ Triệu Phong (Quảng Trị). Dưới thời Minh Mạng, ông được phong tặng từ Hàn Lâm viện thi giảng rồi Hàn Lâm viện thị độc, kiêm chức Giám sát ngự sử trong triều…

Ông Nguyễn An Toàn - Chủ tịch UBND xã Trung Phúc Cường không giấu được niềm tự hào khi dẫn tôi đi thăm một vòng quanh xã. Ông Toàn bảo, trên địa bàn xã hiện nay đã có đến 16 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 4 di tích cấp Quốc gia và 12 di tích cấp tỉnh. Hiện tại, còn có một số di tích và điểm di tích cũng đang làm hồ sơ để sớm được xếp hạng.

bna_pv-bao-nghe-an-trao-doi-voi-ong-tran-dinh-tiep-con-trai-nha-cach-mang-tran-dinh-san.jpg
PV Báo Nghệ An trao đổi với ông Trần Đình Tiệp, con trai nhà cách mạng Trần Đình San. Ảnh: Tiến Đông

Theo ông Toàn, ngoài đình Trung Cần được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1996 thì trước đó vào năm 1993, đình Đông Viên (xã Nam Phúc cũ), cũng đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. Ngoài ra, còn có di tích Nhà thờ họ Từ (xã Nam Cường trước đây), được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 2001. Nhà thờ họ Từ được xây dựng giữa thế kỷ thứ 16 để thờ các vị tổ họ Từ. Ngày 5/6/1930, tại nhà thờ họ Từ, Chi bộ Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Nam Cường ra đời. Từ đó trở đi, nhà thờ họ Từ trở thành địa điểm hội họp, liên lạc bí mật của các cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ, Huyện ủy Nam Đàn, Chi bộ Đảng tổng Phù Long và tổng Nam Kim. Nhà thờ còn là nơi tổ chức in ấn và cất giấu tài liệu, truyền đơn của Đảng.

Năm 2012, trên địa bàn xã Trung Phúc Cường còn có một di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đó là Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Tiềm (1912-1932), nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên tỉnh Nghệ An.

Chưa kể, trên địa bàn còn có 12 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh, trong đó chủ yếu là nhà thờ các dòng họ. Mỗi dòng họ lại có những đóng góp riêng cho phong trào cách mạng của dân tộc. Đó là nhà thờ dòng họ Trần Đình (chi 2), nơi sinh ra đồng chí Trần Đình San Bí thư đầu tiên của Liên chi Tổng ủy Nam Kim (có 6 chi bộ) và là Bí thư Chi bộ Dương Liễu (gồm 2 làng Dương Liễu và Trung Cần), thuộc tổng Nam Kim, sau là xã Nam Trung. Từ năm 1940, đồng chí Trần Đình San được Tỉnh ủy Nghệ An phân công xây dựng phong trào tại các huyện phía Tây Nghệ An. Trong suốt chặng đường tham gia cách mạng, đồng chí Trần Đình San đã nhiều lần bị địch bắt, tù đày. Đầu năm 1945, đồng chí được trả tự do tại nhà tù Buôn Ma Thuột và ở lại Phú Yên hoạt động theo sự phân công của Đảng. Năm 1954, khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đất nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền, đồng chí Trần Đình San buộc phải tập kết ra Bắc, công tác tại Tổng cục Đường sắt Việt Nam, sau đó là Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Bộ Nông nghiệp.

bna_-2bf1b0c59dd5cb3d51404535e5822ae2.jpg
Không gian xanh mát tại xã Trung Phúc Cường. Ảnh: Tiến Đông

Hay Nhà tưởng niệm đồng chí Trần Quốc Hoàn (tức Nguyễn Trọng Cảnh), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên của nước ta, được khởi công xây dựng vào tháng 6/2010 mặc dù chưa được xếp hạng, nhưng với việc trưng bày về thân thế sự nghiệp, cống hiến của đồng chí Trần Quốc Hoàn đã góp phần to lớn vào việc giáo dục truyền thống của lực lượng Công an nhân dân nói chung và các thế hệ người dân xã Trung Phúc Cường nói riêng.

Theo ông Toàn, thực hiện sự phân cấp quản lý di tích, danh thắng, các di tích đều được thành lập Ban quản lý để trông coi, chăm sóc, bảo vệ. Tất cả hoạt động dưới sự quản lý chung về mặt Nhà nước của Chủ tịch UBND xã. Ban quản lý các di tích có trách nhiệm theo dõi và báo cáo tình hình khi các di tích có dấu hiệu xuống cấp. Đồng thời, phải có kế hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa cho các thế hệ con cháu sau này.

Rời Trung Phúc Cường, tôi càng hiểu hơn giá trị lịch sử, văn hóa của một gia đình, dòng họ, làng xã hay rộng hơn là của một dân tộc là sự tiếp nối mạch nguồn trong quá khứ. Đó chính là bản sắc, giá trị văn hóa của một vùng đất mà không dễ gì có được trong ngày một, ngày hai. Thế mới thấy rằng, truyền thống văn hóa, yêu nước, khoa bảng của các bậc tiền nhân xưa nơi làng Trung Cần, Dương Liễu, Đông Viên… thuộc Trung Phúc Cường ngày nay, hay bất cứ địa phương nào khác, cần phải luôn được bồi đắp, phát huy. Nếu không chắc chắn sẽ bị mai một và lãng quên trong quá khứ….

Tiến Đông