Bác Hồ với quê hương Nghệ An

Niềm tin của Bác Hồ với đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam

*** 05/06/2024 17:20

Bác Hồ tin tưởng, gửi gắm sự an toàn của mình cũng như giao nhiều nhiệm vụ quan trọng của cách mạng cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một gia đình đồng bào dân tộc Dao ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, trong kháng chiến chống Pháp, năm 1952.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một gia đình đồng bào dân tộc Dao ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, trong kháng chiến chống Pháp, năm 1952.

Trong lòng Bác, đồng bào các dân tộc thiểu số là một phần quan trọng của đất nước Việt Nam, như cái tay, cái chân trên một cơ thể không thể tách rời. Người nhận định, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, sẵn sàng chịu hy sinh, gian khổ vì mục đích, lý tưởng.

Bác Hồ thăm đồng bào các dân tộc huyện Thuận Châu, Yên Châu, tỉnh Sơn La, tháng 5/1959.
Bác Hồ thăm đồng bào các dân tộc huyện Thuận Châu, Yên Châu, tỉnh Sơn La, tháng 5/1959.

Với Bác Hồ, đồng bào các dân tộc thiểu số là một lực lượng quan trọng của cách mạng. Từ đó, Người tin tưởng, gửi gắm sự an toàn của mình cũng như giao nhiều nhiệm vụ quan trọng của cách mạng cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bác nói rằng: Lòng yêu nước của đồng bào cùng với núi rừng hiểm trở sẽ trở thành một sức mạnh vô địch. Từ sự tin tưởng ấy, Bác tuyên truyền, cổ vũ đồng bào các dân tộc thiểu số hăng hái tham gia cách mạng, đánh giặc, giải phóng đất nước.

Khi về nước lãnh đạo cách mạng, Người đã chọn Cao Bằng, nơi sinh sống của đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số để đặt căn cứ địa cách mạng đầu não của cả nước. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), Người đã chọn Việt Bắc (gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên…), nơi có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, để xây dựng căn cứ địa lãnh đạo kháng chiến.

Bác Hồ thăm đồng bào các dân tộc huyện Thuận Châu, Yên Châu, tỉnh Sơn La, tháng 5/1959.
Bác Hồ thăm đồng bào các dân tộc huyện Thuận Châu, Yên Châu, tỉnh Sơn La, tháng 5/1959.

Có thể nói rằng, tình cảm, niềm tin yêu của Bác Hồ dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số vô cùng to lớn, như ngôi sao dẫn đường, soi sáng hạnh phúc cho nhân dân.

Đồng bào các dân tộc thiểu số với Bác Hồ

Trong suốt cuộc đời cách mạng vì nước, vì dân, Bác Hồ đã dành những tình cảm đặc biệt cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Và đồng bào các dân tộc từ miền Bắc tới miền Nam cũng luôn hướng về Bác, đi theo con đường mà Bác đã chọn.

Đồng bào Cao Bằng vui mừng đón Bác về thăm, tháng 2/1961.
Đồng bào Cao Bằng vui mừng đón Bác về thăm, tháng 2/1961.
Nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng (Cao Bằng) tổ chức Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên bờ suối Lê-tin, tháng 9/1969.
Nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng (Cao Bằng) tổ chức Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên bờ suối Lê-tin, tháng 9/1969.

Những năm tháng ở Cao Bằng và chiến khu Việt Bắc cùng với Trung ương Đảng chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác luôn nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Ngày đó, cái ăn, cái mặc của cán bộ cách mạng còn nhiều thiếu thốn, dân cũng không được ăn no, mặc ấm nhưng tình đoàn kết quân dân vẫn thắm thiết, một lòng quyết tâm đánh thắng giặc Pháp xâm lược. Từ quả bí, quả bầu đến cây rau, củ măng,… người dân Việt Bắc đều mang đến ủng hộ kháng chiến. Đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Bắc luôn coi Bác như vị già làng uy tín của bản làng.

Những người con của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên dù chưa được gặp Bác Hồ nhưng luôn dành trọn tình cảm sâu đậm cho Người. Anh hùng Bók Wừu, người dân tộc Ba Na, trước khi bị giặc Pháp hành hình, đã nói lại với bà con: “Tôi có chết thì cũng là người Ba Na, người Đảng, là con cháu Cụ Hồ…”.

Cả dân tộc Pa Kô, dân tộc Vân Kiều trên dãy núi Trường Sơn đều lấy họ Hồ để tri ân công ơn của Bác vì đã mang lại cho dân tộc mình cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhiều người dân Tây Nguyên đi theo tiếng gọi của Đảng, của Bác, trở thành anh hùng, như Đinh Núp, Puih San, Pinăng Tắc,…

Với những tình cảm đó, đồng bào các dân tộc luôn một lòng tin tưởng theo con đường mà Bác đã chọn. Bởi, mọi người đều hiểu rằng, chỉ đi theo Đảng, theo Bác, mới không phải lầm lũi như con trâu, con ngựa, không phải thiếu cái ăn, cái mặc.

Vì thế, khi nghe lời kêu gọi của Bác, đồng bào thấy rất hợp lòng nên sẵn sàng cống hiến sức lực, của cải và tính mạng của mình để làm cách mạng. Những người con của bản làng đã lấy họ Hồ đặt cho mình như Hồ Vai, Hồ Kan Lịch, Hồ Văn Bột,... làm nên tên tuổi lẫy lừng trong kháng chiến chống Mỹ.

***