Xã hội

Không ai đứng ngoài cuộc trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

Mai Hoa 08/06/2024 11:46

Đó là khẳng định của đồng chí Thái Văn Nông – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khi trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

bna_-mt.jpg
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường trao đổi với lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh và huyện Quỳnh Lưu, các chức sắc, chức việc các tôn giáo về phát huy sức mạnh đại đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường. Ảnh: Mai Hoa

Phóng viên: Thưa đồng chí! Trong tháng 6 này, với hàng loạt sự kiện mang tính toàn cầu và quốc gia là Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Đại dương thế giới (8/6), Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam với các chủ đề, chủ điểm được xác định rất rõ ràng. Đồng chí có thể chia sẻ một số thông tin liên quan đến các sự kiện này?

Đồng chí Thái Văn Nông: Đúng như vậy! Ngày 5/6 hàng năm được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc chọn là Ngày Môi trường thế giới. Ngày Môi trường thế giới năm 2024 với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa” nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho người dân trên toàn thế giới.

Ngày Đại dương thế giới (8/6) hàng năm do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua, thể hiện sự nỗ lực, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới cùng bảo tồn, phát triển bền vững biển và đại dương; cùng tôn vinh những giá trị của đại dương cho sự sống và sự phát triển bền vững, thịnh vượng của nhân loại. Đại dương nuôi sống nhân loại và mọi sự sống trên trái đất, song sự hiểu biết của chúng ta về đại dương còn rất hạn chế. Những tác động và hậu quả thảm khốc gây ra cho đại dương đang được báo động ở nhiều nơi trên thế giới. Bởi vậy, Ngày Đại dương thế giới năm 2024 với chủ đề “Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương” nhằm kêu gọi các quốc gia và tổ chức cùng khám phá, đánh thức những hiểu biết về đại dương; cùng nỗ lực thay đổi, bảo vệ đại dương xanh và bền vững.

 IMG_9736
Nghệ An là tỉnh có bờ biển dài và có đảo; yêu cầu đặt ra là phải bảo vệ, khai thác tài nguyên biển và hải đảo hợp lý, hiệu quả và bền vững. Ảnh: Mai Hoa

Từ ý nghĩa của 2 sự kiện nêu trên, đặc biệt, vùng biển Việt Nam rộng, chiếm khoảng 1 triệu km2 Biển Đông, với yêu cầu đặt ra, công tác quản lý Nhà nước về biển và hải đảo phải đảm bảo phát triển bền vững của đất nước. Cho nên, nước ta đã khởi xướng tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ ngày 1 - 8/6 hàng năm) được quy định trong Nghị định số 25, ngày 6/3/ 2009 của Chính phủ. Tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam nhằm khẳng định tiềm lực và quyết tâm phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, đồng thời, bảo vệ tài nguyên, môi trường và chủ quyền quốc gia trên biển của Việt Nam.

Gắn với chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm 2024 “Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương”, đồng thời, thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chủ đề Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2024 được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định là “Quản lý, sử dụng bền vững không gian biển”.

lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và huyện Quỳnh Lưu, các tổ chức tôn giáo, tín đồ đã ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại khu vực bãi biển xã Quỳnh Long. Ảnh: Mai Hoa
Các cấp, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các tổ chức tôn giáo, tín đồ trong tỉnh ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại khu vực bãi biển xã Quỳnh Long. Ảnh: Mai Hoa

Phóng viên: Thưa đồng chí! Tình trạng hạn hán và sa mạc hóa, suy thoái môi trường đang là vấn đề toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Xin đồng chí chia sẻ thêm thực tế trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua và những tác động tiêu cực của nó đến phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế, cuộc sống của người dân như thế nào?

Đồng chí Thái Văn Nông: Theo Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu, tương đương 44.000 tỷ USD. Tổng thể tần suất và thời gian hạn hán chung trên thế giới đã tăng 29% kể từ năm 2000, nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.

Hạn hán, suy thoái ô nhiễm môi trường cũng đang diễn ra rõ rệt ở Việt Nam với nhiều vùng của nhiều địa phương trong cả nước dẫn đến tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn.

 MH1
Tăng cường trồng rừng và sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang tính bền vững, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và tăng tích trữ nước, chống hạn hán hiệu quả. Ảnh: Mai Hoa

Với riêng Nghệ An, nền nhiệt độ đang có xu hướng tăng cao hơn trung bình 1 – 3 độ C trong mấy năm gần đây. Có những thời điểm, khu vực đạt đỉnh trên 45 độ C. Có nhiều đợt nắng nóng kéo dài 10 đến trên 20 ngày.

Điều này gây tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại một số vùng, địa phương trong tỉnh. Hệ lụy dễ thấy nhất và quan trọng nhất là ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, nhất là đối với trẻ em và người cao tuổi. Đó còn là gây thiệt hại về kinh tế do giảm diện tích mùa màng, số đầu gia súc, thời gian đình chỉ sản xuất và sản phẩm sụt giảm, ảnh hưởng sinh kế của người dân.

Xét ở góc độ bảo vệ môi trường, đó là suy giảm chất lượng môi trường, thu hẹp hệ sinh thái, làm mất tính đa dạng sinh học..., ảnh hưởng đến môi trường sống của con người.

bna_-mt2.jpg
Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Sở Tài nguyên - Môi trường thu gom rác thải tại bãi biển Quỳnh Lưu. Ảnh: Mai Hoa

Phóng viên: Có thể nói, những tác động tiêu cực của hạn hán, sa mạc hóa, suy thoái môi trường đã, đang và sẽ là những thách thức lớn đối với quá trình phát triển. Theo đồng chí, cần phải làm gì để giảm thiểu và vượt qua thách thức?

Đồng chí Thái Văn Nông: Công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước chú trọng song song với mục tiêu phát triển kinh tế. Ở Nghệ An, bảo vệ môi trường cũng là một mục tiêu, nhiệm vụ được ưu tiên trong đầu tư phát triển, thu hút đầu tư.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kế hoạch, đề án về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu quả sử dụng đất; bảo vệ và phát triển rừng, tăng độ che phủ rừng; quản lý khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo… Đáng quan tâm là Nghị quyết số 08, ngày 2/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030.

Theo đó, công tác bảo vệ môi trường và quản lý khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo có nhiều chuyển động tích cực. Tỷ lệ độ che phủ rừng của Nghệ An đạt hơn 58% và mức độ đa dạng sinh học cao. Số cơ sở ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng giảm dần, đặc biệt, không phát sinh thêm cơ sở ô nhiễm môi trường mới. Các khu vực ô nhiễm do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật được điều tra, khoanh vùng, lập dự án để từng bước xử lý…

Phụ nữ Hoàng Mai
Cán bộ Hội Phụ nữ thị xã Hoàng Mai ra quân, thu gom rác thải. Ảnh: Mai Hoa

Để tiếp tục hạn chế những biểu hiện tiêu cực từ biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, sa mạc hóa, suy thoái môi trường; yêu cầu đặt ra đối với các cấp, các ngành là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân; không ai đứng ngoài cuộc trong công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Tập trung triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các quyết định, chỉ thị của Chính phủ về tăng cường các hoạt động quản lý chất lượng môi trường đất; giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, tái cấu trúc nền kinh tế gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên bền vững về môi trường, khí hậu, bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân; thúc đẩy xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các lĩnh vực xử lý ô nhiễm, quan trắc, giám sát và bảo vệ môi trường.

Hội Phụ nữ thị xã Hoàng Mai trao
Hội Phụ nữ thị xã Hoàng Mai trao "túi xanh" đi chợ thay thế túi ni lông cho chị em phụ nữ. Ảnh: Mai Hoa

Phóng viên: Ngoài các giải pháp chung, xét ở góc độ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân, từng nhóm người, cộng đồng trong xã hội, theo đồng chí cần có những hành động gì cụ thể ngay từ lúc này và kể cả những việc làm mang tính chiến lược?

Đồng chí Thái Văn Nông: Thời tiết, khí hậu cực đoan và tình trạng hạn hán, sa mạc hóa, suy thoái môi trường,… là những biểu hiện tiêu cực của biến đổi khí hậu gây nên.

Muốn giảm tốc độ của biến đổi khí hậu, không còn cách nào hơn con người phải sử dụng tiết kiệm năng lượng, thay sử dụng các nhiên liệu hóa thạch than đá, dầu lửa bằng nhiên liệu sinh học, năng lượng gió, năng lượng mặt trời.

Đặc biệt, để ứng phó và giảm ảnh hưởng từ thời tiết nắng nóng, nền nhiệt ngày càng tăng cao, giữ gìn và bảo vệ nguồn nước để phục sản xuất và đời sống của con người; mỗi tổ chức, cá nhân cần nâng cao nhận thức và tham gia bảo vệ, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước, như không sử dụng lãng phí nguồn nước; không gây ô nhiễm nguồn nước.

Cùng với đó là tích cực đóng góp đầu tư sửa chữa và xây dựng mới các công trình cấp nước; nâng cấp hệ thống thủy lợi, hồ, đập để đảm bảo tích trữ nước tốt và áp dụng các cây trồng chịu hạn, các phương pháp tiết kiệm nước trong sản xuất và tăng cường biện pháp dự trữ nước cho các hộ gia đình.

Mỗi tổ chức, cá nhân và cộng đồng có trách nhiệm trồng cây xanh; quản lý và bảo vệ hiệu quả rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng phòng hộ ven biển nhằm giảm tác dụng khô nóng và làm nơi dự trữ nước tự nhiên cho sông, suối, ao, hồ, đập; hạn chế các hành động, hành vi ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, như sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, tái chế chất thải nhựa….

Triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa, đặc biệt là những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng hạn hán, sa mạc hóa. Đồng thời, có giải pháp khuyến khích, phát huy sức mạnh toàn dân tộc tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ, khai thác tài nguyên và môi trường rừng, biển, hải đảo hợp lý, hiệu quả…

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

Mai Hoa