Những bông hoa vẫn nở đúng mùa
Năm 2015, sau nhiều năm trăn trở, tích lũy, thai nghén... được sự giúp đỡ của lãnh đạo huyện, tôi cùng một số bạn bè đã biên soạn và xuất bản được 4 tuyển tập sách về Văn học huyện Yên Thành, mỗi tập trên dưới nghìn trang in hơn 4 nghìn bản. Ngày anh Nguyễn Trọng Tạo mời xuống dự lễ khánh thành nhà mới, tôi có ý định đưa sách xuống tặng anh nhưng cứ nghĩ người như anh Tạo bạn bầu hàng ngàn người cả trong Nam ngoài Bắc thiếu gì người tặng sách, sách mình tầm huyện, tặng rồi chắc chi anh đã đọc... nấn ná mãi rồi quyết định không đưa sách xuống...
Nào ngờ cuối buổi tiệc, khi đã vãn khách, anh Tạo nhắc: nghe nói anh Tiến vừa ra mấy tuyển tập thơ văn Yên Thành, tôi muốn xin anh mỗi tập một bản để làm tiếp cho Diễn Châu.
Tôi nói rõ ý định đưa sách xuống hôm nay nhưng sợ anh bận đành hẹn anh hôm khác.
Hai ngày sau tôi cùng nhà thơ Lăng Hồng Quang đem sách xuống tặng anh. Thấy anh vui vẻ nâng niu mấy tập sách rồi mời chúng tôi ra quán cà phê phía trên ngã ba Phủ Diễn chuyện trò về sách say sưa cả buổi.
Dăm ngày sau tôi bất ngờ thấy bài của anh đăng trên mạng, trên báo. Không ngờ anh đã giành thời gian đọc thật kỹ và viết những lời nhận xét có cánh về 4 tập sách "của địa phương mang tầm trung ương" (chữ dùng của Nguyễn Trọng Tạo). Tôi gọi điện cảm ơn anh, lại được anh nói thêm những điều anh chưa viết hết trong bài vừa rồi.
Tôi đến với thơ, văn, nhạc, họa của Nguyễn Trọng Tạo trước khi được gặp gỡ ông. Thời ông là trưởng đoàn văn công của một sư đoàn, ông đã là một tác giả nổi tiếng của những nhà thơ chống Mỹ cứu nước... Là một cán bộ có gần 30 năm công tác ở ngành tuyên huấn ở tỉnh rồi về huyện, lại có tham gia viết báo, viết văn, thơ, tôi có may mắn được tiếp xúc với nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ, nghệ sĩ, có khi là vinh dự, có khi là khổ chủ. Người hiểu thì gần gũi trân trọng, nhưng cũng có người chỉ xem mình là cán bộ long tong dẫn đường. Nhưng vì mê thơ văn, mê nhạc Nguyễn Trọng Tạo mà tôi vẫn mong có ngày được gặp ông. Mãi đến năm 2001, trong Đại hội lần thứ nhất, Hội văn nghệ huyện Diễn Châu tôi mới được gặp ông. Khi bạn thơ Lê Thái Sơn dẫn tôi đến gặp ông, cả ông và tôi đều ngỡ ngàng vì đã đọc thơ, thuộc thơ nhau trước rồi nay mới gặp nhau, với ông thì nhiều với tôi thì ít, nhưng gặp Nguyễn Trọng Tạo thấy ông không quan cách, xa lạ kiểu nhà thơ Trung ương, nhà thơ địa phương như một số người tôi đã gặp, nhưng Nguyễn Trọng Tạo thì gần gũi, cởi mở, thân thiết như người thân lâu ngày mới gặp.
Sau này có nhiều dịp gặp gỡ Nguyễn Trọng Tạo mỗi lần Chi hội Văn nghệ Diễn Châu mở hội thơ, tổ chức đại hội hoặc mỗi lần ông lên nhà ông thông gia nhà thơ - anh hùng Nguyễn Đăng Chế hoặc nhà ông bạn thơ Lăng Hồng Quang... tôi được ngồi chuyện trò hầu rượu ông. Con người "tài hoa, hào hoa và cả đào hoa" (chữ dùng của nhà thơ Cao Xuân Thưởng), ở buổi gặp gỡ nào dù đông vui hàng trăm người hay chỉ dăm ba bạn thơ, bạn hát thì Nguyễn Trọng Tạo vẫn là trung tâm cuốn hút, tạo cảm hứng, truyền cảm hứng cho những người bên cạnh, dù người đó là chính khách, cấp ủy này nọ, hay là những bạn thơ, bạn hát quanh ông.
Có hai lần ông lên Yên Thành mà tôi nhớ mãi. Một lần ông cùng một nhà báo của một tờ báo Trung ương lên tìm hiểu về sự kiện "35 cô gái làng Lòi". Tôi được huyện giao trách nhiệm dẫn hai vị khách về làng Lòi nhưng dọc đường đi ngang qua nhà thờ đá, Nguyễn Trọng Tạo bảo tôi rẽ vào lèn đá Bảo Nham, khi vào ngồi nghỉ ở hang có tượng chúa hài đồng sinh ra trong máng cỏ, Nguyễn Trọng Tạo nói với tôi: Anh Tiến này, tôi đã đọc bài của Hồ Hồng Tuyến trên báo Tiền Phong, đọc nhiều bài thơ bài văn, cả cuốn phim về làng Lòi, gần đây thấy các báo đưa tin về các đoàn cứu trợ về tặng các chị, các cháu ở làng Lòi... tôi cứ ngờ ngợ, không rõ thực hư sao lại tập hợp cả đến 35 chị em không chồng ở vào một làng...
Đã từng đưa hàng chục đoàn khách làng báo, làng văn về làng Lòi, đã từng nghe nhiều ý kiến của các vị chủ trì huyện về làng Lòi trong những buổi họp bàn riêng về làng Lòi, thấy không thể giấu được con mắt tinh đời của Nguyễn Trọng Tạo. Trong không khí mát mẻ ở hang đá, tôi kể thật với Nguyễn Trọng Tạo về "sự cố truyền thông" làng Lòi, về nỗi khổ tâm của lãnh đạo huyện mỗi khi phải tiếp những đoàn khách về làng Lòi. Sau khi nghe tôi nói thật về chuyện làng Lòi, anh Tạo quyết định chỉ tạt qua làng Lòi, đứng ở đê nông giang chụp ảnh toàn cảnh làng Lòi rồi ra về chứ không vào làng gặp các chị, các cháu nữa. Khi đoàn về đến huyện, các anh lãnh đạo huyện xong việc đã chờ sẵn vui vẻ chúc rượu nhà thơ.
Lần thứ hai tôi được Chủ tịch huyện giao việc tiếp nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, nhạc sĩ Phan Thanh Chương. Trên đường đi lên khu đất vừa mới san lấp để chuẩn bị xây chùa Thượng gần hòn đá Bạc ở lưng chừng Rú Gám, Chủ tịch Nguyễn Tiến Lợi nêu ý tưởng xây dựng khu trung tâm du lịch tâm linh Đền Chùa Gám, ông nhờ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo xem thế đất, hình khe thế núi nơi này. Tôi thấy Nguyễn Trọng Tạo ghé tai nói gì đó với chủ tịch huyện với vẻ thông cảm, chia sẻ, thấu hiểu chuyện phong thủy... Đã có lần nghe nhà thơ Lê Huy Mậu kể chuyện có năm Lê Huy Mậu bị thiên đầu thống, khớp gút tim mạch đau yếu dặt dẹo cả năm, Nguyễn Trọng Tạo đánh đường từ Hà Nội vào thăm, thấy sân nhà Mậu để chỏng chơ một gốc cây khô mất giác còn lụa, Tạo nói: cậu để gốc cây khô trước hiên nhà ám, trách gì không ốm. Mậu nghe Tạo vất gốc cây, sau đó người khỏe dần tiếp tục làm thơ viết văn, như là có thuốc thánh vậy. Anh em gần gũi biết Tạo là nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ còn xem Tạo là "người nhà trời".
Cũng lần lên Yên Thành đận ấy, sau khi đi Chùa Gám về chúng tôi về khách sạn tiệc tùng ca hát, đọc thơ mãi đến chiều. Nguyễn Trọng Tạo hát tác phẩm mới “Cổng làng”, các em các cháu hát “Làng quan họ quê tôi”, “Khúc hát sông quê”, “Đôi mắt đò ngang”... những buổi vui, Nguyễn Trọng Tạo càng uống càng hát, càng tỉnh càng thăng hoa... ai cũng thấy như mình được truyền thêm cảm hứng sáng tạo, truyền thêm niềm tin yêu với cái đẹp, với con người và cao hơn nữa với quê hương đất nước.
Cũng trong lần gặp gỡ ấy, Nguyễn Trọng Tạo đã thổ lộ với tôi chuyện ông bị kiểm điểm phê bình năm 1981 khi ông công bố bài thơ nổi tiếng TẢN MẠN THỜI TÔI SỐNG (bài thơ Tản mạn thời tôi sống nổi tiếng vì tính dự báo, khai phóng của đêm trước thời kỳ đổi mới của xã hội Việt Nam). Cũng lần ấy, khi tan tiệc ngồi cà phê riêng tư với Nguyễn Trọng Tạo, tôi có hỏi ông về nguồn gốc dòng họ. Trong gia phả họ Ngô Việt Nam, trong trang thông tin của họ có ghi Nguyễn Trọng Tạo gốc trực hệ họ Ngô Trí Lý Trai Diễn Châu, hậu duệ xa đời của dòng dõi Công thần tôn tiến sĩ Ngô Trí Tri, Hoàng Giáp Thượng thư Ngô Trí Hòa, tiến sĩ tể tướng Ngô Sỹ Vinh, song nguyên tiến sĩ Ngô Công Trạc, tiến sĩ Ngô Hưng Giáo, ... ông tổ chi họ của Nguyễn Trọng Tạo là Ngô Trí Bình đi ở, làm con nuôi cho nhà bà cô họ Ngô đổi sang họ Nguyễn, từ đó sinh ra chi họ Nguyễn.
Trong thâm tâm tôi nghĩ những người mà tài hoa và tấm lòng yêu nước thương dân như Nguyễn Trọng Tạo mỗi khi thăng hoa sáng tạo ra những tác phẩm lớn, xuất sắc, nổi trội có tính khai phóng, phổ quát rộng, đụng đến kinh mạch của dân tộc, thời đại, để lại di sản tinh thần cho hàng trăm hàng nghìn năm sau "sau Văn Cao, Nguyễn Đình Thi là Nguyễn Trọng Tạo" (chữ dùng của Nguyễn Thụy Kha) thì nói điều này với ông có khi lại bị xem là: thấy người sang bắt quàng làm họ. Nhưng Nguyễn Trọng Tạo dí dỏm: em gốc họ Ngô Trí, bà o họ Ngô, ông dượng họ Nguyễn nuôi lớn, cụ tổ Ngô Trí Bình, ta là người Nghệ gốc tre nhà quê cả bác ạ. Rồi tôi cùng ông tâm sự, trao đổi về dòng sông Bùng chảy khuất khúc như dải lụa bao quanh các làng quê Yên Thành - Diễn Châu đã sản sinh ra bao người con ưu tú của quê hương đất nước. Những Cao Xuân Dục, Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa, Trần Hữu Thung... Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng tôi gặp Nguyễn Trọng Tạo ở Yên Thành.
Bây giờ thì Nguyễn Trọng Tạo đã về miền mây trắng đã 5 năm. Thời gian càng lùi xa thì bạn đọc càng có dịp thưởng thức những tác phẩm mà ông để lại càng thấy rõ hơn tầm vóc Nguyễn Trọng Tạo trong văn hóa xứ Nghệ, văn hóa Việt Nam, tôi tâm đắc mãi câu thơ điệp khúc trong bài thơ “Tản mạn thời tôi sống” của ông: Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa. Cuộc sống vẫn cứ phát triển, những di sản văn hóa của những người đi trước để lại vẫn tiếp tục bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn trí tuệ cho những thế hệ mai sau./.