Bác Hồ với quê hương Nghệ An

Bà Nguyễn Thị Kép - Bà ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh

*** 11/06/2024 17:17

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, một thiệt thòi lớn đối với Người là khi sinh ra đã không còn ông, bà nội. Chỉ có ông, bà ngoại là những người đã dành tất cả tình thương yêu cho mấy chị em của Người.

Đối với mỗi một con người, bên cạnh tình cảm của cha mẹ là những đấng sinh thành thì ông bà nội, ngoại là một trong những người yêu thương ta nhất, là nơi ta được tắm mình trong các câu chuyện cổ, trong những điệu ru ngọt ngào, là nơi che chở cho ta những lúc ta cần nhất. Riêng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, một thiệt thòi lớn đối với Người là khi sinh ra đã không còn ông, bà nội; chỉ có ông, bà ngoại là những người đã dành tất cả tình thương yêu cho mấy chị em của Người. Trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ muốn nói đến bà ngoại của Người - bà Nguyễn Thị Kép.

 Nhà cụ Kép
Ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị Kép. Ảnh: Phan Quý

Trong số các cuốn sách viết về gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh thì những dòng tư liệu về bà Nguyễn Thị Kép - Bà ngoại của Người là rất ít. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể cảm nhận được rất rõ tình cảm của Bà đối với người cháu thông minh, ngoan ngoãn và tình cảm của người cháu tuy rất nghịch ngợm nhưng cũng rất thảo hiền đối với bà.

Trong cuốn sách "Những người thân trong gia đình Bác Hồ" viết về bà Nguyễn Thị Kép như sau: "Vợ cụ Hoàng Đường quê ở làng Kẻ Sía, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, là con nhà nho Nguyễn Văn Giáp, người đậu bốn khoa Tú tài. Khi cụ Nguyễn Văn Giáp đậu Tú tài lần thứ hai cũng là lúc vợ sinh con gái đầu lòng cho nên đặt tên con là Nguyễn Thị Kép".

Chỉ ít dòng rất ngắn đó, nhưng chúng ta có thể hiểu rằng, bà ngoại của Bác Hồ được sinh ra trong một gia đình nho giáo. Cho đến lúc cụ Hoàng Đường (ông ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh) nhận cậu bé Nguyễn Sinh Sắc về nuôi, cho ăn học rồi gả con gái yêu là Hoàng Thị Loan; sau đó cắt đất, làm nhà cho ở riêng ngay trong vườn... thì chúng ta có thể nhận thấy bà Nguyễn Thị Kép là một người bao dung, độ lượng và rất giàu lòng nhân ái.

 Nhà cụ Kép2
Chiếc giường nơi bà Nguyễn Thị Kép nghỉ ngơi. Ảnh: Phan Quý

Tuy ở riêng nhưng vẫn sống trong cùng một khu vườn, nên ba chị em Bác Hồ luôn được sống trong sự đùm bọc, chở che và yêu thương của ông, bà ngoại.

Năm 1895, ông Nguyễn Sinh Sắc vào Kinh đô Huế dự thi Hội khoa Ất Vỵ. Khoa này không đậu, ông xin vào học Trường Quốc Tử Giám, mang theo cả vợ và hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung. Lúc này cậu Cung đã lên 5 tuổi, chuyện kể lại rằng: Trên đường đi mọi người nhìn thấy cậu mừng rỡ nhặt được một quả cau, cậu đưa lên vạt áo lau sạch, cả nhà cùng cười ồ lên chế nhạo vì tưởng cậu nhầm là quả chanh nhưng cậu đã lễ phép thưa: "Con biết chứ, đây là quả cau, con nhặt để mang về cho bà ngoại".

Năm 1901, bà Hoàng Thị Loan qua đời, bốn cha con ông Nguyễn Sinh Sắc lại trở về làng Hoàng Trù nương náu nhà bà ngoại. Giờ đây tình cảm của người bà đối với người cháu tội nghiệp, sớm mồ côi mẹ lại lớn hơn bất cứ lúc nào. Trong số ba người cháu là cô Thanh, cậu Khiêm và cậu Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) thì bà Kép yêu thương cậu Cung nhất.

Cũng trong năm 1901, ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ học vị Phó bảng, theo tập tục địa phương, ông cùng ba con trở về quê nội làng Sen sinh sống. Tuy phải xa bà ngoại (làng Sen cách làng Hoàng Trù khoảng 2 km), nhưng ba chị em cậu Cung vẫn thường xuyên về thăm bà. Chuyện kể lại rằng, có hôm trăng sáng, thương nhớ người mẹ quá cố, thương bà ngoại thui thủi một mình, cậu Cung chạy bộ một mạch từ làng Sen về thăm bà chỉ để ngủ với bà một đêm và quạt cho bà ngủ. Mỗi lần về thăm bà, mặc cho bọn trẻ trong làng rủ rê đi chơi, mặc cho các trò chơi thả diều và đi bơi là trò yêu thích, nhưng cậu vẫn từ chối các bạn để ở nhà quét sân, quét nhà, làm cỏ trong vườn cho bà.

Cậu luôn muốn tỏ ra là một người đã lớn còn bà lại luôn nhìn cháu như một đứa con nít lên ba cần được âu yếm, vỗ về, yêu thương và chiều chuộng. Những lần cậu Cung về thăm bà, bà phải luôn mồm mắng yêu cậu là: "Mi về thăm bà hay về để cuốc cỏ rứa?", "Cún con của bà là ngoan nhất", "Không ai bằng thằng cháu của Bà". Hễ ông Sắc hoặc chị Thanh có khắt khe với cậu, liền bị bà mắng ngay: "Nó còn bé mà, cứ ăn hiếp nó là không xong với bà đâu",...

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm ngôi nhà của gia đình tại làng Sen năm 1961. Ảnh tư liệu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm ngôi nhà của gia đình tại làng Sen năm 1961. Ảnh tư liệu.

Chúng ta đều biết rằng, quê hương, gia đình thời niên thiếu đã góp phần hình thành nên nhân cách vĩ đại Hồ Chí Minh. Trong đó, phải kể đến bà Nguyễn Thị Kép - bà ngoại của Người cũng là một nhân tố đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành nên nhân cách của Bác Hồ; góp phần hình thành nên 1 trong 4 nội dung quan trọng trong tư tưởng đạo đức của Người là: "Yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình".

***