Giếng Cốc – nơi gắn bó những kỷ niệm thời niên thiếu của Bác
Có lẽ cảm giác thư thái, nhẹ nhàng, dễ chịu chính là một trong những lý do níu giữ và tìm về của khách tham quan khi về thăm quê hương của Bác. Một không gian yên bình, đưa du khách trở về với không gian văn hóa của người Việt xưa với hình ảnh cây đa, giếng nước … khơi dậy trong ký ức một nét sinh hoạt cộng đồng giản dị nhưng đầy ý nghĩa.
Về thăm Làng Sen – quê nội của Bác, trên lối vào thăm nhà Cụ Phó Bảng – nơi Bác gắn bó những năm tháng thời niên thiếu, nhìn về phía tay phải có một giếng nước hình lòng chảo. Xung quanh có nhiều loại cây cối bao trùm, che kín trông rất cổ kính. Miệng giếng không thật tròn, đường kính khoảng hơn 8 mét, độ sâu khoảng 5m, đường kính đáy khoảng 4m, lối xuống giếng có những bậc thang nhỏ làm bằng đá ong ở cạnh đường đi. Dân làng thường gọi là giếng Cốc.
Vào những ngày Hè nóng bức, nhẹ nhàng bước xuống những bậc thang, tận tay chạm vào làn nước mát rượi, trong vắt như nhìn tận xuống đáy, ngắm nhìn những chú cá bơi lượn tung tăng, một vài anh cua đồng nhởn nhơ đi lên, đi xuống, thả hồn theo những chiếc lá vàng rụng bay theo gió rơi nhẹ xuống mặt nước... cảm giác thật dễ chịu, khoan khoái như được tiếp thêm năng lượng.
Theo tìm hiểu, sở dĩ được gọi là giếng Cốc, bởi vì giếng này do ông Nguyễn Danh Cốc người làng Phú Đầm, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh (nay là xóm Sen 2, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) đào khoảng thời gian sau năm 1708 để lấy nước cho gia đình dùng. Sau đó, trở thành nơi sinh hoạt chung của làng, bởi lúc bấy giờ vùng này chỉ có một vài cái giếng, bà con trong làng vẫn thường đến đây gánh nước, ngồi trò chuyện, vui đùa, trao đổi kinh nghiệm làm nông, những câu chuyện lịch sử.
Năm 1901, bố của Bác - ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ học vị Phó bảng khoa thi hội Tân Sửu. Gia đình Bác chuyển về làng Sen sinh sống. Ở trong ngôi nhà làng mừng cách giếng Cốc về phía bên phải khoảng 100m. Ngày đó, chị em Bác vẫn thường ra giếng Cốc gánh nước để gia đình sinh hoạt, đặc biệt là làm tương – một đặc sản của miền quê Nam Đàn, và nấu nước chè xanh – một thức uống quen thuộc của người dân xứ Nghệ.
Khoảng thời gian sống ở đây, những lúc được đứng cạnh tiếp thuốc và nước chè xanh cho những người bạn của cha, những sĩ phu yêu nước như chí sĩ yêu Phan Bội Châu, thầy cử nhân Vương Thúc Quý... là cơ hội để Cậu bé Nguyễn Tất Thành hiểu được sự trăn trở, bức xúc của các bậc cha chú về các vấn đề của thời cuộc. Từ đó, nhen nhóm lòng yêu nước và ý chí giải phóng dân tộc của cậu sau này.
Khoảng thời gian không dài, chỉ 5 năm, từ 1901 – 1906, nhưng chứa đựng biết bao kỷ niệm thời thơ ấu của Bác ở đây. Những buổi trò chuyện gần gũi, thân tình với bà con lối xóm, nghe các cụ kể những câu chuyện cổ tích hay lịch sử oanh liệt của quê hương, đôi khi nô đùa cùng bạn bè bên giếng Cốc… luôn là những ký ức không bao giờ phai trong tâm trí Bác. Chính vì thế, ngày 16/6/1957, lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ ra đi tìm đường cứu nước, Người trở về thăm quê, sau khi thăm những kỷ vật trong ngôi nhà của gia đình mình, trò chuyện tâm tình cùng bà con lối xóm, trên đường ra sân vận động Làng Sen để gặp gỡ bà con xã nhà, nhớ về hình ảnh giếng Cốc, một không gian quen thuộc, đầy kỷ niệm, Bác hỏi bà con đi cùng: “Giếng Cốc này còn nữa không?”; “Nước giếng Cốc trong và ngọt nấu chè xanh và làm tương ngon nổi tiếng cả vùng”.
Hẳn là nước giếng Cốc không thể thiếu trong sinh hoạt của gia đình Bác và bà con trong vùng. Không chỉ vậy, tại giếng Cốc này còn có một sự kiện mà bà con còn lưu truyền mãi.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, hưởng ứng Chiếu Cần vương của Vua Hàm Nghi, tại mảnh đất này, tú tài Vương Thúc Mậu (bố của cử nhân Vương Thúc Quý – thầy giáo dạy học thời niên thiếu của Bác) đã tập hợp nhân dân trong vùng lập ra đội “Chung nghĩa binh”, dựng cờ “Bình Tây phục quốc” vào năm 1885 ở núi Chung. Nhân dân làng Sen, nhân làng Chùa cùng các làng khác đã theo Vương Thúc Mậu đánh giặc rất dũng cảm, nghĩa binh có lò rèn gươm, giáo, làm thuốc súng ở làng Sen. Cố Ngự người làng Sen trong một lần nhồi thuốc súng không may bị thuốc súng làm hỏng mắt. Năm 1886, “Chung nghĩa binh” bị thực dân Pháp và tay sai đàn áp rất dã man, tại Làng Sen nhiều người bị bắt bớ, bị giết, bị đàn áp dã man, nhiều nhà bị cháy nhưng nhân dân không nản lòng. Tú tài Vương Thúc Mậu anh dũng hy sinh, nghĩa quân đã giấu vũ khí xuống giếng Cốc để khỏi lọt vào tay giặc.
Như vậy, giếng Cốc không chỉ nơi gắn bó những kỷ niệm thiêng liêng về tuổi thơ của Bác mà còn là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử quan trọng của quê hương Nam Đàn. Với những giá trị lịch sử đó, năm 1991, Di tích giếng Cốc được Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch công nhận là một trong những di tích thuộc Khu Di tích Kim Liên – Di tích Quốc gia đặc biệt, nơi lưu giữ những di sản vô giá về quê hương, gia đình và thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.