Thời sự

Nghi Phú nỗ lực phát triển xứng tầm nội thành đô thị Vinh mở rộng

Mai Hoa 12/06/2024 08:58

Từ một xã nông nghiệp, xã Nghi Phú (thành phố Vinh) đã nỗ lực vươn lên, trở thành địa phương có tỷ trọng công nghiệp – xây dựng, dịch vụ - thương mại là chủ yếu. Địa phương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và trình độ phát triển đô thị ngày càng cao, đáp ứng tiêu chí thành lập phường.

 Lãnh đạo xã Nghi Phú gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ảnh Mai Hoa
Lãnh đạo xã Nghi Phú gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt mức độ hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Mai Hoa

Diện mạo và sức sống mới

Ở xã Nghi Phú, trong câu chuyện về quá khứ, hiện tại và kỳ vọng tương lai của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân luôn có những cung bậc cảm xúc thú vị.

Bà Nguyễn Thị Lương (ở xóm 18), người có thời gian gắn bó hàng chục năm ở mảnh đất này chia sẻ: “Dù chứng kiến sự thay đổi hàng ngày, nhưng vẫn thấy đầy bất ngờ và phấn khích”. Những người hàng xóm vốn là nông dân “chân lấm, tay bùn” nay đã vươn ra làm đủ ngành nghề, đi xuất khẩu lao động. Nhiều ngôi nhà mới, hiện đại và tiện nghi thay thế những mái nhà cũ kỹ; các tuyến ngõ được thảm nhựa, bê tông gắn với chỉnh trang vỉa hè, trồng cây xanh cùng với ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân được nâng lên...

 Tốc độ đô thị hoá ở Nghi Phú ngày càng nhanh. Một góc đoạn đường Phạm Đình Toái. Ảnh Mai Hoa,
Tốc độ đô thị hoá tăng nhanh ở xã Nghi Phú. Trong ảnh: Một đoạn đường Phạm Đình Toái thuộc địa phận xã Nghi Phú, TP Vinh. Ảnh: Mai Hoa

Mục tiêu, định hướng xây dựng xã nông thôn mới nâng cao ở xã Nghi Phú chính là có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại theo hướng đô thị; cơ cấu kinh tế và các hình thái cơ cấu sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ; có cảnh quan môi trường sinh thái hài hoà; đảm bảo an ninh trật tự; nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Giai đoạn 2021 – 2024, xã Nghi Phú đã tập trung ưu tiên ngân sách cùng với nguồn hỗ trợ từ thành phố để triển khai đầu tư 41 công trình, dự án, với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng.

Trọng tâm ưu tiên là hạ tầng giao thông với nhiều tuyến được đầu tư nâng cấp, thảm nhựa. Như đường Trương Văn Lĩnh, đoạn từ trụ sở xã nối đường Quốc lộ 46; đường Chu Trạc tại xóm 22; đường Mai Lão Bạng, Hồ Tông Thốc, Trung Lộc, Nguyễn Hữu Lập, Trần Đình Quán…

 NP6
Nhiều tuyến đường nội xóm được nâng cấp gắn với chỉnh trang đô thị bằng nguồn đóng góp của người dân và hỗ trợ của Nhà nước. Ảnh: Mai Hoa

Các trục đường liên xóm, nội xóm cơ bản được đầu tư xây dựng mới có mặt đường 7m trở lên, có mương tiêu nước dân sinh, lề đường để xây dựng các công trình phụ trợ như điện, cáp quang, nước sạch và trồng cây xanh. Nhiều tuyến đường giao cắt được đầu tư hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, sơn giảm tốc nhằm hạn chế tai nạn giao thông. Hệ thống thuỷ lợi, giao thông nội đồng được đầu tư, đáp ứng yêu cầu sản xuất của người dân.

Một nhiệm vụ cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới nâng cao được cấp uỷ, chính quyền xã Nghi Phú chú trọng chỉ đạo là nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng chí Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Phú cho biết: Trong điều kiện tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án triển khai trên địa bàn, dẫn đến diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp; địa phương tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế toàn diện về công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đi theo hướng chất lượng, an toàn; đẩy mạnh xuất khẩu lao động.

Theo đó, hiện tại, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ chiếm hơn 84% và lao động nông nghiệp chỉ còn khoảng 12%; số còn lại tham gia xuất khẩu lao động và các ngành nghề khác. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn năm 2023 đạt 64 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,19%.

 Khu vui chơi, thể dục, thể thao ngoài trời được nhân dân xóm 18, xã Nghi Phú đóng góp xây dựng. Ảnh Mai Hoa
Khu vui chơi, thể dục, thể thao ngoài trời tại xóm 18 được làm bằng sức dân đóng góp. Ảnh: Mai Hoa

Lĩnh vực văn hoá – xã hội, nhất là đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân và việc học của con em được cấp uỷ, chính quyền chăm lo theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Minh chứng cụ thể cho việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục, thể thao ở địa phương là, hiện xã Nghi Phú có 3/4 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và mức độ 2; xã có thiết chế văn hoá - thể thao đạt chuẩn quốc gia và đạt chuẩn quốc gia về y tế. Có 23/23 xóm có nhà văn hóa và các thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ; trong đó có 19/23 xóm đạt danh hiệu xóm văn hoá.

bna_np1.jpeg
Các em học sinh Trường THCS Nghi Phú trong lễ chào cờ; Giờ học ngoại khoá của học sinh Trường Tiểu học Nghi Phú. Ảnh: CSCC

Ở các xóm đều xây được các sân bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn và đầu tư lắp đặt các dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời, như xích đu, xe đạp thăng bằng, lắc hông, xà đơn, xà kép… trong khuôn viên nhà văn hóa và các điểm vui chơi công cộng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Đặc biệt, thông qua các hoạt động văn hoá, thể thao sôi động ở các khu dân cư, góp phần xây dựng mối đoàn kết gắn bó cộng đồng trong nhân dân ngày càng tốt; góp phần tạo sức sống mới ở từng khu dân cư. Đây là cơ sở, động lực quan trọng huy động sức mạnh, sự đồng thuận cao trong nhân dân để xã Nghi Phú hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao thực chất; được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao tại Quyết định số 617/QĐ-UBND, ngày 20/3/2024.

Thông qua xây dựng nông thôn mới nâng cao, giai đoạn 2021 – 2024, xã Nghi Phú đã huy động sức dân đóng góp tổng hơn 17 tỷ đồng làm đường nhựa và bê tông, làm mương thoát nước, điện chiếu sáng, thiết chế văn hoá - thể thao; hiến hơn 1.000 m2 đất để mở rộng đường giao thông.

Bài học đoàn kết, quyết tâm hành động

Xác định xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là một trong những mục tiêu quan trọng, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng ủy xã Nghi Phú đã ban hành nghị quyết chuyên đề với nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được đề ra; gắn với đổi mới phương thức, cách thức chỉ đạo.

 NP2
Lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền xã Nghi Phú trao thưởng cho học sinh Trường Tiểu học Nghi Phú đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Ảnh: CSCC

Đồng chí Nguyễn Thị Thuỷ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nghi Phú, cho biết: Cấp ủy thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên ban chỉ đạo và từng cán bộ, công chức, người lao động trong hệ thống chính trị phụ trách từng tiêu chí, nhiệm vụ, từng địa bàn xóm. Xã chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, từng tổ dân cư và người dân; làm rõ các công trình, phần việc xã đảm nhận và công trình, phần việc do chính người dân phải vào cuộc cùng huy động xã hội hoá.

Một trong những phương pháp chỉ đạo quan trọng trong xây dựng nông thôn mới cấp uỷ, chính quyền xã Nghi Phú là lấy địa bàn xóm và sự năng động, nhiệt huyết, sáng tạo của đội ngũ những người hoạt động ở xóm, sự tiên phong gương mẫu cán bộ, đảng viên để lan toả phong trào trên phạm vi toàn xã.

Đồng chí Nguyễn Thị Thuỷ - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Nghi Phú

Trong chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để trăn trở, lựa chọn nội dung, phong trào triển khai phù hợp; lấy địa bàn xóm và sự năng động, nhiệt huyết, sáng tạo của đội ngũ những người hoạt động ở xóm, sự tiên phong gương mẫu cán bộ, đảng viên để lan toả phong trào trên phạm vi toàn xã. Gắn phân công, giao nhiệm vụ; cấp uỷ, chính quyền bám sát, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thường xuyên thực hiện từng nội dung công việc, từng tiêu chí để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ và chất lượng.

 Tuyến đường Trần Đình Quán được xây dựng, nâng cấp bằng nguồn 'Nhà nước và nhân dân' cùng làm. Ảnh Mai Hoa
Tuyến đường Trần Đình Quán được xây dựng, nâng cấp bằng nguồn "Nhà nước và nhân dân" cùng làm. Ảnh: Mai Hoa

Từ kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao thực chất với những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo được rút ra; trở thành nền tảng và động lực quan trọng để Đảng bộ, nhân dân xã Nghi Phú tự tin trong chặng đường phát triển mới, đưa xã lên phường.

Đồng chí Phạm Anh Hùng – Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Nghi Phú khẳng định: “Việc hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao là tiền đề để cán bộ và nhân dân xã Nghi Phú tiếp tục phấn đấu xây dựng phường sớm đạt đô thị văn minh; trở thành trục phát triển quan trọng của thành phố Vinh".

Thực tiễn phát triển đô thị hoá nhanh và tỷ trọng cơ cấu kinh tế 99,44% dịch vụ - thương mại, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng; đặt ra cho địa phương cần phải thay đổi các mô hình quản lý phù hợp hơn.

Đồng chí Phạm Anh Hùng – Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Nghi Phú

Chủ tịch UBND xã Nghi Phú chia sẻ thêm: Việc phát triển xã Nghi Phú thành phường, hiện đã có đầy đủ cơ sở thực tiễn. Cùng với sự dịch chuyển phát triển của thành phố Vinh và hiện thành phố đang thực hiện quy trình mở rộng địa giới hành chính, không gian đô thị, sáp nhập toàn bộ thị xã Cửa Lò cùng với 4 xã của huyện Nghi Lộc vào thành phố, xã Nghi Phú trở thành trục phát triển quan trọng của thành phố Vinh. Mặt khác, tốc độ đô thị hoá nhanh và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế dịch vụ - thương mại, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng trên địa bàn xã chiếm tỷ trọng chủ yếu với 99,44% và nông nghiệp chỉ còn 0,56%. Thực tiễn này, đòi hỏi địa phương cần có các mô hình quản lý phù hợp hơn; đặc biệt công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý đất đai, xây dựng và dịch vụ, thương mại, quản lý dân cư theo mô hình đô thị…

 NP
Các đồng chí trong cấp uỷ, chính quyền xã Nghi Phú trao đổi với cán bộ xóm 18 về phát huy nội lực của Nhân dân xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao đồng bộ ở xóm. Ảnh: Mai Hoa

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 475, ngày 04/6/2024 về việc công nhận thành phố Vinh mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I; trong đó xã Nghi Phú được xác định khu vực nội thành của thành phố Vinh.

Đồng thời, Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh, trong đó có nội dung thành lập phường Nghi Phú trên cơ sở hiện trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số xã Nghi Phú hiện tại đã được HĐND tỉnh thông qua nghị quyết tán thành chủ trương để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt để thực hiện.

Việc từ xã lên phường không chỉ đơn giản là thay đổi câu chữ để gọi mà đòi hỏi phải tạo được sự phát triển toàn diện từ diện mạo và trình độ phát triển đô thị; về tỷ trọng kinh tế đô thị; cơ cấu lao động; về nhận thức, tư duy, nếp sống đô thị của người dân…

Bởi vậy, việc tổ chức lễ công bố Quyết định đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, Đảng bộ và nhân dân Nghi Phú thêm quyết tâm đoàn kết, đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành và tổ chức các phong trào để vươn lên, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của thành phố Vinh.

Mai Hoa