Báo động sạt lở núi ở các huyện vùng cao Nghệ An
Từ đầu tháng 6/2024 đến nay, tại các huyện vùng cao Nghệ An thường xảy ra mưa lớn gây nên sạt lở núi, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân.
Từ đầu tháng 6/2024 đến nay, trên địa bàn huyện Quế Phong thường xuyên có mưa dông nên tại một số vị trí đã xảy ra tình trạng sạt lở núi. Chị Vi Thị Bình ở bản Mường Hin, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong chia sẻ: Mới mấy trận mưa mà đã xảy ra sạt lở núi, kéo theo cả đất đá, gốc cây đổ xuống gần nhà khiến các thành viên trong gia đình ai cũng sống trong tâm trạng bất an lo lắng.
Theo ghi nhận của phóng viên, quả đồi tại khu vực xóm bản Mường Hin sạt lở kéo dài khoảng gần 200 m, cách ngôi nhà của gia đình chị Bình khoảng 8-10 mét. Nếu xảy ra mưa lớn, đất đá sẽ bị kéo tụt xuống, đe doạ tính mạng gia đình và căn nhà này có thể vùi lấp bất cứ lúc nào.
Ông Võ Khánh Toàn - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết: Địa bàn xã Tiền Phong hiện có 8 điểm sạt lở núi, tập trung ở các bản Huồng Muồng, Na Sành, Mường Hin, bản Đan… làm ảnh hưởng trực tiếp đến gần 40 hộ dân. Sau các đợt mưa từ đầu tháng 6/2024 đến nay, xã đã tổ chức lực lượng kiểm tra, rà soát các điểm sạt lở, cảnh báo nguy cơ sạt lở đến các hộ dân để bà con chủ động đề phòng.
Vào mùa mưa, xã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” như huy động lực lượng dân quân tự vệ và các đoàn thể tổ chức ứng trực, khi cần di dời 35 hộ dân nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp, Quế Phong là địa phương có diện tích rộng nằm phía Tây Bắc của tỉnh với hơn 1.888km2, chia thành 13 xã, thị trấn. Địa hình bị chia cắt mạnh bởi nhiều khe, suối địa hình núi cao, nên thường gây ra sạt lở núi làm ảnh hưởng lớn đến hạ tầng, sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Toàn huyện hiện có trên 40 điểm sạt lở núi lớn nhỏ, ảnh hưởng trên 450 hộ dân, chủ yếu tập trung ở các xã Đồng Văn, Thông Thụ, Tiền Phong, Châu Kim, Mường Nọc, Nậm Giải…
Lường trước những diễn biến phức tạp của thiên tai, hàng năm chính quyền địa phương các cấp tại huyện Quế Phong luôn tổ chức tốt công tác sẵn sàng ứng phó với phương châm “4 tại chỗ”, nhằm mục đích hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là người, tài sản và các công trình trọng yếu. Nhất là các khu tái định cư thủy điện Hủa Na, các khu dân cư gần đồi. Huyện đề xuất Nhà nước tiếp tục hỗ trợ kinh phí để thực hiện di dân đối với các hộ dân ra khỏi các vùng có nguy cơ lũ ngập úng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Cùng chung nỗi lo, ở khu vực bản Tả Lạnh, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu đã xảy ra tình trạng một số vị trí sạt lở núi nhỏ sau mỗi trận mưa đầu mùa. Thời điểm này, tại khu vực trên, núi bị sạt lở nhẹ, sát đó là những ngôi nhà của người dân. Một người dân địa phương lo lắng nói: Mỗi khi mưa lớn kéo dài là cả gia đình tôi phải sơ tán, mang theo cả đồ đạc, trâu, bò sang hàng xóm để lánh nạn, đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Tiến Hùng - Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Quỳ Châu cho biết: Địa bàn huyện Quỳ Châu khá hiểm trở, bên vực sâu, bên núi cao vào mùa mưa có khoảng trên 50 điểm sạt lở núi lớn nhỏ, tập trung ở các xã Châu Thắng, Châu Tiến, Châu Hạnh, Châu Phong, Châu Nga và dọc các tuyến Quốc lộ 48. Từ đầu năm 2024 đến nay, bằng việc lồng ghép các nguồn vốn, huyện đã khắc phục tạm được trên 20 điểm sạt lở núi lớn nhỏ, chủ yếu san gạt thông đường.
Đối với Quốc lộ 48 trong năm 2023 xảy ra 2 điểm sạt lở núi nghiêm trọng ở xã Châu Thắng và xã Châu Hội. Đơn vị quản lý giao thông phối hợp với chính quyền địa phương vừa khắc phục xong sạt lở núi. Cụ thể, tại vị trí Km 85+680 khu vực dốc Kẻ Lè đoạn đi qua Quốc lộ 48 xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu bị sạt lở nặng từ thời điểm tháng 10/2023.
Đất đá đổ ập từ trên núi xuống chặn ngang tuyến giao thông với chiều dài trên 200 mét. Đến nay, đơn vị giao thông đã bạt núi, hạ độ cao trên 30 mét với chiều dài trên 200 mét tại khu vực này, giải phóng khối lượng đất đá trên 20.000 m3.
Tại Km99+200 (Quốc lộ 48) đoạn qua bản Bù Bài, xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu, thời điểm tháng 11/2023 xuất hiện vết sụt lún, nứt ăn sâu, chằng chịt ngang, dọc trên mặt đường trong phạm vi chiều dài trên 150m. Đơn vị giao thông hiện đã bạt núi, chỉnh nắn, tuyến hốt đất sụt lở trên 14.000 m3 đất đá.
Nhằm giảm thiểu nguy cơ sạt lở núi, huyện thường xuyên rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở núi, cảnh báo tới người dân; kịp thời sơ tán người dân khi có mưa lớn. Huyện chỉ đạo rất quyết liệt, tuyên truyền, ngăn chặn người dân tự ý bạt đồi, làm nhà dưới các taluy dương.
Cũng nằm trong tình trạng trên, dọc Quốc lộ 7 đi qua các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn có khá nhiều điểm sạt lở núi. Cụ thể là địa điểm dốc Chó xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, mặc dù hàng năm đều được Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí để bạt núi hạ độ cao, tuy nhiên do địa thế đất yếu, vào mùa mưa thường xuyên gây sạt lở nghiêm trọng.
Tại một số vị trí sạt lở của huyện Kỳ Sơn mặc dù đã được kè rọ đá, tuy nhiên mưa lớn những ngày vừa qua đất đá tràn xuống đẩy rọ đá ra lòng đường, đe dọa các phương tiện tham gia giao thông.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi, tính đến thời điểm này Nghệ An hiện có gần 274 điểm sạt lở núi, làm ảnh hưởng trên 3.500 hộ dân. Các điểm sạt lở núi chủ yếu tập trung ở các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Hợp…
Ông Nguyễn Quang Đông - Trưởng phòng Phòng chống thiên tai, Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết: Để giảm thiểu nguy cơ sạt lở núi, lâu nay chủ yếu các hộ dân tự huy động nguồn lực để xử lý tạm thời, khắc phục sạt lở như thuê máy bạt mái taluy, hoặc xây dựng các bờ kè đá nhỏ.
Chi cục Thủy lợi yêu cầu các địa phương cần cắm các biển cảnh báo nguy cơ sạt lở núi để người dân biết phòng tránh. Các địa phương từ cấp xã xây dựng phương án phòng chống thiên tai, từ đó chủ động phương án “4 tại chỗ” để xử lý sự cố sạt lở đất, như huy động lực lượng khắc phục hậu quả, di dời người dân đến nơi an toàn.