Xe

Nên điều chỉnh điều hòa xe ô tô hợp lý vào thời điểm nắng nóng kỷ lục

Đặng Lê 14/06/2024 08:21

Việc sử dụng điều hòa xe ô tô đúng cách vào thời điểm mùa Hè năm 2024 sẽ giúp nhanh chóng làm mát xe cũng như bảo vệ sức khỏe của người ngồi trong xe.

Nên điều chỉnh điều hòa xe ôtô hợp lý vào thời điểm nắng nóng kỷ lục
Ảnh: LĐO

Tránh ánh nắng trực tiếp khi đỗ xe

Khi đỗ xe, cố gắng tìm nơi có bóng râm, bên hông các tòa nhà. Nếu không còn cách nào khác thì nên chuẩn bị tấm bạt che nắng cho xe, các tấm phản quang để bên trong xe cũng có những tác dụng nhất định, ô che nắng ở kính lái. Ngoài ra, nếu điều kiện cho phép (đặc biệt phải đảm bảo an ninh), hãy để kính cửa sổ mở hé ra khoảng 1 - 2cm để không khí trong xe được lưu thông.

Nếu bắt buộc phải để xe ôtô ngoài trời nắng thì nên sử dụng bạt trùm chuyên dụng. Ảnh: Hoàng Nam
Nếu bắt buộc phải để xe ôtô ngoài trời nắng thì nên sử dụng bạt trùm chuyên dụng. Ảnh: Hoàng Nam

Trước khi nổ máy bật điều hòa hãy hạ cửa kính, mở cửa xe

Tài xế dừng đỗ xe dưới điều kiện thời tiết nắng nóng dẫn đến việc nhiệt độ trong khoang nội thất sẽ nhanh chóng tăng cao do hiệu ứng nhà kính, từ đó các chất liệu bên trong bằng nhựa, da... sẽ tỏa ra mùi khó chịu ảnh hưởng đến người ngồi trong xe.

Lúc này, tài xế nên mở các cửa ra vào, sau đó bật điều hòa ở chế độ gió mạnh nhất. Làm như vậy, các luồng không khí nóng trong xe cùng với các mùi khó chịu sẽ được quạt gió thổi ra ngoài (trong khoảng 5 phút), giúp đảm bảo sức khỏe cho hành khách cũng như tối ưu được thời gian làm mát.

Hoặc có thể sử dụng mẹo để hạ nhiệt nhanh chóng cho ôtô như sau: mở một bên cửa, rồi mở và đóng sập cửa đối diện khoảng 4 - 5 lần. Điều này sẽ giúp đẩy lượng lớn không khí nóng trong xe cùng mùi khó chịu ra ngoài, giúp hạ nhiệt nhanh và không khí trong xe trở nên thông thoáng.

Điều chỉnh nhiệt độ hợp lý để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe người ngồi trong xe. Đồ họa: Hoàng Nam
Điều chỉnh nhiệt độ hợp lý để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe người ngồi trong xe. Đồ họa: Hoàng Nam

Nhiều tài xế có thói quen mở điều hòa ở mức nhiệt thấp nhất, với suy nghĩ sẽ giúp làm mát nhanh không gian trong xe. Tuy nhiên, điều này làm cho dàn lạnh hoạt động đột ngột và quá sức, khiến giảm tuổi thọ, độ bền, tăng tiêu hao nhiên liệu...

Ngoài ra, việc bật điều hòa ở chế độ lạnh nhất ngay lập tức sẽ tạo sự chênh lệch nhiệt độ nhanh chóng, điều này có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người ngồi trong xe, nhất là đối với trẻ nhỏ và người già.

Do vậy, nên để điều hòa vận hành ở mức vừa phải, ở mức khoảng 22 - 25 độ C. Điều này giúp nhiệt độ không chênh lệch quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời, rồi sau đó mới từ từ hạ nhiệt đến mức mong muốn để cơ thể thích nghi dần.

Sử dụng chế độ lấy gió đúng cách

Hệ thống điều hòa xe ôtô có 2 chế độ lấy gió, là gió trong và gió ngoài. Mỗi tính năng đều có ưu khuyết điểm khác nhau.

Nếu lấy gió trong thì hệ thống sẽ tuần hoàn không khí trong khoang xe, giúp điều hòa làm mát nhanh hơn, không khí trong lành hơn do không bị ảnh hưởng bởi bụi bặm hay mùi khó chịu từ môi trường ngoài. Nhưng lại có nhược điểm là bí bách, dễ gây buồn ngủ.

Còn việc lấy gió ngoài có ưu điểm là thông thoáng nhưng có nhiều nhược điểm là sẽ làm mát chậm, ảnh hưởng mùi từ bên ngoài. Do vậy khi di chuyển trên các cung đường nội đô bụi bặm, tài xế nên sử dụng việc lấy gió trong.

Nếu đi trên các tuyến đường ngoại thành với mật độ xe cộ ít cũng như không khí trong lành thì nên sử dụng chế độ lấy gió ngoài.

Vệ sinh, kiểm tra điều hòa định kỳ

Bên cạnh việc nắm được cách sử dụng hiệu quả, tài xế nên bảo dưỡng hệ thống điều hòa ôtô định kỳ. Ngoài ra, để điều hòa ôtô luôn hoạt động tốt trong suốt mùa cao điểm, tài xế nên tăng cường kiểm tra và vệ sinh hệ thống dẫn khí.

Sau 5.000km, tài xế nên kiểm tra và vệ sinh bộ lọc gió điều hòa. Hiệu quả trao đổi nhiệt của máy điều hòa không khí được cải thiện nếu quạt gió sạch. Một thành phần khác cũng cần được quan tâm là khí gas, chủ xe cần chú ý kiểm tra và nạp thêm khi cần.

Luôn để ý vệ sinh, kiểm tra điều hòa định kỳ. Ảnh: Tuấn Nguyên
Luôn để ý vệ sinh, kiểm tra điều hòa định kỳ. Ảnh: Tuấn Nguyên

Đặng Lê