Cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy thì bị pháp luật xử lý như thế nào?
Con tôi chơi cùng nhóm bạn và bị cưỡng bức sử dụng trái phép chất ma túy. Vậy người cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy thì bị pháp luật xử lý như thế nào? Vấn đề quan tâm của bà Trần Thanh Hương (Thanh Chương, Nghệ An).
Trả lời: Căn cứ vào Điều 257 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy như sau:
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a. Có tổ chức;
b. Phạm tội 02 lần trở lên;
c. Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư lợi;
d. Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;
đ. Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
e. Đối với 02 người trở lên;
g. Đối với người đang cai nghiện;
h. Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i. Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;
k. Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a. Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;
b. Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;
c. Đối với người dưới 13 tuổi.
4. Phạm tội trong trường hợp làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Như vậy, theo Điều 257 Bộ luật Hình sự 2015 thì người có hành vi cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo 4 khung hình phạt với mức phạt tù thấp nhất là 2 năm, cao nhất 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.