Kinh tế

Tiếp tục tăng cường kiểm tra, quyết liệt xử lý các vi phạm IUU

Nguyễn Hải 17/06/2024 18:40

Các địa phương và lực lượng chức năng tiếp tục tích cực kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị sơ kết Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản IUU.

Hội nghị tại Hà Nội diễn ra vào chiều 17/6, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU; kết nối trực tuyến với các bộ, ngành và UBND 28 tỉnh, thành ven biển.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo IUU tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện các sở, ngành, Đồn Biên phòng và UBND các huyện, thị, các xã ven biển.

Hoàn thiện khung pháp lý và chế tài xử lý

Toàn cảnh hội nghị Sơ kết Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp IUU trực tuyến từ điểm cầu Nghệ An. Ảnh Nguyễn Hải
Toàn cảnh Hội nghị Sơ kết Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp IUU trực tuyến của Chính phủ từ điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại Hội nghị, thay mặt Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU, lãnh đạo Bộ NN và PTNT cho biết, kể từ lần đoàn công tác Uỷ ban châu ÂU (EC) sang Việt Nam kiểm tra vào tháng 10/2023 đến nay, khung pháp lý về quản lý và chế tài xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU đã hoàn thiện, đầy đủ hơn.

Theo đó, cùng với tham mưu để Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 32/CT-TW và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 52/2024/NQ về chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 32/CT-TW, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định sửa đổi, hướng dẫn Luật Thuỷ sản theo khuyến nghị của EC.

Mới đây, ngày 12/6/2024, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản. Trên cơ sở các Đề án của Chính phủ về tái cơ cấu ngành nghề thuỷ sản và đội tàu đánh bắt, Bộ NN và PTNT ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về đăng kiểm tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá.

Tiếp cận tàu cá đang đánh giã cào để kiểm tra hành chính. Ảnh Nguyễn Hải
Thực hiện các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tỉnh về chống khai thác hải sản bất hợp pháp IUU, lực lượng chức năng tỉnh liên tục ra quân kiểm tra, xử lý các tàu cá vi phạm. Trong ảnh: Lực lượng Kiểm ngư tiếp cận tàu cá đang đánh giã cào để kiểm tra hành chính. Ảnh: Nguyễn Hải

Về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023 đến nay đã được triển khai thực hiện chặt chẽ hơn, nhờ vậy, chưa phát hiện các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu vi phạm khai thác IUU. Đồng thời, đã tổ chức triển khai thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT) tại các cảng cá. Công tác tổ chức triển khai thực hiện các quy định kiểm soát sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu từ tàu nước ngoài theo quy định đã cơ bản đáp ứng theo yêu cầu.

Cả nước hiện còn 86.820 chiếc tàu thuyền, trong đó tàu cá từ 15m trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS, đạt 28.584/29.095 tàu cá (đạt tỷ lệ 98,25%). Một số địa phương tổ chức triển khai thực hiện tương đối tốt công tác theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá ra vào cảng theo quy định. Cùng với đó, khởi tố 04 vụ việc, trong đó truy tố, xét xử 02 vụ án tại Kiên Giang, Cà Mau; một số địa phương đã xác minh, xử lý các hành vi khai thác IUU, mất kết nối VMS tốt hơn trước…

Vào cuộc đồng bộ, xử lý quyết liệt hơn

Bên cạnh những kết quả tích cực trên, hội nghị sơ kết cũng thẳng thắn nêu lên các tồn tại, hạn chế là chưa ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, tiếp tục diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng hơn so với trước.

Cụ thể, tính từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 của EC đến nay, vẫn còn nhiều ngư dân và tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Bên cạnh đó, tình trạng các chủ tàu cố ý sử dụng số đăng ký giả, xóa số đăng ký; tàu cá mua bán, chuyển nhượng chậm sang tên đổi chủ vẫn còn.

Kiểm tra thiết bị VMS trên 1 tàu cá Quỳnh Lưu đánh xa bờ đi ngang trên vùng biển ven bờ
Theo báo cáo tại hội nghị, tình trạng mất tín hiệu giám sát hành trình VMS tại các vùng giáp ranh đặt ra nhiều vấn đề nên cần tăng cường kiểm tra, xử lý. Trong ảnh: Lực lượng Kiểm ngư Nghệ An kiểm tra thiết bị VMS 1 tàu cá có chiều dài trên 15m tại vùng biển Quỳnh Lưu. Ảnh: Nguyễn Hải

Đặc biệt, trong năm 2023 và 2024 nổi cộm lên tình trạng sử dụng tàu cá có chiều dài dưới 15m để thực hiện hành vi vi phạm; một số ngư dân cố tình gửi, vận chuyển thiết bị VMS trên tàu cá khác, hoặc tham gia buôn lậu dầu, tiếp tay cho tàu cá vi phạm. Đến nay, vẫn chưa hoàn thành được việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị VMS và xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”.

Bên cạnh đó, tình trạng các tàu vượt ranh giới biển cho phép hoặc ngắt kết nối VMS từ 6-10 tiếng và trên 10 tiếng; hoạt động, đánh bắt sai vùng xảy ra thường xuyên. Công tác truy xuất nguồn gốc vẫn còn hạn chế, chưa đảm bảo chứng minh được tính minh bạch, hợp pháp của sản phẩm thủy sản khai thác.

Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác thuỷ sản trái phép IUU yêu cầu tăng cường sự hiện diện, kiểm soát của lực lượng chức năng trên biển để kiểm tra, xử lý vi phạm. Ảnh Nguyễn Hải
Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác thuỷ sản trái phép IUU yêu cầu tăng cường sự hiện diện, kiểm soát của lực lượng chức năng trên biển để kiểm tra, xử lý vi phạm. Ảnh: Nguyễn Hải

Mặt khác, công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm IUU vẫn còn thiếu quyết liệt, thống nhất và chưa đồng đều giữa các địa phương: điều tra, xử phạt hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài còn rất hạn chế, chưa đủ sức răn đe. Theo số liệu trên cơ sở dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, tỷ lệ xử phạt hành vi vi phạm ngắt kết nối VMS khi hoạt động trên biển còn thấp so với tổng số các vụ việc vi phạm.

z5547168202838_9c26d07bf6dfadef0acdcba8a959770b.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo chống khai thác hải sản trái phép IUU tỉnh Nghệ An báo cáo nêu kết quả xử lý vi phạm và đề xuất các nội dung còn khó khăn, vướng mắc. Ảnh: Nguyễn Hải

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia chống khai thác IUU yêu cầu từ nay đến tháng 9/2024, các bộ, ngành và địa phương triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và Chính phủ, các ý kiến chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU; đảm bảo đúng tiến độ và gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng, kiên quyết xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao; kịp thời động viên, khen thưởng, khích lệ các tấm gương điển hình trong chống khai thác IUU.

Bên cạnh đó, cần tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến đưa lao động đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài…

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phải tận dụng vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết 04 của Hội đồng thẩm phán để tập trung nguồn lực và lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng tại địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn. Ngay từ bây giờ phải xây dựng theo dõi, kiểm soát ngăn chặn, xử lý kịp thời ngay từ trong bờ và trên biển, tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm; đảm bảo Nghị quyết 04 có hiệu lực thì có thể xét xử được ngay các vi phạm về IUU để EC sang kiểm tra vào tháng 10 tới ghi nhận. Các địa phương tập trung nguồn lực, lãnh đạo chỉ đạo đợt cao điểm này để thực hiện nghiêm túc việc quản lý đội tàu, xử lý dứt điểm tàu cá “03 không”.

Nguyễn Hải