Ẩn họa từ xe chở hàng cồng kềnh
Hạn chế được một thời gian, đến nay tình trạng xe xích lô, xe máy, kéo chở hàng cồng kềnh, đặc biệt là tôn, sắt thép… lại xuất hiện trên nhiều tuyến đường của TP. Vinh. Thực tế trên, không chỉ là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người đi đường.
Nỗi ám ảnh với người đi đường
Tại thành phố Vinh, tình trạng xe xích lô, xe máy kéo chở tôn, sắt xuất hiện nhiều trên các tuyến đường như: Nguyễn Trãi, Phan Bội Châu, Trường Chinh, Phan Đình Phùng,... nơi có nhiều điểm kinh doanh vật liệu xây dựng. Trên đường Trường Chinh, trước một cơ sở cán, dập tôn thường xuyên xảy ra ùn tắc vì những chiếc xe chở tôn đi từ trong xưởng ra chắn ngang qua đường. Cũng vì lo sợ các cạnh tôn sắc nhọn có thể va quệt vào người nên người tham gia giao thông đều phải tìm chỗ nép, nên càng ách tắc.
Thực tế cho thấy, điểm chung của những chiếc xe này là đều chở hàng cồng kềnh như sắt, thép sắc nhọn nhưng chỉ chằng buộc bằng vài sợi dây mỏng manh. Thậm chí có những xe chở hàng cồng kềnh còn sẵn sàng đi ngược chiều để tiết kiệm thời gian, quãng đường di chuyển.
Chị Trần Hải Yến ở phường Lê Lợi cho biết, mỗi lần đi đường tôi rất lo ngại với những chiếc xe xích lô, xe máy kéo chở cồng kềnh trên đường. Nếu trước đây người ta nói ra đường sợ nhất công nông thì hiện nay ra đường có lẽ sợ nhất là... xe kéo chở tôn, thép. “Có những chiếc xe chở sắt hay những chồng tôn sắc lẹm như những lưỡi dao đi nghênh ngang giữa đường nhìn mà rợn người. Biết là họ cũng vì mưu sinh nhưng không vì thế mà gây nguy hiểm cho người khác”, chị Yến nói.
Còn ông Nguyễn Văn Nghệ ở phường Vinh Tân cho biết, mỗi khi đưa đón cháu đi học sợ nhất là những chiếc xe chở vật liệu hay xe chở hàng sắc nhọn, nhưng chằng buộc sơ sài, luồn lách trong các ngõ ngách, gây cản trở việc tham gia giao thông của các phương tiện khác. “Những chiếc xe chở sắt, tôn… đã gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, được cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do vậy, rất mong cơ quan chức năng nghiêm cấm hình thức vận chuyển mất an toàn này”, ông Nghệ kiến nghị.
Trên thực tế, đã có không ít vụ tai nạn xảy ra liên quan đến xe chở vật liệu. Từng là nạn nhân, ông D.S.D ở phường Lê Lợi, TP. Vinh kể: "Hôm đó đang giữa trưa, tôi có việc phải ra đường, vừa ra đến đầu ngõ thì gặp chiếc xe máy kéo theo một xe tự chế chở sắt thép dài loằng ngoằng.
Vừa lúc chiếc xe nói trên chuyển hướng vào một ngõ khác, nhưng không may gặp phải vật cản nên lùi lại và vướng phải xe tôi. Cả bó sắt thúc vào xe máy làm tôi ngã ra đường, trong lúc chưa kịp định thần tay tôi luống cuống vướng vào các thanh sắt nên bị xây xát". Theo ông D, sau khi va quệt ông ngã ra đường bị choáng, được người dân đưa vào hiệu thuốc rửa vết thương, băng bó và phải gần 3 tuần sau mới lành.
Nhớ lại sự việc từng xảy ra trên đường Trần Phú (thành phố Vinh), anh Nguyễn Đức Hưng ở xã Nghi Kim cho biết, thời điểm đó vào buổi trưa, khi mọi người đang lưu thông trên đường thì gặp cảnh tượng một bác trai đang cố giữ xe xích lô, bất lực nhìn những tấm tôn cứ thế bay tứ tung khắp nơi. Trước cảnh tượng trên, nhiều người đi xe máy phải vứt cả xe bỏ chạy, may trong số đó chỉ có một miếng tôn bay trúng vào một chiếc xe ô tô bán tải, không gây thương tích về người.
Cần phương án vận chuyển hợp lý, an toàn
Thực tế cho thấy đôi khi chỉ vì một chút tiện lợi, chủ quan cá nhân và vì mưu sinh mà những người bán, người vận chuyển sẵn sàng bất chấp nguy hiểm chở hàng cồng kềnh bằng hình thức không an toàn nêu trên. Điều này gây bất an cho người tham gia giao thông. Nhiều người sợ hãi cho rằng, đây chính là những chiếc xe “tử thần”, những “máy chém di động”…
Anh Nguyễn Văn Dũng, tài xế lái taxi ở thành phố Vinh bức xúc: Những chiếc xe xích lô, xe máy kéo chở hàng cồng kềnh thường xuyên lấn làn, vượt ẩu, chưa kể rất dễ bị mất lái, khó có thể xử lý kịp trước những tình huống phát sinh trên đường. Bởi vậy, lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm, đồng thời tịch thu phương tiện. Về lâu dài buộc các cơ sở kinh doanh phải có phương án vận chuyển hợp lý, an toàn hơn bằng ô tô chuyên dụng.
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ xử lý thuộc Đội CSGT-TT Công an TP. Vinh cho biết: Trước tình trạng xe xích lô, xe máy kéo theo xe cải tiến chở hàng hóa cồng kềnh, Công an TP. Vinh đã chỉ đạo quyết liệt để tập trung xử lý; đồng thời giao cho công an các phường, xã đến từng khu phố, hộ gia đình để tuyên truyền… Tuy nhiên, việc xử lý còn đó những khó khăn do những người chạy xích lô, xe máy kéo thường có độ tuổi ngoài 50, hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Quá trình phát hiện xử lý, cán bộ chiến sĩ đã tăng cường tuyên truyền, giải thích những nguy hiểm của việc chở hàng hóa cồng kềnh, nhưng vì miếng cơm manh áo và do chế tài xử phạt vẫn còn nhẹ nên chưa đủ sức răn đe. Nhiều chủ phương tiện vẫn tìm cách hoạt động vào thời gian lực lượng chức năng nghỉ hoặc tìm cách tránh chốt của CSGT...
Vấn đề này, ông N.V.T, một người có nhiều năm đạp xích lô chở hàng cho biết, ngoài việc chở hàng hóa thông thường thì hễ có ai thuê chở sắt, thép vẫn chở. Ông N.V.T. thú nhận, biết chở những loại vật liệu ấy rất nguy hiểm cho cả chính bản thân mình và người đi đường nhưng vì mưu sinh nên không còn cách nào khác.
Theo ông Phan Huy Chương - Phó Trưởng ban Chuyên trách Ban ATGT tỉnh, trên tinh thần "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông", các phường, xã trên địa bàn cần tiếp tục rà soát, đẩy mạnh tuyên truyền, cũng như định hướng chuyển đổi việc làm đối với những trường hợp sử dụng xe xích lô, xe máy kéo theo xe cải tiến chở sắt thép, vật liệu cồng kềnh... Đối với lực lượng chức năng, cụ thể CSGT trên cơ sở quy định của pháp luật cần xử lý nghiêm. Bởi thực tế nếu anh chở những tấm tôn dài đến hơn chục mét (gấp 5-6 lần chiều dài thân xe) ngoài vi phạm các quy định về an toàn giao thông còn gây nguy hiểm đến tính mạng của những người tham gia giao thông.
Thiết nghĩ, không thể lấy lý do vì cuộc sống mưu sinh nhiều khó khăn, vất vả để chở hàng cồng kềnh vi phạm Luật Giao thông đường bộ . Bởi đây là hành vi nguy hiểm, xem thường tính mạng, sức khỏe của chính mình, cũng như người đi đường. Bởi vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho người dân, không để những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Cùng với đó, mức phạt đối với hành vi này cũng cần xem xét tăng nặng, bởi thực tế hiện nay theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt từ 400.000-600.000 đồng cho mỗi lần vi phạm là quá nhẹ, không đủ sức răn đe.