Phóng viên nữ, một phút trải lòng…
Nghề báo – Đi và viết, đối với bất cứ ai cũng đều là nghề vất vả nhưng đối với phóng viên nữ thì sự vất vả, truân chuyên ấy nhân lên bội phần…
Đi và viết
Gắn bó với nghề báo đến nay đã tròn 18 năm. Trong đó có gần 6 năm được điều về làm Thư ký biên tập, còn lại là quãng thời gian làm phóng viên, đi và viết. Thời gian đầu, khi còn son rỗi, và lúc đó, chưa có quá nhiều áp lực về cạnh tranh thông tin, nghề báo lúc đó đối với tôi quả là “màu hồng”. Đi nhiều nơi, biết nhiều thứ, trải nghiệm nhiều điều trong cuộc sống và từ đó thể hiện lại một cách sinh động trên các bài viết của mình. Bạn bè, người thân “trông vào” ai cũng bảo “làm phóng viên thật sướng”.
Thế nhưng, sướng chỉ là “phần nổi” còn phía sau những bài báo, những chuyến đi là cả những truân chuyên, là “phần chìm” có cả mồ hôi và nước mắt không phải ai cũng nhận ra. Đó là “thân gái dặm trường” vượt hàng trăm ki-lô-mét đường quanh co, đèo cao, núi thẳm để đến với những bản làng xa xôi, nơi sóng điện thoại còn phải hứng, điện sáng còn chưa có. Đó là những lần gửi xe máy ở tận đường cái, thay đôi giày cao gót bằng dép rọ bộ đội, đi bộ cả chục ki-lô-mét vào khu C5 – Khu sản xuất, chăn nuôi của đồng bào giữa trời đông giá mà áo ướt sũng mồ hôi, chân như khuỵ xuống và có cảm giác hơi ra lỗ tai.
Hoặc đó là khi, từ bản xa ra, trời tối dọc đường vắng ngắt, chỉ có tiếng côn trùng từ rừng tràm vọng ra, đột nhiên xe thủng xăm, đứt phanh, cháy đèn… trong một phút mất bình tĩnh, đã ôm mặt khóc rưng rức. Nhưng, cũng nhanh chóng định thần, tìm phương án giải quyết. Hoặc đó là khi, ngồi sau xe của cán bộ cơ sở, lên dốc, xuống đèo mà tay bấu chặt thành xe, không dám mở mắt vì đường nhỏ, trơn trượt, sát bên là vực thẳm, mà chỉ cần một phút sơ sểnh thôi thì cả người và xe chắc chắn sẽ lao xuống vực sâu hun hút kia…
Đến khi có gia đình, nuôi con mọn, nghề phóng viên là cả nỗi truân chuyên. Để có một chuyến đi công tác vài ngày thì phải sắp xếp trước đó cả tuần. Trước hết là liên hệ với hai bên nội ngoại để nhờ người có thể đưa đón, chăm sóc con trong những ngày mình đi vắng; là đi chợ mua mớ rau, con cá, cân thịt về sơ chế sạch sẽ, để hộp trữ đông, ghi rõ món này ăn cho ngày nào…
Cơ cực nhất là có những khi, đề cương xuất bản đã ấn định, chuyên đề đã lên khung, con ốm cũng đành gửi con cho bà nội, bà ngoại để đi cơ sở. Đêm trước khi đi, ngồi tỉ mỉ ghi chú từng tí một, con ăn gì, thuốc bôi giờ nào, thuốc uống trước hay sau ăn… Xách ba lô lên xe, lòng không khỏi thấp thỏm, bất an!. Hay những ngày dài, ôm con ở bệnh viện, ngày tranh thủ đi lấy thông tin, tối lúc con ngủ thì ôm máy ra hành lang ngồi gõ kỳ cạch. Nóng bức, muỗi đốt và ngắt quãng bởi tiếng con khóc đòi…
Nam giới làm báo vất vả một, phụ nữ làm báo vất vả mười. Gia đình có vợ, có mẹ làm phóng viên nếu nói không quá thì chồng và con vẫn phải chịu những thiệt thòi nhất định. Bởi, thời gian của những người làm phóng viên không tính theo giờ hành chính, cứ có việc hay sự kiện gì, dù sớm hay muộn thì phóng viên phải có mặt để tác nghiệp. Ngày nghỉ, nhất là những dịp lễ, Tết khi nhà nhà sum họp, lên lịch đi đây đi đó thì những ngày này, phóng viên càng thêm bận rộn. Có nhiều khi, đành lỗi hẹn đi nhà bóng với con, đi xem phim với chồng, ngồi cà phê tám chuyện với bạn hay chỉ đơn giản là đi chợ, nấu bữa cơm đầm ấm với cả nhà.
Một chị đồng nghiệp trong cơ quan từng nói, phụ nữ làm báo, quên cái danh hiệu “giỏi việc nước, đảm việc nhà” đi, đó là công đoàn “động viên, an ủi” thôi! Chứ đã làm phóng viên, lại còn phóng viên giỏi thì việc nhà chỉ có “đoảng”. Bởi, đặc thù công việc, không cho phép họ có thể “tròn vai” làm mẹ, làm vợ đảm, dâu hiền. Có thâm niên gần 30 năm trong nghề, lại được phân công mảng thời sự, chính trị, chị cho biết “khoảng 1/3 các sự kiện đối nội, đối ngoại là chị có mặt. Còn lại đều “uỷ thác” cho chồng.
Động lực từ sự ghi nhận
Dẫu nhiều vất vả, dẫu lắm truân chuyên nhưng càng đi nhiều, viết nhiều càng thêm yêu nghề. Bởi sau mỗi bài báo mình viết là sự ghi nhận của anh em các đơn vị, là sự thấu hiểu những vất vả của bà con vùng sâu, vùng xa, là sự cổ vũ cho những người nông dân “một nắng hai sương” trên ruộng đồng. Và đặc biệt, là sự trưởng thành trong ngòi bút theo năm tháng, theo những chuyến đi; là cả sự trải nghề và trải đời... để luôn giữ cho mình “tâm sáng, bút sắc”.
Đặc biệt, trong quá trình tác nghiệp, không tránh khỏi những sơ suất, những tai nạn nghề nghiệp và cả những sự tủi thân. Nhiều lúc tưởng chừng nản chí nhưng đằng sau đó là một tập thể từ ban biên tập, thư ký tòa soạn, lãnh đạo phòng và tất thảy đồng nghiệp - Họ đối với tôi như một gia đình, thấu hiểu, động viên, thân tình chia sẻ. Và hơn cả là lý tưởng dùng ngòi bút để làm lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt, những hành động mang tính nhân văn trong cộng đồng, nhân rộng những mô hình hay, những cách làm sáng tạo; động viên những người lao động vươn lên… khiến cho ngọn lửa nghề trong mỗi người luôn cháy mãi.
Đó là những giải báo chí tỉnh, giải báo chí các bộ, ngành cho đến giải báo chí Quốc gia là những ghi nhận cho những lăn lộn với nghề, cho sự lao động báo chí và chính là sự tự trọng, tự tôn nghề nghiệp. Điều này, động viên, hối thúc, cổ vũ tôi cũng như các đồng nghiệp vượt qua mọi thử thách, khó khăn của nghề, để luôn giữ lấy “những tin yêu”…
Và tôi vẫn nhớ như in, ngày tôi dẫn chồng sắp cưới về ra mắt cơ quan, dì Hồ Ngân – Phó Tổng biên tập hồi đó đã nhắn nhủ “đàng trai” rằng: “Bộ đội lấy nhà báo. Bộ đội cần một hậu phương vững chắc là vợ, nhưng nhà báo lại cần một hậu phương vững chắc là sự cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu từ chồng, gia đình chồng, họ hàng nội ngoại hai bên”… Thật may mắn, đến hiện tại, tôi vẫn có một hậu phương vững chắc ấy để mình có thể trọn vẹn với lửa nghề.
Với một nhà báo nữ, nhiều khi “nước mắt phải lặn vào trong”, phải thực sự tâm huyết với nghề mới có thể bước qua tất cả những rào cản, đưa hơi thở cuộc sống vào những trang viết để hoàn thành trách nhiệm với cơ quan, với xã hội, hoàn thành sứ mệnh của nghề. Nghề báo, nhất là đối với nữ, vất vả, truân chuyên nhưng nếu được chọn lại lần nữa, tôi vẫn chọn theo nghề. Bởi đó là đam mê.
“Đã mang lấy nghiệp vào thân”, tôi luôn cố gắng vươn lên mỗi ngày, luôn rèn cho mình “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”, xứng đáng với niềm vinh quang, tự hào của nghề báo và người làm báo.