Giáo dục

Đổi nguyện vọng vào lớp 10: 'Phép thử' để đánh giá chất lượng học sinh?

Mỹ Hà 21/06/2024 17:34

Nghệ An là một trong ít tỉnh cho phép học sinh được thay đổi nguyện vọng tại Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Điều này, có khi là lợi thế cho thí sinh này và bất lợi cho thí sinh khác. Qua đó, cũng là "thước đo" để đánh giá năng lực học sinh.

Tỷ lệ "chọi" không tỷ lệ "nghịch" với chất lượng

4 tiếng trước khi Sở Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thầy giáo Lưu Công Lĩnh – Hiệu trưởng Trường THPT Thái Hòa đã gửi lời chúc mừng đến các học sinh và phụ huynh đăng ký dự thi vào trường. Đây là điều khá bất ngờ, khi dự đoán trước đó là số lượng thí sinh dự thi tăng, tỷ lệ cạnh tranh cao và đề thi khó hơn các năm trước.

Thí sinh dự thi lớp 10 tại điểm thi Trường THPT Thái Hòa
Thí sinh dự thi lớp 10 tại điểm thi Trường THPT Thái Hòa. Ảnh: NTCC

Tại Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, sau 5 ngày đổi nguyện vọng, số hồ sơ đi - đến ở Trường THPT Thái Hòa có nhiều biến động: từ 511 hồ sơ đăng ký ban đầu, đến phút cuối nhà trường chỉ còn lại 481 hồ sơ.

Theo thầy giáo Lưu Công Lĩnh, dù tỷ lệ trúng tuyển có thể lên đến trên 90% nhưng chất lượng của nhà trường vẫn đảm bảo: Sau khi công bố điểm, dự đoán sẽ có khoảng 15 – 20 em bị trượt và mức điểm chuẩn sẽ dao động từ 15,9 – 16 điểm. Mức điểm này thấp hơn năm ngoái khoảng 1 điểm nhưng vẫn đảm bảo đúng chất lượng và phản ánh đúng đề thi năm nay. Những học sinh ở lại, không đổi nguyện vọng hầu hết là các em đã tự tin vào bản thân.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT THái Hòa
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Thái Hòa. Ảnh: NTCC

Tại Trường THPT Thanh Chương 1, trước khi kỳ thi lớp 10 diễn ra, trường có 643 hồ sơ đăng ký dự thi. Với chỉ tiêu tuyển sinh vào trường là 495 em, tỷ lệ trúng tuyển ban đầu là 76%. Tuy nhiên, sau khi thay đổi nguyện vọng, hiện trường chỉ còn lại 514 hồ sơ đăng ký dự thi và tỷ lệ trúng tuyển là hơn 96%.

"Mặc dù số học sinh đăng ký giảm nhưng điểm chuẩn vào trường vẫn tăng, dự kiến là 16,75 điểm và tăng hơn 2 điểm so với các năm trước. Theo tôi điều này là bình thường, vì những học sinh ở lại là những em có năng lực thực sự và các em xứng đáng được trúng tuyển. Thời gian tới, nếu có học sinh chuyển đi các trường chuyên, dự kiến điểm chuẩn sẽ giảm nhưng không nhiều.

Quan điểm của nhà trường là dù tỷ lệ trúng tuyển cao, nhưng việc xét điểm chuẩn vẫn phải đảm bảo ngưỡng chất lượng. Nếu học sinh nào điểm quá thấp, các em có thể có nhiều lựa chọn khác.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Tiên - Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Chương 1

Cánh cổng trường công lập "hẹp" cho rất nhiều thí sinh

Việc Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép các thí sinh thi vào lớp 10 được thay đổi nguyện vọng nhận được nhiều sự quan tâm của phụ huynh, học sinh.

Sau khi thay đổi nguyện vọng, khá nhiều bất ngờ đã xảy ra khi những trường được xem là tốp đầu ở các địa phương, số lượng thí sinh đăng ký giảm hẳn, thậm chí có nhiều trường có nguy cơ không đủ chỉ tiêu.

Ngược lại, những trường xa trung tâm, những trường trước đây điểm chuẩn thấp số lượng học sinh chuyển về lại tăng vọt.

Hiện tại, chưa có điểm chuẩn chính thức, nhưng sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả thi lớp 10, nhiều phụ huynh huyện Nam Đàn đã thực sự lo lắng.

Nguy cơ bị trượt công lập vào lớp 10 là điều hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là với những học sinh đăng ký vào Trường THPT Nam Đàn 2 và Trường THPT Kim Liên.

Trước đó, ở các mùa thi trước, việc trúng tuyển vào các trường này khá dễ dàng khi điểm trúng tuyển vào trường chỉ dao động từ 10 – 13 điểm. Một phần nguyên nhân là bởi các trường này, nguồn tuyển sinh ít, có những năm, tỷ lệ trúng tuyển trên 90%.

Ngay trước mùa thi năm nay, khi thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi chỉ còn 2 ngày, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên đã lên trang thông tin của trường công khai số lượng hồ sơ đăng ký vào trường và mong tuyển thêm được thí sinh.

Điểm thi lớp 10 tại Trường THPT Nam Đàn 2
Điểm thi lớp 10 tại Trường THPT Nam Đàn 2. Ảnh: NTCC

Tổng hợp ban đầu của Sở Giáo dục và Đào tạo, trước Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, tỷ lệ trúng tuyển ở Trường THPT Kim Liên là 89% (555 hồ sơ/495 chỉ tiêu) và Trường THPT Nam Đàn 2 là 72% (623 hồ sơ/450 chỉ tiêu).

Sự thay đổi số lượng hồ sơ đăng ký dự thi chỉ xảy ra sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép các thí sinh được thay đổi nguyện vọng sau khi hoàn thành kỳ thi vào lớp 10.

Lúc bấy giờ hàng trăm thí sinh ở huyện Hưng Nguyên và thành phố Vinh đổ xô đăng ký vào Trường THPT Nam Đàn 2 và Trường THPT Kim Liên, những trường được xem là “vùng trũng” vì điểm chuẩn hàng năm khá thấp. Vì thế, số lượng thí sinh ở Trường THPT Kim Liên tăng lên từ 555 lên 752 hồ sơ và THPT Nam Đàn 2 cũng tăng từ 623 lên 721 hồ sơ.

Thầy giáo Dương Sơn – Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, cho biết: "Khi số lượng hồ sơ tăng nhanh chắc chắn sẽ khiến cơ hội trúng tuyển của thí sinh càng khó hơn. Dự kiến điểm chuẩn năm nay của trường chúng tôi là 16,5, cao hơn các năm trước gần 3 điểm, dù đề thi năm nay khó hơn".

thi-sinh-tham-du-ky-thi-tuyen-sinh-vao-lop-10-tai-diem-thi-truong-thpt-kim-lien(1).jpg
Thí sinh dự thi vào Trường THPT Kim Liên. Ảnh: NTCC

Thực tế tương tự cũng đang xảy ra tại Trường THPT Nam Đàn 2. Bất lợi ở ngôi trường này càng cao hơn với học sinh sở tại vì lâu nay vùng tuyển sinh của trường chủ yếu ở các xã Nam Kim, Trung Phúc Cường và Khánh Sơn; mặt bằng học sinh ở đây so với toàn huyện thường thấp hơn. Trước đây, với điểm chuẩn chỉ dao động chưa đến 12 điểm/3 môn, tỷ lệ đậu công lập ở đây rất cao. Tuy nhiên, thực tế này khó xảy ra trong năm học này.

Tại Trường THCS Trung Phúc Cường 1, sau khi biết điểm thi, thầy giáo Nguyễn Văn Tân – Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Năm nay trường có 83 học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 và chủ yếu ở Trường THPT Nam Đàn 2. Với mức điểm hiện nay, chúng tôi lo ngại sẽ có khoảng 20 học sinh bị trượt vào công lập".

Giờ học của học sinh Trường THPT Nam Đàn 2
Giờ học của học sinh Trường THPT Nam Đàn 2 (Nam Đàn). Ảnh: NTCC

Nhìn vào kết quả hiện nay, thầy giáo Nguyễn Văn Tân cũng thừa nhận, lứa học sinh sinh năm 2009 ở vùng 5 Nam của Nam Đàn thực sự khó khăn. Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân khách quan thì các trường cũng cần trở mình, phụ huynh và các em học sinh cũng cần chấp nhận thực tại để vươn lên.

Lâu nay, nhiều người vẫn nói rằng, vùng 5 Nam là vùng trũng, chất lượng học chưa cao nên điểm chuẩn thấp. Đây cũng là lý do để học sinh ở vùng khác chuyển về, cạnh tranh với học sinh trong vùng.

Vì thế, sau mùa thi năm nay, chúng tôi phải nhìn lại chính mình, phân tích mổ xẻ nguyên nhân và cần phải thay đổi cách dạy, cách học, lấy chất lượng để đánh giá học tập. Một khi chất lượng học sinh trong vùng được nâng cao thì học sinh ở các vùng khác cũng sẽ e dè khi đến khu vực chúng tôi dự thi.

Thầy giáo Nguyễn Văn Tân - Hiệu trưởng Trường THCS Trung Phúc Cường 1

Thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Trường THPT Nam Đàn 2
Thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Trường THPT Nam Đàn 2. Ảnh: NTCC

Từ thực tế của huyện Nam Đàn và một số địa phương lân cận thành phố Vinh, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự lo ngại khi Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép các thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng dẫn đến những biến động khó đoán trong tuyển sinh. Về vấn đề này, để đánh giá một cách khách quan, cần phải có sự phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên, qua việc thay đổi này, một bức tranh khá toàn diện về chất lượng thí sinh, chất lượng dạy và học đã được thấy khá rõ ràng. Và khi việc tuyển sinh không còn lợi thế vùng, việc đăng ký dự thi không còn giới hạn thì các trường THCS cũng cần thay đổi về cách dạy và học, cách đánh giá học sinh và hướng tới dạy học thực chất, bảo đảm đầu ra. Có như vậy, cuộc cạnh tranh vào lớp 10 mới thực sự sòng phẳng và chất lượng học sinh toàn tỉnh sẽ được nâng cao./.

Mỹ Hà