Xã hội

Nghệ An thanh, kiểm tra các đơn vị có nguy cơ mất an toàn lao động

Thanh Nga 22/06/2024 18:04

Thời gian qua, trên địa bàn Nghệ An xảy ra một số vụ tai nạn lao động thương tâm. Qua đó cho thấy công tác đảm bảo an toàn lao động chưa được chú trọng, nhiều nhà máy, doanh nghiệp vẫn lơ là trong việc trang cấp thiết bị, huấn luyện an toàn lao động cho công nhân, dẫn đến những sai sót đáng tiếc.

Những vụ tai nạn thương tâm

Trung tuần tháng 3/2024, ở huyện Quỳ Hợp, trong lúc đang làm việc tại hầm mỏ 1 công nhân trú tại xã Châu Quang đã gặp phải tai nạn hy hữu ngay tại mỏ đá Hợp Thịnh, xã Liên Hợp. Vụ tai nạn khiến công nhân này không qua khỏi. Vụ việc nhanh chóng được cơ quan chức năng vào cuộc thanh, kiểm tra làm rõ nguyên nhân, và kết luận được cơ quan chức năng đưa ra là do người này thực hiện các thao tác khi chưa đảm bảo an toàn lao động.

Khai thác khoáng sản trên địa bàn Quỳ Hợp. Ảnh tư liệu
Khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Ảnh tư liệu của Mai Hoa

Không chỉ có vụ việc này được cho là do công nhân không thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn lao động dẫn đến tai nạn thương tâm, mà trong nhiều năm qua, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp hầu như năm nào cũng xảy ra tai nạn lao động với hậu quả nghiêm trọng. Năm 2021, xảy ra 6 vụ tai nạn lao động khiến 6 người tử vong; năm 2023 xảy ra 1 vụ tai nạn lao động tại Công ty TNHH Trung Nguyên - Nghệ An khiến 1 người tử vong, 1 người bị thương.

uploaded-thanhthuybna-2023_10_17-_bna-moi-truong-lam-viec-doc-hai-nhung-cong-ty-khong-to-chuc-kham-swucs-khoe-cho-cong-nhan-khong-quan-trac-moi-truong-8773.jpg
Môi trường làm việc của các công nhân mắc bụi phổi tại Công ty TNHH Châu Tiến. Ảnh tư liệu Tiến Hùng

Việc công nhân không được trang bị và tuyên truyền các phương thức đảm bảo an toàn lao động, đồng thời lại làm việc ở những môi trường nguy hiểm, nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích xảy ra nhiều nơi. Vào tháng 11/2023, một sự cố tai nạn lao động khác cũng đã xảy ra trên địa bàn xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên. Theo các nhân chứng kể lại, trong quá trình thi công tháo dỡ ván khuôn tường thân cống thoát nước tại đường gom dân sinh thuộc gói thầu dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, bất ngờ xảy ra sự cố sập tấm đan cống hộp khiến 2 công nhân tử vong.

Rồi trước đó là vụ 3 người bị tử vong trong quá trình làm việc tại xưởng đá ốp lát thuộc địa bàn xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc. Sự việc diễn ra vào khoảng 10h30' ngày 2/10/2023. 1 nhóm gồm 3 người đang vận chuyển đá từ trên thùng xe tải để đưa vào xưởng xay thì bất ngờ xảy ra sự cố, đá đè lên khiến 2 người tử vong tại chỗ, người còn lại cũng tử vong sau khi được đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Công nhân Công ty CP Gạch ngói xây lắp Diễn Châu Ảnh Thanh Nga
Công nhân Công ty CP Gạch ngói xây lắp Diễn Châu được trang cấp các thiết bị bảo hộ và tuân thủ các yêu cầu về đảm bảo an toàn lao động. Ảnh: Thanh Nga

Cũng trong thời gian qua, do xem nhẹ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh lao động hoặc xử lý chưa nghiêm đối với Công ty TNHH Châu Tiến nên đã để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Đó là, 62 công nhân làm việc tại doanh nghiệp này mắc bụi phổi và 5 người đã tử vong liên quan đến bệnh bụi phổi silic. Các trường hợp làm việc tại công ty khám nhưng không mắc bệnh nghề nghiệp chủ yếu là cán bộ quản lý, lao động gián tiếp trong văn phòng.

Thời gian qua, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Nghệ An Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 20/QĐ-CSĐT-PC01 ngày 29/01/2021 về “Vi phạm quy định về an toàn lao động”, tại phường Hưng Phúc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An làm 3 người chết, 8 người bị thương; Qua điều tra tai nạn lao động, đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh đã lập biên bản vi phạm hành chính và kiến nghị xử phạt Công ty TNHH Gạch ngói Tuynel Tân Kỳ với số tiền 45 triệu đồng

Siết chặt thanh, kiểm tra

Theo báo cáo của UBND tỉnh về việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ năm 2021 đến ngày 31/3/2024. Theo đó, trong thời gian này, UBND cấp huyện và các sở, ngành đã tổ chức triển khai hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ tại hơn 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Qua thanh tra, kiểm tra, giám sát, các đoàn đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính chuyển người có thẩm quyền quyết định xử phạt 23 doanh nghiệp với số tiền 648 triệu đồng về các hành vi vi phạm pháp luật lao động, ATVSLĐ và yêu cầu các đơn vị thực hiện khắc phục các tồn tại trong công tác đảm bảo ATVSLĐ.

Công nhân làm việc tại Công ty CP Gạch ngói xây lắp Diễn Châu. Ảnh: Thanh Nga
Công nhân làm việc tại Công ty CP Gạch ngói xây lắp Diễn Châu. Ảnh: Thanh Nga

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm, từ đầu năm 2023 đến tháng 6 năm 2024, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra hơn 20 vụ tai nạn lao động làm 16 người bị nạn, trong đó, có 7 người chết, 4 người bị thương nặng, 5 người bị thương nhẹ; thiệt hại về vật chất hơn 50 triệu đồng.

Các công nhân đang chống chọi với bệnh tật từng ngày nhưng vẫn chưa được xác định bệnh nghề nghiệp. Ảnh tư liệu của Tiến Hùng
Các công nhân bị bụi phổi đang chống chọi với bệnh tật từng ngày. Ảnh tư liệu Tiến Hùng

Các vụ tai nạn chủ yếu xảy ra trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về ATVSLĐ như: hoạt động khoáng sản (1 vụ, 2 người chết); bốc xếp vật liệu (2 vụ, 4 người chết); lắp đặt thiết bị điện (1 vụ, 1 người chết). Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là do người sử dụng lao động không huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động, không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, không quan trắc môi trường lao động; vi phạm quy chuẩn kỹ thuật an toàn, thiếu kiểm tra, giám sát; người lao động còn chủ quan, thiếu ý thức phòng ngừa tai nạn lao động, vi phạm quy trình làm việc an toàn.

Thời gian qua, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện về ATVSLĐ, nhất là lĩnh vực vệ sinh lao động của một số cơ quan, chính quyền chưa được quan tâm đúng mức; sự phối hợp giữa các ngành, các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, chặt chẽ; nhận thức, ý thức về pháp luật và ý nghĩa thực tiễn của công tác ATVSLĐ của nhiều người sử dụng lao động, người lao động còn hạn chế.

Ông Vi Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Cũng theo ông Vi Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, cán bộ quản lý nhà nước phụ trách lĩnh vực về an toàn vệ sinh lao động chủ yếu là kiêm nhiệm; lực lượng thanh, kiểm tra chuyên ngành về an toàn vệ sinh lao động ít về số lượng, chất lượng chưa đồng đều (đa số không được đào tạo kiến thức chuyên ngành về khoa học, kỹ thuật), trong khi kiến thức an toàn vệ sinh lao động liên quan đến tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động đã được triển khai dưới nhiều hình thức, nhưng chưa thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, việc xử lý qua thanh tra, kiểm tra, điều tra tai nạn lao động chủ yếu đang dừng ở mức nhắc nhở, hướng dẫn.

Để hạn chế tối đa nguy cơ mất an toàn lao động, sở và các cơ quan liên ngành cũng như chính quyền địa phương sẽ tiếp tục chú trọng tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ; huấn luyện kỹ năng nhận diện nguy cơ, đánh giá rủi ro và biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động; tham gia đầy đủ các cuộc tập huấn ATVSLĐ do các cơ quan có thẩm quyền tổ chức. Kiểm định, khai báo đầy đủ việc sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Thường xuyên tự kiểm tra, rà soát các vị trí sản xuất; chủ động phòng ngừa, kiểm soát, loại trừ các yếu tố nguy hiểm, có hại trong sản xuất; triển khai thực hiện quyết liệt nhằm khắc phục kịp thời những thiếu sót, tồn tại trong công tác ATVSLĐ. Thực hiện đúng quy định về công tác khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn lao động; chấp hành nghiêm túc việc báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác ATVSLĐ theo quy định của pháp luật.

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ, chú trọng kiểm tra đối với các đơn vị, doanh nghiệp có điều kiện, môi trường làm việc có nhiều yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ATVSLĐ của chính quyền địa phương cấp huyện, xã. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về ATVSLĐ để xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nghiêm trọng.

Thanh Nga