Kinh tế

Bài 2: Mô hình hợp tác xã 'kinh tế xanh'

Nhóm PV Kinh tế 23/06/2024 14:24

Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, một số hợp tác xã ở Nghệ An đã năng động, dám nghĩ dám làm, ứng dụng những tiến bộ mới để tạo sức bật trong khai thác tiềm năng thế mạnh vùng nông thôn, miền núi. Cụ thể như ứng dụng cơ giới hóa, sản xuất lúa theo tín chỉ carbon, sản xuất thổ cẩm, chế biến tre mét, dược liệu,... tạo thu nhập ổn định cho hàng ngàn xã viên, người lao động.

Đổi mới - phát triển HTX-bia2-cover
Đổi mới - phát triển HTX-B2-tit1

Thực tế, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân, là đơn vị đầu tư mua sắm thiết bị máy móc để cơ giới hóa, phục vụ sản xuất, tạo cánh đồng “không dấu chân người”; kết nối tiêu thụ nông sản ổn định, với khối lượng lớn.

Tại cánh đồng Bờ Rào của xóm Thạch Sơn, xã Văn Thành, huyện Yên Thành, một ngày đầu tháng 5, chúng tôi trực tiếp "khảo sát" hiệu quả mô hình cánh đồng “không dấu chân người”, được thực hiện trong sản xuất lúa vụ Xuân 2024 của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp ở Yên Thành. Đó là cánh đồng ứng dụng máy cấy không người lái, chăm sóc bằng thiết bị bay nông nghiệp, sản xuất lúa hữu cơ.

Máy cấy được tích hợp thiết bị không người lái, chỉ cần 2 nhân công tiếp mạ khi máy hoạt động. Ảnh: Xuân Hoàng
Máy cấy được tích hợp thiết bị không người lái, chỉ cần 2 nhân công tiếp mạ khi máy hoạt động. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Nguyễn Phúc Hưng, chủ thửa ruộng mô hình phấn khởi bày tỏ rằng, cả đời chân lấm tay bùn, giờ mới được chứng kiến trên thửa ruộng của mình “không dấu chân người”. Ngay từ đầu vụ, đất được làm nhuyễn bằng máy, tiếp đó là máy cấy không người lái, kết hợp với máy bón phân bằng thiết bị bay. Quá trình phun thuốc bảo vệ thực vật cũng sử dụng thiết bị bay không người lái và đến ngày thu hoạch lúa cũng sử dụng máy gặt liên hoàn. Cả vụ lúa này không ai phải bước chân xuống ruộng, hiệu quả kinh tế cao hơn. Với 1 ha lúa này, thu về 7,5 tấn lúa, giá thị trường hiện nay 9.000 đồng/kg, tương đương gần 68 triệu đồng, trừ mọi chi phí giống, phân bón, máy làm đất, thuốc bảo vệ thực vật… ước lãi 30 triệu đồng, cao hơn 10 triệu đồng so với trước.

Ông Nguyễn Phúc Hưng bộc bạch thêm: “Làm ruộng mà như này thì sướng thật, không phải “con trâu đi trước, cái cày đi sau”. Cánh đồng “không dấu chân người” đã hiện thực hóa giấc mơ của nông dân, giải phóng sức lao động trong bối cảnh thiếu lao động ở vùng quê như hiện nay".

Ngay sau khi máy cấy xong ruộng là thiết bị bay không người lái bón phân, mô hình được thực hiẹn tại xã Văn Thành, yên Thành trong vụ xuân nàyẢnh Xuân Hoàng
Ngay sau khi máy cấy xong ruộng là thiết bị bay không người lái bón phân, mô hình được thực hiện tại xã Văn Thành, Yên Thành trong vụ xuân này. Ảnh: Xuân Hoàng

Cánh đồng “không dấu chân người” đã hiện thực hóa giấc mơ của nông dân, giải phóng sức lao động trong bối cảnh thiếu lao động ở vùng quê như hiện nay".

------
Ông Nguyễn Phúc Hưng, xã Văn Thành (Yên Thành)

Ông Nguyễn Trọng Hương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành, cho biết: Trong quá trình gieo cấy và chăm sóc, được áp dụng các thiết bị cấy, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật... không người lái, nên bà con nông dân trong suốt hơn 3 tháng chăm sóc và thu hoạch lúa chỉ quản lý trên bờ. Cả đám ruộng 10 bụi lúa như 1, thẳng hàng tăm tắp, cây lúa phát triển đồng đều hơn, gia tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt so với trồng lúa bằng phương pháp truyền thống, lãi tăng hơn 10 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.

Đánh giá hiệu quả mô hình cánh đồng không dấu chân người ở xã Văn Thành, huyện Yên Thành. Ảnh Xuân Hoàng
Đánh giá hiệu quả mô hình cánh đồng không dấu chân người ở xã Văn Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Xuân Hoàng

Cũng theo trao đổi của ông Hương, hiện nay trên địa bàn huyện Yên Thành có 6 mô hình cánh đồng “không dấu chân người” sản xuất lúa ứng dụng máy cấy không người lái, chăm sóc bằng máy bay nông nghiệp, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, tại các xã: Văn Thành, Long Thành, Công Thành, Minh Thành, Liên Thành và Hồng Thành, với tổng diện tích gần 100 ha mà hợp tác xã tham gia tích cực. Kết quả của mô hình là góp phần tuyên truyền vận động nông dân thay đổi phương thức và tư duy sản xuất truyền thống sang "Ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ", nhằm giải phóng sức lao động, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho người trồng lúa, hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại và bền vững.

Những năm gần đây, nhiều hợp tác xã trên địa bàn Nghệ An đã ứng dụng mô hình cánh đồng “không dấu chân người” như Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu), Diễn Liên (Diễn Châu), Thọ Thành (Yên Thành), tích cực cơ giới hóa nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào trong sản xuất lúa... đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những mô hình như vậy đều do các hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp để thực hiện. Ông Võ Văn Giáp - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Diễn Liên (Diễn Châu), cho biết: Vụ Xuân này hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp sản xuất gần 250 ha lúa. Cái được của ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chi phí đầu vào thấp, hiệu quả lại cao hơn. Bên cạnh đó còn sản xuất lúa giảm phát thải, tạo tín chỉ carbon - một hướng đi mới hiện nay.

Cái được của ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chi phí đầu vào thấp, hiệu quả lại cao hơn. Bên cạnh đó còn sản xuất lúa giảm phát thải, tạo tín chỉ carbon - một hướng đi mới hiện nay.

______
Ông Võ Văn Giáp - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Diễn Liên (Diễn Châu)

Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng thiết bị bay không người lái vào sản xuất lúa. Ảnh Xuân Hoàng
Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng thiết bị bay không người lái vào sản xuất lúa. Ảnh: Xuân Hoàng
Đổi mới - phát triển HTX-B2-tit2

Vùng miền núi Nghệ An, đặc biệt là huyện Con Cuông, có tiềm năng về nguyên liệu tre, nứa, lùng… với khoảng 3.500ha. Đây là những loại cây đa tác dụng trong đời sống sinh hoạt của con người: làm nhà, phục vụ trong ngành xây dựng, đan lát… có độ bền cao. Tại Con Cuông có Hợp tác xã Trà Lân với những người trẻ dám nghĩ, dám làm đã chế biến nguyên liệu tre - nứa - mét thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Quan trọng nhất là hợp tác xã đã góp phần duy trì và giữ vững màu xanh của rừng trồng, bảo tồn văn hoá bản địa và thu hút hàng ngàn khách du lịch tới đây.

Từ thị trấn Con Cuông vượt đường rừng 20 km chúng tôi đến Hợp tác xã Trà Lân do anh Thái Đăng Tiến ở thôn Khe Choăng, xã Châu Khê (Con Cuông) làm Giám đốc. Châu Khê là xã biên giới giáp với nước bạn Lào, nhiều thôn bản “ba không”: không điện, không đường, không mạng… nhưng có bạt ngàn nứa, mây. Hàng ngàn sản phẩm thân thiện với môi trường được các xã viên của hợp tác xã này chế tác: ấm chén, khay, cốc, đũa, bát, thìa, môi, bình hoa, lọ đựng tăm, đèn lồng các loại, bàn ghế mây tre...

Anh Thái Đăng Tiến - Giám đốc HTX Trà Lân Con Cuông cho biết, từ thân tre mộc mạc, các tay nghề của công nhân của HTX đã làm ra sản phẩm đẹp, đáp ứng thị trường. Ảnh Xuân Hoàng
Anh Thái Đăng Tiến - Giám đốc HTX Trà Lân (Con Cuông) cho biết, từ thân tre mộc mạc, các tay nghề của công nhân của HTX đã làm ra sản phẩm đẹp, đáp ứng thị trường. Ảnh: Xuân Hoàng

Anh Thái Đăng Tiến cho biết, để sản phẩm được bền, đẹp, yêu cầu cây tre phải đạt 5 năm tuổi trở lên mới đủ độ già, cứng, dẻo dai. Tre lấy từ rừng về, phải được xử lý theo cách truyền thống: ngâm dưới nước 6 tháng đến 1 năm hoặc luộc tre bằng nước vôi trong và muối. Tre sau khi được xử lý sẽ không bị mọt và bền chắc hơn, đặc biệt một số sản phẩm còn được gác bếp có độ bền với thời gian. Quan sát gian trưng bày sản phẩm cho thấy các loại sản phẩm được cắt, mài nhẵn, đánh bóng, nhằm an toàn khi sử dụng và nâng cao tính thẩm mỹ.

Hợp tác xã Trà Lân được sự quan tâm của chính quyền địa phương từ hỗ trợ thủ tục thành lập, hỗ trợ vay vốn đến việc đưa sản phẩm ra các hội chợ lớn. Ban Quản trị Hợp tác xã Trà Lân cũng tiếp cận thị trường bằng cách giới thiệu trên các trang mạng xã hội nên khách hàng gần xa biết đến ngày càng nhiều hơn. Trong đó chủ yếu vẫn là các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. Doanh thu của hợp tác xã hằng năm trên dưới 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động là người dân tộc thiểu số.

Giám đốc Hợp tác xã Trà Lân - anh Thái Đăng Tiến, cho biết thêm: “Là người vùng cao, yêu quê hương và cảnh quan của bản, từ năm 2016 đến năm 2018, tôi không quản khó khăn, cất công đến các làng nghề mỹ nghệ ngoài tỉnh học hỏi cách làm. Khi có tay nghề vững, năm 2019, tôi quyết định về quê lập nghiệp tại địa phương. Hợp tác xã được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nên có niềm tin phát triển”.

Nghệ An là địa phương có 11 huyện miền núi, nhìn chung địa phương nào cũng có nhiều diện tích tre, mét, lùng, nứa, trúc… Hợp tác xã Trà Lân là một trong những điểm sáng vùng biên giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh thái và thêm nhiều công ăn việc làm. Từ các sản phẩm chế biến của hợp tác xã, bà con thôn bản càng nhân lên những thành lũy tre nứa vừa phát triển kinh tế rừng, vừa bảo vệ môi trường sinh thái.

huyện Con Cuông. Ảnh: Tư liệu
Một núi rừng của huyện Con Cuông. Ảnh: Tư liệu
Đổi mới - phát triển HTX-B2-tit3

Hợp tác xã Dược liệu Pù Mát (Con Cuông) cũng là một hợp tác xã hoạt động hiệu quả nhiều năm nay. Nắm bắt được xu hướng sử dụng dược liệu chăm sóc sức khỏe ngày càng phổ biến, hợp tác xã đã tạo ra những cánh đồng dược liệu rộng lớn theo tiêu chuẩn VietGAP với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản ở miền Tây xứ Nghệ. Từ đây dược liệu sạch được các xã viên của hợp tác xã chế biến thành nhiều sản phẩm OCOP đạt chất lượng, trong đó có 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Các sản phẩm cà gai leo Pù Mát, dây thìa canh Pù Mát, trà hòa tan cà gai leo, viên hoàn cà gai leo …

Hợp tác xã dược liệu Pù Mát đã góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc và tăng mảng xanh trong bảo vệ môi trường vùng rừng quốc gia Pù Mát, tạo đa giá trị trên một đơn vị diện tích, đồng thời tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Dược liệu được trồng trong vùng Pù Mát. Ảnh: P.V
Dược liệu được trồng trong vùng Pù Mát. Ảnh: P.V
Đổi mới - phát triển HTX-B2-tit4

Nhiều năm qua, sau khi thu hoạch xong để kịp thời sản xuất vụ tiếp theo, nông dân đốt hết rơm rạ ngoài đồng nhằm làm sạch sâu bệnh và dễ canh tác. Việc đun nấu trước đây có dùng đến rơm nhưng nay với sự ra đời của bếp gas, bếp điện, nguồn rơm bị lãng phí.

‎Trăn trở với hàng trăm ngàn tấn rơm lãng phí trên đồng, trong khi trâu bò ở các trang trại lớn phải đi mua thức ăn nhập khẩu, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hưng Tây (Hưng Nguyên) đã tham mưu chính quyền cơ sở, trực tiếp vào miền Nam học hỏi... Sau đó hợp tác xã đầu tư mua 5 máy thu hoạch rơm và một xe tải bắt đầu thu mua rơm của bà con. Những ngày mùa vừa qua, xe, máy của hợp tác xã hoạt động hết công suất, vừa thu mua rơm vừa làm đất, vừa thu gom rác trong làng xóm cho bà con rồi thực hiện các mũi sản xuất khác như dịch vụ thủy nông, giống, phân, thu gom rác, sản xuất nấm... Kết quả một vụ hợp tác xã cũng thu gom được 200 - 300 ngàn đồng cuộn rơm, giá nhập mỗi cuộn 30 ngàn đồng, thu về gần 500 triệu đồng/vụ. Hợp tác xã hiện nay chuyên thu gom rơm của các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Yên Thành…

Tư duy sáng tạo, nhanh nhạy đã giúp Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hưng Tây tồn tại, phát triển trước cơ chế thị trường; lượng rơm được bán cho các trang trại chăn nuôi, các nhà vườn trồng rau lớn mang lại hiệu quả kinh tế gấp ba, bốn lần. Hợp tác xã cũng ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng hiệu quả quản trị...

Những hợp tác xã với cách làm hiệu quả ở Nghệ An như đã nói trên, không chỉ tạo việc làm với thu nhập ổn định cho xã viên, mà còn tham gia vào chuỗi giá trị của các ngành hàng khác, đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường, tạo ra những vùng nguyên liệu bền vững phục vụ cho sản xuất hàng OCOP, xuất khẩu và bảo vệ môi trường nông thôn vốn là một bài toán khó hiện nay.

(Còn nữa)

Nhóm PV Kinh tế