Kinh tế

Bài 4: Sớm tháo gỡ 'rào cản' về vốn, mặt bằng kinh doanh

Nhóm PV Kinh tế 23/06/2024 14:49

Tiếp cận vốn tín dụng để phát triển sản xuất luôn là vấn đề khó khăn đối với các hợp tác xã nói chung và hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Nhiều hợp tác xã đã phải lập công ty con để hoạt động, vay vốn ngoài tín dụng với lãi suất cao. Tại Nghệ An, đã có cơ chế đẩy mạnh về tín dụng hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, song việc tiếp cận và giải ngân vẫn còn hạn chế.

Đổi mới - phát triển HTX-bia2-cover
Đổi mới - phát triển HTX-B4-tit1

Kỳ Sơn là huyện miền núi rẻo cao của Nghệ An, có cây gừng đã được cấp chỉ dẫn bảo hộ địa lý "Gừng Kỳ Sơn". Đây là giống gừng bản địa, gồm gừng sừng trâu và gừng dé, được bà con dân tộc thiểu số trồng ở độ cao trên 700 m trở lên, nơi có sương mù bao phủ quanh năm cùng điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt, sản phẩm có chất lượng vượt trội so với gừng ở những nơi khác. Từ khi có Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn (xã Mường Xén - Kỳ Sơn) đi vào hoạt động, sản phẩm gừng của nông dân 11 xã với diện tích hơn 500 ha đã được bao tiêu, là một "kỳ tích" ở Kỳ Sơn.

Cây gừng đã đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu
Cây gừng đã đem lại nguồn thu nhập cho người dân huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu

Ông Nguyễn Văn Luân - Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn, cho biết: Từ năm 2013, hợp tác xã đã vận động trên 20 hộ dân liên kết tham gia trồng thí điểm gừng hữu cơ trên diện tích 10 ha. Đến nay, toàn huyện đã có gần 500 ha gừng tập trung ở các xã Na Ngoi, Đoọc Mạy, Tây Sơn, Nậm Cắn, Huồi Tụ, Keng Đu, Mường Lống. Hàng năm, hợp tác xã bao tiêu toàn bộ sản phẩm, thu mua trên 3.000 tấn gừng cho bà con.

Để tạo đầu ra ổn định, hợp tác xã đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, hệ thống máy móc, sơ chế tạo ra sản phẩm gừng chất lượng, tìm tòi, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu đến thị trường Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Uzbekistan, Turkmenistan. Hợp tác xã còn đầu tư máy móc hiện đại chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm từ gừng như tinh dầu gừng, tinh bột gừng, bột gừng, cao gừng, gừng sấy dẻo…, tiêu thụ tốt trên thị trường trong nước. Đến nay, đã có 3 sản phẩm là gừng tươi, bột gừng và tinh dầu gừng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Chúng tôi vẫn chưa thể thực hiện hết những dự định của mình trong phát triển tiêu thụ gừng, do hợp tác xã rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, chưa có đủ quỹ đất đầu tư sản xuất, kinh doanh vì thế rất khó để được cấp các chứng chỉ liên quan đến chất lượng gừng, để được xuất khẩu vào thị trường các nước châu Âu”.

______
Ông Nguyễn Văn Luân - Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn

Gừng được tập kết tại một đơn vị thu mua ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Văn Trường
Gừng được tập kết tại một đơn vị thu mua ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Văn Trường

Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có một số hợp tác xã nông nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây gọi tắt là sổ đỏ). Tuy nhiên, khi dùng sổ đỏ ấy thế chấp để vay vốn phát triển kinh doanh, dịch vụ, vẫn bị phía ngân hàng từ chối.

Hợp tác xã Lâm nghiệp và Dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thuỷ (Thanh Chương) là một trong số ít hợp tác xã đã được Nhà nước cấp sổ đỏ đối với diện tích đất xây dựng trụ sở hợp tác xã. Đây được xem là cơ sở pháp lý để hợp tác xã có thể thế chấp vay vốn để kinh doanh. Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề này thì các thành viên của Ban Quản trị hợp tác xã lắc đầu. Lấy tấm sổ đỏ của hợp tác xã trong ngăn tủ ra, ông Nguyễn Sỹ Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc hợp tác xã cho biết: Hợp tác xã được Nhà nước cấp sổ đỏ từ năm 2017, với diện tích hơn 5.722 m2 tại khu vực xây dựng trụ sở của hợp tác xã. Trong lúc hợp tác xã cần số vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhưng khi mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng để vay vốn thì phía ngân hàng không chấp nhận.

Ông Nguyễn Sỹ Bình - Giám đốc HTX Lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp Thanh Thuỷ cho biết, mặc dù HTX đã có sổ đổ nhưng không vay được vốn tín dụng. Ảnh: Xuân Hoàng
Ông Nguyễn Sỹ Bình - Giám đốc HTX Lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp Thanh Thuỷ cho biết, mặc dù HTX đã có sổ đỏ nhưng không vay được vốn tín dụng. Ảnh: Xuân Hoàng

Thế chấp vay vốn ngân hàng không được, Ban Quản trị hợp tác xã làm hồ sơ và thế chấp sổ đỏ để vay nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã thông qua Liên minh hợp tác xã tỉnh. Thế nhưng, phương án trả nợ rất ngặt nghèo. Với số vốn vay 500 triệu đồng, mỗi năm hợp tác xã phải trả 100 triệu đồng nợ gốc cộng với tiền lãi. Do để đáp ứng được yêu cầu này rất khó khăn, nên Ban quản trị hợp tác xã không dám vay nguồn vốn này. Sau 7 năm thành lập, hợp tác xã đã huy động vốn từ các thành viên của hợp tác xã, đầu tư san lấp mặt bằng, xây dựng nhà kho, trụ sở, vườn ươm, hệ thống tưới nước, máy làm đất… Tuy nhiên đến nay, lãi vẫn chưa đáng kể nên không dám mạo hiểm vay vốn.

HTX Lâm nghiệp và Dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thuỷ (Thanh Chương) chủ yếu sản xuất giống cây lâm nghiệp. Ảnh: Xuân Hoàng
HTX Lâm nghiệp và Dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thuỷ (Thanh Chương) chủ yếu sản xuất giống cây lâm nghiệp. Ảnh: Xuân Hoàng

Tại nhiều diễn đàn, hội nghị do Liên minh hợp tác xã tỉnh Nghệ An tổ chức, không ít đại diện hợp tác xã kiến nghị và đề xuất làm thế nào nguồn vốn hỗ trợ phát triển hợp tác xã được thuận lợi hơn trong giải ngân nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn mà tỉnh ưu tiên. Trao đổi với chúng tôi (PV), ông Nguyễn Bá Châu - Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh cho biết: Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã của Nghệ An đã được UBND tỉnh ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội, theo đó quy định mỗi hợp tác xã chỉ được vay tối đa 500 triệu đồng và có trách nhiệm trả nợ trong 5 năm; mỗi năm phải trả số tiền gốc 100 triệu đồng và tiền lãi suất ưu đãi; nên nhiều hợp tác xã không có điều kiện để trả theo đúng quy định.

Bà Nguyễn Thị Thu Thu - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Nghệ An, cho biết: Dư nợ tín dụng của các hợp tác xã tại các ngân hàng rất ít. Hợp tác xã rất khó vay vốn do hầu hết các hợp tác xã không có tài sản thế chấp, vốn tự có ít, ngành nghề kinh doanh quy mô nhỏ; cơ bản các hợp tác xã đi vay là cá nhân giám đốc hoặc thành viên hợp tác xã. Thực tế các ngân hàng đang cần tăng trưởng tín dụng, nhưng việc cho vay hợp tác xã vẫn khó, dễ lâm vào nợ xấu.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”. Ảnh: https://baodantoc.vn
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”. Ảnh: https://baodantoc.vn

Xung quanh vấn đề này, tại hội thảo trực tuyến Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể, đại diện tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: Có tới trên 80% số hợp tác xã phải vay vốn trên thị trường phi chính thức và tín dụng “đen” với lãi suất cao, thời hạn ngắn. Chỉ có khoảng 10% số hợp tác xã được vay vốn của các Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Trung ương và địa phương; 0,5% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng. Trong khi điều kiện vay chặt chẽ, ngân hàng e ngại cho hợp tác xã vay vì chi phí cho vay cao, mà số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả chỉ chiếm hơn 40%, nên nhìn chung khối hợp tác xã khả năng đáp ứng các điều kiện của ngân hàng còn hạn chế. Đó cũng là tình trạng chung tại hầu hết các địa phương khác trên cả nước.

Theo thông tin từ Liên minh hợp tác xã tỉnh Nghệ An, hiện tại trên địa bàn tỉnh mới có 4,68% hợp tác xã đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với vốn hỗ trợ phát triển hợp tác xã, đến nay Nghệ An đã cấp 10 tỷ đồng, kế hoạch năm 2024 cấp bổ sung 2,5 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 5/2024 mới giải ngân được 5 tỷ đồng.

______

HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Nghi Trung (Nghi Lộc) vay vốn tín dụng chính sách đầu tư trồng nho VietGAP. Ảnh: Thu Huyền
HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Nghi Trung (Nghi Lộc) vay vốn tín dụng chính sách đầu tư trồng nho VietGAP. Ảnh: Thu Huyền
Đổi mới - phát triển HTX-B4-tit2

Những năm qua, Nghệ An đã dành nhiều quan tâm đối với phát triển kinh tế hợp tác, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp. Cùng với các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và sự quan tâm của chính quyền địa phương, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn.

Hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động nông thôn, nhưng đến nay, sau hơn 20 năm hoạt động, việc có một mảnh đất để có thể chủ động trong sản xuất, kinh doanh vẫn đang là ước mơ xa vời đối với Hợp tác xã Mây tre đan Thắng Lợi (Yên Thành).

Tìm hiểu được biết, sau 2 mảnh đất đều là đi mượn rồi phải trả lại khi địa phương có nhu cầu sử dụng, vùng đất hiện tại mà Hợp tác xã Mây tre đan Thắng Lợi đang “trú chân” đã là địa điểm thứ 3. Nhiều năm nay, hợp tác xã đã làm hồ sơ xin được mua hoặc thuê thời hạn 50 năm đối với diện tích đất 2.681m2 đất nông nghiệp của các xã viên đồng ý chuyển nhượng lại cho hợp tác xã, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận.

Không có đất, Hợp tác xã Mây tre đan Thắng Lợi không thể mở rộng quy mô sản xuất và đặc biệt là không có mặt bằng đầu tư kho xưởng với đầy đủ trang thiết bị như xưởng máy, lò sấy, lò phun sơn… để sản xuất sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu trực tiếp. Đất đai mượn tạm bợ, trụ sở làm việc và kho chứa của hợp tác xã cũng được xây dựng chắp vá. Không có đất, cách đây 1 năm, hợp tác xã đành phải huy động bìa đất của các thành viên, vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội 500 triệu đồng để mua máy móc, xe vận tải với mức lãi 0,53% và trả trong vòng 5 năm.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hưng Tây (Hưng Nguyên) được đánh giá là một hợp tác xã dịch vụ hiệu quả của tỉnh, vừa thực hiện dịch vụ thuỷ nông, giống, phân, thu gom rác, sản xuất nấm, vừa đầu tư 5 máy thu gom rơm và xe tải vận hành trên đồng ruộng. Hợp tác xã có hơn 100 xã viên, trong đó có 7 thành viên chính, phân công nhau mỗi người đảm nhận một mũi. Nhưng vào ngày mùa, sau khi thu gom rơm trên các cánh đồng để bán cho các trang trại chăn nuôi và bán ra ngoài tỉnh, hợp tác xã không có kho bãi để dự trữ rơm khô và phải đi thuê rất tốn kém. Hàng chục ngàn cuộn rơm khi vào vụ phải đi gửi ở nhiều nơi rất bất tiện. Hiện Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hưng Tây mong muốn được thuê đất làm kho bãi chứa máy móc, rơm để tăng hiệu quả sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường. Còn đối với vay vốn tín dụng, hợp tác xã cũng không vay được mà phải vay cá nhân ở ngoài.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hưng Tây (Hưng Nguyên) thu hoạch rơm sau vụ lúa Xuân 2024. Ảnh Q.An
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hưng Tây (Hưng Nguyên) thu hoạch rơm sau vụ lúa Xuân 2024. Ảnh: Q.An

Tại thị xã Thái Hòa, theo trao đổi của ông Chu Anh Tuấn - Chủ tịch UBND thị xã: Hiện trên địa bàn có 18/23 hợp tác xã đang hoạt động, góp phần tạo ra các sản phẩm nông nghiệp giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, các hợp tác xã cơ sở vật chất còn nghèo nàn, hầu hết đang phải mượn đất của UBND xã, hoặc lấy cơ sở của gia đình để làm trụ sở; chưa có nhiều hợp tác xã được hỗ trợ, ưu đãi về đất đai để xây dựng trụ sở, kho bãi, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Sản phẩm các hợp tác xã làm ra chưa được đăng ký nhãn hiệu, quyền bảo hộ, một số chưa đóng gói hàng hóa hoặc có bao bì riêng, chất lượng không đồng đều, chưa tiếp cận được những thị trường lớn mà chủ yếu tiêu thụ tại địa phương. Và nhìn chung, việc tiếp cận vốn tín dụng còn rất khó khăn đối với các HTX.

Vào ngày 23/4/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Liên minh hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội thảo "Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể". Bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam, cho rằng: Thực tế Nhà nước đã rất quan tâm đến kinh tế tập thể, hợp tác xã và đã có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực trong khu vực này được ban hành. Tuy nhiên, các hợp tác xã hiện vẫn khó tiếp cận với các chính sách vốn vay, vì phải có tài sản thế chấp, trong khi cơ chế hiện nay không phải hợp tác xã nào cũng có tài sản chung, đồng thời quy định cho hợp tác xã vay tín chấp đã có nhưng chưa rõ.

Bà Cao Xuân Thu Vân – Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam
Bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam. Ảnh: Xuân Hoàng

Nhà nước đã rất quan tâm đến kinh tế tập thể, hợp tác xã và đã có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực trong khu vực này được ban hành”.

______
Bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Bà Cao Xuân Thu Vân cũng cho biết, trong thời gian tới, Liên minh hợp tác xã Việt Nam sẽ rà soát, đánh giá cụ thể hiệu quả hoạt động, quản trị của các thành viên hợp tác xã, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Ngân hàng Nhà nước, đầu tư từ phía các ngân hàng thương mại, hy vọng các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả được nhìn nhận đúng thế mạnh trong quá trình tiếp cận nguồn vốn.

Bà Cao Xuân Thu Vân – Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam tham quan các gian trưng bày sản phẩm OCOP của các HTX trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Xuân Hoàng
Bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam tham quan các gian trưng bày sản phẩm OCOP của các HTX trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Xuân Hoàng

Cũng theo bà Cao Xuân Thu Vân, Luật Hợp tác xã năm 2023 đã được Quốc hội ban hành ngày 20/6/2023 có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2024 đang được kỳ vọng là mốc quan trọng để giải quyết được điểm nghẽn, nhưng không phải tất cả các điểm nghẽn đều được giải quyết. Dựa vào điều kiện thực tế của đất nước, những hạn chế của Luật hợp tác xã năm 2012 cũng được Luật sửa đổi, bổ sung và thể hiện rất rõ, điều đó sẽ tạo động lực cho tổ hợp tác, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã phát triển theo hướng nhanh, bền vững trong giai đoạn tới.

(Còn nữa)

Nhóm PV Kinh tế