Triển vọng thương hiệu sâm xứ Nghệ
Với đặc điểm địa hình, khí hậu rất thích hợp cho hàng trăm loài dược liệu quý sinh trưởng, phát triển, các địa phương miền Tây Nghệ An mở ra thêm một hướng phát triển mới. Trong đó, triển vọng kinh tế từ cây sâm đang cho thấy những tín hiệu tích cực, góp phần hiện thực hoá Chương trình phát triển sâm Việt Nam vừa được Chính phủ phê duyệt.
Trồng sâm dưới tán rừng phòng hộ
Xã biên giới Na Ngoi cách trung tâm huyện Kỳ Sơn hơn 50km, song hiện nay đường sá đi lại đã được kiên cố hóa, xe ô tô có thể vào hầu hết trung tâm các bản. Na Ngoi cũng là địa phương có khí hậu mát mẻ, địa hình cao và tỷ lệ che phủ rừng lớn, rất thích hợp cho các loài dược liệu quý sinh trưởng, phát triển, trong đó có cây sâm. Nhận thấy tiềm năng này, hiện ở Na Ngoi đã có các công ty, tập đoàn lớn đến đầu tư trồng sâm dưới tán rừng với quy mô lớn.
Tại bản Buộc Mú 1, ngay bên trục đường chính đi vào trung tâm xã, dù trời mùa Hè nắng như đổ lửa, song bước chân vào khu vực trồng sâm ngọc linh nằm trên sườn dốc thoai thoải của khu vực rừng phòng hộ của xã Na Ngoi, không khí vẫn dịu mát và nồng đậm mùi ẩm ướt đặc trưng của vùng rừng rậm. Ông Lê Hoàng - Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn cho biết, mô hình trồng sâm ngọc linh lần đầu tiên được triển khai trên địa bàn huyện Kỳ Sơn nhờ chính sách cho thuê đất rừng phòng hộ; mở ra hướng phát triển kinh tế mới trên địa bàn xã Na Ngoi nói riêng và huyện Kỳ Sơn nói chung.
Dẫn chứng về quy mô và hình thức trồng sâm ngọc linh ở Na Ngoi, cán bộ quản lý khu vực nhân giống của Công ty cổ phần Tập đoàn y dược Sâm ngọc linh tại bản Buộc Mú 1 cho biết, mục tiêu công ty đầu tư trồng dược liệu quý tại Na Ngoi gần 20ha, dự kiến trồng các loại sâm Phù Xai, sâm ngọc linh, tam thất hoang. Hiện nay công ty này đang tập trung nhân giống cây sâm ngọc linh. Vườn ươm tại bản Buộc Mú 1 đã triển khai được hơn 3ha tương đương 60.000 cây giống.
Cũng ở xã Na Ngoi, tại bản Buộc Mú 2 giáp với biên giới Việt – Lào, nơi có độ cao khá lớn và khí hậu lạnh, nằm ngay dưới chân dãy núi Puxailaileng, hiện cũng có hơn 10ha đang được Tập đoàn TH trồng sâm Puxailaileng và các loại dược liệu quý dưới tán rừng phòng hộ. Tận dụng không gian dưới tán cây rừng, nơi độ dốc nhỏ sẽ trồng trực tiếp trên đất, nơi có độ dốc cao thì tại luống trồng cây trên những bệ đỡ cao tầm 1m so với mặt đất và đều phủ nilon vừa chống sương giá, vừa giữ ẩm cho cây. Hàng ngày khu vực trồng sâm nơi đây thường xuyên có 5 - 8 lao động chăm sóc cây quý. Và họ hầu hết là người dân địa phương.
“Được làm việc cho công ty, vừa gần nhà lại có thu nhập khá cao và ổn định nên nhiều người không còn phải đi làm ăn xa, anh em chúng tôi rất vui” – anh Vừ Bá Ca, một công nhân cho biết.
Ngoài Na Ngoi, Tập đoàn TH cũng đã xây dựng Trung tâm bảo tồn và phát triển dược liệu Mường Lống tại xã Mường Lống. Đến nay, trung tâm này đã nhân giống và trồng khoảng 3.000 cây thất diệp nhất chi hoa, 100.000 cây tam thất bắc và 1.000 cây sâm Puxailaieng, 200.000 khóm lan thạch hộc và hàng nghìn cây giống các loại dược liệu khác.
Ông Lầu Chìa Lồng, một cán bộ của khu dược liệu, cũng là người địa phương Kỳ Sơn cho biết, ngoài những mục tiêu phát triển, bảo tồn cây sâm và các loài dược liệu quý, nơi đây còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Nâng tầm giá trị dược liệu xứ Nghệ
Ngoài Kỳ Sơn, Tương Dương cũng là địa phương có quy hoạch phát triển cây dược liệu quý, trong đó có mô hình trồng cây sâm thất diệp nhất chi hoa tại xã Tam Hợp. Lãnh đạo UBND xã Tam Hợp cho biết, từ năm 2021, Dự án trồng sâm tại bản Phá Lõm có quy mô 20 hộ tham gia. Hộ ông Xồng Bá Ca thực hiện đầu tiên với diện tích khoảng 400m2. Đến nay, đã có thêm 5 hộ tạo dựng thành công vườn nhân sâm từ cây giống tự nhiên khai thác từ rừng, đưa tổng diện tích sâm 7 lá 1 hoa của xã đạt khoảng 0,7 ha.
Các hộ tham gia dự án cho biết, gia đình được hướng dẫn kỹ thuật trồng sâm, tài trợ kinh phí để tìm nguồn giống tự nhiên về trồng tại vườn nhà. Dự án trồng sâm tại xã Tam Hợp dự kiến quy mô 20 hộ, hiện đang tiếp tục chờ giải ngân của năm 2024 để triển khai mở rộng quy mô. Ban đầu sau 4 năm trồng, các hộ đã bắt đầu có thu nhập với giá khoảng 1 triệu đồng/kg sâm dưới 5 năm tuổi. Song các gia đình cũng cho biết, họ xác định đây là “cây để dành”, dự kiến chăm sóc trên 10 năm mới xuất bán để thu về nguồn lợi cao hơn so với bán sâm ít năm tuổi như hiện nay.
Tháng 6/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định 611/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Phạm vi của chương trình là các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển sâm Việt Nam, gồm 9 tỉnh, trong đó có Nghệ An; phấn đấu đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới.
Cùng với bảo tồn, nhân giống sâm, mục tiêu Chương trình Phát triển sâm Việt Nam đặt ra sản lượng khai thác sâm từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm, tương đương diện tích khai thác khoảng 1.000 ha/năm, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP - WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương. Đồng thời đầu tư, xây dựng các cơ sở sơ chế và chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Việt Nam gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi, trong đó có khoảng 50% cơ sở sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP-WHO.
Tại cuộc kiểm tra, làm việc với các địa phương và các công ty, dự án trồng sâm tháng 3/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cũng khẳng định, việc các công ty lớn đầu tư trồng sâm tại Na Ngoi, Mường Lống là những bước hiện thực hoá chủ trương này theo đúng quy định, mục tiêu mà Chính phủ đề ra, đề nghị các doanh nghiệp thực hiện đúng mục tiêu sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, sau giai đoạn trồng, nhân giống thì sâm sẽ được chế biến sâu gắn với các sản phẩm có thương hiệu, có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho doanh nghiệp và địa phương.
Đồng thời cũng giúp nâng tầm giá trị dược liệu xứ Nghệ, góp phần tăng hiệu quả Dự án “Hạng mục đầu tư vùng trồng dược liệu quý” giai đoạn 2021 - 2025, thuộc Tiểu dự án 2, dự án 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.