Thời sự

Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước

Thành Duy 24/06/2024 18:16

Ngày 24/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV bước vào ngày làm việc thứ 23, mở đầu tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp. Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì.

240620240334-z5569261884437_9eb9cbdc0f01125a9f433cada34b7387.jpeg
Quang cảnh phiên làm việc tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) với 459/464 tổng số ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, đạt 94,25% trong sáng 24/6.

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm 9 chương, 152 điều, quy định về: vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân; về bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân.

bna_20210521_073839.jpg
Các ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên làm việc. Ảnh: Nam An

Tổ chức của Tòa án nhân dân bao gồm: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt hành chính, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt sở hữu trí tuệ, Tòa án nhân dân chuyên biệt phá sản; Tòa án quân sự Trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực Luật cũng quy định, Tòa án xét xử bằng phương thức trực tiếp hoặc trực tuyến.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Qua thảo luận có 24 ý kiến phát biểu, với đa số thể hiện sự đồng thuận cao về sự cần thiết sửa đổi luật; đồng thời phân tích, đánh giá sâu sắc thực tiễn tình hình, những tồn tại, vướng mắc và đề xuất phương án chỉnh lý hoàn thiện nhiều nội dung, nhiều điều khoản của dự thảo luật cả về kết cấu, khái niệm, thuật ngữ, nội dung, văn phong và kỹ thuật lập pháp. Thượng tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

bna_256c5ab70227a179f836.jpg
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) vào chiều 24/6. Ảnh: Nam An

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 với 459/460 tổng số ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, đạt 94,46%.

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Các ĐBQH nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng để khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý.

Các đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo Luật, rà soát tên để dự thảo luật bám sát mục tiêu đặt ra trong các Nghị quyết của Đảng, Chiến lược cải cách hệ thống thuế, lộ trình tiến tới áp dụng một loại thuế suất, tính khả thi thực tế và cụ thể của các điều khoản quy định trong dự thảo luật, các nội dung giao Chính phủ, các bộ quy định, sự phù hợp, tương thích của dự thảo Luật với các luật có liên quan.

bna_fb732aaa723ad164882b.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu. Ảnh: Nam An

Các ĐBQH cũng tham gia nhiều ý kiến về các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, đối tượng chịu thuế suất 0%, người nộp thuế, giá tính thuế, thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng, các mức thuế suất, mức doanh thu bán hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng, kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, quy định về hoàn thuế và điều khoản thi hành. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Thành Duy