Kinh tế

Đồng bào các dân tộc Kỳ Sơn giữ vững ‘3 yên’

Hoài Thu 25/06/2024 17:21

Từ phát huy nguồn lực các chương trình mục tiêu quốc gia ở Kỳ Sơn đã giúp đồng bào từng bước thoát nghèo. Trong đó, nhiều người đi đầu trong sản xuất chăn nuôi hiệu quả, lan toả phong trào làm kinh tế, giữ bản sắc văn hoá, góp phần giữ vững “3 yên”: yên dân, yên biên giới, yên địa bàn.

Mạnh dạn phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới

Năm 2018, ông Moong Văn Chun khi đó là hộ nghèo của bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Thời điểm đó, ông được hỗ trợ vay 40 triệu đồng nguồn vốn chính sách ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số để mua dê về nuôi. Chỉ sau 1 năm nỗ lực chăm sóc và thực hiện đúng kỹ thuật phòng bệnh, đàn dê giống phát triển tốt, giúp gia đình có thu nhập từ việc bán dê thịt với giá trung bình 2,5 - 3 triệu đồng/con. Nguồn “lãi” từ nuôi dê, ông Chun mua thêm bò, lợn giống… và xây dựng thành công gia trại. Đến nay, gia trại của ông Chun duy trì hơn 200 con dê; đàn trâu, bò hơn 30 con; đàn lợn hơn 20 con và gần 300 con gà, vịt… mang lại thu nhập cho gia đình trên 150 triệu đồng/năm.

bna_ong-moong-van-chun-thoat-ngheo-vuon-len-lam-giau-tu-nhung-nguon-luc-ho-tro-cua-nha-nuoc.png
Ông Moong Văn Chun thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ những nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Ảnh: HT

Ở xã Mường Lống, ông Vừ Tồng Pó cũng trở thành một trong những điển hình kinh tế giỏi của huyện Kỳ Sơn nhờ biết vận dụng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ông Vừ Tồng Pó cho biết: Năm 2018, khi được Nhà nước hỗ trợ con giống, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, ông huy động “của để dành” của gia đình và vay thêm 70 triệu đồng để mua máy ấp trứng, máy phát điện để chăn nuôi gà đen bản địa. Từ cách làm này, ông Pó đã xây dựng được cơ sở cung cấp giống gà đen bản địa cho toàn huyện. Lò ấp trứng của ông có công suất 1.000 trứng/ lượt ấp, cung cấp trên 1.000 con gà thịt, mỗi đợt xuất chuồng đã đáp ứng cung cấp giống gà đen bản địa cho địa phương, đem lại doanh thu từ 750 - 800 triệu đồng/năm.

bna_phu-nu-lang-nghe-theu-ren-muong-long-phat-huy-nghe-truyen-thong-phuc-vu-du-lich-cong-dong(1).jpg
Đồng bào dân tộc Mông ở Mường Lống phát huy nghề truyền thống phục vụ du lịch cộng đồng. Ảnh: HT

“Cho đến nay, nhờ những người đi đầu như ông Vừ Tồng Pó, xã Mường Lống đã có nguồn lực khá dồi dào để giúp bà con thoát nghèo, và phục vụ ngành kinh tế mới của xã, đó là phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Ông còn tham gia các phong trào thi đua yêu nước, được tôn vinh điển hình Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI”, ông Vừ Bá Xử - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết.

Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, nhờ những tác động tích cực và hiệu quả từ việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế, xã hội đối với các đồng bào dân tộc thiểu số, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào trong việc thay đổi phương thức canh tác, phát huy lợi thế sẵn có của từng địa phương.

Hiện nay, trên toàn huyện có hơn 145 mô hình giảm nghèo, hướng đến làm giàu, trong đó hơn 83 mô hình kinh tế hộ; hơn 62 mô hình kinh tế gia trại. Các mô hình chủ yếu tập trung phát triển chăn nuôi và tổng hợp, thu nhập bình quân trong các mô hình đạt từ 70 - 100 triệu đồng/mô hình như: Mô hình của hộ ông Moong Văn Chun ở xã Nậm Cắn; hộ gia đình ông Vi Văn Hùng ở bản Na Loi, xã Na Loi; ông Vừ Tồng Pó ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống; ông Vừ Vả Chống ở bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ…

Huyện Kỳ Sơn có dân số hơn 83.400 người, trong đó 94,89% là đồng bào dân tộc thiểu số, gồm dân tộc Khơ Mú 37,13%; dân tộc Mông 34,28%; dân tộc Thái chiếm 25,27%; dân tộc Kinh, Hoa chiếm 3,32%...

Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe cho biết, hàng năm, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên cho vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Thông qua các chương trình, các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…

Cán bộ, đảng viên và người dân ở Kỳ Sơn tham gia xây dựng đường giao thông nô
Cán bộ, đảng viên và người dân ở Kỳ Sơn tham gia xây dựng nhà cho người nghèo, làm đường giao thông thôn, bản. Ảnh: Hoài Thu

Trong đó, các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội bước đầu cho hiệu quả tích cực. Ở huyện Kỳ Sơn, các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, hỗ trợ sinh kế được thực hiện gắn mục tiêu phát triển bền vững. Nhờ đó, từ năm 2019 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 3 - 5%; tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 82%. Có 18/21 xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 85,71%. Tỷ lệ bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 47,67%...

Bên cạnh tập trung chỉ tiêu về phát triển mô hình kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới, với những lợi thế về sản vật vùng cao, huyện Kỳ Sơn cũng chú trọng đầu tư hỗ trợ và khuyến khích đồng bào tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, huyện rẻo cao này đã có 14 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, như: gừng, chè Tuyết shan, nước uống Sao La, rượu sạch Mường Kỳ, lạp xưởng và bò, lợn gác Hậu Quế, dịch vụ du lịch cộng đồng Mường Lống, rượu cần O Hương, rượu nếp cẩm Kỳ Sơn…

Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở

Cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới cũng được lồng ghép để tạo những những đột phá về xoá đói, giảm nghèo bền vững. Không chỉ mạnh dạn vươn lên trong lao động, sản xuất, tích cực xoá đói, giảm nghèo, đồng bào các dân tộc Kỳ Sơn còn tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, duy trì các phong trào bảo vệ biên giới hoà bình, hữu nghị với nhân dân Lào “núi liên núi, sông liên sông”. Hàng năm, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số luôn được ưu tiên hàng đầu. Đến nay, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, Kỳ Sơn đã cử hơn 1.446 lượt người là đồng bào các dân tộc tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, trong đó tập trung chủ yếu vào công tác đào tạo trình độ chuyên môn, lý luận chính trị; bồi dưỡng quản lý nhà nước, tiếng dân tộc; bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp...

Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số của Kỳ Sơn là 1.305/2.398 người, chiếm 54,4%. Trong đó, lãnh đạo, quản lý có 20/39 cấp huyện, cấp phòng, lãnh đạo quản lý các đơn vị sự nghiệp là người dân tộc thiểu số, chiếm 51,2%... Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị các cấp là 693 người, chiếm 28,8%; cán bộ trẻ là 655 người, chiếm 27,3%.

Với hơn 90% dân số là đồng bào các dân tộc, huyện Kỳ Sơn xác định việc củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể là hết sức quan trọng để giữ vững “3 yên”.

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của học sinh Trường PT DTNT THCS Kỳ Sơn Ảnh - Mỹ Hà.jpeg
Học sinh con em đồng bào các dân tộc ở Kỳ Sơn được tạo cơ hội học tập với nhiều chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Ảnh tư liệu

Trong đó, tăng cường xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống mọi biểu hiện cục bộ, gây chia rẽ, mất đoàn kết; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số... nhằm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện tốt các nhiệm vụ về chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở địa phương.

Hoài Thu