Giáo dục

Dạy thêm, học thêm, cấm hay không cấm?

Lê Thanh Nga 26/06/2024 12:42

Dạy thêm, học thêm là câu chuyện đã được bàn đi, bàn lại mãi trên báo chí, thậm chí ở nghị trường Quốc hội. Nhưng đến nay, về cơ bản nó vẫn chưa được giải quyết một cách rốt ráo.

Ngay tình hình này đã cho thấy sự lúng túng nào đó trong việc giải quyết vấn đề. Dẫn đến tình trạng này là do các luồng ý kiến khác nhau trước những biểu hiện khác nhau của việc dạy thêm, học thêm, và dư luận từ đó cũng khác nhau, trong đó có những ý kiến coi việc dạy thêm, học thêm là một cái gì đó hết sức tiêu cực, hết sức xấu xa, cần phải dẹp bỏ. Những ý kiến ấy theo tôi là phiến diện, xuất phát từ 2 khả năng: Thứ nhất, người phán xét chưa chịu nhìn nhận, đánh giá vấn đề một cách toàn diện, bao quát trong cái nhìn nhiều lật trở; Thứ hai, người phán xét chỉ có thói quen nhìn vào mặt tiêu cực của vấn đề, thiếu đi cái nhìn thiện chí, độ lượng, nhân văn. Tất nhiên, sở dĩ có cái nhìn này là do ngành Giáo dục lâu nay có nhiều điều khiến người ta băn khoăn, trong đó có chuyện dạy thêm, học thêm.

9860-1667207396-hoc-them.jpg

Bản thân tôi cho rằng, chẳng có lý do gì để cấm dạy thêm, học thêm, bởi vì đó là nhu cầu và là quyền. Học thêm, trước hết là nguyện vọng của phụ huynh, học sinh. Nếu không có cầu, làm sao có cung? Không ai có thể nghĩ ra việc mở lớp nếu không nắm bắt được nhu cầu của người học, cũng không ai có thể tự nghĩ ra việc mở lớp để rồi ép học sinh vào đó. Bằng chứng là trong khi chúng ta cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường thì ở các trung tâm luyện thi bên ngoài, người học vẫn nườm nượp tới. Ở đây tôi đang nói về khởi thủy của câu chuyện. Và tất nhiên, đừng bao giờ phủ nhận sạch trơn ý nghĩa của việc dạy thêm, học thêm đối với quá trình hình thành, hoàn thiện kiến thức, năng lực, phẩm chất người học.

Thời của chúng tôi, các lò luyện thi mọc lên như nấm, một phòng học có khi mấy trăm người. Và chính các lò luyện thi ấy đã góp phần rất quan trọng trong việc mở ra cổng trường đại học cho rất nhiều người. Thậm chí có những người hôm nay đang phản đối dạy thêm, học thêm, rất có thể đã bước vào cánh cổng đại học nhờ sự hỗ trợ của các lò luyện thi ấy. Chúng ta từng đã chấp nhận, đã hoan hỉ về điều đó, vậy tại sao chúng ta không thể tiếp tục?

Ai đó mở lớp, ai đó dạy thêm, trước hết là để đáp ứng nhu cầu của người học. Và người dạy, nói ra thì có vẻ thực dụng, nhưng vẫn phải nói, là có thêm thu nhập để trang trải trăm thứ chi tiêu. Điều này là bình thường, và thậm chí là rất tốt khi mà thu nhập từ lương không thể đủ để đảm bảo cuộc sống dù chỉ ở mức tối thiểu. Ở khía cạnh tích cực, nhân văn hơn, tôi cho rằng, việc dạy thêm cũng tạo cơ hội, tạo áp lực để người dạy không ngừng học hỏi để mài giũa chuyên môn. Điều đó chỉ có lợi cho người dạy, người học và cho ngành. Khi cấm dạy thêm, học thêm, người dạy hẳn nhiên có thể cải thiện thu nhập bằng những công việc khác. Nhưng tôi thực sự không đành lòng thấy các thầy, cô của chúng ta phải đi shipper, bán hàng online, bán bảo hiểm nhân thọ, bán hàng đa cấp, chạy taxi grab... Tôi quen biết không ít thầy, cô lâm vào cảnh ngộ như thế.

h1-1-2268.jpg
Dạy thêm, học thêm cũng là tạo thêm một kênh liên lạc giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh.

Ngoài ra, dạy thêm, học thêm cũng là tạo thêm một kênh liên lạc giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh, nhằm kiểm soát con em tốt hơn, tránh được việc con em chơi bời mất kiểm soát, có khi dẫn đến học hành chểnh mảng, thậm chí dẫn đến tệ nạn xã hội. Một câu hỏi đặt ra nữa là, trong khi chúng ta cấm các trường tổ chức dạy thêm, học thêm, thì chúng ta lại cấp phép cho các trung tâm bên ngoài? Điều này dễ gây hiểu lầm rằng, chúng ta đã cạn niềm tin đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống mình; rằng chúng ta đã cạn niềm tin đối với đội ngũ thầy, cô giáo của chúng ta. Vả lại, cũng là “nghề cao quý”, tại sao những người thuộc chuyên môn ngành Y, các bác sĩ, y tá, hộ lý... có thể làm thêm mà giáo viên không thể dạy thêm? Tại sao các cơ sở y tế công lập có thể mở dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu mà ngành Giáo dục không thể mở lớp học thêm theo yêu cầu? Bên trên nói nhu cầu, bây giờ nói quyền. Xin nói là, việc hạn chế dạy thêm, học thêm tại các cơ sở giáo dục công lập không chỉ khiến người dạy, mà ngay cả người học cũng không được đảm bảo về quyền được học tập. Và người dạy cũng bị hạn chế phần nào đó quyền tự đào tạo, tự bồi dưỡng phát triển bản thân.

Tôi không dám vơ đũa cả nắm, nhưng thử nhìn vào các trung tâm dạy thêm, học thêm được cấp phép, ai dám đảm bảo tất cả đều đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí về chất lượng, ít nhất là so với các cơ sở giáo dục do ngành quản lý? Có một thực tế là, tại nhiều trung tâm hiện nay, không ít người dạy là lực lượng sinh viên mới ra trường, hoặc ra trường mấy năm rồi nhưng không tìm được một chỗ đứng ở các trường học, nên đầu quân vào đó. Mà các trung tâm hiển nhiên là rất thích chiêu mộ các “giáo viên” này, bởi vì đòi hỏi của họ về thù lao chắc không đến nỗi quá cao. Các yếu tố kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm của những người này tất nhiên sẽ có phần thua kém so với đội ngũ giáo viên ở các trường có bề dày lịch sử. Khi chúng ta cấm dạy thêm, học thêm ở các cơ sở giáo dục chính thống, nghĩa là chúng ta đưa người học vào những nơi mà chất lượng dạy - học chưa hẳn đã là tốt nhất.

Tất nhiên, cũng cần lưu ý điều này: Thực ra những ý kiến phản đối chuyện dạy thêm, học thêm ít nhiều đều có cái lý của họ. Đấy là lúc họ nhìn vào đạo đức, lương tâm nhà giáo bộc lộ qua việc dạy thêm, học thêm. Dư luận xã hội đã nhiều lần nói về chuyện giáo viên ép học sinh học thêm bằng những chiêu trò quen thuộc và phi nhân văn. Điều đó rất cần phải lên án. Nhưng vấn đề là ở chỗ, tại sao chúng ta không nghĩ đến một phương án quản trị để tránh những hiện tượng này? Tại sao chúng ta không có cách để người giáo viên luôn đặt đạo đức nghề nghiệp và tình thương yêu học trò lên trên hết. Dĩ nhiên điều này không dễ khi ta đang chứng kiến một đời sống nháo nhào các giá trị. Thêm nữa, hãy đảm bảo cho người giáo viên một cuộc sống tạm ổn bằng đồng lương của chính họ.

Lê Thanh Nga