Bệnh nhân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được tiếp cận các dịch vụ một cách tốt nhất
Nhân ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1/7), phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hữu Lê – Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An xung quanh những vấn đề liên quan.
P.V: BHYT là chính sách an sinh xã hội, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người khi bệnh tật. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về quyền lợi của người dân khi tham gia BHYT?
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lê: Như chúng ta đã biết, khi bệnh nhân đến tiếp cận, sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh ở cơ sở y tế thì họ phải chi trả những chi phí liên quan như khám, dịch vụ kỹ thuật điều trị, thuốc, vật tư y tế, giường bệnh... Những bệnh nhân này có thể chia làm 2 đối tượng: bệnh nhân có thẻ BHYT và bệnh nhân không có thẻ BHYT.
Với những bệnh nhân có thẻ BHYT thì họ sẽ được khám, chữa bệnh BHYT tại mọi cơ sở y tế có ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc; được quỹ BHYT, cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả hầu hết phần cơ bản của chi phí khám, chữa bệnh (từ 40% đến 100%) và được chuyển đến bệnh viện tuyến trên khi bệnh nặng.
Các dịch vụ và chi phí y tế được quỹ BHYT chi trả gồm khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng; khám thai định kỳ; sinh con; thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế trong Danh mục của Bộ Y tế... Có rất nhiều các loại thuốc và dịch vụ y tế được quỹ BHYT chi trả (quy định tại Thông tư 30/2018/TT-BYT ngày 30/10/2008).
Còn đối với những bệnh nhân không có thẻ BHYT thì bản thân họ phải tự bỏ hoàn toàn tiền túi để chi trả chi phí khám, chữa bệnh. Cũng cần phải nói thêm, trong số những bệnh nhân không có thẻ BHYT, có những người có tham gia bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, tính chất, mức chi trả, việc chi trả của bảo hiểm nhân thọ hoàn toàn khác với BHYT. Bảo hiểm nhân thọ có những cơ chế, điều khoản ràng buộc, hẹp và khá ngặt nghèo đối với trường hợp cụ thể chứ không phải toàn bộ trường hợp đi khám, chữa bệnh.
Ở Nghệ An, riêng trong năm 2023, Quỹ BHYT và Bảo hiểm xã hội Nghệ An đã thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho hơn 5,6 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT ngoại trú và điều trị nội trú với tổng số tiền chi khám, chữa bệnh BHYT là 4.640 tỷ đồng. Trong đó, đã có những bệnh nhân được chi trả chi phí điều trị lên tới 1 tỷ đồng... Còn tại Việt Nam, hàng năm, có hàng ngàn bệnh nhân được Quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh trên 1 tỷ đồng; cá biệt, có bệnh nhân được trả chi phí khám, chữa bệnh lên gần 13 tỷ đồng.
Thực tiễn thực hiện chính sách BHYT thời gian qua cho thấy: Nhờ tham gia BHYT, nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đã được Quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh. Nhiều gia đình đã không bị tái nghèo do không phải chi trả các khoản chi phí “khổng lồ” của việc khám, chữa bệnh cho người thân...
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hữu Lê – Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An
P.V: Việc người dân tham gia BHYT cũng chính là tạo nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động y tế. Ngành Y tế Nghệ An đã và đang thực hiện những giải pháp nào để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT?
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lê: Trong những năm qua, ngành Y tế Nghệ An đã không ngừng nỗ lực để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của người dân. Điều này vừa đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng bệnh nhân có thẻ bảo hiểm cũng như người bệnh không tham gia BHYT. Cần phải nói thêm là không hề có sự phân biệt giữa 2 nhóm đối tượng này.
Cụ thể, ngành Y tế đã và đang tập trung phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh BHYT, với đầy đủ các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa. Qua đó, mỗi khi người dân mắc phải một loại bệnh nào đó đều có thể tìm được bệnh viện có khả năng điều trị bệnh lý mắc phải. Ở Nghệ An hiện nay, mạng lưới y tế đã phát triển đồng đều với đầy đủ các bệnh viện chuyên khoa và kể cả những bệnh viện chuyên khoa lẻ mà các tỉnh, thành phố khác chưa có, như: bệnh viện mắt, bệnh viện răng hàm mặt, tai mũi họng, da liễu, chấn thương chỉnh hình, phổi, phục hồi chức năng...
Tại thời điểm này, tuyến tỉnh có 13 bệnh viện, trong đó, có 4 bệnh viện hạng 1; 8 bệnh viện hạng 2 và 1 bệnh viện hạng 3. Ở tuyến huyện có 7 bệnh viện đa khoa tuyến huyện hạng 2 và 21 trung tâm y tế huyện (12 trung tâm y tế thực hiện 2 chức năng khám, chữa bệnh và dự phòng). Ở tuyến xã, Nghệ An hiện có 460 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 3 bệnh viện thuộc bộ, ngành; Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh trực thuộc Trường Đại học Y khoa Vinh và 15 bệnh viện tư nhân... Phải nói rằng, mạng lưới khám, chữa bệnh ở Nghệ An rất đầy đủ, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh người dân.
Cùng với đó, ngành Y tế cũng tập trung nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế. Trong đó, ngành thực hiện phát triển nguồn nhân lực, nhằm phục vụ lợi ích lâu dài. Nếu như trước đây, ngành tập trung lớn vào việc đào tạo bác sĩ, thì bây giờ, hoạt động đào tạo được tăng cường mở rộng ra cho mọi đối tượng như điều dưỡng, kỹ thuật viên, y sinh nhằm tạo nên một hệ thống nhân lực y tế đủ mạnh, đồng bộ để chăm sóc người bệnh một cách toàn diện.
Toàn ngành Y tế Nghệ An hiện có 13.842 công chức, viên chức, người lao động. Trong đó: Tuyến tỉnh có 6.683 người, với 1.980 bác sĩ, 357 dược sĩ. Ở tuyến huyện có 4.554 người, với 1.174 bác sĩ, 280 dược sĩ. Tuyến xã có 2.605 người, trong đó, có 375 bác sĩ, 236 dược sĩ...
Một giải pháp quan trọng ngành Y đã và đang triển khai, đó là tập trung phát triển kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu nhằm đáp ứng nhu cầu người dân; đi kèm với đó là đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng. Mục tiêu hướng tới là nâng cao năng lực y tế ở tất cả các cấp, các tuyến. Kỹ thuật tuyến huyện thì sát gần lên với tuyến tỉnh, còn tuyến tỉnh thì tiệm cận tuyến Trung ương. Để cho người bệnh có nhiều cơ hội được hưởng kỹ thuật khám, chữa bệnh tuyến tỉnh ngay tại tuyến huyện và người bệnh đến với cơ sở tuyến tỉnh thì được hưởng dịch vụ kỹ thuật tuyến Trung ương.
Một số kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mới tiêu biểu đã được các bệnh viện triển khai như: can thiệp mạch, mổ tim hở, hỗ trợ sinh sản, ghép thận, ghép xương hàm, kỹ thuật ECMO cứu sống bệnh nhân nặng nguy kịch, can thiệp mạch tạng, nội soi nối thông lệ mũi,… Gần đây nhất, là việc triển khai thành công ca ghép thận từ người hiến chết não.
Thời điểm này, ngành Y tế đã, đang và sẽ cố gắng, nỗ lực khắc phục mọi hạn chế, khó khăn, tồn tại; tập trung xin ý kiến các sở, ngành, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để có sự hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị y tế vượt qua những khó khăn để đầu tư mua sắm các mặt hàng thuốc men, vật tư... nhằm giúp người bệnh BHYT được tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh một cách đầy đủ nhất.
P.V: Thời gian qua, ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội đã tích cực thực hiện chuyển đổi số tạo tiện ích cho người bệnh. Mới nhất là triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip thay thế thẻ BHYT giấy khi đi khám, chữa bệnh. Ông có thể cho biết rõ hơn về tiện ích này?
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lê: Căn cước công dân có gắn chip được tích hợp nhiều thông tin liên quan đến người dân, trong đó có thông tin thẻ BHYT. Điều này mang đến tiện ích khi người dân đến khám, chữa bệnh BHYT tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh mà không cần kèm theo thẻ BHYT giấy; đặc biệt là đối với những người có nhu cầu khám, chữa bệnh thường xuyên, những người sống xa nơi đăng ký BHYT, những người thường xuyên di chuyển giữa các địa phương... Đến cuối năm 2023, 100% các cơ sở y tế trong và ngoài công lập tại Nghệ An đã thực hiện tiếp đón người bệnh bằng thẻ căn cước công dân thay thế thẻ BHYT.
Sau một thời gian triển khai, việc sử dụng căn cước công dân có gắn chíp trong khám, chữa bệnh BHYT đã giảm thiểu tối đa thời gian, các loại người dân khi làm thủ tục đăng ký vào khám, chữa bệnh BHYT. Thay vì phải mất thời gian chờ đợi đến lượt được nhân viên y tế gọi vào xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh như trước đây để đăng ký vào khám, chữa bệnh BHYT, thì nay người dân có thể chủ động, tự sử dụng căn cước công dân làm thủ tục đăng ký vào khám, chữa bệnh BHYT ngay tại máy tự động tiếp đón mà không phải thông qua nhân viên y tế. Tiết kiệm thời gian trung bình làm thủ tục từ 10 phút đến vài giờ, nay chỉ còn xác thực tại máy khoảng 6-15 giây trên một bệnh nhân.
Với cơ quan bảo hiểm xã hội, tiện ích này đã khắc phục được tình trạng mượn thẻ BHYT; tiết kiệm chi phí in ấn thẻ BHYT. Đồng thời, tạo điều kiện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên môi trường điện tử; hạn chế gian lận, trục lợi trong khám chữa bệnh BHYT...
P.V: Được biết, ở thời điểm này, ngành Y tế Nghệ An đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW với mục tiêu phát triển thành phố Vinh trở thành hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu vùng Bắc Trung Bộ. Điều này sẽ mang lại lợi ích gì cho người bệnh?
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lê: Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ mục tiêu phát triển của y tế Nghệ An, đó là: “Phát triển hệ thống y tế trên địa bàn thành phố Vinh trở thành hạt nhân của Trung tâm y tế chuyên sâu khu vực Bắc Trung Bộ, trong đó, phát triển một số bệnh viện thành bệnh viện hạng đặc biệt, tuyến cuối”. Thực hiện mục tiêu này, ngành Y tế Nghệ An đã và đang bám sát Chương trình hành động số 68-Ctr/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 1022/KH-UBND của UBND tỉnh để triển khai.
Đi vào thực hiện chi tiết, ngành Y tế Nghệ An đã và đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh với việc xây dựng 2 bệnh viện chuyên khoa mới, đó là bệnh viện tim mạch và bệnh viện nhiệt đới; chỉ đạo Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh xây dựng đề án trở thành bệnh viện hạng đặc biệt; chỉ đạo xây dựng một số bệnh viện như Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Y học cổ truyền trở thành bệnh viện tuyến cuối khu vực Bắc Trung Bộ... Sở Y tế Nghệ An cũng đang đề xuất Bộ Y tế cho phép xây dựng đề án phát triển một số bệnh viện chuyên khoa của tỉnh trở thành bệnh viện hạt nhân của vùng.
Để có hướng đi, lộ trình phù hợp, ngành Y tế Nghệ An đã trình xin UBND tỉnh cho chủ trương tổ chức Hội nghị định hướng phát triển y tế chuyên sâu trên địa bàn thành phố Vinh. Hội nghị sẽ được tổ chức vào tháng 10/2024, với sự tham gia của nhiều khoa học, nhà quản lý y tế.
Tại hội nghị này, ngành Y tế sẽ đánh giá toàn diện về thực trạng, những kết quả phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu trên địa bàn thành phố Vinh, Nghệ An thời gian qua, đặt trong bối cảnh của khu vực Bắc Trung Bộ; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và xác định rõ định hướng những lĩnh vực, kỹ thuật y tế chuyên sâu cần tập trung đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố Vinh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kết quả hội nghị là cơ sở khoa học để ngành Y tế tham mưu UBND tỉnh xây dựng Dự thảo “Đề án phát triển thành phố Vinh trở thành hạt nhân trung tâm y tế chuyên sâu khu vực Bắc Trung Bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045” và trình Chính phủ phê duyệt vào năm 2025. Trên cơ sở đó, ngành Y tế sẽ giao nhiệm vụ cho các đơn vị, bệnh viện theo hướng chuyên sâu.
Rõ ràng, với việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW thì y tế Nghệ An nói chung và y tế thành phố Vinh nói riêng sẽ được nâng cao về mọi mặt, từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở. Người bệnh ở Nghệ An, khu vực Bắc Trung Bộ sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều kỹ thuật chuyên sâu, nhiều loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng trong tương lai gần.
P.V: Xin cảm ơn ông!