Kinh tế

Rộng mở tiềm năng bất động sản công nghiệp ở Nghệ An

Nguyễn Hải 01/07/2024 11:47

Những năm gần đây, nhằm gia tăng cơ hội tiếp cận đất đai cho các nhà đầu tư, Nghệ An chủ động rà soát quy hoạch, bổ sung quỹ đất dành cho sản xuất công nghiệp.

Thị trường sôi động

Trong những năm qua, Nghệ An được các nhà đầu tư trong và ngoài nước xem là điểm đến hấp dẫn không chỉ bởi hệ thống hạ tầng ngày càng đồng bộ mà còn nhờ các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn.

Đặc biệt, sau khi được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Khu công nghiệp (KCN) VSIP Nghệ An II tại huyện Diễn Châu và KCN Hoàng Mai II với diện tích 834,79 ha, thị trường bất động sản công nghiệp của Nghệ An càng trở nên sôi động khi nhiều "đại bàng" tìm về đây "lót ổ".

Nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án nhà ở xã hội tại KCN Nam Cấm để đón đầu nhân lực tại KCN này
Công ty CP địa ốc Kim Thi tiếp tục đầu tư mở rộng các hạng mục thuộc dự án nhà ở xã hội tại KCN Nam Cấm theo chủ trương xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội của Chính phủ. Ảnh: Nguyễn Hải

Trong thời gian ngắn, tỉnh liên tục đón các nhà đầu tư về tìm hiểu, tiến hành các thủ tục đầu tư. Tại xã Diễn An, huyện Diễn Châu, UBND tỉnh đã thông qua quy hoạch đầu tư Khu nhà ở, nghỉ dưỡng kết hợp thể thao có diện tích 700 ha tại phía Nam đường N2, thuộc địa bàn xã Diễn An, huyện Diễn Châu để phục vụ nhu cầu nhà ở, nghỉ ngơi cho các chuyên gia, người lao động tại VSIP Nghệ An II. Cũng tại huyện Diễn Châu, sau khi triển khai cụm công nghiệp Diễn Thắng với diện tích 40 ha tại xã Minh Châu, một nhà đầu tư cũng đang hoàn thiện các thủ tục để xây dựng cụm công nghiệp tại xã Diễn Thái.

bna_ Cụm CN Diễn Thắng.jpg
Cụm công nghiệp Diễn Thắng, Diễn Châu công khai quy hoạch trước khi tiến hành thu hồi đền bù và san lấp mặt bằng gần 2 năm. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại huyện Quỳnh Lưu, sau khi huyện công bố kêu gọi đầu tư vào Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Quỳnh Thuận với diện tích 35 ha, huyện đã ra thông báo tiếp nhận hồ sơ, lập hồ sơ thành lập Cụm công nghiệp Quỳnh Mỹ diện tích 68 ha thuộc địa bàn 2 xã Quỳnh Mỹ và Quỳnh Hoa. Mới nhất, huyện Anh Sơn cũng ra thông báo tiếp nhận hồ sơ và thành lập Cụm công nghiệp Phúc Sơn, xã Phúc Sơn với diện tích 18,03 ha.

Tương tự, địa bàn các huyện Tân Kỳ, Đô Lương, Nghi Lộc và Yên Thành, sau khi triển khai dự án đường N5 kéo dài từ điểm Hoà Sơn (Đô Lương) lên đường mòn Hồ Chí Minh và giai đoạn 2 đường N5 từ Nghi Long xuống Nghi Quang (Nghi Lộc) về cảng Cửa Lò thì quỹ đất dành cho hạ tầng kho bãi, nhà xưởng phục vụ các Khu công nghiệp cũng tăng lên.

Thi công đường N5 nối từ xã Hoà Sơn (Đô Lương) lên Kỳ Tân (Tân Kỳ) góp phần hình thành thêm quy đất bất động sản công nghiệp cho huyện Tân Kỳ. Ảnh Nguyễn Hải
Thi công đường N5 nối từ xã Hoà Sơn (Đô Lương) lên Kỳ Tân (Tân Kỳ) góp phần hình thành thêm quỹ đất bất động sản công nghiệp cho huyện Tân Kỳ. Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Phan Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ đánh giá: Việc đường N5 kéo dài, thông từ Hoà Sơn (Đô Lương) tới đường mòn Hồ Chí Minh tại Kỳ Tân, Tân Kỳ mở ra cơ hội lớn về thu hút nhà đầu tư vào phát triển thêm hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại địa bàn. Với đường N5 kéo dài, huyện không chỉ thêm thuận lợi, rút ngắn về giao thông mà các sản phẩm lâm sản, vật liệu xây dựng là thế mạnh từ huyện sẽ được trung chuyển cảng Cửa Lò hoặc các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam được dễ dàng, thuận lợi hơn.

Tăng cường quản lý, phát huy hiệu quả

Theo Phụ lục XIII phương án phát triển Cụm CN Nghệ An thời kỳ 2021-2030 ban hành kèm theo Quyết định số 1059/2023/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 về quy hoạch tỉnh Nghệ An đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 thì đến năm 2030 Nghệ An có 37 cụm CN đang hoạt động với diện tích 1.068 ha, sau năm 2030 là 1.2056 ha; đến năm 2030 bổ sung mới 19 cụm CN với diện tích 819 ha và sau năm 2030 bổ sung mới 15 cụm CN với diện tích là 497 ha.

Theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, Nghệ An có 15 khu công nghiệp trong Khu Kinh tế với diện tích đến năm 2030 là 8.056 ha và sau năm 2030 tăng lên 14.117 ha; có 8 khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế với diện tích đến năm 2030 là 1.509 ha và sau năm 2030 là 3.659 ha. Dự kiến sau năm 2030, trong Khu kinh tế sẽ thêm 7 khu công nghiệp với diện tích khoảng 3.630 ha và 6 khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế với diện tích khoảng 3.550 ha.

 Một dự án đầu tư lắp đặt nhà xưởng tại KCN Nam Cấm
Một doanh nghiệp thứ cấp thuê đất đầu tư lắp đặt nhà xưởng sản xuất tại Khu công nghiệp Nam Cấm. Ảnh: Nguyễn Hải

Với lộ trình quy hoạch trên, có thể nói, bất động sản công nghiệp dành cho doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư FDI đã tạm ổn nhưng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc tìm được mặt bằng để đầu tư cũng khá nan giải. Hiện tại, mặc dù tỉnh đã công khai quy hoạch và một số cụm công nghiệp vào danh mục ưu tiên thu hút đầu tư nhưng việc thu hút nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Đại diện Phòng Quản lý quy hoạch, Sở Xây dựng khuyến cáo, sau khi thông qua quy hoạch tổng thể và đầu tư phát triển các hạ tầng thiết yếu, tỉnh và các địa phương cần bố trí nguồn lực để xây dựng quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết với tỷ lệ 1/2.000 và 1/1.000. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận các chính sách, tiếp cận quy hoạch, giảm thời gian chờ đợi; tránh được tình trạng người dân bỏ hoang đất nhưng doanh nghiệp không thể thuê; tránh được tình trạng người dân xây dựng các công trình trong vùng quy hoạch...

 đầu tư san lấp đường N5 kéo dài từ KCN WHA xuống đường ven biển xuống cảng nước sâu Cửa Lò
Đầu tư san lấp đường N5 kéo dài từ Khu công nghiệp WHA IZ1 qua đường ven biển xuống cảng nước sâu Cửa Lò

Trên thực tế, từ năm 2020 lại đây, cùng với bố trí nguồn lực triển khai các dự án trọng điểm như đường N2, đường N5 và đường bộ ven biển, UBND tỉnh cũng giao các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải… phối hợp với các huyện, thị liên quan rà soát, đối chiếu với hiện trạng với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tham mưu, xây dựng phương án sử dụng đất giai đoạn mới.

Để hạn chế nguy cơ vi phạm hành lang các tuyến hạ tầng mới gia tăng, UBND tỉnh cũng vừa có văn bản yêu cầu UBND các huyện Tân Kỳ, Yên Thành, Đô Lương, Nghi Lộc là các huyện có đường N5 kéo dài, đi qua; các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai, Cửa Lò là địa bàn có đường bộ ven biển và đường N2 đi qua cần quản lý tốt quy hoạch không gian 2 bên đường, không để người dân xây dựng trái phép công trình kiên cố; đảm bảo sử dụng đất đúng quy hoạch…

img_7539.jpeg
Thi công dự án mở rộng đường Nguyễn Sĩ Sách kéo dài (TP Vinh) để chuẩn bị một bước về cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư Cụm Công nghiệp công nghệ cao về khu vực này. Ảnh: Nguyễn Hải

Hiện nay, để phát triển sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiếp cận đất đai để làm nhà xưởng, kho bãi, mặt bằng sản xuất khá lớn. Tuy nhiên, tại cấp huyện vẫn xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp, nhà đầu tư lợi dụng danh nghĩa hoặc thân quen để tài trợ quy hoạch, xây dựng dự án để găm đất, đầu cơ vị trí vàng. Đây là hiện tượng “mỡ treo, mèo nhịn đói” khi doanh nghiệp có mặt bằng thì bỏ hoang, không triển khai còn doanh nghiệp cần mặt bằng thực sự thì không có đất, phải đi thuê với giá quá cao.

img_7852.jpeg
Nhu cầu thuê đất lắp đặt nhà xưởng và kho bãi đang rất lớn, nhất là khu vực thuận lợi về giao thông và gần các cảng biển. Trong ảnh là bãi tập kết container rỗng tại xã Nghi Quang, Nghi Lộc. Ảnh: Nguyễn Hải

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chủ động bố trí tăng quỹ đất để phát triển công nghiệp và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, tránh lãng phí; tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tiến hành các thủ tục đầu tư theo quy định.

Quá trình thực hiện, cần thường xuyên kiểm tra, rà soát; dự án/nhà đầu tư nào hưởng chính sách ưu đãi nhưng không triển khai đúng tiến độ và thời hạn giao đất theo quy định thì kiên quyết thu hồi để giao cho doanh nghiệp khác...

Nguyễn Hải