Giáo viên, học sinh thay đổi để tiếp cận kỳ thi tốt nghiệp 'mới' 2025
Hơn 1 triệu thí sinh trong cả nước vừa hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Từ năm 2025, việc học và thi sẽ có nhiều thay đổi, đòi hỏi các nhà trường, giáo viên và học sinh cũng phải điều chỉnh để từng bước thích ứng.
Đề thi phải phân hóa được học sinh
Khép lại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, câu chuyện về đề thi vẫn nhận được sự quan tâm của học sinh, giáo viên. Năm nay, dù đề thi được đánh giá là khó hơn các năm trước nhưng nhiều ý kiến cho rằng, điều này là phù hợp với kỳ thi "2 trong 1", vừa để công nhận tốt nghiệp, vừa để xét tuyển sinh vào đại học.
Bên cạnh đó, nếu đề phân hóa tốt thì việc phân hóa thí sinh khá, giỏi sẽ rõ ràng hơn, tránh tình trạng có những thí sinh 27,28 điểm vẫn không đậu đại học.
Cô giáo Nguyễn Thị Giang - giáo viên dạy Toán ở Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng Lovemuch nói rằng: Tôi thấy đề thi năm nay có độ phân hóa khá cao, từ câu 39 trở lên là đã phân hóa hơn so với đề thi năm 2023. Với đề thi này, nếu thí sinh thi tốt nghiệp và học chắc kiến thức cơ bản có thể đạt được từ 6,5 - 7 điểm. Học sinh khá hơn có thể đạt từ 8 điểm trở lên. Nhưng nếu muốn đạt điểm 9, điểm 10 thì phải nắm chắc kiến thức và tính toán rất nhanh. Điều này sẽ có lợi cho các trường đại học trong việc xét tuyển để lựa chọn thí sinh vào các trường tốp cao dễ dàng hơn.
Sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, từ ý kiến của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhận định đề thi năm nay nằm trong chương trình THPT, có sự phân hóa phù hợp, bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan, dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Đây cũng là định hướng của đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ ngày càng hướng đến mục tiêu có tính vận dụng, phân hóa cao để cho các trường đại học thuận lợi trong việc tuyển sinh.
Từng bước tiệm cận với cách ra đề thi mới
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối cùng thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006. Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được triển khai theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, kỳ thi sẽ có nhiều thay đổi như từ 6 môn chuyển sang 4 môn, từ 3 môn bắt buộc là Ngữ văn – Toán – Ngoại ngữ sẽ chuyển xuống còn 2 môn là Toán – Ngữ văn.
Thí sinh sẽ không còn thi các bài thi tổ hợp, mà thay vào các bài thi độc lập. Ngoài Ngữ văn thi theo hình thức tự luận thì các môn còn lại sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Tuy nhiên, cấu trúc các đề thi trắc nghiệm sẽ được điều chỉnh, bên cạnh các câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn sẽ có thêm các câu hỏi đúng - sai, trắc nghiệm trả lời ngắn (dạng câu hỏi tự luận).
Với nhiều sự thay đổi như vậy, lứa học sinh sinh năm 2006 nếu thất bại ở kỳ thi năm 2024 sẽ gặp khó khăn khi phải tham gia kỳ thi năm 2025, bởi đây sẽ là năm đầu tiên học sinh thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Chia sẻ về điều này, thầy giáo Phan Văn Thuận - giáo viên Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh cho biết: "Tôi nghĩ rằng sẽ rất vất vả cho các em học sinh lớp 12 năm 2024 thi theo chương trình mới từ năm 2025. Bởi lẽ, ngay từ bây giờ sách giáo khoa mới đã thay đổi cấu trúc nội dung bài học khá nhiều. Kiến thức Vật lý của lớp 10 cũ nay đổi lên thành chương trình lớp 12. Chương trình Vật lý thi tốt nghiệp cuối cấp sẽ bao phủ toàn bộ kiến thức của 3 năm cấp THPT.
Cách ra đề của chương trình mới vẫn giống nhau về mặt kiến thức với 4 mức nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Tuy vậy, xác suất trả lời câu hỏi không còn 50/50 như trước mà chỉ còn lại 25%, thậm chí một số câu hỏi học sinh phải diễn giải mới tìm ra đáp án đúng. Cách thức ra đề mới này sẽ đánh giá được nhiều mức độ khác nhau của học sinh, đòi hỏi các em phải có kiến thức toàn diện, có năng lực mới làm tốt được bài làm".
Cốt lõi của việc thay đổi hình thức thi, cấu trúc đề thi, một phần lớn bởi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có sự thay đổi rất lớn sau khi ngành giáo dục thực hiện thay toàn bộ sách giáo khoa. Hơn thế, Việt Nam áp dụng một chương trình với nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, việc lựa chọn sách giáo khoa cũng có sự khác nhau giữa các trường.
Học sinh THPT học theo chương trình mới, ngoài một số bắt buộc các em sẽ được lựa chọn các môn tự chọn, tùy theo năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp.
Trước đó, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cấu trúc đề thi minh họa, nhiều giáo viên cho rằng, cách ra đề mới đòi hỏi học sinh phải có năng lực và kiến thức chắc chắn và việc khoanh bừa đáp án, đoán mò sẽ không thể áp dụng, nhất là với những bài tập ở mức vận dụng cao.
Là giáo viên đã có nhiều năm kinh nghiệm ôn tập môn Lịch sử lớp 12, cô giáo Trần Thị Lan Anh – giáo viên Trường THPT Nguyễn Sĩ Sách (Thanh Chương) cho rằng, đề thi tốt nghiệp THPT 2024 môn Lịch sử có nhiều điểm mới nhằm định hướng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đề thi có cách tiếp cận mới là cung cấp tư liệu để thí sinh có thêm cơ sở khoa học lựa chọn phương án trả lời đúng. Qua đó, định hướng cách tiếp cận ra đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để giáo viên và học sinh tham khảo.
Nhìn nhận một cách khách quan, dù đề thi Lịch sử năm nay đã có nhiều thay đổi, nhưng cô giáo Lan Anh khẳng định, hướng tiếp cận này không làm cho thí sinh rối trí, không tăng độ khó mà giúp thí sinh có thêm nhiều cơ sở thuận lợi hơn khi làm bài.
Về phía giáo viên, trước sự thay đổi này, từ năm 2025, việc dạy và học cũng cần có sự điều chỉnh.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục bám cấu trúc và phạm vi kiến thức đúng mục tiêu yêu cầu, định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo để giải quyết phần 1 trong đề thi. Ngoài ra, quá trình dạy học yêu cầu học sinh phải nắm chắc các kiến thức cơ bản theo yêu cầu cần đạt của chương trình. Giáo viên phải tăng cường nghiên cứu các tư liệu gốc để khai thác. Trên cơ sở chuẩn kiến thức, giáo viên sẽ mở rộng, vận dụng kiến thức và hiểu biết cuộc sống để chọn đáp án. Giáo viên cũng phải rèn học sinh kỹ năng xử lý, biết khai thác, đọc hiểu thông tin".
Cô giáo Trần Thị Lan Anh - giáo viên Lịch sử Trường THPT Nguyễn Sĩ Sách
Sự thay đổi này cũng là xu hướng trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Trao đổi tại cuộc họp báo sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Năm 2025, với quy định “một chương trình nhiều sách giáo khoa”, ngữ liệu của đề thi sẽ đến từ nhiều sách giáo khoa hoặc từ bên ngoài với mục tiêu hình thành cho học sinh phẩm chất và năng lực chứ không phải thuộc bài, thuộc theo sách.
Để tiếp cận với cách học, cách ra đề thi mới, ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng cho biết: "Từ trong năm học, chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn yêu cầu các nhà trường và các tổ chuyên môn nghiên cứu kỹ đề thi minh họa của bộ. Đến cuối năm học, trong hướng dẫn khảo sát cuối năm, Sở đã yêu cầu các nhà trường biên soạn các câu hỏi tương tự trong quá trình kiểm tra để học sinh làm quen với cách ra đề mới. Xu hướng hiện nay, việc thay đổi cách dạy, cách học, cách ra đề thi là tất yếu và điều đó hạn chế tình trạng học tủ, học lệch hay đoán đề…"./.