Pháp luật

Từ ngày 1/7, cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ, lập biên bản xử phạt trên VNeID như thế nào?

Đặng Cường (thực hiện) 02/07/2024 10:57

Điểm mới của Thông tư 28/2024/TT-BCA vừa được Bộ Công an ban hành đã sửa đổi, bổ sung về kiểm soát các giấy tờ liên quan đến người và phương tiện giao thông. Cụ thể, tài xế có thể xuất trình các thông tin đã tích hợp trên VNeID khi CSGT kiểm tra và có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ đó. Thượng tá Nguyễn Nam Hồng – Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã có cuộc trao đổi với PV Báo Nghệ An về những vấn đề liên quan.

P.V: Đồng chí có thể cho biết, theo Thông tư 28, từ ngày 1/7 CSGT kiểm tra giấy tờ và lập biên bản xử phạt trên VNeID, cụ thể như thế nào, có những ưu điểm gì?

Thượng tá Nguyễn Nam Hồng: Ngày 29/6, Bộ Công an ban hành Thông tư 28/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT và Thông tư số 24 quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Theo thông tư mới, trong quá trình xử lý mà người vi phạm xuất trình giấy tờ qua VNeID thì lực lượng chức năng sẽ tạm giữ giấy tờ trên môi trường điện tử.

9.anh pv
Cảnh sát giao thông huyện Anh Sơn kiểm tra giấy tờ xe trên ứng dụng VNeID. Ảnh: PV

Cụ thể, điểm g khoản 2, Điều 21 quy định, trường hợp giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện đã được tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì khi tạm giữ giấy tờ, người có thẩm quyền tạm giữ thực hiện việc tạm giữ giấy tờ trên môi trường điện tử.

Đồng thời, CSGT cập nhật thông tin về việc tạm giữ giấy tờ đó trên hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính và đồng bộ với ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý để người vi phạm, chủ phương tiện (đối với giấy tờ của chủ phương tiện) biết, chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

Các loại biên bản, quyết định của người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, trả lại giấy tờ được thực hiện theo biểu mẫu quy định của pháp luật và có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử trên ứng dụng VNeID, ứng dụng, hệ thống thông tin điện tử khác khi đủ điều kiện kỹ thuật thực hiện.

Việc người tham gia giao thông có thể xuất trình thông tin qua ứng dụng VNeID mà không cần mang theo các giấy tờ gốc, giúp giảm thiểu rủi ro mất mát, hư hỏng giấy tờ và tăng tính thuận tiện trong quá trình kiểm tra. Việc sử dụng thông tin tích hợp trên VNeID không chỉ mang lại tiện lợi cho người dân mà còn giúp CSGT tăng cường hiệu quả công tác.

Với cơ sở dữ liệu điện tử do Bộ Công an quản lý, việc kiểm tra và xác thực thông tin trở nên nhanh chóng và chính xác hơn. Điều này giúp giảm bớt tình trạng gian lận, sử dụng giấy tờ giả mạo trong giao thông.

Đồng thời, thông qua việc cập nhật và tích hợp thông tin liên tục, CSGT có thể dễ dàng truy xuất lịch sử vi phạm, tình trạng đăng ký của phương tiện, từ đó nâng cao khả năng giám sát và xử lý vi phạm.

1. ảnh pv
Tổ công tác của Trạm CSGT Diễn Châu ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra trên tuyến Quốc lộ 1A. Ảnh: Đ.C

P.V: Liên quan quy định mới này, khi người vi phạm bị tạm giữ giấy tờ trên VNeID, làm sao để ngăn người vi phạm tiếp tục sử dụng giấy tờ bản cứng?

Thượng tá Nguyễn Nam Hồng: Khi giấy phép lái xe bị tước trên môi trường điện tử thì cán bộ CSGT sẽ nhập dữ liệu trên hệ thống để thông tin hiển thị giấy tờ đó bị tước trong thời gian bao lâu. Như vậy, giấy tờ bản cứng có sử dụng cũng không có tác dụng vì khi kiểm soát, CSGT sẽ tiến hành tra cứu trên hệ thống.

P.V: Cùng với kiểm tra giấy tờ và lập biên bản xử phạt trên VneID, việc nộp phạt có gì mới?

Thượng tá Nguyễn Nam Hồng: Những năm trước đây, các thủ tục nộp phạt vi phạm hành chính đều được thực hiện thủ công. Công dân phải đến trụ sở của Cảnh sát giao thông để ký nhận quyết định xử phạt, sau đó đi đến Kho bạc Nhà nước hoặc các ngân hàng được ủy quyền thu tiền phạt để nộp tiền phạt. Sau cùng, công dân phải mang biên lai nộp phạt quay lại trụ sở Cảnh sát giao thông để nhận lại giấy tờ, phương tiện bị tạm giữ, rất mất thời gian và phải đi lại nhiều lần.

bna_1(1).jpg
Hướng dẫn người dân thao tác trên ứng dụng VNeID. Ảnh: PV

Từ thời điểm 15/3/2022 đến nay, sau 7 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, người dân truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia theo địa chỉ dichvucong.gov.vn để nhập số biên bản vi phạm hành chính; ngày, tháng, năm vi phạm; họ và tên sẽ tìm ra quyết định, số tiền bị xử phạt; hoặc người vi phạm sẽ cung cấp số điện thoại cá nhân, cổng Dịch vụ công sẽ gửi thông báo số quyết định xử phạt qua tin nhắn SMS để người dân biết. Sau đó thực hiện các bước thanh toán.

Việc nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, người dân không cần phải đi lại nhiều lần như trước nên tiết kiệm nhiều thời gian, công sức. Đặc biệt, đối với người vi phạm ở các tỉnh xa thì việc nộp phạt qua Cổng dịch vụ công quốc gia giúp người vi phạm có thể ngồi nhà cách xa hàng nghìn km vẫn có thể thực hiện trách nhiệm nộp phạt vi phạm giao thông, thay cho việc phải đi lại nhiều lần như trước đây.

3.png
Các tiện ích của ứng dụng VNeID. Ảnh minh họa

P.V: Vậy, thủ tục trả lại giấy tờ bị tạm giữ online thế nào, thưa đồng chí?

Thượng tá Nguyễn Nam Hồng: Cũng tại Thông tư 28, Bộ Công an sửa đổi, bổ sung điểm đ, khoản 1, Điều 27. Theo đó, khi trả lại tang vật, phương tiện, giấy tờ bị tạm giữ, tước quyền sử dụng theo thủ tục hành chính cho người bị xử phạt. Trường hợp giấy tờ đó có thông tin bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng trên ứng dụng VNeID, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì người có thẩm quyền ra quyết định, lập biên bản trả lại giấy tờ cho người bị xử phạt trên môi trường điện tử.

Lúc đó, hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính thực hiện đồng bộ thông tin với ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý để gỡ bỏ nội dung thông tin về việc tạm giữ, tước quyền sử dụng giấy tờ.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Đặng Cường (thực hiện)