Nông dân Nghệ An tìm cách ứng phó linh hoạt khi nắng nóng cao điểm kéo dài
Theo dự báo, đợt nắng nóng cao điểm hiện nay sẽ kéo dài đến giữa tháng 7/2024. Nông dân Nghệ An phải tìm cách ứng phó…
Trang trại của bà Nguyễn Thị Hạnh (xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu) trồng gần 5ha cây ăn quả gồm: Thanh long, bưởi Diễn, ổi lê Đài Loan… Những ngày nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ cao, các loại quả bán chạy hàng và được giá. Thế nhưng, nắng gay gắt kèm theo gió Lào bỏng rát, khiến việc chăm sóc các loại cây ăn quả gặp không ít khó khăn.
“Trong giai đoạn cây nuôi trái, dưỡng trái thì phải đảm bảo đủ nước, đủ độ ẩm. Gặp thời tiết nắng nóng khốc liệt, thời gian tưới kéo dài gấp 2-3 lần so với trước. Nguồn nước thì đã có giếng khoan, bơm tự động vào hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, chỉ cần hẹn giờ tưới và ngắt qua hệ thống”, bà Hạnh cho biết.
Ổi, thanh long càng nắng hạn thì càng ngọt nhưng quả dễ bị rám, sạm và xấu mã. Do đó, phải bọc màng 2-3 lớp, đồng thời vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt ngầm để cây đủ độ ẩm, cung cấp nước nuôi trái, không gây thất thoát nước. Bên cạnh đó, gia đình bà còn sử dụng bèo lục bình, cùng các loại cây cỏ và bồi sình cho gốc cây để giữ độ ẩm cho đất, giúp cây phát triển tốt.
Các năm trước, thời điểm này, chị Đàm Thị Hằng ở Thanh Đức, huyện Thanh Chương đã thuê nhân công cắt dọn cỏ cho 6ha cam để tiện chăm sóc. Song năm nay, theo dõi thời tiết, biết trong tháng 7 này, trên địa bàn nắng nóng gay gắt, có thời điểm nhiệt độ lên đến 40 độ C, chị quyết định giữ nguyên cỏ trong trại cam. Việc giữ cỏ nhằm tạo lớp che chắn cho đất, giúp giữ ẩm, làm mát đất. Đồng thời, chị cắt tỉa cành sâu bệnh, tạo tán cho cây thông thoáng.
Cam chủ yếu trồng trên đất đồi dốc, thoát nước nhanh, dễ bốc hơi và khó giữ độ ẩm. Tuy nhiên, nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học, hạn chế phân vô cơ, chất hóa học, kết cấu đất tơi xốp, thông thoáng, giàu chất mùn nên lượng nước tưới vào sẽ thấm được nhiều, không làm nước lãng phí chảy tràn trên bề mặt và bốc hơi. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, hiện 6ha cam của gia đình sai quả, tích tụ dinh dưỡng để nuôi trái.
Những ngày này, nhiệt độ cao kèm gió phơn Tây Nam khiến việc sản xuất trong các nhà màng, nhà lưới gặp cũng không ít khó khăn. Ở nhiều vùng, giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7, nhà màng gần như để trống vì nhiệt độ tăng cao, không trồng được cây gì. Tuy nhiên, phần đa các nhà màng vẫn duy trì sản xuất với các loại cây trồng như: dưa lưới, dưa chuột…
Để cây dưa phát triển tốt, đạt năng suất, ngoài việc tăng cường tưới, bổ sung chất dinh dưỡng thì phương pháp tưới cũng rất quan trọng.
“Nhà màng làm bằng thép, nhựa dẻo nên nhiệt độ bên trong bao giờ cũng cao hơn nhiệt độ ngoài trời 4-5 độ C. Do đó, việc tưới phun chỉ nên vận hành vào ban đêm, còn ban ngày thì tưới nhỏ giọt và hệ thống thông gió được mở. Đồng thời, đầu tư trải thảm mao quản trong nhà màng để giữ độ ẩm”, anh Nguyễn Phùng Khởi (xã Trung Sơn, huyện Đô Lương) cho biết.
Trong khi đó, nhiều hộ ở xã Hưng Tân (Hưng Nguyên), xã Kim Liên (Nam Đàn) lại áp dụng biện pháp trữ nước ở các rãnh luống; cắt tỉa lá để chống hạn cho cây dưa chuột.
Theo chị Nguyễn Thị Minh, thời điểm này không cung cấp đủ nước cho cây dưa chuột thì quả sẽ bị quắt lại, ăn có vị đắng và khó bán, bán không được giá.
Tranh thủ những ngày cuối tháng 6 có mưa dông, chị đã nạo vét rãnh sâu để giữ nước giữa các luống để cung cấp đủ nước cho cây. Đồng thời, huy động nhân công tỉa hết lá già, lá gần gốc nhằm giảm thoát hơi nước qua lá và giúp cây đỡ mất nước, thông thoáng, tăng khả năng quang hợp cho cây từ trước đó.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, từ nay đến hết tháng 7, tại Nghệ An sẽ diễn ra các đợt nắng nóng gay gắt, nền nhiệt có thể chạm ngưỡng 40-42 độ C và không có mưa. Do đó, tình trạng khô hạn trở nên nghiêm trọng hơn.
Nhằm ứng phó kịp thời, phòng, chống hạn hán hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra cho cây trồng, bà con cần thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm, khoa học để đảm bảo nguồn nước sử dụng trong mùa khô; chú ý thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng trong mùa khô hạn: giữ ẩm cho đất; bón phân; cắt tỉa cành; phòng, chống các loại sâu bệnh…
Ngoài ra, cần che phủ đất để giữ ẩm giúp cây trồng vượt qua mùa khô hạn. Việc che phủ đất bằng thảm thực vật xanh, rơm rạ, lá khô… không chỉ giúp hạn chế nước trong đất bốc hơi nhanh dưới ánh mặt trời mà còn giúp nước mưa, nước tưới thấm sâu vào đất.