Suy ngẫm

Gánh nặng của lời khen

Phước Anh 08/07/2024 09:00

Lời khen là món quà, đồng thời cũng là gánh nặng - đó là sự thật đúng với hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống. Khi nhận được lời khen, người được khen không chỉ vui mà còn lo, và áp lực duy trì phong độ để xứng với những lời khen ấy đè nặng lên cuộc đời họ.

Khi viết về điều này, tôi nhớ đến câu chuyện chiếc corset của phụ nữ. Trước thế kỷ 16, corset - áo nịt ngực và siết eo - đã ra đời, được xem là bước đột phá của ngành thời trang, tạo vẻ đẹp “đồng hồ cát” và phô diễn những đường cong cơ thể phụ nữ. Suốt từ đó cho đến qua thế kỷ 16, những lời ngợi khen về bầu ngực căng tròn và vòng eo “con kiến”, xem đó là chuẩn mực hình thể của phái đẹp chưa bao giờ dừng lại.

ron-toc-gay-voi-cac-tieu-chuan-lam-dep-cua-phu-nu-co-xua_1_dfqc.jpg
Áo corset và những chiếc eo bé đến khó tin thời xa xưa của phụ nữ châu Âu. Ảnh minh hoạ

Nhiều phụ nữ thời kỳ đó mặc corset cả ngày lẫn đêm - những chiếc corset được tạo hình bằng các thanh nẹp gỗ hoặc kim loại - mong giữ được vẻ hoàn hảo trong mắt mọi người xung quanh, bất chấp đau đớn vô cùng và những nguy hại cho sức khoẻ về sau.

Có một bức tranh nổi tiếng về chuyện này: một người phụ nữ mặc corset chống tay vào tường, phía sau cô là 3 người lớn khoẻ mạnh cùng kéo sợi dây corset hòng khiến nó siết chặt nhất có thể, xung quanh là một vài người đứng nhìn và vỗ tay khen ngợi. Để giữ được lời khen ấy, cô gái mặc corset miệng nở nụ cười, cố quên đi nỗi đau gãy xương và khó thở.

Trong xã hội khai phóng, phụ nữ may mắn hơn nhiều khi được giải thoát khỏi nhiều định kiến, hủ tục lạc hậu; trên nhiều phương diện, sự công bằng giới tính từng bước được san phẳng. Dẫu vậy, vẫn còn đó những lời khen thiện ý nhưng ẩn tàng bao gánh nặng vô hình, khiến hiếm khi người phụ nữ thực sự được trọn vẹn sống là chính mình.

phu-nu.png
Phụ nữ "ba đầu sáu tay" với đủ thứ việc có tên và không tên. Tranh minh hoạ

Trước thành công của phụ nữ, chúng ta thường khen họ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Nghĩa là, cô ấy phải vừa hoàn thành xuất sắc công việc ở cơ quan, đơn vị, phải vừa tất bật lo toan trọn vẹn với đủ thứ việc không tên ở gia đình. Hình ảnh một ngày bình thường của phụ nữ “hai giỏi” là bận rộn từ sáng sớm đến tối khuya: dậy sớm nấu bữa sáng cho gia đình, đưa con đi học, đến cơ quan miệt mài làm việc, trưa tranh thủ ghé chợ mua thức ăn về nhà nấu nướng, thời gian nghỉ trưa đôi khi phải “nhường” cho chậu đồ chưa giặt, chồng bát chưa rửa, ngôi nhà chưa quét tước…; buổi chiều cũng vòng lặp giữa cơ quan và nhà như thế, đến tối lại nhẫn nại dạy con học bài, dỗ con ngủ… và mãi khi khuya khoắt mới có chút thời gian để tranh thủ làm việc chuyên môn.

Phụ nữ “hai giỏi” là phải gì cũng giỏi, cũng tốt, cũng hoàn thành xuất sắc. Người phụ nữ nào có chồng giúp đỡ, san sẻ được khen là “may mắn”, “có phúc”; còn nếu không, thì mọi người cũng xem đó là chuyện đương nhiên!

Hơn 10 năm làm báo, tôi đã phỏng vấn rất nhiều tấm gương phụ nữ “hai giỏi” và nhận ra rằng xã hội đang yêu cầu quá cao ở họ. Thực tế cho thấy, vai trò trụ cột kinh tế trong gia đình hiện nay không còn đặt nặng lên nam giới mà đã có sự dịch chuyển sang nữ giới. Tuy nhiên, dù làm trụ cột gia đình, bận rộn với công việc xã hội nhưng nhiều người phụ nữ vẫn không được chồng ủng hộ, chia sẻ việc nhà.

Một người phụ nữ thành đạt trong công việc đến đâu cũng chưa được xem là phụ nữ tốt nếu cô ấy không tròn vai việc gia đình. Những lời chê bai kiểu như: Cái ngữ đàn bà chỉ biết đến công việc, chẳng mảy may quan tâm đến chồng con thì giỏi giang để làm cái gì! Còn nếu chỉ thoăn thoắt việc nhà, tập trung chăm sóc gia đình, trở thành người phụ nữ nội trợ toàn phần thì thiếu gì những lời xúc xiểm: Loại đàn bà ăn bám chồng! Do đó, phụ nữ phải vượt qua rất nhiều khó khăn, áp lực có tên và không tên để hoàn thành nhiệm vụ xã hội lẫn gia đình.

Một nghiên cứu của Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy, phụ nữ phải làm các công việc chăm sóc gia đình không hưởng lương nhiều hơn nam giới 105 phút mỗi ngày, 12 giờ mỗi tuần, tương đương 80 ngày mỗi năm!

Lời ngợi khen đáng quý lắm, quan trọng lắm, song ở mức độ nào đó, nó cũng tạo ra khuôn mẫu và định kiến xã hội rằng phụ nữ phải thế này, phải thế kia mới là phụ nữ tốt. Trên mạng xã hội một dạo chia sẻ đối thoại châm biếm của một người đàn ông chọn vợ, rằng vợ tôi phải vừa xinh đẹp, thông minh, khéo léo, có việc làm thu nhập tốt, vừa biết chiều chồng chăm con, tháo vát đảm đang, giỏi đối nội, đối ngoại.

Thế đấy, sự tôn vinh và chia sẻ phụ nữ có lúc, có nơi chỉ là lời nói chót lưỡi đầu môi, còn thực tế, gánh nặng kép từ lời khen khiến chị em phải chạy miệt mài không nghỉ trong cuộc đua trở nên hoàn hảo trong mắt xã hội.

Phước Anh