Nghệ An đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong cải thiện các chỉ số cải cách hành chính
Đồng chí Nguyễn Viết Hưng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh), thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Nghệ An trao đổi với Báo Nghệ An về giải pháp cải thiện các chỉ số cải cách hành chính.
Phóng viên: Công tác cải cách hành chính là 1 trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020 – 2025. Xin đồng chí cho biết sự quyết liệt chỉ đạo của tỉnh và những kết quả nổi bật thời gian qua?
Đồng chí Nguyễn Viết Hưng: Cải cách hành chính có hiệu quả là yếu tố then chốt để nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh, góp phần quan trọng trong xây dựng bộ máy hành chính minh bạch, liêm chính, hiệu quả; giảm bớt “gánh nặng” thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công. Điều này không chỉ củng cố, nâng cao niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với bộ máy Nhà nước, mà còn tạo điều kiện hội nhập, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng.
Chính vì thế, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định, công tác cải cách hành chính là 1 trong 3 khâu đột phá cần tập trung thực hiện.
Cải cách hành chính hiệu quả, chính là giảm bớt “gánh nặng” thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công.
Đồng chí Nguyễn Viết Hưng - Giám đốc Sở Nội vụ, thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Nghệ An
Theo đó, Tỉnh ủy đã ban hành 2 nghị quyết liên quan đến công tác cải cách hành chính, gồm Nghị quyết số 05, ngày 14/12/2021 về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 –2030 và Nghị quyết số 09, ngày 5/8/2022 về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, có tính đến năm 2030. Thành lập Ban chỉ đạo cải cách hành chính từ cấp tỉnh đến cấp sở, ban, ngành và cấp huyện do người đứng đầu cấp ủy làm trưởng ban.
Trên tinh thần đó, UBND tỉnh đã ban hành 3 chỉ thị về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Hàng năm, ngoài ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính, tỉnh cũng đã lựa chọn 1 chủ đề và lựa chọn 7 đơn vị triển khai điểm (4 huyện, 3 sở, ngành).
Chủ đề năm 2023 là “Thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức - Kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm và hiệu quả”. Năm 2024 “Đẩy mạnh chuyển đổi số, tập trung nâng cao tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tỷ lệ số hóa hồ sơ, tỷ lệ thanh toán trực tuyến”, “Kỷ cương, trách nhiệm, chủ động, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”, “Rõ nội dung công việc, rõ bộ phận tham mưu, rõ cá nhân lãnh đạo chỉ đạo, rõ thời gian hoàn thành, rõ sản phẩm công việc đầu ra”… Cũng trong năm 2024, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh lấy phương châm lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính là “Chọn việc trọng tâm - Hành động quyết liệt”.
Các cấp cũng rất quyết liệt điều chuyển, thay thế những cán bộ, công chức bị dư luận phản ánh nhiều lần vì có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho tổ chức, người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc nói chung và giải quyết thủ tục hành chính nói riêng…
Từ sự chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của tỉnh, cùng với quyết tâm nỗ lực, trách nhiệm của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương; công tác cải cách hành chính của tỉnh đã có chuyển biến toàn diện. Những kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính đã góp phần vào thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong 2 năm liên tiếp Nghệ An lọt tốp 10 tỉnh, thành phố có vốn thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) cao nhất; được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39, ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; được Quốc hội bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Nghệ An là một trong những tỉnh đứng đầu về thực hiện Đề án số 06/CP được Thủ tướng Chính phủ biểu dương; một trong những địa phương trong cả nước hoàn thành sớm nhất việc phê duyệt đề án vị trí việc làm với 22 sở, ban, ngành cấp tỉnh, 21 huyện, thành phố, thị xã và 13 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh.
Nghệ An đã hoàn thành 2 đề án lớn để trình Trung ương thẩm định, phê duyệt, gồm: Đề án điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng không gian đô thị thành phố Vinh; Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023- 2025 và phương án của giai đoạn 2026–2030.
Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) tăng hàng năm; năm 2023 nằm trong tốp 15 của cả nước.
Cụ thể, Chỉ số PAR INDEX xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 1 bậc so với năm 2022, đứng đầu trong 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ). Chỉ số SIPAS xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 2 bậc so với năm 2022, đứng thứ 2 trong 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.
Phóng viên: Công tác cải cách hành chính đang đặt ra một số khó khăn, hạn chế; trong đó có chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bị tụt hạng. Đồng chí có thể phân tích cụ thể hơn về vấn đề này?
Đồng chí Nguyễn Viết Hưng: Bên cạnh những mặt đạt được, công tác cải cách hành chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp. Chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số còn có những khó khăn, bất cập.
Vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và có biểu hiện nhũng nhiễu, lợi dụng chức vụ quyền hạn. Thực tiễn, thời gian qua có một số cán bộ, công chức vi phạm pháp luật bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị trong công tác cải cách hành chính.
Mặt khác, trong 4 chỉ số liên quan đến cải cách hành chính, có 2 chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh bị tụt hạng. Đối với chỉ số PAPI tụt 10 bậc, từ xếp thứ 15 năm 2021, xuống thứ 17 năm 2022 và thứ 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước năm 2023.
Đáng quan tâm có một số chỉ số nằm trong nhóm trung bình thấp, như kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; quản trị điện tử; tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch.
Đối với Chỉ số PCI tụt 21 bậc; từ xếp thứ 23 trong năm 2022, xuống thứ 44/63 tỉnh, thành phố trong cả nước năm 2023. Một số chỉ số xếp thứ bậc thấp so với cả nước, như chi phí không chính thức xếp thứ 63/63; thiết chế pháp lý và an ninh, trật tự, xếp thứ 56/63; tiếp cận đất đai, xếp thứ 55/63; chi phí thời gian, xếp thứ 52/63; cạnh tranh bình đẳng, xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phóng viên: Vậy, theo đồng chí, chúng ta cần phân khai rõ trách nhiệm, giải pháp như thế nào để khắc phục hạn chế trong công tác cải cách hành chính nói chung và cải thiện các chỉ số PCI, PAPI nói riêng?
Đồng chí Nguyễn Viết Hưng: Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính, nhất là cải thiện, nâng thứ hạng chỉ số PCI, PAPI; là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính cấp tỉnh, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 4379, ngày 28/5/2024 về việc khắc phục tồn tại, hạn chế; triển khai nhiệm vụ, giải pháp cải thiện các chỉ số: PARINDEX, SIPAS, PAPI, PCI năm 2024 của tỉnh.
Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm các ngành, các cấp và người đứng đầu trong cải thiện các chỉ số cải cách hành chính; huy động trí tuệ tập thể và quyết tâm của cả hệ thống chính trị; tiếp tục nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Mấu chốt để cải thiện các chỉ số cải cách hành chính thực chất, hiệu quả, chính là đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành và địa phương.
Đồng chí Nguyễn Viết Hưng - Giám đốc Sở Nội vụ, thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Nghệ An
Gắn với đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp nắm bắt được những chủ trương, chính sách của tỉnh, những cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, từ đó có sự nhìn nhận, đánh giá khách quan về những kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính của tỉnh.
Cùng với đó, Sở Nội vụ đang tiếp tục tham mưu UBND một số giải pháp căn cơ nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác cải cách hành chính.
Cụ thể, tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án Cải thiện và Nâng cao vị thứ xếp hạng đối với các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; trong đó, cần có cơ chế, chính sách khen thưởng kịp thời để động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, gắn với xử lý nghiêm những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật.
Tập trung chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin - truyền thông để hỗ trợ tốt cho công tác cải cách hành chính, tăng tính công khai, minh bạch và hiệu quả giám sát. Vận hành có hiệu quả và nâng cao chất lượng phục vụ của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận “Một cửa” ở các cấp…
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!