Pháp luật

Giải phóng mặt bằng Quốc lộ 7 đoạn qua Yên Thành: Đã đến lúc quyết liệt xử lý!

Nhóm PV 07/07/2024 07:46

Phần lớn phạm vi thi công của Dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn (đoạn qua huyện Yên Thành) nằm trên phần đất không đủ điều kiện bồi thường về đất, chưa ảnh hưởng đến công trình nhà cửa. Thế nhưng, hiện vẫn còn nhiều hộ dân ở 4/5 xã nơi dự án đi qua chưa chịu bàn giao mặt bằng. Điều này dẫn đến rất nhiều hệ luỵ…

Dự án cấp thiết

Dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1338/QĐ-BGTVT ngày 20/7/2021, với tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 4 làm chủ đầu tư.

Đây là dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 thứ 2 được Bộ GTVT phê duyệt. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 7/9/2022 dự án đã chính thức được khởi công và dự kiến hoàn thành trong năm 2023, đưa vào sử dụng năm 2024.

Tại huyện Yên Thành, tuyến Quốc lộ 7 đi qua có tổng chiều dài 27.774m (tính cả 2 bên) đi qua địa bàn 5 xã gồm: Vĩnh Thành, Viên Thành, Bảo Thành, Công Thành và Mỹ Thành.

Thời gian qua, UBND các xã, Hội đồng Bồi thường GPMB huyện Yên Thành đã tích cực trong công tác lập hồ sơ, chi trả cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dự án cũng như đối thoại, vận động, tuyên truyền để người dân hiểu, chấp hành chủ trương giải phóng mặt bằng và đã bàn giao mặt bằng cho Đơn vị thi công.

Tuy vậy, đến thời điểm này, vẫn còn 54 hộ với 58 thửa đất (có tổng chiều dài 1.062m) chưa chịu bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.

Dự án được khởi công ngày 7/9/2022, dự kiến hoàn thành trong năm 2023, đưa vào sử dụng năm 2024. Trong đó, tại huyện Yên Thành, dự án đi qua khu vực 5 xã là: Vĩnh Thành, Viên Thành, Bảo Thành, Công Thành, Mỹ Thành, với chiều dài khoảng hơn 27 km. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn nhiều hộ dân tại các xã Viên Thành, Bảo Thành, Mỹ Thành chưa chịu bàn giao mặt bằng. Ảnh: Nhật Lân
Một đoạn Quốc lộ 7 đang vướng mặt bằng nên chưa thể thi công. Ảnh: Thành Cường

Bám sát công tác bồi thường, GPMB của dự án này từ khi mới bắt đầu thực hiện, ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành là người hiểu rõ tầm quan trọng của dự án này đối với sự phát triển của huyện Yên Thành nói riêng và của các địa phương dọc tuyến.

Bởi theo ông Dương, dư địa cho Yên Thành phát triển là rất hạn chế, không như các địa phương khác bám trục đường Quốc lộ 1A. Và theo quy hoạch phát triển của huyện Yên Thành thì khu vực bám Quốc lộ 7 được xác định là hướng phát triển chính về thương mại, dịch vụ.

“Hiện nay, huyện đang trình quy hoạch khu vực xã Khánh Thành và Công Thành, khu vực giao nhau giữa Quốc lộ 7 với đường 538 (nay là Quốc lộ 7B) thành đô thị Vân Tụ, đồng thời, tập trung thu hút đầu tư về khu vực này.

Đây sẽ là tuyến đường huyết mạch trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Yên Thành trong tương lai. Nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nền kinh tế, mà trước mắt là việc thu hút đầu tư của huyện” - ông Dương nhấn mạnh.

bna_31-b57adf76e860218cf55654e665b78a3d.jpg
Một đoạn Quốc lộ 7 qua xã Vĩnh Thành đã được hoàn tất. Ảnh: Thành Cường

Ngoài sự kỳ vọng của huyện Yên Thành, theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quốc lộ 7 được xác định là 1 trong 4 hành lang kinh tế của tỉnh.

Chưa kể, mục tiêu của dự án này là nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông tuyến Quốc lộ 7 theo quy hoạch; tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác, đảm bảo giao thông thông suốt trên hành lang vận tải từ cửa khẩu Nậm Cắn (kết nối với nước bạn Lào) tới các tỉnh ven biển miền Trung. Đồng thời, phát huy hiệu quả các đoạn tuyến đã đầu tư trước đây; tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực.

Tại xã Mỹ Thành, hiện nay vẫn còn 32 hộ dân bị ảnh hưởng đã có Quyết định đền bù, hỗ trợ GPMB nhưng vẫn chưa đồng ý nhận tiền. Chính điều này đã dẫn đến một dọc dài tuyến Quốc lộ 7 đi qua địa phương này chưa thể thi công, đang rất nhỏ hẹp, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ của cả dự án và việc lưu thông của các phương tiện. Ảnh: Tiến Đông
Một đoạn qua xã Mỹ Thành chưa được bàn giao mặt bằng đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ của cả dự án và việc lưu thông của các phương tiện. Ảnh: Tiến Đông

Đòi hỏi vô lý

Báo cáo mới nhất của UBND huyện Yên Thành cho thấy, trong số 5 xã có dự án nâng cấp Quốc lộ 7 đi qua thì còn 4 xã vẫn chưa hoàn tất GPMB.

Tại xã Viên Thành, đến thời điểm này vẫn còn 13 hộ gia đình chưa bàn giao mặt bằng. Ông Đặng Quang Hoàng - Chủ tịch UBND xã Viên Thành nói rằng, có những hộ phần diện tích có công trình, tài sản nằm ngoài bản đồ đo đạc địa chính năm 2005, không được cấp Giấy CNQSDĐ, tuy nhiên vẫn yêu cầu được bồi thường, hỗ trợ.

Dù các tổ tuyên truyền, vận động cũng như Hội đồng bồi thường, GPMB của huyện đã nhiều lần đối thoại nhưng các hộ vẫn không chấp hành.

Tại xã Bảo Thành, hiện tại còn vướng mặt bằng 5 thửa đất của 5 hộ gia đình với chiều dài 131m, trong đó có 1 thửa không có trong trích đo. Ngoài ra, còn 2 hộ dân do có hạng mục mới điều chỉnh, bổ sung chưa được phê duyệt trích đo bổ sung.

Theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quốc lộ 7 được xác định là 1 trong 4 hành lang kinh tế của tỉnh. Việc thực hiện dự án này cũng góp phần tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác, đảm bảo giao thông thông suốt trên hành lang vận tải từ Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn tới các tỉnh ven biển miền Trung. Đặc biệt, giúp kết nối đường cao tốc Bắc - Nam tại nút giao huyện Diễn Châu với các địa phương dọc Quốc lộ 7 và với n
Một đoạn qua xã Bảo Thành đang bị vướng mặt bằng. Ảnh: Thành Cường

Nhiều nhất là xã Mỹ Thành với 35 hộ, 38 thửa, và 711m vướng mặt bằng. Ông Phạm Công Hùng - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành cho rằng, mặc dù đã được tuyên truyền, vận động và đối thoại nhiều lần nhưng nhiều hộ dân vẫn không đồng ý bàn giao mặt bằng. Nhiều hộ đề nghị đền bù đất, tài sản trên đất do nhận chuyển nhượng (phần diện tích không được cấp Giấy CNQSDĐ và không thực hiện nghĩa vụ tài chính), tài sản trên đất xây dựng sau ngày 1/7/2004 trên đất không đủ điều kiện đền bù.

Một số trường hợp có đất sử dụng trước năm 1980 đã được cấp Giấy CNQSDĐ, nhưng khi làm thủ tục cấp Giấy CNQSDĐ trước đây, hộ gia đình đã có đơn hiến đất để làm đường, nay đề nghị được đền bù phần đất đã hiến. Thậm chí có những hộ có tài sản (cây cối) trên đất thuộc quản lý của UBND xã và đã có Quyết định thu hồi đất từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao.

dân đến
Một người dân đến tận phòng Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Nguyễn Văn Dương để yêu cầu thêm tiền bồi thường. Ảnh: Thành Cường

Trong quá trình làm việc với UBND huyện Yên Thành, chúng tôi còn chứng kiến một hộ dân tại xã Mỹ Thành đã tìm đến tận phòng làm việc của đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Dương để yêu cầu thêm tiền bồi thường. Dù đã được giải thích về những điều kiện, quy định bồi thường nhưng hộ dân này vẫn tỏ ra không thoả mãn.

Đáng nói, tại huyện Yên Thành có nhiều trường hợp, công trình, vật kiến trúc của người dân sử dụng nằm ngoài phạm vi công trình (nằm ngoài mương nước và lề đường), nhưng vẫn không bàn giao mặt bằng, và cản trở đơn vị thi công. Thậm chí tại xã Mỹ Thành đã có lần chính quyền địa phương bảo vệ thi công nhưng không thành.

Việc chưa hoàn thành GPMB khiến các phương tiện khi lưu thông trên Quốc lộ 7 luôn gặp phải cảnh gập ghềnh và ùn tắc khi đi qua những đoạn giáp nối giữa phần đã thi công và phần chưa bàn giao mặt bằng. Đến nỗi, cơ quan chức năng đã phải cắm nhiều biển cảnh báo dọc tuyến đường này. Ảnh: Nhật Lân
Một tấm biển cảnh báo được cơ quan chức năng cắm bên đoạn chưa thi công. Ảnh: Nhật Lân

Thực tế phần chưa hoàn tất GPMB tại huyện Yên Thành có tổng chiều dài 1.062m, với 58 thửa đất, nhưng do nó nằm rải rác dọc tuyến nên khiến cho việc thi công dự án không thể liền mạch và liên tục.

Điều này khiến cho tuyến Quốc lộ 7 đi qua địa bàn Yên Thành bị đứt đoạn và thỉnh thoảng có điểm bị thắt lại, mỗi khi mưa xuống thì lầy lội và nắng nóng thì đất bụi, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến an toàn cho người tham gia giao thông và đời sống của nhân dân xung quanh.

Các phương tiện khi lưu thông trên Quốc lộ 7 qua các xã Viên Thành, Công Thành, Bảo Thành, Mỹ Thành cũng luôn gặp phải cảnh gập ghềnh và ùn tắc, nhất là khi qua những đoạn giáp nối giữa phần đã thi công và phần chưa bàn giao mặt bằng. Đến nỗi cơ quan chức năng đã phải cắm nhiều biển cảnh báo dọc tuyến đường này.

bna_1(2).jpg
Việc bàn giao ngắt quãng khiến cho nhiều điểm thi công không liền mạch. Ảnh: Tiến Đông

Những nguy cơ được báo trước

Việc chậm trễ bàn giao mặt bằng đã khiến cho dự án bị kéo dài. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, an toàn giao thông như chúng tôi đã đề cập, mà nó còn có nguy cơ khiến dự án này dừng lại và thu hẹp quy mô.

Cụ thể, ngày 14/5/2024, Cục Đường bộ Việt Nam đã có Văn bản số 3154/CĐBVN-CCĐT về việc GPMB Dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0-Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, gửi UBND tỉnh Nghệ An.

Văn bản nêu rõ: “Đối với các đoạn được bàn giao mặt bằng, Cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo Ban QLDA 4, các nhà thầu tập trung thi công, cơ bản hoàn thành. Theo tiến độ được Bộ GTVT chấp thuận (đã phải điều chỉnh kéo dài), gói thầu XD01 (thi công đoạn Km0-Km14, không bao gồm cầu vượt đường sắt và cầu Đậu), gói thầu XD03 (thi công đoạn Km14-Km36), phải kết thúc trước 30/10/2024; gói thầu XD02 (thi công cầu vượt đường sắt và cầu Đậu) phải kết thúc trước 30/11/2024.

Với tình hình bàn giao mặt bằng như hiện nay, trong khi thời gian còn lại của Dự án không còn nhiều, khó có thể thi công hoàn thành toàn bộ các hạng mục công trình của Dự án”.

Cục Đường bộ Việt Nam nêu rõ “Trường hợp sau ngày 30/5/2024, UBND các huyện không bàn giao mặt bằng cho dự án, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ phải báo cáo Bộ GTVT để lại, không thi công các vị trí vướng mặt bằng”.

bna_22.jpg
Việc chậm bàn giao mặt bằng khiến cho dự án nguy cơ bị thu hẹp. Ảnh: Tiến Đông

Do vướng mặt bằng nên các nhà thầu không thể thi công liền mạch và liên tục được. Trong trường hợp phải thu hẹp dự án thì chúng tôi sẽ chỉ đạo đơn vị thi công vuốt nối êm thuận mặt đường và để lại, không thi công những phần chưa được bàn giao mặt bằng.

Ông Hoàng Văn Châu - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 4

Được biết, ngoài tổ tuyên truyền, vận động được thành lập từ cuối năm 2023. Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Tỉnh uỷ tại buổi kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh vào ngày 4/4/2024, Huyện uỷ Yên Thành đã thành lập ban tuyên truyền, vận động thực hiện công tác GPMB dự án do đồng chí Lê Thị Hoài Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh – Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban.

Từ ngày 26/6 đến 1/7/2024, UBND huyện Yên Thành đã ban hành các Quyết định thành lập Ban thực hiện bảo vệ thi công tại các xã: Viên Thành, Bảo Thành, Công Thành, Mỹ Thành; Quyết định cưỡng chế thu hồi đất của 4 hộ dân tại xã Viên Thành để thực hiện Dự án.

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Hiện nay, huyện đã ban hành các Quyết định thành lập Ban thực hiện bảo vệ thi công, sau khi thành lập thì Ban sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình xin ý kiến của Công an tỉnh, về thời gian, bố trí lực lượng bảo vệ thi công. Ông Dương cũng nhấn mạnh, hiện nay, theo quy hoạch phát triển của huyện Yên Thành thì xác định khu vực bám Quốc lộ 7 là hướng phát triển chính về thương mại, dịch vụ. Bên cạnh đó, huyện đang trình quy hoạch khu vực xã
Lãnh đạo UBND huyện Yên Thành phối hợp với đại diện Sở TN&MT xác định lại ranh giới, mốc giới tại một số địa điểm. Ảnh: Tiến Đông

Huyện Yên Thành cũng đã mời các phòng chức năng của Sở TN&MT ra thực địa để phối hợp lại ranh giới, mốc giới và phần diện tích bị ảnh hưởng của một số hộ gia đình.

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành còn cho biết: Sau khi thành lập Ban thực hiện bảo vệ thi công, Ban sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình xin ý kiến của Công an tỉnh, về thời gian, bố trí lực lượng bảo vệ thi công.

Rõ ràng, việc đòi hỏi quyền lợi, mức bồi thường, hỗ trợ là quyền của người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác GPMB vẫn chưa hoàn tất là điều cần phải xem xét và cần giải quyết dứt điểm, tránh làm ảnh hưởng đến tiến độ và những hệ lụy lâu dài về sau.

Nhóm PV