Sức khỏe

Nghệ An nỗ lực khắc phục khó khăn trong khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch

Thành Chung (thực hiện) 07/07/2024 07:55

Thời điểm này, ngành Y tế Nghệ An đang đối mặt với không ít thách thức do tình hình bệnh tật, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng; thực trạng thiếu nhân lực chất lượng cao và nhân lực tuyến y tế cơ sở... Xung quanh vấn đề này, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi cùng Dược sĩ Trần Minh Tuệ - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An.

P.V: Trong 6 tháng đầu năm 2024, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cao. Trước áp lực này, ngành Y tế Nghệ An đã triển khai những giải pháp gì để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các đơn vị y tế, thưa ông?

Dược sĩ Trần Minh Tuệ: Thời gian qua, ngành Y tế Nghệ An đã và đang phải đối mặt với những khó khăn: Tình trạng thiếu nhân lực y tế chất lượng cao, đặc biệt, thiếu nhân lực tuyến y tế cơ sở; nguồn lực đầu tư còn hạn chế; nhu cầu khám, chữa bệnh, nâng cao sức khỏe của người dân ngày càng cao... Những khó khăn này đã đặt ra cho ngành nhiều thách thức, áp lực trong đáp ứng yêu cầu về chất lượng khám, chữa bệnh nói riêng.

Để đáp ứng yêu cầu đặt ra, ngành Y tế Nghệ An đã tập trung chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh không ngừng tăng cường hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện, chú trọng cải cách hành chính, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (tập trung phát triển các chuyên môn kỹ thuật cao, chuyển giao kỹ thuật từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện và tuyến cơ sở); phát triển và hoàn thiện các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu đã được triển khai tại đơn vị.

Đón chào trẻ ra đời nhờ kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm
Đón chào trẻ ra đời nhờ kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm. Ảnh tư liệu: Hoàng Yến

Với đề án bệnh viện vệ tinh, ngành đã xây dựng và hình thành được mạng lưới các bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh. 100% các bệnh viện hạt nhân và các đơn vị vệ tinh đã có sự kết nối, thống nhất xây dựng kế hoạch chuyển giao và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật. Công tác đào tạo chuyển giao kỹ thuật của các bệnh viện hạt nhân đối với các bệnh viện vệ tinh được triển khai quyết liệt.

Đến nay, các bệnh viện hạt nhân đã chuyển giao được 76 kỹ thuật cao cho các bệnh viện vệ tinh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các bệnh viện hạt nhân (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) đã chuyển giao thành công kỹ thuật thuộc các chuyên ngành điện tâm đồ, hồi sức cấp cứu nhi, gây mê hồi sức nhi cho 3 đơn vị vệ tinh là Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu, Trung tâm Y tế Kỳ Sơn và Trung tâm Y tế Quỳ Châu.

Với đề án kỹ thuật cao Bắc Trung Bộ, ngành Y tế Nghệ An đã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị duy trì, hoàn thiện các kỹ thuật đã triển khai trong giai đoạn trước đó như: can thiệp mạch tim, mạch não, mạch tạng, mạch ngoại vi; thụ tinh trong ống nghiệm; mổ tim hở, thay khớp háng, khớp gối; phẫu thuật thần kinh sọ não, cột sống; xạ trị; ghép xương hàm...

Để nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở, đặc biệt tuyến xã, ngành Y tế thường xuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị tuyến huyện, xã trong tỉnh để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch và công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn; ban hành các hướng dẫn chuyên môn, như hướng dẫn về việc triển khai mô hình điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường tại trạm y tế...

Đến nay, toàn tỉnh đã có 320 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt tỷ lệ 69,56% (dự kiến đến hết năm 2024 sẽ đạt 78%). 100% trạm y tế xã đã triển khai quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp, bước đầu phát huy hiệu quả tốt.

P.V: Dù đã đạt được nhiều thành quả rất đáng ghi nhận, song thực tế vẫn còn có nhiều trường hợp bệnh nhân vượt, chuyển ra tuyến Trung ương. Ông có thể cho biết những hạn chế trong công tác khám, chữa bệnh ở Nghệ An hiện nay? Cần phải làm gì để khắc phục hạn chế đó?

Bệnh nhân chờ khám ở Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: Thành Chung
6 tháng đầu năm 2024, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cao. Ảnh: Thành Chung

Dược sĩ Trần Minh Tuệ: Y tế Nghệ An vẫn còn một số vướng mắc như: Việc thực hiện tự chủ tại các bệnh viện ngày càng bộc lộ những khó khăn, cần sớm có các chính sách, giải pháp phù hợp; nguồn lực đầu tư hạn chế; chính sách đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ chưa tương xứng...

Ở các đơn vị khám, chữa bệnh, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ. Việc triển khai phát triển chuyên môn kỹ thuật tại một số địa bàn miền núi (Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp,...) chưa tương xứng với nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Chính những điều này đã làm xuất hiện tình trạng quá tải tại một số cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến trên.

Để khắc phục hạn chế, ngành Y tế tỉnh nhà đã tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, giám sát, thanh tra, kiểm tra; tập huấn hướng dẫn các quy định trong khám, chữa bệnh; xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo hệ thống mạng lưới y tế phát triển đồng đều giữa các tuyến; triển khai quyết liệt các kế hoạch, đề án đã được phê duyệt.

Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các đề án phát triển bệnh viện vệ tinh, đề án hỗ trợ một số đơn vị y tế trên địa bàn thành phố Vinh phát triển kỹ thuật cao để thành phố Vinh trở thành trung tâm y tế chuyên sâu khu vực Bắc Trung Bộ, đề án khám, chữa bệnh từ xa; chỉ đạo Bệnh viện Ung bướu Nghệ An hoàn thành hồ sơ để sớm có Quyết định là bệnh viện tuyến cuối khu vực Bắc Trung Bộ; hướng dẫn Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Y tế công nhận đơn vị đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật ghép gan.

Phẫu thuật tim hở cho bệnh nhân bị đảo gốc động mạch tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: Yến Phương
Phẫu thuật tim hở cho bệnh nhân bị đảo gốc động mạch tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: Yến Phương

Ngành cũng đẩy mạnh các hoạt động cải tiến chất lượng tại các cơ sở khám, chữa bệnh; thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực để triển khai phát triển kỹ thuật; khuyến khích các đơn vị nâng dần mức độ tự chủ; triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị bệnh viện và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; duy trì thường xuyên hoạt động nâng cao y đức các cấp gắn với việc thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng người bệnh”.

P.V: Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số bệnh dịch nguy hiểm như sốt xuất huyết, sởi, ho gà, dại... Ông có thể cho biết, thực tế công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Dược sĩ Trần Minh Tuệ: Trong 6 tháng đầu năm, Nghệ An đã ghi nhận tổng số 76 ca mắc sốt xuất huyết tại 13/21 huyện, thành phố, thị xã, không ghi nhận trường hợp tử vong.

Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh cũng đã ghi nhận sự xuất hiện các bệnh truyền nhiễm với 89 ca mắc ho gà tại 17/21 huyện, thành phố, thị xã; 66 ca mắc sởi tại 12/21 huyện, thành phố, thị xã. Bệnh dại vẫn tồn tại với 3 trường hợp mắc và tử vong tại các huyện Con Cuông, Quế Phong, Thanh Chương.

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự chủ quan của người dân, không đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại sau khi bị súc vật cắn. Tỉnh cũng ghi nhận 9 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản tại 7 huyện, không có trường hợp tử vong; 34 trường hợp mắc bệnh chân - tay - miệng; 9.721 ca cúm các loại; 62 ca mắc Covid-19, không có trường hợp tử vong... Nguyên nhân các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện là do tỉnh có địa bàn rộng, giao thương đi lại thuận tiện nên nguy cơ xâm nhập của dịch bệnh rất cao. Trên địa bàn Nghệ An thời tiết ở địa phương nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh và véc-tơ truyền bệnh phát triển. Ngoài ra, do sự biến đổi của khí hậu và môi trường nên đặc tính sinh học của các tác nhân gây bệnh cũng thay đổi, vì vậy, làm cho diễn biến của bệnh dịch càng phức tạp và khó lường.

Ảnh Thành Chung
Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra công tác điều trị, phòng, chống dịch sởi ở Nghệ An. Ảnh: Thành Chung

Các bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vắc-xin như sởi, ho gà… tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 do miễn dịch giảm, tỷ lệ tiêm một số loại vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng tại một số địa phương thấp, tiêm chậm do gián đoạn nguồn vắc-xin từ Trung ương.

Ngoài ra, nhân lực làm công tác phòng, chống dịch ở các tuyến còn thiếu, trang thiết bị hóa chất chống dịch không đủ. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch có lúc, có nơi chưa thực sự quan tâm và quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch... Một số bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, có thái độ ỷ lại cho chính quyền và ngành Y tế, không tích cực và chủ động tham gia các hoạt động phòng, chống dịch theo hướng dẫn.

Dù đối mặt với nhiều dịch bệnh, tuy nhiên, ngành Y tế Nghệ An và các cấp, ngành trong tỉnh đã thực hiện tốt công tác phòng, chống. Các ổ dịch nhanh chóng được kiểm soát, khống chế, dập tắt, không có dịch lớn bùng phát.

P.V: Như ông đã trao đổi, những tháng cuối năm 2024, Nghệ An vẫn có những nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh. Ngành Y tế tỉnh nhà đã và đang triển khai những hoạt động phòng, chống nào để ngăn ngừa nguy cơ nói trên?

Dược sĩ Trần Minh Tuệ: Với vai trò thường trực về hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, ngành Y tế tỉnh nhà đã và đang tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; nắm bắt thông tin về diễn biến của dịch để có chỉ đạo kịp thời; tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch của các huyện, thị xã, thành phố.

Trong 6 tháng cuối năm 2024, ngành sẽ tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, xây dựng các lớp tập huấn... công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng; xây dựng kế hoạch huy động toàn thể hệ thống chính trị, ban, ngành, đoàn thể... tham gia công tác phòng, chống dịch theo phân loại dịch bệnh cũng như tính chất diễn biến của dịch, bệnh; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị triển khai các hoạt động phòng, chống dịch nhằm đáp ứng kịp thời diễn biến dịch, không để bị động, lúng túng.

 Người dân đưa trẻ đến tiêm Vắc xin tại CDC Nghệ An. Ảnh Thành Chung
Người dân đưa trẻ đến tiêm vắc-xin tại CDC Nghệ An. Ảnh: Thành Chung

Ngành cũng chú trọng kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng mở rộng tại 21 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; tổ chức mạng lưới giám sát dịch từ cơ sở đến tuyến tỉnh; tăng cường giám sát dịch tại các ổ dịch cũ, vùng trọng điểm dịch, giám sát dịch theo mùa. Tập trung giám sát muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các huyện trọng điểm lưu hành dịch như: Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, Diễn Châu, Con Cuông, Anh Sơn… Tiếp tục chỉ đạo các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn tỉnh để giám sát, phát hiện bệnh truyền nhiễm gây dịch, tránh để sót bệnh nhân; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên, điều trị tại chỗ và xử lý triệt để ổ dịch để tránh lây lan thành dịch lớn.

Ngành Y tế Nghệ An cũng sẽ phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng về các bệnh dịch nguy hiểm thường gặp tại địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền công tác vệ sinh môi trường, xã hội hóa công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng... Tăng cường công tác tiêm chủng phòng, chống các bệnh truyền nhiễm với việc tiếp nhận, phân bổ và tổ chức tiêm chủng vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm vắc-xin phòng Covid-19; tiêm miễn dịch cơ bản, tiêm nhắc lại đảm bảo an toàn, hiệu quả. Chỉ đạo các cơ sở chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ số thuốc, trang thiết bị để phòng, chống dịch.

Dược sĩ Trần Minh Tuệ - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An

P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Thành Chung (thực hiện)