Kinh tế

Thứ quả đặc sản ở Thanh Chương đắt hàng ngày nắng nóng

An Nam 07/07/2024 12:55

Những ngày này, người dân huyện Thanh Chương (Nghệ An) đang thu hoạch quả sông. Loại quả chua này khá chạy hàng ngày nắng nóng.

bna_1(2).jpg
Cây sông thuộc họ măng cụt có rải rác ở nhiều huyện trong tỉnh, nhưng tập trung khá nhiều ở Thanh Chương, như các xã Thanh Mỹ, Thanh Đức, Hạnh Lâm, Phong Thịnh... Đây là loại cây thân gỗ lâu năm mọc tự nhiên trong rừng hay được người dân trồng trong vườn. Từ khi trồng cây cho tới lúc ra quả phải 7 - 9 năm. Mùa sông chín từ tháng 5 đến tháng 7. Ảnh: Huy Thư
bna_2..jpg
Thu hoạch quả sông chua khá vất vả vì cây cao, tán rộng, người hái quả phải làm đày (cột cây tre áp vào thân cây sông) hoặc dùng thang để trèo lên cây. Ảnh: Huy Thư
bna_3(2).jpg
Ở trên cây, người hái quả chỉ việc leo từ cành nọ sang cành kia, dùng 1 cái sào gắn vợt để giật quả, hái được quả nào thì bỏ vào bì treo trên cành, lúc đầy bì thì dùng dây thừng hạ nhẹ nhàng cả bì xuống đất. Người biết trèo cây, gan dạ mới có thể làm được nghề hái sông. Ảnh: Huy Thư
bna_4(2).jpg
Quả sông có hình dáng giống quả ổi, trọng lượng từ 0,3 kg đến 1,2 kg, khi chín có màu vàng. Hái quả sông bằng vợt có ưu điểm, nhanh, khỏe, không làm xây xát, dập, vỡ quả. Ảnh: Huy Thư
bna_5(2).jpg
Mùa sông đến, những hộ dân có sông cho quả sẽ tự hái bán hoặc bán trên cây cho người dân đi hái chuyên nghiệp. Mỗi cây sông thường cho 3 -5 tạ quả, cây nhiều cho 6 -7 tạ, thậm chí 1 tấn. Theo bà con địa phương, năm nay, sông không được mùa như những năm trước. Ảnh: Huy Thư
bna_6..jpg
Mùa sông, các nhóm hái sông trên địa bàn hoạt động mạnh, họ thường đi theo nhóm từ 2 -5 người. Mỗi ngày, một người có thể hái được 2 - 3 tạ quả. Mùa sông cũng đem lại thu nhập khá cho người đi hái sông. Ông Nguyễn Văn Dũng (61 tuổi) ở xã Thanh Mỹ (Thanh Chương) cho biết: Mùa sông này, ông mua được khoảng 40 cây. Hàng ngày, vợ chồng ông phải tích cực đi hái, nếu quả chín vàng hái không kịp sẽ rụng nát hết. Mỗi cây sông thường hái nhiều lần, lần cuối sẽ thu gom hết cả xanh lẫn chín. Ảnh: Huy Thư
song 1
Sau khi hái xuống, người thu gom sẽ phân loại quả, quả đẹp để bán ngay, quả xấu (xây xát, bị sâu) dùng để thái lát, phơi khô bán hàng khô. Bà Trần Thị Tâm (68 tuổi) ở xã Thanh Mỹ chia sẻ: Nhà bà có gần 30 cây sông, trong đó 14 cây đã cho quả từ nhiều năm nay. Ngày trước, quả sông rẻ, chẳng ai mua, nay được giá, trồng sông cũng có thu nhập. Nhà bà neo người không tự hái được, nên phải "bán quạ" cả vườn. Ảnh: Huy Thư
bna_9.jpg
Những ngày nắng nóng, các hộ dân có sông chín đều tích cực hái sông, thái, phơi sông nhộn nhịp. Gia đình ông Nguyễn Hữu Liên ở xã Thanh Mỹ có 5 cây sông cho quả, mỗi mùa, vừa bán quả, vừa bán sông khô cho thu nhập 7 - 8 triệu đồng. Ảnh: Huy Thư
bna_10.jpg
Quả sông chín chỉ cần tác động nhẹ sẽ tách thành nhiều miếng như bị cắt. Ruột quả sông có vị chua ngọt, ăn ngon như quả măng cụt. Tuy nhiên, ăn nhiều sẽ bị say. Thịt quả sông có vị chua, dùng để làm gia vị, nấu canh chua, ngâm đường, mật làm nước giải khát, tốt cho sức khỏe... Người dân địa phương cho biết, nếu trời nắng to, sông thái lát mỏng thì phơi 2 -3 nắng sẽ khô. Ảnh: Huy Thư
bna_11.jpg
Theo người dân địa phương, quả sông tươi có giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kg, sông thái lát, phơi khô khoảng 50.000 đồng/kg. Thời điểm này, những gia đình có sông, các nhóm chuyên đi hái sông, hái được bao nhiêu lái buôn sẽ cho xe ô tô đến thu mua hết bấy nhiêu. Quả sông đang khá chạy hàng giữa những ngày nắng nóng. Ảnh: Huy Thư
Hái sông bằng vợt. Video: Huy Thư

An Nam