Suy ngẫm

Lên trình kỹ năng

Phước Anh 15/07/2024 9:00

Lên trình kỹ năng cho giới trẻ là câu chuyện dài, mà người viết chương đầu và góp phần quyết định cái kết cho câu chuyện ấy chính là các bậc phụ huynh.

Ngày 15/7 là Ngày kỹ năng thanh niên thế giới. Nhiều người không biết ngày này; bản thân tôi cũng mới tình cờ biết nhờ lướt qua poster quảng cáo lớp đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho giới trẻ đang “chạy” thu hút học viên trên Facebook. Không biết các lớp học ấy dạy gì, nhưng chắc là gì thì ít nhiều cũng hữu ích, vì kỹ năng được xem là khâu yếu nhất của một bộ phận không nhỏ thanh niên Việt Nam hiện nay.

4-xac-dinh-va-phat-trien-ky-nang.jpg
Ảnh minh hoạ.

Kỹ năng (cộng đồng mạng thích viết tiếng Anh là “skill”), là tổng hoà những khả năng, kiến thức, năng lực mà một người sở hữu và sử dụng nhuần nhuyễn để giải quyết một công việc, vấn đề cụ thể. Chúng ta chắc hẳn quen với các thuật ngữ: kỹ năng mềm - những kỹ năng không liên quan trực tiếp đến chuyên môn nhưng rất quan trọng trong tư duy, giao tiếp, ứng xử…; kỹ năng chuyên môn; kỹ năng tự quản lý; kỹ năng xã hội - khả năng lắng nghe, thấu hiểu, đàm phán, giải quyết xung đột, tương tác và hợp tác với người khác trong công việc và cuộc sống; kỹ năng công nghệ… Nhiều năm làm việc trong môi trường có đông người trẻ, tôi nhận thấy, nhiều em rất giỏi, thậm chí phải thẳng thắn đánh giá là đặc biệt xuất sắc trong các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng công nghệ - điều mà thế hệ trước phải mất nhiều năm làm việc mới dần tiến bộ. Tuy nhiên, các kỹ năng mềm, kỹ năng tự quản lý, kỹ năng xã hội thì nhiều em có phần hạn chế.

Nói chuyện kỹ năng nghe to tát, chứ thực ra kỹ năng chính là thái độ, hành vi ứng xử của các em trong công việc, cuộc sống, giao tiếp hàng ngày, với chính bản thân và những người xung quanh. Trong môi trường công sở, không hiếm cảnh tượng sau bữa liên hoan, người lớn tuổi lúi húi dọn dẹp, còn đôi ba bạn trẻ ăn xong đứng dậy về chỗ ngồi của mình, họ mặc định rành mạch rằng đó không phải việc của mình, rằng công ty không trả lương cho họ để làm việc đó. Xung quanh bàn làm việc của nhiều người trẻ, góc chân bàn, dưới ly nước, lót chuột máy tính… vương vãi bụi và vụn đồ khô, trong khi chủ nhân của chúng thì mặc đồ đẹp, xịt nước hoa thơm phức. Đi trên hành lang công ty, nếu thấy tờ giấy vụn, vỏ gói kẹo… rơi vãi, thì phản xạ của không ít người trẻ là tránh sang một bên và đi tiếp, mấy ai biết cúi người xuống để nhặt rác bỏ vào thùng. Tất cả những điều đó là kỹ năng mềm: thể hiện lối sống văn minh từ những việc nhỏ nhất.

2-ba-loai-ky-nang-thiet-yeu.jpg
Ảnh minh hoạ.

Nhiều bạn không hiểu rằng, sự văn minh không đến từ việc bộ quần áo mặc trên người giá bao nhiêu, đôi giày đang đi là phiên bản giới hạn của hãng nào…, mà sự văn minh là nơi mình sống và làm việc hàng ngày, chỗ mình ăn uống, vị trí mình nằm ngồi cần phảiluôn ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ, thơm tho. Sự gọn sạch ấy không vì đối phó với ánh mắt người đời hay để mua hơi chuộc tiếng với đồng nghiệp, đối tác, mà kể cả khi chẳng ai ngó đến, vẫn cần đảm bảo chất lượng như thế. Từ gọn sạch với khía cạnh vệ sinh nói riêng đến gọn sạch trong công việc, cuộc sống nói chung, làm đâu gọn đấy, việc đâu xong đấy, khó đâu gỡ đấy, sống đâu vui đấy, âu rằng, đó chính là kỹ năng tối cần thiết mà nhiều bạn trẻ nhận thức chưa đầy đủ, còn thiếu sót.

Nhiều chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng than trời rằng, tuyển dụng nhân sự trẻ ngày nay khó quá! Khó không phải vì thiếu, thanh niên thất nghiệp đông, sinh viên nghỉ hè rảnh rỗi cũng nhiều, nhưng chẳng được mấy em nhẫn nại lao động chân tay, chịu đựng áp lực làm việc. Đi ứng tuyển làm nhân viên tiếp thị, quán cà phê, tiệm thời trang… mà nghe nói phải làm ca trưa, ca tối là từ chối ngay, vì “Giờ trưa em phải nằm nghỉ, còn tối thì em bận đi chơi với người yêu!”. Đứng bán hàng siêu thị chưa được 1 tháng, nghe khách hàng phàn nàn đôi lần về việc tính hoá đơn nhầm, thấy chán, xin nghỉ luôn vì “quá áp lực”. Vào phụ bếp bánh, loay hoay với bột, đường, bơ, sữa… 8 tiếng một ngày cũng không chịu nổi vì “phải dọn rửa nhiều quá, nhăn hết da tay”… Muôn vàn lý do dở khóc dở cười mà các bạn trẻ nêu ra để từ chối công việc, khiến các chủ doanh nghiệp ngán ngẩm! Cũng rất khó chỉ bảo cho các em, vì nhiều bạn trẻ ngày nay có cái tôi rất cao, hễ áp lực, khó chịu, bất mãn, buồn bực chút xíu là nghỉ việc ngay, không màng nhìn nhận và trau dồi kỹ năng sống cho bản thân.

Lên trình kỹ năng cho giới trẻ là câu chuyện dài, mà người viết chương đầu và góp phần quyết định cái kết cho câu chuyện ấy chính là các bậc phụ huynh. Thế hệ trẻ ngày nay phần lớn được thụ hưởng đời sống vật chất và tinh thần khá đầy đủ, hiếm khi đói ăn thiếu mặc, thường được bố mẹ đáp ứng nhanh các nhu cầu, do đó, họ thiếu sự nhẫn nại, kiên trì, thiếu động lực, cố gắng, có sự tự tin thái quá về bản thân, giữ lối sống ích kỷ, trọng hình thức, ham thích làm những điều lớn lao, to tát mà ít khi biết xây đắp từ những điều nhỏ bé. Do vậy, từ khi con cái còn nhỏ, phụ huynh phải đóng vai trò là người dẫn đường, định hướng, gương mẫu và dạy bảo con những kỹ năng cơ bản trong học tập, công việc và cuộc sống.

Nói cho cùng, khi lớn lên, nếu thiếu những kỹ năng ấy thì đến một lúc nào đó, các bạn cũng sẽ học được thôi; chỉ là lúc ấy cuộc đời dạy bạn với cái giá quá đắt đỏ!

Phước Anh