Thủ tướng Orban: Chiến tranh đã trở thành chương trình nghị sự của NATO
Trong một bài báo đăng cùng ngày với chuyến thăm Moskva, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố, NATO thực tế đã làm cho lý tưởng của họ trở nên hiếu chiến bằng cách vứt bỏ tính chất “hòa bình” và “phòng thủ” ban đầu của mình.
Nhà lãnh đạo Hungary, người chỉ trích mạnh mẽ sự can dự của phương Tây vào cuộc xung đột Ukraine, đã nhiều lần cảnh báo rằng, các bước đi mang tính leo thang ngày càng tăng của khối quân sự do Mỹ dẫn đầu cuối cùng có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga, gây ra hậu quả thảm khốc.
Hôm 6/7, Thủ tướng Orban đã có chuyến thăm bất ngờ tới Moskva, nơi ông gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Văn phòng Thủ tướng Hungary nói rõ rằng, ông đang thực hiện “sứ mệnh gìn giữ hòa bình”. Cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo tập trung vào các cách thức tiềm năng để giải quyết xung đột Ukraine một cách hòa bình. Kết thúc cuộc đàm phán, ông Orban thừa nhận rằng quan điểm của Moskva và Kiev vẫn “cách nhau rất xa”. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng “chúng tôi đã thực hiện bước quan trọng nhất - thiết lập liên hệ” và cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực này.
Đầu tuần, Thủ tướng Hungary đã đến Kiev và ngồi nói chuyện với Tổng thống Vladimir Zelensky. Trong chuyến thăm, ông Orban ủng hộ việc ngừng bắn ngay lập tức và đàm phán.
Cùng ngày với chuyến đi tới Moskva, một bài xã luận do Orban viết đã được đăng trên Newsweek đề cập đến những xu hướng mới nhất liên quan đến NATO, tổ chức mà Hungary đã là thành viên từ năm 1999.
Trong đó, ông nhấn mạnh sự tham gia tích cực của Budapest vào nhiều hoạt động và sáng kiến của NATO trong những năm qua, cũng như việc nước này tuân thủ mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% của khối. Ông Orban lưu ý rằng, NATO mà đất nước ông tham gia 25 năm trước là một “dự án hòa bình” và là một “liên minh quân sự phục vụ mục đích phòng thủ”.
Tuy nhiên, “ngày nay, thay vì hòa bình, chương trình nghị sự là sự theo đuổi chiến tranh; thay cho phòng thủ, thì đó là tấn công”, ông Orban than phiền.
Thủ tướng Hungary cho biết, “ngày càng có nhiều tiếng nói trong NATO đang chứng tỏ sự cần thiết - hoặc thậm chí là không thể tránh khỏi - của cuộc đối đầu quân sự với các trung tâm quyền lực địa chính trị khác trên thế giới”. Ông cảnh báo rằng thái độ này “có chức năng giống như một lời tiên tri tự ứng nghiệm”.
Ông lưu ý rằng một số quốc gia thành viên gần đây đã cân nhắc khả năng triển khai một chiến dịch của NATO ở Ukraine.
Cuối tháng 2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông không loại trừ việc triển khai quân đội Pháp tới Ukraine. Mặc dù đề xuất của ông nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích từ Đức và các thành viên khác, nhưng nguyên thủ quốc gia Pháp đã nhiều lần nhấn mạnh ý tưởng gây tranh cãi này.
Vào tháng 5, Estonia và nước láng giềng Litva đã phát tín hiệu sẵn sàng gửi quân tới Ukraine để thực hiện các nhiệm vụ hậu cần và phi chiến đấu khác.
Theo bài xã luận hôm 6/7 của Orban, nếu NATO không thay đổi chiến thuật ngay bây giờ, “thì đó sẽ là hành động tự sát”.