Suối Nậm Huống (Quỳ Hợp) đổi màu là do Công ty TNHH Thiếc Hà An xả thải trái quy định!
Bằng xác minh hiện trường của Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Quỳ Hợp và phóng viên Báo Nghệ An phối hợp triển khai trong ngày 5/7/2024, quản lý mỏ thiếc Suối Bắc thuộc Công ty TNHH Thiếc Hà An thừa nhận đã xả thải ra môi trường.
Chủ mỏ biện minh
Sự việc suối Nậm Huống đoạn qua xã Châu Thành (Quỳ Hợp) chuyển màu vàng đục, có hiện tượng cá chết đã được Báo Nghệ An điện tử thông tin trong các ngày 2 và 3/7/2024 tại các bài viết “Lấy mẫu kiểm tra để làm rõ nguyên nhân cá chết bất thường ở Quỳ Hợp”; “Xác định nguồn gốc phát sinh nước thải có dấu hiệu ô nhiễm làm cá chết bất thường ở suối Bắc (Quỳ Hợp)”.
Cụ thể, vào ngày 1/7/2024, khi nhận được thông tin suối Nậm Huống đổi màu có cá chết, UBND huyện Quỳ Hợp và UBND xã Châu Thành đã tổ chức kiểm tra.
Tại đoạn suối Nậm Huống thuộc khu vực các bản Cài, Chăm Hiêng (xã Châu Thành), xác định nước đục, bùn có màu vàng sẫm, và có tình trạng cá suối chết dạt vào bờ.
Do những ngày trước đó trên địa bàn huyện Quỳ Hợp không có mưa, nghi vấn có tác động từ hoạt động khai thác khoáng sản, đoàn công tác đã ngược dòng Nậm Huống để kiểm tra. Từ đây, phát hiện ở các khe thuộc núi Lan Toong (nơi có các mỏ khai thác quặng thiếc) dẫn dòng vào suối Nậm Huống cũng trong tình trạng có bùn màu vàng sẫm.
Ngày 2/7/2024, với sự tham gia của Công an huyện, Đoàn công tác đã tiếp tục theo dấu bùn đất màu đục vàng của các con khe để tìm nguyên nhân. Lần theo dấu vết, chiều cùng ngày, Đoàn công tác đã đến điểm phát sinh nước và bùn có dấu hiệu ô nhiễm, là khu vực mỏ của Công ty TNHH Thiếc Hà An.
Kiểm tra trong khu vực mỏ của Công ty TNHH Thiếc Hà An, phát hiện tại miệng cống thoát nước (tọa độ x= 2146222; y= 534659) có những vệt bùn kết lắng còn ướt, có màu vàng sẫm tương tự màu bùn lắng tại suối Nậm Huống, chảy theo hệ thống mương thu gom nước mưa chảy tràn của công ty.
Tại khu vực nhà xưởng, ghi nhận hệ thống xử lý môi trường khá phức tạp, có nhiều đường ống với kích cỡ khác nhau, loại chôn ngầm, loại để lộ thiên và có một số đường ống nước thải đầu ra bị đấu nối, cắt ghép.
Kiểm tra 5 bể lắng phía Đông mỏ của Công ty TNHH Thiếc Hà An, tại bể lắng có tọa độ x= 2145827; y= 535146, đoàn phát hiện có lắp đặt 4 ống sắt đường kính 200mm dưới thân đế. Một đầu ống nằm trong bể lắng (có bịt miệng bằng bao bì), một đầu nằm ngoài bể lắng (không bịt).
Thời điểm kiểm tra, có một ống sắt đang dẫn nước chảy từ bể lắng ra môi trường, nước và bùn đang chảy ra có màu vàng sẫm, tương tự màu bùn ở suối Nậm Huống.
Ở thời điểm này, Công ty TNHH Thiếc Hà An khẳng định đã dừng hoạt động khai thác từ ngày 30/1/2024. Cụ thể, đại diện Công ty TNHH Thiếc Hà An, ông Đặng Xuân Lực đã có ý kiến ghi vào biên bản kiểm tra: “Hiện nay, công ty đang ngừng hoạt động để hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật. Việc xử lý nước từ khu vực hầm lò chảy ra hàng ngày công ty phải xử lý trước khi bơm xả vào hàng các tơ, sau đó chảy ra môi trường”.
Dù vậy, trước thực tế kiểm tra hiện trường, Đoàn công tác yêu cầu Công ty TNHH Thiếc Hà An chấp hành công tác bảo vệ môi trường, không được để nước thải, bùn thải chưa qua xử lý ra môi trường. Đồng thời, yêu cầu công ty này giải trình nguyên nhân có các vệt bùn màu vàng sẫm xuất phát từ miệng cống thoát nước; phối hợp với đơn vị quan trắc tổ chức lấy mẫu giám sát môi trường đối với những khu vực được chỉ định để làm rõ nước thải, bùn thải đã thải ra môi trường có đảm bảo thông số, chỉ tiêu theo quy định pháp luật hay không!
Vào ngày 4/7/2024, Công ty TNHH Thiếc Hà An có Văn bản giải trình số 18/TT-THA giải trình gửi UBND huyện Quỳ Hợp và UBND xã Châu Thành. Tại đây, Công ty này khẳng định dừng hoạt động từ ngày 30/1/2024, không phát sinh nước thải, bùn thải từ hoạt động sản xuất.
Đồng thời diễn giải, ở cửa lò số 1 có nước rỉ với lưu lượng lớn bất thường, chất lượng nước không đảm bảo theo tiêu chuẩn để xả ra môi trường theo quy định. Do đó, công ty vẫn phải thực hiện công tác xử lý, lắng lọc, trung hòa nguồn nước rò rỉ từ cửa lò số 1 chảy ra ngoài để đảm bảo chất lượng xả ra môi trường…
Xác định xả thải trái phép
Nắm thông tin từ một số thành viên Đoàn công tác, họ nghi vấn Công ty TNHH Thiếc Hà An là tác nhân dẫn đến sự cố trên dòng Nậm Huống. Sở dĩ có sự nghi vấn này là bởi từ ngày 29/6 đến ngày 2/7, toàn địa bàn huyện Quỳ Hợp không có mưa, trong khi đó, dấu vết bùn dẫn đến mỏ của Công ty TNHH Thiếc Hà An và tại thời điểm kiểm tra, dấu bùn lắng màu vàng sẫm ở miệng cống và trong hệ thống mương thoát nước mặt thuộc mỏ của công ty này vẫn còn ướt.
Đồng thời, trong phạm vi mỏ thiếc của công ty này có hệ thống đường ống dẫn vào hang các tơ thông với một khe nước phía dưới, nơi Đoàn công tác phát hiện có bùn màu vàng sẫm…
Trước những thông tin này, được lãnh đạo huyện Quỳ Hợp chấp thuận, sáng ngày 5/7/2024, phóng viên Báo Nghệ An đã cùng cán bộ Phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp ngược lên mỏ của Công ty TNHH Thiếc Hà An.Theo quan sát tại hiện trường, do ngày 4/7/2024 vùng núi Lan Toong có mưa, những vết bùn ở miệng cống, mương thoát nước chảy tràn trong phạm vi mỏ đều đã nhạt. Thế nhưng, ở khe nước phía dưới mỏ thì vẫn còn rõ dấu bùn đất màu vàng. Ông Đinh Xuân Lực - quản lý mỏ của Công ty TNHH Thiếc Hà An xác nhận nước từ mỏ đã khiến bùn đất ở một số khe núi và suối Nậm Huống chuyển màu vàng. Nhưng ông này khẳng định, đấy là nước rỉ hầm lò, sở dĩ có màu vàng là vì nước mang theo gỉ sắt, không ảnh hưởng đến môi trường.
Là cán bộ trực tiếp kiểm tra ngày 2/7, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp Lê Sỹ Hào cho biết: Cung đường từ đoạn suối Nậm Huống có bùn màu vàng sẫm và có tình trạng cá chết lên đến mỏ của Công ty TNHH Thiếc Hà An rất dài.
Vì vậy, ông Hào đã chất vấn quản lý mỏ Đinh Xuân Lực: Thời tiết nắng nóng, nếu chỉ xử lý nước rỉ từ hầm lò thì làm sao đủ lượng nước làm thay đổi tất cả các khe trên núi và suối Nậm Huống? Ông Đinh Xuân Lực lúng túng, rồi trả lời: "Để tôi về suy nghĩ xem tại sao lại như thế. Tôi ghi nhận điều này để tìm hiểu thêm…".
Đến vị trí hang Các Tơ, nơi có một số đường ống từ mỏ của Công ty TNHH Thiếc Hà An dẫn vào. Ghi nhận có 2 đường ống cao su đường kính khoảng 120mm luồn sâu trong lòng hang, cửa hang có những lớp cửa sắt đang khóa chặt. Theo ông Đinh Xuân Lực, đây là những đường ống chuyển nước thải đã qua xử lý từ mỏ ra môi trường bên ngoài.
Đi theo hệ thống đường ống này ngược lên khu mỏ, thì dẫn đến hệ thống 5 bể chứa thải. Trong đó, có 3 bể chứa chung mặt bằng, 1 bể chứa nằm vị trí thấp, bể còn lại nằm chéo trên cao. Tại đây, được diễn giải 3 bể chứa chung mặt bằng là hệ thống lắng.
Nước bùn thải từ khu vực sản xuất chuyển ra sẽ được lắng lọc tại đây để sau đó tách phần bùn chuyển xuống bể ở vị trí thấp đem đi xử lý; còn nước sau khi xử lý sẽ bơm chuyển lên bể chứa ở vị trí cao, rồi theo hệ thống đường ống chuyển ra môi trường tự nhiên.
Tuy nhiên, qua quan sát thì hệ thống 3 bể lắng không có công năng như trình tự nêu trên. Nước bùn thải từ bể thứ nhất tràn tự nhiên qua vách ngăn sang bể lắng thứ 2 và cả bể lắng thứ 3. Ở bể lắng thứ 3, có gắn hệ thống máy bơm, ống hút còn vương bùn màu vàng. Lên kiểm tra bể chứa được cho là chứa nước thải đã qua xử lý, nhưng chỉ thấy chứa thứ nước bùn sệt màu vàng.
Ngay trên thành bể, có hệ thống 4 máy bơm gắn ống hút vương vãi dấu bùn vàng. 4 máy bơm đều có đấu nối với đường ống cao su đường kính khoảng 120mm, tương tự đường ống luồn vào hang các tơ…
Với thực tế này, quản lý mỏ Đinh Xuân Lực đã thay đổi ý kiến. Ông Lực nói rằng, hệ thống xử lý thải đang gặp vấn đề, hiện nay công ty đang phải thuê tư vấn xử lý; đồng thời, công nhận đã thực hiện xả thải khi nước thải chưa đảm bảo tiêu chuẩn pháp luật quy định ra môi trường.
Vào lúc 10h53’ ngày 5/7/2024, trước sự chứng kiến của ông Đinh Xuân Lực và ông Lê Sỹ Hào, chuyên viên Phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp Nguyễn Văn Linh đã lấy 3 mẫu tại bể chứa này (gồm mẫu nước mặt, mẫu nước bùn, và mẫu bùn) để làm căn cứ xác minh…
Báo Nghệ An sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.