Xã hội

Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực tạo cầu nối thúc đẩy tình đoàn kết Việt - Lào - Bài 2

Nhóm P.V 10/07/2024 11:04

Chương trình nhận con nuôi là các lưu học sinh Lào học tập tại Việt Nam được Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Nghệ An, Hội Hữu nghị Việt - Lào và Ban Liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự tỉnh Nghệ An thực hiện từ hơn 10 năm nay. Đây là một trong những hoạt động đối ngoại nhân dân mang ý nghĩa nhân văn, tạo cơ hội để lưu học sinh Lào rèn luyện tiếng Việt, góp phần nâng cao trình độ, kiến thức về mọi mặt.

over chinh
tit bai 2_

Chương trình nhận con nuôi là các lưu học sinh Lào học tập tại Việt Nam được Hội Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Nghệ An, Hội Hữu nghị Việt - Lào và Ban Liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự tỉnh Nghệ An thực hiện từ hơn 10 năm nay. Đây là một trong những hoạt động đối ngoại nhân dân mang ý nghĩa nhân văn, tạo cơ hội để lưu học sinh Lào rèn luyện tiếng Việt, góp phần nâng cao trình độ, kiến thức về mọi mặt.

Thắm thiết nghĩa tình bố con

Ông Phạm Ngọc Sơn – trú tại phường Quán Bàu (TP. Vinh), nay đã vào tuổi xưa nay hiếm, khi nhắc đến những lưu học sinh Lào mà mình nhận làm con nuôi, ánh mắt của người cựu chuyên gia quân tình nguyện Việt Nam tại Lào lại lấp lánh niềm vui. Những kỷ niệm dâng lên trong ông với niềm xúc động, tự hào, nhất là mạch hồi ức những ngày là chuyên gia quân tình nguyện Việt Nam công tác tại nước bạn, ông đã được nhân dân Lào yêu thương, đùm bọc.

Hội Hữu Nghị Việt Lào tỉnh Nghệ An phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Nghệ An tổ chức hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng cho Lưu học sinh Lào nhân dịp Tết cổ truyền của Việt Nam
Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Nghệ An phối hợp với Trường Đại học kinh tế Nghệ An tổ chức hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng cho lưu học sinh Lào nhân dịp Tết cổ truyền của Việt Nam.

“Nhiều trận ốm sốt, nhiều tình huống hiểm nguy khi làm nhiệm vụ, nếu không có sự chở che của người dân nước bạn, thì những chuyên gia, quân tình nguyện chúng tôi không có ngày hôm nay”, ông Sơn bộc bạch.

Bởi vậy, khi Hội Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Nghệ An, Hội Hữu nghị Việt – Lào tỉnh Nghệ An triển khai chương trình nhận con nuôi là các lưu học sinh Lào đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, ông Sơn lúc đó đang là Trưởng ban Liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự tỉnh Nghệ An đã hưởng ứng nhiệt tình, cùng lãnh đạo hiệp hội, hội kết nối với các trường có lưu học sinh Lào theo học, các khối phố xung quanh trường để tuyên truyền, vận động thực hiện hoạt động đối ngoại nhân dân mang ý nghĩa nhân văn này, nhận nhiều cháu lưu học sinh Lào làm con nuôi. “ Tôi và nhiều người khác đã đón nhận các cháu, coi các cháu như ruột thịt với tình cảm chân thành và chí nghĩa. Với riêng tôi, cảm thấy như cuộc đời đã giúp mình có cơ hội trả nợ ân tình đối với đất nước Lào thân thương”, ông Sơn bày tỏ.

Vợ mất sớm, bản thân ở cảnh "gà trống nuôi con", nhưng đến nay ông Sơn đã nhận hàng chục lưu học sinh Lào thuộc nhiều thế hệ làm con nuôi. Niềm vui của ông là thỉnh thoảng các con lại rủ nhau và rủ bạn bè cùng lớp, cùng trường đến nhà bố cùng sum vầy, nấu nướng, tổ chức ăn uống, giao lưu, nhất là vào các dịp lễ, tết. Các con nuôi người Lào đều hồn nhiên, tình cảm và rất ngoan. Không chỉ quan tâm đến việc học hành, sinh hoạt, mà những lúc các con gặp khó khăn như đau ốm, hỏng xe, hay tai nạn... ông Sơn đều có mặt kịp thời để hỗ trợ. Ông còn phối hợp tổ chức các chuyến xe đưa các con đi thăm nhiều khu di tích, danh thắng như Khu Di tích Kim Liên, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, đảo chè Thanh Chương, các nghĩa trang liệt sĩ… để các con hiểu hơn non nước, con người xứ Nghệ”.

Ông Sơn và người con nuôi là bác sỹ với tên gọi hằng ngày - Nọi
Ông Sơn và người con nuôi vừa tốt nghiệp Đại học Y khoa Vinh với tên gọi hằng ngày - Nọi. Ảnh: NVCC

Cũng bởi tình cảm chân thành đó mà có những lưu học sinh Lào về nước đã nhiều năm, nay đã trở bác sĩ, doanh nhân thành đạt, nhân viên ngân hàng hay giáo viên giỏi, nhưng lúc nào cũng nhớ về bố Sơn với tất cả những tình cảm trìu mến, trân trọng; như cô con gái nuôi người Lào mà ông Sơn thường gọi bằng cái tên thân mật là Nọi - cựu sinh viên Trường Đại học Y khoa Vinh, nay là một bác sĩ trẻ ở tỉnh Xiêng Khoảng.

Nọi có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ mất sớm, được chị nuôi ăn học, khi sang Nghệ An dù được nhận học bổng, nhưng Nọi gặp nhiều khó khăn trong việc trang trải các chi phí cuộc sống trong những năm học tập xa nhà. Biết được hoàn cảnh của Nọi, ông Sơn đã giúp đỡ cô bằng tình cảm của một người cha. Những lúc Nọi đau ốm hay gặp khó khăn ông Sơn đều kịp thời động viên cả vật chất lẫn tinh thần giúp cô sinh viên trẻ người Lào vượt qua. Khi chị gái của Nọi sang Việt Nam đã đến thăm, cứ ôm ông Sơn mà khóc, bày tỏ tình nghĩa này chị em cô sẽ khắc cốt ghi tâm không bao giờ quên.

Một cô con nuôi khác tên là Am Pi ở tỉnh Bôlykhămxay, từng học Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, nay là cán bộ chi nhánh Ngân hàng Viettel ở Lào, cũng có tình cảm sâu đậm với gia đình bố Sơn. Khi về nước, Am Pi vẫn thường xuyên gọi điện chia sẻ mọi buồn vui với ông Sơn. Ngày Am Pi kết hôn, ông Sơn đã sang Lào dự đám cưới với tình cảm của người cha có con gái được gả chồng. Ông mang theo đủ thứ quà biển nào ốc hương, mực khô, nước mắm sang cho gia đình con gái, còn chu đáo chuẩn bị món quà hồi môn tặng con gái về nhà chồng. Sự hiện diện của ông là một niềm hạnh phúc lớn đối với Am Pi và gia đình. Sau lễ cưới, con gái nuôi và người thân đã đưa ông Sơn đi thăm khắp đất nước Lào. Thời điểm nghe tin ông Sơn gặp tai nạn ở Việt Nam, bị thương nặng ở chân, cả gia đình Am Pi đã tổ chức đoàn gần 20 người sang Nghệ An để thăm hỏi.

Mỗi dịp có điều kiện quay lại Việt Nam, các con nuôi của ông Sơn đều mang theo những sản vật quê nhà để biếu bố, lúc cân thịt, khi bao nếp nương, có em còn mang cả cây me từ nước Lào về trồng trước nhà bố Sơn để làm kỷ niệm. Cây me ấy bây giờ đã cao lớn, tỏa bóng râm mát, là chứng nhân cho tình cảm trân quý, nặng lòng tri ân của những người con đến từ đất nước hoa Chăm Pa đối với người bố nuôi như ông Sơn- người đã cho họ một gia đình ấm áp, một quê hương thứ hai để “dẫu rời xa vẫn luôn nhớ về”...

Cả chi hội phụ nữ nhận con nuôi người Lào

Chương trình “Nhận con nuôi người Lào", “Kết nghĩa, giao lưu hữu nghị” tại Nghệ An đã lan tỏa tới nhiều khối phố, nhiều gia đình xung quanh các trường có lưu học sinh Lào theo học như: Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh, Trường Đại học Y khoa Vinh, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An...

Điển hình có Chi hội Phụ nữ khối Trung Hưng, phường Hưng Dũng (TP. Vinh) đã tổ chức kết nghĩa, nhận con nuôi người Lào học tại Trường Đại học Y khoa Vinh. Bà Hoàng Thị Nga - nguyên là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khối Trung Hưng cho biết: Từ chương trình đối ngoại nhân dân, hợp tác quốc tế do các cấp hội phụ nữ phát động, tháng 7/2020, Chi hội Phụ nữ khối Trung Hưng đã tổ chức lễ kết nghĩa với sinh viên Lào tại Trường Đại học Y khoa Vinh đứng chân trên địa bàn phường, với mong muốn hỗ trợ các em về mặt tinh thần, tình cảm, giúp đỡ các em làm quen với phong tục, tập quán Việt Nam để các em yên tâm học tập. Qua đó, góp phần tăng cường và phát triển hơn nữa mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam- Lào".

những ông bố bà mẹ Việt 00005
Bà Nga cùng các con nuôi người Lào. Ảnh: NVCC

“Thời điểm đó, Trường Đại học Y khoa Vinh có 122 lưu học sinh Lào. Ngay sau lễ kết nghĩa tháng 9/2020, hoạt động nhận con nuôi bắt đầu được triển khai, chia làm 3 giai đoạn. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nên khối chỉ tổ chức được đợt 1, có 13 gia đình trong khối, bao gồm cả gia đình cán bộ khối tình nguyện nhận 42 con nuôi, trong đó, gia đình tôi nhận 4 em. Tôi coi các cháu như con mình, thường kêu các con qua nhà ăn cơm, chỉ bảo cho các con những điều hay, lẽ phải và có mặt bất cứ lúc nào các con cần ”, bà Nga chia sẻ.

Trong số các con nuôi, bà Nga thương nhất là Phommalath PhoneKeo (SN 1994), ở tỉnh Xiêng Khoảng, học Khoa Bác sĩ Đa khoa, Trường Đại học Y khoa Vinh). Cô bé Phommalath PhoneKeo gầy yếu có tên Việt Nam rất dễ thương là Thảo Tiên. Cuộc sống gia đình PhoneKeo rất khó khăn khi mẹ em bị bệnh tim nặng. Tuy nhiên, em vẫn quyết tâm chọn Việt Nam để du học và nỗ lực thi để có học bổng. Thời điểm PhoneKeo học ở Nghệ An, bệnh mẹ em trở nặng nên được đưa sang Việt Nam điều trị, nhưng sau đó lại không thể về nước do dịch bệnh. Biết được hoàn cảnh của Phonekeo, bà Nga thương con lắm, bà đã bàn bạc cùng chi hội tìm cách giúp đỡ em. Những ngày tháng đó, việc thăm nom, đảm bảo lương thực, nhu yếu phẩm cho cả hai mẹ con PhoneKeo được bà Nga sắp xếp, lo liệu chu đáo.

bna_2da59836880a2a54731b.jpg
Những cái Tết ấm tình hữu nghị Việt - Lào.

Đến năm 2022, PhoneKeo tốt nghiệp về nước, là bác sĩ thẩm mỹ làm việc ở Thủ đô Viêng Chăn. Tới nay, hai mẹ con bà Nga vẫn liên lạc thường xuyên với nhau qua mạng xã hội. Trò chuyện với chúng tôi qua video call, PhoneKeo bày tỏ lòng biết ơn mẹ Nga - người mẹ Việt Nam đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho em trong những ngày tháng khó khăn nhất. “Mẹ Nga mãi là người mẹ thứ hai, là mái nhà ấm áp của em ở Nghệ An, nơi mà em đã gắn bó 5-6 năm trời”, PhoneKeo bày tỏ.

Còn chàng trai Lào Mainouansy Amphone đến từ tỉnh Xiêng Khoảng thổ lộ: “Em là con thứ 2 trong gia đình có 4 anh chị em, bố mẹ là nông dân ở Lào. Sang Việt Nam học được mẹ Nga nhận làm con nuôi em rất vui, gia đình mẹ coi em như con cái trong nhà, trao cho em những tình cảm ấm áp và giúp đỡ em rất nhiều”. Ngày chụp ảnh kỷ yếu tốt nghiệp mới đây, Amphone đã ngỏ ý mời mẹ Nga và gia đình đến chụp ảnh cùng mình và bày tỏ mong muốn ngày nhận bằng tốt nghiệp sắp tới ở Trường Đại học Y khoa Vinh thì mẹ Nga, người mẹ thứ hai của em ở Việt Nam có mặt để chung vui. Hiện chàng trai sinh năm 1998 ấy đang có chuyện tình đẹp bên cô gái quê Nghệ An, nên đang rất mong sẽ tìm được công việc phù hợp, gắn bó lâu dài ở Việt Nam...

những ông bố bà mẹ Việt 00002

Tại khối Trung Hưng, ngoài bà Nga mà còn có 12 gia đình khác nhận con nuôi là lưu học sinh người Lào, trung bình mỗi hộ nhận khoảng 3-4 em. Các bố, mẹ nuôi đã thực sự yêu thương và trao cho các con không khí gia đình ấm áp. Mỗi dịp tết cổ truyền ở Việt Nam, bố mẹ nuôi mời các con về nhà, dạy các con gói bánh chưng, chế biến các món ăn truyền thống ở Việt Nam. Mỗi dịp tết Lào, các con cũng tổ chức chung vui với gia đình bố mẹ nuôi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao với người dân trong khối thật vui vẻ, đầm ấm.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Vân, cũng ở khối Trung Hưng, cả hai vợ chồng đều là hội viên hội cựu chiến binh, từng chiến đấu bảo vệ đất nước Lào đã nhận cậu sinh viên y khoa Khăm Lar làm con nuôi và yêu thương, chăm sóc như ruột thịt. Khăm Lar cũng coi gia đình bố mẹ nuôi như mái ấm thứ hai của mình. Khi bố nuôi là thương binh tái phát vết thương; phải đi điều trị cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 4, các con ruột chưa kịp về, Khăm Lar đã báo cáo trường lớp xin được đến bệnh viện chăm sóc bố nuôi của mình. Ngày Khăm Lar tốt nghiệp ra trường, bà Vân đã thay mặt gia đình dự lễ tốt nghiệp của con nuôi. Hai mẹ con ôm nhau xúc động, tự hào…

những ông bố bà mẹ Việt 00007
những ông bố bà mẹ Việt 00003

Trong đợt cao điểm chống dịch Covid-19, có nhiều em sinh viên Lào tại Trường Đại học Y khoa Vinh gặp khó khăn, do không nhận được hỗ trợ từ gia đình. Các bố mẹ nuôi và Chi hội Phụ nữ khối Trung Hưng đã quyên góp, vận động hội viên phụ nữ hỗ trợ trực tiếp gạo, rau, củ, quả và các nhu yếu phẩm khác cho các con trong lúc khó khăn.

Chị Hồ Thị Kim Cúc - Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khối Trung Hưng cho biết: 42 lưu học sinh Lào được các gia đình nhận nuôi trên địa bàn, nay đã hơn một nửa các cháu tốt nghiệp ra trường, nhưng vẫn giữ liên lạc thường xuyên với bố mẹ nuôi. Các con còn đưa cả gia đình sang thăm Việt Nam và mời bố mẹ nuôi sang nước thăm đất nước Lào. Mỗi khi có sự kiện trọng đại hay niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, các con đều kết nối điện thoại với bố mẹ nuôi ở Việt Nam để được chia sẻ. Bấy nhiêu những tình cảm ân tình đó đã cho thấy một bức tranh đẹp về tình hữu nghị Việt- Lào bền chặt, thủy chung.

Nhóm P.V