Pháp luật

Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm 2024

Khánh Ly 10/07/2024 11:54

Sáng 10/7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, với sự tham gia của 63 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

10724-so-ket-4-(1).jpeg
Đồng chí Lê Thành Long - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Nguyễn Khánh Ngọc, Trần Tiến Dũng chủ trì hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực

6 tháng đầu năm 2024, ngành Tư pháp đã bám sát các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện kịp thời, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ đề ra.

Nổi bật là: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được các bộ, ngành chú trọng triển khai quyết liệt. Nhiều dự án, dự thảo Văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của ngành được Quốc hội thông qua, được Chính phủ ban hành.

2-1-(1).jpg
Điểm cầu Nghệ An do các đồng chí: Phạm Quốc Nam - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Nguyễn Công Hoan - Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và lãnh đạo Phòng Tư pháp một số huyện, thành, thị. Ảnh: KL

Công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ, góp phần đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật; thể chế trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý Nhà nước và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra, nhất là việc số hóa hộ tịch. Tính đến nay, số sổ hộ tịch đã được số hóa là 2.524.892 với 60 triệu dữ liệu, trong đó đã cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử trên 50 triệu dữ liệu.

Việc thực hiện liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính gồm đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí được triển khai đồng bộ.

nghe-an-la-1-trong-3-dia-phuong-co-so-luong-yeu-cau-cap-phieu-ly-lich-tu-phap-lon-nhat-ca-nuoc.-anh-thanh-quynh(1).jpeg
Nghệ An là 1 trong 3 địa phương có số lượng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp lớn nhất cả nước. Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh

Đối với ngành Tư pháp Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã hoàn thành đảm bảo chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ đề ra, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Cải cách thể chế; Tham gia xây dựng nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Triển khai Đề án 06/CP; Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp… Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá tài sản tiếp tục được nâng cao.

img_1973(1).jpg
Đại diện các sở, ban, ngành tham gia hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: KL

Công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp tiếp tục được đảm bảo về thời gian, chất lượng. Đặc biệt, ngành Tư pháp Nghệ An đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo, điều hành và công tác chuyên môn.

Từ năm 2022 đến nay, ngành Tư pháp Nghệ An luôn đứng top đầu các ngành có tỷ lệ trực tuyến cao của tỉnh.

Riêng 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã đăng ký hộ tịch trực tuyến 81.452/85.961 trường hợp (đạt tỷ lệ 94,75%, vượt 24,75% so với chỉ tiêu UBND tỉnh đề ra), tăng 11,08% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó đăng ký trực tuyến 3 nhóm dịch vụ công thiết yếu khai sinh, khai tử, kết hôn là 13.796/14.232 trường hợp (đạt tỷ lệ 96,93%, vượt 26,93% chỉ tiêu của UBND tỉnh).

Công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp tiếp tục được thực hiện tốt, toàn tỉnh đã tiếp nhận 31.025 hồ sơ (giảm 17,78 % so với cùng kỳ năm 2023), đã xử lý 30.112 hồ sơ. Trong đó, có 17.074 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến (chiếm tỷ lệ 55,03%; tăng 30,57% so với cùng kỳ năm 2023).

Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để; việc triển khai một số nhiệm vụ còn chậm; kết quả thi hành án dân sự chưa đạt được như kỳ vọng; việc hướng dẫn nghiệp vụ trong một số lĩnh vực chưa kịp thời; vẫn còn xảy ra vi phạm trong hoạt động luật sư, công chứng...

“Chỉ bàn làm, không bàn lùi”

Ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đã đạt được của ngành Tư pháp trong 6 tháng đầu năm 2024; Phó Thủ tướng Chính Phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long yêu cầu ngành Tư Pháp tiếp tục thực hiện tốt 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 130 nhóm nhiệm vụ cụ thể trên các lĩnh vực với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.

Phó Thủ tướng Chính Phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp
Đồng chí Lê Thành Long - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: moj.gov.vn

Trong đó tập trung thực hiện nghiêm Quy định số 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; các quy định pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch chuyển đổi số ngành Tư pháp giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

uploaded-nguyensonbna-2023_01_27-_bna-lam-tt-5185.jpg
Người dân làm thủ tục hành chính ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu: Nguyên Nguyên

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bồi thường nhà nước; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; đăng ký biện pháp bảo đảm; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp trên cơ sở bám sát định hướng, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ trọng tâm công tác của Bộ, ngành Tư pháp; tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đa phương; thực hiện tốt quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, nhất là các hoạt động hợp tác trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng đề nghị bộ, ngành, địa phương chú trọng, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tư pháp, pháp luật có trình độ, chuyên môn tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, nhất là các đề án, chương trình đã được Chính phủ phê duyệt./.

Khánh Ly